Pages

Thứ Năm, 13 tháng 2, 2014

Tại sao tự do Internet quan trọng

Giám đốc Đài Á châu Tự do (RFA) Libby Liu đã có cuộc nói chuyện với BBC về tiềm năng của tự do Internet tại Việt Nam.
Bà Liu đã có mặt tại Geneva trong tuần diễn ra cuộc kiểm điểm nhân quyền UPR bốn năm một lần của Việt Nam ở Liên Hiệp Quốc trong tư cách người đứng đầu phong trào kêu gọi tự do Internet.
Bà nói với BBC hôm 4/2, một ngày trước phiên UPR:
"Tại Việt Nam, người dân Việt Nam là những người thuộc diện sáng tạo nhất và sử dụng kỹ thuật vượt rào Internet nhiều nhất. Họ tự học những điều này. Dĩ nhiên đây là phản ứng trước việc chính quyền kiểm duyệt Internet, kiểm soát và trừng phạt những người thực hiện tự do ngôn luận trên Internet.

"Điều quan trọng đối với Việt Nam là đây là quốc gia mang tính đột phá trong việc sử dụng Internet để lập xã hội dân sự vốn có thể chuyển thành dạng thực từ dạng ảo."
Bà Liu cũng nói chính quyền Việt Nam theo dõi sát các hoạt động trên không gian mạng của công dân và sẵn sàng can thiệp.
"Tự do ngôn luận trực tuyến đã dẫn tới nhiều vụ bắt bớ, tù đày và trừng phạt từ chính quyền Việt Nam.
"Họ theo dõi, giám sát và trả đũa những người phát biểu trên mạng. Chúng ta có thể thấy hiệu quả của cộng đồng mạng thể hiện qua những biểu tình phản kháng ngoài đời thực. Trong nhiều trường hợp chính quyền đã thành công khi theo dõi và ngăn cản những cuộc tụ họp.
"Chúng ta biết có một người đã bị chặn khi muốn rời Việt Nam tham gia hội thảo nhân quyền. Nhà cầm quyền thực sự coi trọng thế giới mạng vì nó có nguy cơ mang thông tin ra ngoài biên giới Việt Nam."

'Nhân quyền xấu đi'

Trong khi chính quyền Việt Nam khẳng định tình hình nhân quyền được cải thiện và một trong những minh chứng là số người dùng Internet tăng từ 20 triệu hồi năm 2008 lên tới hơn 30 triệu vào cuối năm 2012, bà Liu có quan điểm ngược lại.
"Tôi nghĩ sẽ khó tìm ra được ai nói rằng nhân quyền Việt Nam đã cải thiện. Sự đồng thuận chung là tình hình nhân quyền ở Việt Nam đã xấu đi," bà Liu nói.
Khi được hỏi các nhân viên của RFA là các phóng viên hay những nhà hoạt động, bà nói:
"Sứ mạng của Đài Á châu Tự do là cung cấp cho người dân những thông tin mà chính quyền ém nhẹm đi.
"Chúng tôi cũng có sứ mạng tạo điều kiện cho người Việt Nam tham gia vào tự do biểu đạt và chia sẻ quan điểm theo Điều 19.
"Chúng tôi lấp đi khoảng trống và cung cấp thông tin nội địa cho người sở tại mà lại không có thông tin nội địa."
Bà nói riêng chuyện Hà Nội cố gắng ngăn chặn các thông tin của RFA cho thấy Việt Nam muốn "ngăn dòng chảy tự do của thông tin."
Bà nói nếu bà có dịp nói chuyện với Hà Nội bà sẽ nói "nếu quý vị đưa những tin tức đó [mà RFA đưa tin] thì chúng tôi sẽ không phải đưa nữa."
Những người ủng hộ chính quyền Bấmlại nói "phần lớn các chương trình phát thanh của RFA hoàn toàn tập trung vào mục tiêu gây bất ổn định cho Việt Nam."
Và mặc dù bị chặn nhưng bà Liu cho biết thông tin của RFA vẫn tới được người dùng ở Việt Nam.
"Người dân Việt Nam vô cùng sáng tạo và sành sỏi trong việc vượt qua được những ngăn cản của chính quyền trên Internet.
"Theo định kỳ RFA thường tới các nơi tán gẫu trên mạng và blog ở Việt Nam để xem họ có đề cập tới thông tin mà chúng tôi đưa không và thực tế là có.
"Hơn nữa tôi thấy có nhiều phản ứng từ chính quyền với những thông tin mà chúng tôi nêu và chúng tôi biết chính quyền cũng nghe tin. Nếu họ không nghe thì họ đã không cố chặn chúng tôi."

Quyền của động vật

Bà Liu cũng nói ngoài việc quản lý RFA bà cũng có những thú vui ngoài công việc.
Đó là vui chơi cùng cô con gái 16 tuổi, tham gia bảo vệ quyền của động vật và làm đồ trang sức tặng bạn bè.
"Tôi rất say mê với quyền của động vật.
"Tôi dành nhiều thời gian để bảo vệ động vật và tìm bạn bè để cùng bảo vệ chúng.
"Còn cách để tôi giảm căng thẳng là làm đồ trang sức.
"Tôi thường thức đến ba giờ sáng để làm và trong một tuần qua tôi đã làm 20 đôi hoa tai.
"Tôi tặng cho tất cả các bạn tôi và khi không còn ai để tặng nữa tôi bắt đầu hỏi họ xem con gái của họ thích gì, họ có em gái không hoặc mẹ của họ có thích đồ trang sức không."

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét