Pages

Thứ Hai, 17 tháng 2, 2014

Vì sao Đà Nẵng giới thiệu ông Xuân Anh làm Phó BT?

Vì sao Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh cách đây nửa năm không đạt được tín nhiệm cao của các đại biểu HĐND TP, nhưng nay lại được giới thiệu bầu vào chức danh Phó Bí thư Thành ủy Đà Nẵng?

Chiều 14/2, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm trong Ban chấp hành Đảng bộ TP và thống nhất giới thiệu ông Nguyễn Xuân Anh, Ủy viên dự khuyết TƯ Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP, vào chức vụ Phó Bí thư Thành ủy Đà Nẵng khóa XX, nhiệm kỳ 2010-2015, chờ xin ý kiến Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh vừa được giới thiệu bầu vào chức danh Phó Bí thư Thành ủy Đà Nẵng (Ảnh: HC)

Ông Nguyễn Xuân Anh sinh năm 1976, có trình độ chuyên môn Tiến sĩ Quản trị kinh doanh.

Trước khi được bầu giữ chức Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng tại kỳ họp thứ nhất HĐND TP Đà Nẵng khóa VIII, nhiệm kỳ 2011 – 2016 (ngày 21/6/2011), ông Nguyễn Xuân Anh từng kinh qua các công việc: phóng viên Báo Thanh Niên, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng; Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Liên Chiểu; Phó Bí thư Quận ủy Liên Chiểu; Bí thư Quận ủy Liên Chiểu (Đà Nẵng).

Trong báo cáo ngày 27/6/2013 về “Kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống theo quy định của pháp luật đối với người giữ các chức vụ do HĐND TP bầu hoặc phê chuẩn” khi HĐND TP Đà Nẵng khóa VIII tại kỳ họp thứ 7 (diễn ra từ ngày 9 – 11/7/2013) tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HĐND bầu theo tinh thần Nghị quyết  số 35/2012/QH13, ông Nguyễn Xuân Anh viết:

“Từ ngày 27/3/2013 đến nay, tôi được Bộ Chính trị triệu tập tham dự Lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp khóa I, học tập trung trong thời gian 4 tháng tại Hà Nội. Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị tổ chức một lớp bồi dưỡng như vậy nhằm chuẩn bị nhân sự cấp chiến lược cho nhiệm kỳ sắp tới. Xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, tôi đã tích cực tham gia học tập, nghiên cứu, thực hiện nghiêm túc nội quy do Ban chỉ đạo lớp học đề ra và kết quả học tập tính đến thời điểm này được đánh giá tốt”.

Tuy nhiên kết quả lấy phiếu tín nhiệm được HĐND TP Đà Nẵng khóa VIII công bố sáng 10/7/2013 lại cho thấy, trong số 16 người được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 7 đang diễn ra, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh có số phiếu “tín nhiệm thấp” nhiều thứ hai, với 7/48 phiếu; và số phiếu “tín nhiệm cao” cũng không đạt tới quá bán, với 21/48 phiếu.

Do vậy, việc Thành ủy Đà Nẵng hôm 14/2 vừa qua giới thiệu ông Nguyễn Xuân Anh vào chức danh Phó Bí thư Thành ủy để trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét đã phần nào khiến dư luận băn khoăn, không hiểu chỉ trong nửa năm qua, ông Nguyễn Xuân Anh đã có những thành tích đột phá gì mà từ chỗ không đạt được tín nhiệm cao của các đại biểu HĐND Đà Nẵng lại được giới thiệu để bầu giữ thêm một chức vụ mới quan trọng của TP này? 

Ông Bùi Văn Tiếng, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng (Ảnh: HC)

PV Infonet đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Văn Tiếng, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng để tìm hiểu rõ thêm về vấn đề này:

Thưa ông, trong cuộc lấy phiếu tín nhiệm của HĐND TP Đà Nẵng hồi tháng 7/2013, ông Nguyễn Xuân Anh là một trong hai người có số phiếu “tín nhiệm thấp” nhiều nhất, nhưng chỉ sau nửa năm lại được giới thiệu vào chức danh Phó Bí thư Thành ủy Đà Nẵng để trình TƯ xem xét. TP Đà Nẵng giải thích như thế nào về việc này?

Ông Bùi Văn Tiếng: Chức danh Phó Bí thư Thành ủy này (tức chức danh giới thiệu đối với ông Nguyễn Xuân Anh – PV) là chức danh Phó Bí thư thứ ba, tức là tăng thêm. Chủ trương tăng thêm để đào tạo cán bộ, chứ còn một Thành ủy chỉ có một ông Bí thư, hai ông Phó Bí thư thôi. Cái này là Trung ương chủ trương đào tạo cán bộ trẻ cho nên tăng thêm cho mỗi tỉnh, thành một Phó Bí thư thứ ba, phân công một số công việc để nhằm cái chính là đào tạo cán bộ trẻ trong diện quy hoạch của Trung ương. Có thể là người tại chỗ như Xuân Anh, cũng có thể là người ở trên các bộ, ngành đưa xuống. Cho nên cái này là nhằm mục đích đào tạo chứ không phải như kiểu bầu ông Võ Công Trí (Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng – PV) vừa rồi.

Đào tạo cán bộ trẻ thì non yếu mới đào tạo chứ. Tiêu chuẩn là phải trẻ, dưới 50 tuổi và phải nằm trong quy hoạch của Ban chấp hành Trung ương khóa 12 đã phê duyệt rồi. Không còn ai ở TP này ngoài Xuân Anh hết. Tiêu chuẩn là như thế. Đào tạo cán bộ cho Trung ương chứ không phải cho TP. Còn đào tạo được hay không là do phấn đấu nữa. Nếu ông tiếp tục thiếu rèn luyện, không chịu khiêm tốn học tập các thứ thì cũng không có ý nghĩa chi hết. Tiêu chuẩn của nó rất rõ ràng nên không thể có ứng viên khác được!

Ông vừa nói nếu tiếp tục thiếu rèn luyện, không chịu khiêm tốn học hỏi thì sẽ…?

Ông Bùi Văn Tiếng: Đúng rồi, cái này là họ quy hoạch đào tạo cấp trên chứ chức vụ ni cũng chỉ là bước đầu thôi. Nếu phấn đấu tốt, rèn luyện tốt, được tập thể tin yêu, giúp đỡ và anh khiêm tốn học tập thì sẽ có những vị trí xứng đáng hơn, đảm đương những trọng trách trong tương lai của toàn Đảng, của đất nước; còn nếu rèn luyện yếu kém thì có thể thôi luôn. Cái này là rèn luyện, là đào tạo cán bộ mà.

Qua từng bước sẽ có nhận xét, cả Trung ương cũng nhận xét đánh giá chứ không chỉ dưới này đâu. Theo dõi, đánh giá anh phấn đấu như thế nào, công việc có hoàn thành hay không? Hôm hội nghị Thành ủy, anh Thọ (ông Trần Thọ, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng - PV) có giao một số việc cho vị trí mới của ông Nguyễn Xuân Anh đấy.

Thưa ông, đó là những việc gì?

Ông Bùi Văn Tiếng: Theo dõi việc hoàn thành 900 căn nhà tạm đã xuống cấp cho các hộ nghèo chẳng hạn. Ông chỉ đạo không xong thì thôi, đừng nói chi đến đảng viên xuất sắc chi hết. Nói rõ rồi. Các đồng chí khác trong Ban Thường vụ cũng đều được phân công công việc cụ thể.

Ông có nói việc giới thiệu ông Nguyễn Xuân Anh vào chức danh Phó Bí thư khác với việc bầu ông Võ Công Trí vừa rồi. Khác như thế nào, thưa ông?

Ông Bùi Văn Tiếng: Khác là vì cái kia (trường hợp ông Võ Công Trí – PV) phải là người am hiểu công việc, làm được; còn cái ni (trường hợp ông Nguyễn Xuân Anh – PV) có thể anh chưa am hiểu nhưng đưa vào vị trí để rèn luyện. Nên cái ni là Phó Bí thư tăng thêm, tăng thêm ngoài số lượng. Đây là một cách để người ta có chỗ đào tạo cán bộ thôi.

Nhưng thưa ông, cũng có vấn đề đặt ra là tại sao không lấy những cán bộ thực sự có uy tín, năng lực để đào tạo mà lại lấy cán bộ chưa đạt được tín nhiệm cao?

Ông Bùi Văn Tiếng: Vấn đề là tuổi. Nhiệm kỳ tới Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng nghỉ hưu hết rồi, còn có 4 ông thôi. Ông Võ Công Trí thì vô vị trí rồi, còn ông Nguyễn Thanh Quang (nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP Đà Nẵng vừa được điều động làm Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng), ông Nguyễn Văn Sơn (Giám đốc Công an Đà Nẵng) và ông Nguyễn Xuân Anh. Ông Sơn thì cũng có khả năng thay đổi công tác. Nói chung thì chỉ còn 4 ông đó với nhau thôi chứ đâu còn ai.

Nhưng việc đào tạo cán bộ chỉ quan trọng về tuổi mà không quan trọng uy tín, năng lực hay sao?

Ông Bùi Văn Tiếng: Thì uy tín, năng lực thể hiện qua việc Đại hội Đảng lần thứ 11 bầu ông Nguyễn Xuân Anh là Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành trung ương. Uy tín, năng lực đó!

Thưa ông, có thể nghĩ vị trí “dự khuyết” đó cũng là một cách để đào tạo, bồi dưỡng…?

Ông Bùi Văn Tiếng: Đúng rồi!

Nhưng cái kết quả thực chất khi anh công tác ở cơ sở mới thực sự thể hiện uy tín, năng lực của anh…?

Ông Bùi Văn Tiếng: Đúng rồi!

Và uy tín, năng lực đó của ông Nguyễn Xuân Anh đã được xác nhận phần nào qua kết quả lấy phiếu tín nhiệm cách đây nửa năm. Trong vòng nửa năm qua, không hiểu ông ấy đã có những đột phá gì trong công việc của mình để từ chỗ chưa đạt được tín nhiệm cao của các đại biểu HĐND TP lại giới thiệu vào một chức danh mới rất quan trọng của Thành ủy Đà Nẵng?

Ông Bùi Văn Tiếng: Cái này là cái đánh giá của Thành ủy này thôi, đa số tín nhiệm để cho ổng được tiếp tục có cơ hội rèn luyện, đào tạo, bồi dưỡng thêm, chứ người ta không gạt đi. Có thể còn mặt này, mặt khác người ta chưa hài lòng; mặt này, mặt khác còn chưa đủ năng lực nhưng người ta không gạt ổng đi. Một mầm mống để có thể tham gia vào Trung ương khóa tới thì rõ ràng người ta vẫn nâng niu, người ta vẫn còn nâng niu anh, chứ không phải người ta bỏ đi.

Tín nhiệm thấp cũng là một cách để giáo dục, để nhắc nhở chứ không phải để loại bỏ. Đánh giá là đánh giá kiểu đó, chứ không phải đánh giá ông này có giỏi hay không. Nếu đánh giá như thế thì chắc là người ta đã nói kiểu khác. Ở đây đánh giá có thể tiếp tục được đào tạo nữa hay không thì người ta đồng ý. Tinh thần là như vậy!

Vâng, xin cảm ơn ông đã dành cho Infonet cuộc trả lời phỏng vấn này!

(Infonet) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét