SÀI GÒN (NV) .- Tuy là thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhưng nhà cầm quyền CSVN vừa ngang nhiên vi phạm các cam kết đối với cộng đồng quốc tế về thăng tiến nhân quyền, vừa vi phạm hiến pháp hiện hành.
Đó là nhận định của ông Phạm Chí Dũng trong thư ngỏ gửi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc, Cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc (OHCHR), Tổ chức Giám sát nhân quyền Liên Hiệp Quốc (UN Watch), sau khi ông bị Công an Việt Nam ngăn chặn, không cho xuất cảnh sang Thụy Sĩ và tịch thu hộ chiếu tại phi trường Tân Sơn Nhất, hôm 1 tháng 2-2014.
Ông Dũng lên đường sang Thụy Sĩ theo lời mời của UN Watch. Trước đó, UN Watch thông báo sẽ tổ chức một hội thảo về “Trách nhiệm của Việt Nam trong vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc”, ở Geneve, đúng vào thời điểm cộng đồng quốc tế nghe Việt Nam trình bày Báo cáo về nhân quyền Việt Nam, tại cuộc kiểm điểm định kỳ quen được gọi tắt là UPR vào ngày 5 tháng 2 sắp tới.
Về nguyên tắc, mỗi bốn năm, những quốc gia là thành viên Liên Hiệp Quốc phải báo cáo về tình trạng nhân quyền tại xứ sở của mình một lần. Đây là lần thứ hai Việt Nam phải thực hiện thủ tục UPR. Theo dự kiến, tại hội thảo do UN Watch tổ chức, ông Dũng sẽ trình bày một tham luận về “Vai trò của các NGO nhằm thúc đẩy nhân quyền cho Việt Nam”.
Ông Phạm Chí Dũng là tác giả nhiều bài viết xuất hiện cả trên hệ thống truyền thông của nhà cầm quyền CSVN lẫn mạng xã hội với nhiều bút danh và vẫn được xem như một nhà báo tự do. Tháng 7 năm 2012, ông Dũng bị “bắt khẩn cấp” do “viết và tán phát tài liệu có nội dung xuyên tạc sự thật” và lần lượt bị khởi tố về tội “âm lưu lật đổ chính quyền”, “tuyên truyền chống nhà nước”.
Vụ bắt giữ ông Dũng gây xôn xao dư luận cả trong lẫn ngoài Việt Nam không chỉ vì sự kiện có một cây bút độc lập bị bắt mà còn vì lúc bị bắt, ông Dũng đang làm việc tại Thành ủy thành phố Sài Gòn. Một tháng sau Hội nghị Trung ương 6, ông Phạm Chí Dũng được tại ngoại và hồi tháng hai năm 2013, Công an Việt Nam quyết định “đình chỉ điều tra” đối với ông Phạm Chí Dũng. Kể từ đó, ông Dũng viết nhiều hơn bằng tên thật. Cuối năm ngoái, ông tuyên bố ly khai Đảng CSVN.
Cuối tháng vừa qua, Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã gửi công văn cho Bộ Ngoại giao CSVN và Đại diện thường trực của chế độ Hà Nội tại Genève, đề nghị hỗ trợ ông Dũng đến Geneve. Công văn này nhấn mạnh, một trong những yêu cầu chính đối với Việt Nam tại UPR lần này là sự có mặt của các tổ chức dân sự. Tuy nhiên ông Dũng vẫn không thể xuất cảnh, thậm chí còn bị tịch thu hộ chiếu.
Trong thư ngỏ vừa đề cập, ông Dũng cho rằng, vấn đề xuất cảnh của riêng ông rất nhỏ bé nhưng nếu lồng việc ngăn chặn ông xuất cảnh trong khung cảnh dân sinh, dân quyền tại Việt Nam còn nhiều vấn đề, bất chấp rất nhiều hứa hẹn từ nhà cầm quyền Hà Nội “sẽ cải thiện” thì đó chính là một bằng chứng sống động khác về khoảng cách khó che giấu giữa các tuyên bố và cách hành xử.
Ông Phạm Chí Dũng nhấn mạnh rằng, nhiều công dân Việt Nam đang giống như ông, “khắc khoải mong đợi những tác động đủ mạnh và đủ ý nghĩa từ cộng đồng quốc tế”, để có thể “cải thiện não trạng” và “cải hóa hành vi” của nhà cầm quyền CSVN.
Tuy nhà cầm quyền CSVN nhiều lần cả quyết công dân có quyền “tự do đi lại” nhưng ông Phạm Chí Dũng cho biết, từ đầu năm 2013 đến nay, vẫn có khoảng 10 trường hợp bị ngăn chặn tại các cửa khẩu, không cho xuất cảnh, tương tự như trường hợp của ông. Ông Dũng còn đề cập đến một danh sách cấm xuất cảnh lên tới 2,000 người mà đa số là những người bất đồng chính kiến và cựu tù chính trị.
Trao đổi với ông Phạm Chí Dũng tại cửa khẩu Tân Sơn Nhất, Công an Việt Nam giải thích lý do ngăn chặn xuất cảnh là vì “hội thảo ở Thụy Sĩ có thể bị các thế lực thù địch lợi dụng nhằm xuyên tạc và nói xấu nhà nước Việt Nam”. Trước đó, vài tuần, công an Việt Nam cũng đã từng ngăn chặn, không cho blogger Thành Nguyễn xuất cảnh sang Hoa Kỳ với lý do “bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội”.
Có lẽ cũng cần nhắc lại rằng, hồi đầu năm nay, Thủ tướng CSVN vừa gửi cái gọi là “Thông điệp đầu năm”, trong đó hứa hẹn “hoàn thiện thể chế, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Mới đây, nhân dịp Tết, trong lời chúc Tết, Chủ tịch Nhà nước Việt Nam hứa hẹn “dân chủ rộng rãi”, “pháp quyền tiến bộ”. (G.Đ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét