Pages

Thứ Năm, 20 tháng 2, 2014

Tướng Ngọ chết vẫn chưa hết chuyện

Mới ngày 17-2-2014, trả lời báo Người Lao động, ông Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết, đã có ý kiến đề xuất đình chỉ công tác đối với Thứ trưởng Bộ công an Phạm Qúy Ngọ để điều tra, làm rõ những nội dung tố cáo của Dương Chí Dũng, nguyên Cục trưởng Cục hàng hải Việt Nam, tại phiên tòa xét xử Dương Tự Trọng và đồng bọn “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”.

Và theo đài BBC thì đã có quyết định khởi tố bị can đối với Phạm Qúy Ngọ. Cứ tưởng câu chuyện về vị thượng tướng Ủy viên Trung ương Đảng. Thứ trưởng Bộ Công an này đến hồi gay cấn. Đùng một cai sáng 19-2, tờ báo PtroTimes đưa tin Phạm Qúy Ngọ đã chết lúc 16 giờ chiều 18, sau cải chính lại 21h 20 phút giờ cùng ngày.

Cái chết đột ngột của tướng Ngọ khiến mọi người xửng sốt, đặt nhiều dấu hỏi, và vì thế, đối với Phạm Qúy Ngọ chết chưa hết chuyện.

Ai cũng biết vụ án Vinalines là vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Nó không chỉ gây thất thoát khối tài sản rất lớn mà còn làm ảnh hưởng đến uy tín chính trị của đảng và chính phủ. Vì vậy Thủ tướng phải trực tiếp chỉ đạo, và người được giao nhiệm vụ Trưởng ban chuyên án không phải một sỹ quan bình thường mà là một trung tướng , ủy viên trung ương đảng , tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống tội phạm. Là một cán bộ lãnh đạo đang giữ trọng trách cao như thế, một người được coi là tài năng và rất dày dạn kinh nghiệm đánh án , nhẽ ra Phạm Qúy Ngọ không được để ra bất kỷ sai sót nào. Nhưng đằng này , khi Thủ tướng vừa ra quyết định khởi tố và ra lệnh bắt Dương Chí Dũng chiều hôm trước thì sáng hôm sau Dương Chí Dũng đã xa chạy cao bay.

Có thể nói đây là một trận đánh bị thất bại ngay từ đầu vì lộ bí mật để tướng giặc thoát khỏi vòng vây. Phương án tác chiến ra sao? Kế hoạch điều nghiên thế nào? Lực lượng mai phục, mật phục cài cắm ở những đâu ? Tại sao lại để lộ bí mật để đối tượng chạy trốn? Tất cả những câu hỏi ấy đều phải trả lời , phải mổ xẻ từng mắt xích trong ban chuyên án, và vô luận , dù sai sót ở khâu nào, thì trách nhiệm trước hết thuộc người chỉ huy trận đánh. Trong chiến đấu nhẹ thì kỷ luật, nặng phải ra tòa án binh. Nhớ lại chuyện xảy ra hơn nửa thế kỷ trước, khi được giao điều tra vụ án Trần Dụ Châu , tướng Trần Tử Bình đã nói với đại tá Phạm Trịnh Căn : “ Vụ này, nếu để lộ, Trần Dụ Châu mà dinh tê vào thành, thì tôi và anh mất đầu!”

Vụ án Vinalines để lộ bí mật , Dương Chí Dũng trốn ra nước ngoài ,đó là một nghiêm trọng. Nhưng Trưởng ban chuyên án Phạm Qúy Ngọ chẳng những không bị trị tội mà còn được thưởng công. Dương Chí Dũng bỏ trốn ngày 18-5 -2013 thì gần hai tháng sau, ngày 22-7-2013 , Phạm Qúy Ngọ được Chủ tịch nước phong hàm thượng tướng . Đó là một nghịch lý khó tưởng tượng.

Dương Chí Dũng được những sỹ quan công an và bọn xã hội đen do đại tá Dương Tự Trọng cầm đầu , tổ chức cho trốn ra nước ngoài theo một kế hoạch rất bài bản, không hề vấp phải bất kỳ sự truy đuổi nào của công an . Y chỉ bị bắt khi cảnh sát Hoa kỳ không cho nhập cảnh phải quay trở lại Campuchia . Ấy thế mà lại ca ngợi Trưởng ban chuyên án Phạm Qúy Ngọ là đã “ đề xuất các biện pháp nghiệp vụ đặc biệt để giám sát Dương Chí Dũng , đàm bảo nhất cử nhất động của Dũng đều được biết” ( Đỗ Toàn –Nguyễn Tấn Dũng org)

Một ngày trước khi Dương Chí Dũng cùng 9 bị cáo phải ra trước vành móng ngựa trong vụ án Vinalines, đám cưới của con trai thứ trưởng Phạm Qúy Ngọ được tổ chức tại khách sạn 5 sao JM Marriot sang trọng bậc nhất Hà Nội. Đó là một đám cưới được mô tả “sự xa hoa tột cùng của giai cấp quý tộc đỏ”. Nhưng quan sát kỹ thấy khuôn mặt Phạm Qúy Ngọ lại “lộ rõ sự lo âu rẩu rĩ”.

Tại sao lại ông Ngọ lại mang bộ mặt ấy trong giờ phút đại hỷ?

Từ giám đốc công an tỉnh Thái Bình không mấy tiếng tăm, Phạm Qúy Ngọ được điều ra Hà Nội làm phó tổng cục cảnh sát vào tháng 2 năm 2006. Khi tướng Cao Ngọc Oánh bị nghi liên quan đến “bữa cơm chạy án” vụ PMU18, Phạm Qúy Ngọ lên thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra. Tháng 1- 2008 lên chức tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát nhân dân. Tháng 1 -2010 giữ chức tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống tội phạm. Tháng 8- 2010 lên chức thứ trưởng Bộ công an. Trong vòng 6 năm liên tục lên chức và nhảy liền ba bậc tướng . Đường hoạn lộ đại phát như thế còn buồn bực nỗi gỉ? Đang là ủy viên trung ương đảng giữa nhiệm kỳ XI, hàm thượng tướng, đương chức thứ trưởng, uy quyền như thế có gì phải âu lo? Lá gan mới được hiến tặng , sức khỏe đang sung, có gì phải héo?

Phải chăng nguyên nhân thần sắc bất an của tướng Phạm Qúy Ngọ trong tiệc cưới linh đình ấy là những lời khai của Dương Chí Dũng nửa tháng sau , ngày 7-1-2014 ?

Ngày đó, với tư cách nhân chứng trong phiên tòa xét xử vụ án “tổ chức người trốn ra nước ngoài” do đại tá Dương Tự Trọng cầm đầu, Dương Chí Dũng đã khai : Đích thân Phạm Qúy Ngọ đã dùng “sim rác”điện thoại cho ông ta, thông báo quyết định của Thủ tướng ra lệnh bắt giam ông ta và khuyên ông ta tạm lánh đi. Để nhận được ân huệ đó, Dương Chí Dũng khai đã hối lộ Phạm Qúy Ngọ 510.000 đô la . Dương Chí Dũng còn khai năm 2010 đã mang tới nhà Phạm Qúy Ngọ 1.000.000 đô la để lo lót giúp bà Trương Mỹ Lam chủ tập đoàn Vạn Thịnh Phát liên quan đến “chuyển đổi công năng Cảng Sài Gòn”.

Hội đồng xét xử không khống chế lời khai của Dương Chí Dũng, yêu cầu Dũng khai rõ những gì Dũng muốn nói. Tất cà những người dự khán cũng như những ai quan tâm đến vụ án Vinalines đều “chết đứng” khi Dương Chí Dũng nói rành rọt : Trưa 17-5-2012 , Dương Chí Dũng điện thoại cho Phạm Qúy Ngọ. Ông Ngọ nói đang đi công tác. Tới chiều tối cùng ngày Dũng gọi điện thoại thì được ông Ngọ nói Dũng đã bị khởi tố và sẽ bị bắt giam , đồng thời khuyên Dũng nên tắt điện thoại và lánh đi một thời gian...

Phạm Qúy Ngọ phủ nhận lời khai của Dương Chí Dũng. Ông nói với nhà báo Nguyễn Như Phong : “ Kệ nó. Nó muốn khai gì cứ khai , sẽ có người điều tra làm rõ!”

Nhà báo Nguyễn Như Phong cho rằng , việc Chủ tịch nước ký quyết định phong hàm thượng tướng cho Phạm Qúy Ngọ là minh chứng xác đáng rắng Phạm Qúy Ngọ không tiết lộ bí mật và nhận tiền của Dương Chí Dũng, Dương Chí Dũng là kẻ cùng đường như “ Trâu lấm vẩy bùn !”

Trong một bài viết đăng trên trang Nguyễn Tấn Dũng.org, nhà báo Đỗ Toàn đặt câu hỏi : “Vì sao Dương Chí Dũng tấn công lãnh đạo Bộ công an?”, Đỗ Toàn nghi ngờ Dương Chí Dũng là tay sai của "thế lực thù địch" chui sâu leo cao vào tổ chức để chống đảng và nhà nước. Đỗ Toàn viết : “Dương Chí Dũng là ai không còn là điều quan trọng , nhưng rõ ràng ông ta là một cán bộ hư hỏng và có thể là một đối tượng bị lạm dụng để chống phá nhà nước khi nhận nhiệm vụ quan trọng ở Vinalines. Chỉ có ông ta mới biết mình muốn làm gì để đạp đổ cơ đồ của một đất nước, tạo scandal tham nhũng, thực chất là hạ uy tín lãnh đạo của những vị có quyết tâm chống lại hắn. Đôi mắt của Dương Chí Dũng hướng sang trời Đông nhưng thực chất là đầu óc đều ở phương Bắc. Nghi binh là binh pháp. Cù Huy Hà Vũ là mặt nổi từ bên ngoài, Dương Chí Dũng là nội ứng bên trong. Thiển ý đều thấy được cái chủ tâm của họ”.

Người viết bài này không giàu trí tưởng tượng như nhà báo Đỗ Toàn và không muốn bình luận về nhận định của ông. Nhưng qua đó càng thấy câu chuyện về Phạm Qúy Ngọ đầy mâu thuẫn.

Dương Chí Dũng có phải là kẻ cùng đường “trâu lấm vẩy bùn” như nhà báo đại tá Nguyễn Như Phong kết luận, hay là một kẻ “đôi mắt hướng trời Đông nhưng thực chất đầu óc đều ở phương Bắc” như nhà báo Đỗ Toàn nói ? Ngược lại, Phạm Qúy Ngọ là một cán bộ lãnh đạo tài đức vẹn toàn quyết liệt chống tham nhũng , hay là một kẻ tham nhũng nhận hối lộ? Những câu hỏi đó, nếu Phạm Qúy Ngọ còn sống, vụ án được khởi tổ, việc điều tra được tiến hành minh bạch tất cả có lẽ sẽ qua đi như một cơn bão tan.

Nhưng Phạm Qúy Ngọ đã chết, vụ án (có thể) bị đình chỉ, những câu hỏi đó sẽ không được trả lời, mà dẫu có trả lời cũng khó thuyết phục . Hơn nữa lại nẩy thêm những câu hỏi khó trả lời hơn: Tại sao Phạm Qúy Ngọ chết đột ngột? Liệu cái chết có liên quan đến vụ án “Làm lộ bí mật nhà nước” và ý kiến cần đình chỉ công tác ông ta để điều tra?

Có người nhận được những lời thương nhớ và mổ yên mả đẹp, có người chết để lại bia miệng tiếng đời, rửa ngàn năm không sạch.

Minh Diện

(Blog Bùi Văn Bồng )

Không có nhận xét nào: