Pages

Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2014

NON NƯỚC TAN TÀNH HỆ BỞI ĐÂU?

Minh Diện


Nhà thơ cựu chiến binh Lê Văn thắp ba nén nhang trước bàn thờ Tiến sỹ Phan Thanh Giản và xúc động  đọc  tám  câu thơ của cụ Nguyễn Đình Chiểu khóc cụ Phan. Giọng nhà thơ Lê Văn  cất lên rất  hào sảng,  nhưng nghe  đắng cay day dứt  cồn cào  như tiếng réo của dòng  sông Ba Rài hun hút chảy  giữa chiều tím ngắt :

                                        Non nước tan tành hệ bởi đâu?
                                        Dàu dàu mây trắng cõi Ngao Châu,
                                        Ba triều công cán vài hàng sớ
                                        Sáu tình cương  thường một gót thâu!
                                        Trạm Bắc ngày chiều, tin nhạn vắng,
                                        Thành Nam đêm quạnh tiếng quyên sầu.
                                         Minh tình chín chữ lòng son tạc,
                                        Trời đất từ đây mặc gió thu!

Khói  nhang  nghi ngút  lan tỏa  trên khuôn mặt khắc khổ với  vừng tán rộng, đôi lưỡng quyền nhô cao, hai má hóp, cặp mắt trũng sâu  chứa đựng  dằn vặt ưu tư  của  Kinh lược sứ.  Tôi bỗng cảm thấy như   tiếng cụ hòa trong tiếng sóng,tiếng  gió từ ngày xưa vọng về : “ Hỡi các quan và lê dân! Các người có thể sống dưới sự điều khiển của người Phú-lang-sa.  Những người này chỉ đáng lo lúc chiến tranh mà thôi. Nhưng lá cờ ba sắc không thể bay phấp phới trên một thành lũy mà nơi ấy Phan Thanh Giản còn sống!”

Đó chính là lời trăn trối của Phan Thanh Giản gửi hai quan Tổng đốc miền Tây và đồng bào Nam bộ  trước khi cụ uống chén  thuốc  độc tự tử  vào tờ mờ sáng ngày 5 tháng 7 năm Đinh Mão 1867 ,  sau 17 ngày tuyệt thực vì không thể giữ được thành Vĩnh Long trước quân Pháp.

             Bi kịch ấy  bắt đầu từ năm 1858 , khi liên quân Pháp -Tây Ban Nha đổ bộ  vào cửa biển Đà Nẵng . Quan trấn thủ Đà Nẵng án binh bất động, sau đó quân  triều đình nhà Nguyễn dưới sự chỉ huy của Nguyễn Tri Phương   ngoan cường chiến đấu, nhưng thế giặc quá mạnh, vua Tự Đức lại  bạc nhược nghe lời xúi giục của bọn  quan tham chủ hòa hơn chủ chiến, để mất lòng dân ,  nên  quân Pháp   đánh bại  đồn Kỳ hòa  rồi  lần lượt chiếm các tỉnh miền Đông Nam Bộ.

               Phan Thanh Giản  với vai trò là Chánh sứ và Lâm Duy Hiệp là Phó sứ , được cử đi điều đình với Pháp , và đại diện cho triều đình  ký  Hiệp  ước năm Nhâm tuất 1862 tại Sài Gòn.   Theo bản Hiệp ước  đó ,  nhà Nguyễn phải giao cho Pháp  ba tỉnh  Biên Hòa, Gia Định, Định Tường và Côn Đảo , và phải   bồi thường cho Pháp  4 triệu piastre , đổi lại , Pháp sẽ trả lại tỉnh Vĩnh Long cho triều đình.

                  Dù bản Hiệp ước hoàn toàn bất lợi cho Việt Nam , nhưng Pháp vẫn  chưa thỏa mãn,  lật lọng,  mang quân đánh chiếm Vĩnh Long-An Giang- Hà Tiên. Triều đình càng  bạc nhược, cố  bám vứu vào bản  Hiệp ước Nhâm Tuất.  Vua Tự Đức chỉ dụ “ Đem sao 12 điều ước cũ  đưa đi treo, để hiểu bảo cho sĩ dân đều biết, khiến đều yên ổn làm ăn!”  Triều đình còn  hèn nhát  nghe  theo  Pháp ,  ra chỉ dụ hưu binh,  ép  Trương Định giải tán lực lượng chống Pháp và  ra lệnh  cho  các cấp chính quyền bắt giam  những  người  hoạt động chống Pháp , cả những người  chứa chấp họ  như kẻ phạm tội.

                    Trong  tình thế như vậy, quan kinh lược Phan Thanh Giản  bị  giằng xé giữa đức  trung quân, lòng ái quốc và ý chí bất khuất của bậc trí giả.   Cụ không thể  trái ý vua , nhưng không cam tâm nhìn thấy  cờ  giặc phấp phới bay trên thành lũy của mình.   Cuối cùng cụ đành phải  dâng thành cho Pháp theo ý vua, giúp dân thoát cảnh binh đao , chọn cho mình cái chết để giữ  khí tiết. Phan Thanh Giản dũng cảm nhận trách nhiệm về mình khi viết sớ tâu với vua Tự Đức : “ Nghĩ tội đáng chết, không dám sống cẩu thả để cái nhục cho quân phụ!”
                   Nhà thơ yêu nước  Nguyễn Đình Chiểu ca ngợi Phan Thanh Giản : “ Phan học sỹ hết lòng mưu quốc!” , “Minh tinh chín chữ lòng son tạc!”  và viết những câu thơ đầy bi tráng tỏ lòng thông cảm với cụ.

                  Xuất thân từ tầng lớp dân nghèo nhưng  Phan Thanh Giản  có lòng hiếu thảo, hiếu học , tinh thần siêng năng cần mẫn và trí thông minh .  Phẩm giá con người và sự thành đạt của Phan Thanh Giản là niềm tự hào của  dân Nam Kỳ lục tỉnh.  Cụ  đậu cử nhân năm 1825, đậu Đệ tam giáp đồng tiến sỹ  năm 1826 và  là Tiến sỹ khai khoa ở Nam Bộ .  Cụ từng giữ nhiều chức  vụ quan trọng suốt  ba triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức , như Lang Trung Bộ hình, Đại lý cơ mật viện, Chánh chủ khảo trường thị Hà Nội,  Hình bộ thượng thư, Quốc tử giám vụ, Kinh lược sứ  v.v .   Con đường hoạn lộ của  Phan Thanh Giản khúc khuỷu thăng trầm, năm lần bị bãi chức rồi phục chức ,  bất kỳ hoàn cảnh nào , cương vị nào  tấm lòng  yêu nước, thương dân, tính tình ngay thẳng của cụ cũng không  lay chuyển.   Phan Thanh Giản  từng khuyên vua “ Quan tốt thì  dân yên”, “ Chỉnh đốn thói quen cũa sỹ phu đề chữa bệnh đau khổ cho dân”, “Nuôi dân chăm cày cấy, dân   yên , binh giỏi như nguồn nước chảy mãi không hết!”

                 Phan Thanh Giản  xứng đáng với bốn chữ khắc trên khánh vàng vua ban : “ Liêm-Bình-Cẩn-Cán!” (Liêm chính, công bằng, cẩn thận, siêng năng). Cụ còn   là một nhà thơ , nhà văn, nhà nghiên cứu  với  những  tác phẩm nổi tiếng  như  Lương khê thi thảo, Lương văn thi thảo, Sứ thanh thi tập, Việt sử thông giám cương mục v.v .

                 Một con người đại trí , đại nhân, đại dũng  như vậy, nhưng  cụ Phan Thanh Giản sẵn sàng nhận nỗi quốc  nhục về mình,  không tham sống , không màng bia đá bảng vàng,  trước khi chết cụ dặn  con  cháu  chỉ đề hàng chữ : “ Nam kỳ hài nhai lão thơ sanh Phan công chi mộ!” trên mộ chí.

                 Vua Tự Đức và  quan lại  triều  Nguyễn  đã trút hết  trách nhiệm để mất ba tỉnh miền Đông, miền Tây  lên  đầu Phan Thanh Giản: “Nghị hòa là thất cơ, lỗi ấy do hai viên kia! (tức Phan Thanh Giản, Lâm Duy Hiệp). Câu “Phan, Lâm mãi quốc…” từ đó mà lưu truyền  từ Nam ra Bắc, khắc tội cụ Phan vào tấm bia miệng  trong dân gian.

                 Năm 1886 vua Đồng Khánh đã xét lại công tội cụ Phan Thanh Giản, ra chiếu“Khai phục nguyên hàm”,  khắc lại tên cụ trong bia tiến sỹ ở Văn Miếu Huế (Văn Thánh Miếu). Trước đó dưới  chân núi Ba Thê, Thoại Sơn (An Giang) dân đã lập  đền thờ Phan Thanh Giản, và ở xã Trương Bình Hiệp, Bình Dương  dân thờ cụ trong đình làng ngay từ khi cụ mất.  Năm  1924 vua  Khải Định  ký sắc phong  Phan Thanh Giản là : “Đoan  túc dực bảo trung hưng tôn thần” và chuẩn cho phụng thờ cụ để “ giúp đỡ  và che chở cho dân đen ta”.

                 Năm 1963,trong một cuộc hội thảo ở Hà Nội, Viện trưởng Viện sử học Trần Huy Liệu vẫn  kết luận Phan Thanh Giản là kẻ bán nước, đóng  đinh số phận  cụ  vào cùng bọn Lê Chiêu Thống, Trần Ích Tắc.

                Ngày Sài Gòn giải phóng, con đường mang tên  Phan Thanh  Giản  từ ngã sáu ra  Hàng Xanh  lập tức  đổi thành đường  Điện Biên Phủ.  Ở  thành phố  Cần Thơ , ủy ban quân quản ra lệnh phá sập bức tượng Phan Thanh Giản trong một ngôi trường mang tên cụ, có người  quá khích mang hình cụ dán vào gốc cây dùng súng AK bắn nát tim.

                Mãi hơn 30 năm sau,  một cuộc hội thảo về Phan Thanh Giản được tổ chức quy mô  ở thành phố Hồ Chí Minh, đánh giá lại toàn bộ cuộc đời cụ , được nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhiệt liệt hoan nghênh , và  năm  2008, tỉnh Bến Tre đã lập đền thờ  và  dựng tượng  Phan Thanh  Giản,  để  hôm nay chúng tôi được  kính cẩn thắp nén nhang thơm tưởng niệm…

                Nhẽ ra phải vui vì được chiêm ngưỡng  bức tượng  Phan Thanh Giản trong ngôi đền thờ trang nghiêm như sự minh chứng của lịch sử, nhưng trước hương linh cụ  lòng chúng tôi bỗng nặng trĩu khi nhắc  đến huyện đảo  Hoàng Sa  giàu đẹp và một phần quần đảo  Trường Sa đã rơi vào tay Trung Quốc. Nhà thơ Lê Văn bảo: “ Cái công hàm ông Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký  gửi cho Trung Quốc năm 1958   na ná cái Hiệp ước Nhâm Tuất 1862 cụ Phan Thanh Giản ký với Pháp.  Cả hai đều để mất đất của tổ tiên. Nhưng cụ Phan bị ép đến  đường cùng ,  còn ông Phạm Văn Đồng  thì trên  tinh thần đồng chí hữu nghị!”.

               Chúng tôi tự hỏi, hành  động  Trung Quốc đem quân cưỡng chiếm Hoàng Sa 1974, Gạc Ma  1988, và xâm lược biên giới phía Bắc  nước  ta năm 1979  có kém  gì thực dân Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Bộ 1862 và Miển Tây  Nam Bộ năm 1867?  Sự  cả tin,  nhún nhường  đến bạc nhược  trước Trung Quốc  và cách hành xử với người dân yêu nước của một số quan chức bây giờ  có thua gỉ vua  quan thời Tự Đức ?

               Hình như lịch sử lắt léo đang muốn lặp lại. Có điều  ngày xưa trước bi kịch của đất nước,  cụ Phan Thanh Giản đã  khảng khái: “Những lá cờ ba sắc không thể  bay phấp phới  trên một  thành lũy nào mà nơi ấy Phan Thanh Giản còn sống!”,  thì bây giờ có  kẻ hân hoan nhìn những lá cờ năm sao bay phấp phới trên đất của cha ông ta. Ôi “Non nước tan tành hệ bởi đâu?”

    M D

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét