Pages

Thứ Hai, 24 tháng 2, 2014

Xã hội dân sự đang mở rộng hay thu hẹp ở Việt Nam?

Nếu nhìn về xu thế phát triển, dù có lúc lên lúc xuống, nhưng trong 10 năm qua không gian xã hội dân sự ở Việt Nam ngày càng được mở rộng, tạo điều kiện cho người dân bày tỏ ý kiến của mình. Xã hội dân sự ở đây được hiểu đơn giản bao gồm các tổ chức phi chính phủ có đăng ký hoạt động với cơ quan quản lý nhà nước (NGO), các tổ chức cộng đồng hoặc cá nhân hoạt động tự do, và các diễn đàn trên internet.


Ảnh: lễ trao giải báo chí "đồng hành cùng phát triển" cho các nhà báo viết hay nhất về hoạt động của các tổ chức phi chính phủ (nguồn: iSEE)

Minh chứng cụ thể cho sự phát triển này là ngày càng có nhiều các tổ chức xã hội dân sự được khởi xướng và hoạt động độc lập như “Cơm có thịt”, “Mạng lưới ung thư vú BCN” hoặc các nhóm thanh niên làm về môi trường, hỗ trợ bệnh nhân nghèo, etc. Họ thực sự tạo ra một không gian mới để người dân tham gia giải quyết các vấn đề của cộng đồng xã hội không cần sự cho phép của nhà nước. Các tổ chức phi chính phủ trong những năm vừa qua cũng bắt đầu có những thay đổi về chất trong hoạt động của mình. Hoạt động nghiên cứu, vận động quyền con người, phản hồi chính sách của nhà nước ngày càng rõ nét hơn. Điển hình cho quá trình này là việc các tổ chức NGO góp ý cho Hiến pháp Việt Nam, Luật đất đai sửa đổi, lần đầu tiên viết báo cáo về tình hình nhân quyền Việt Nam trong tiến trình Kiểm định định kỳ nhân quyền (UPR), vận động quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBTI) đã tạo ra những thay đổi trong xã hội và luật pháp Việt Nam.

Nhưng có lẽ, sự mở rộng không gian dân sự lớn nhất, mạnh nhất là các diễn đàn trực tuyến do sự phát triển bùng nổ của internet mang lại, đặc biệt nhờ các mạng xã hội như facebook hay các blog cá nhân. Nhiều trang mạng như Quê Choa, Diễn đàn xã hội dân sự, hay Triết học đường phố có số lượng độc giả truy cập thường xuyên rất lớn. Bên cạnh đó, nhiều bloger có những trang mạng cá nhân hay nhóm cá nhân với số lượng người theo dõi lên đến hàng chục nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn người như Trang Hạ, Nguyễn Ngọc Long Blackmoon, Tôi đồng ý, hay Robbey. Các trang Google hay Youtube đã tạo điều kiện cho các nhóm công dân như BB&BG, Jvevermind hay đơn giản là cá nhân tạo ra những sản phẩm truyền thông có hàng triệu lượt truy cập. Dù loại thông tin và độc giả khác nhau, nhưng các trang mạng cá nhân, diễn đàn hay sản phẩm truyền thông trên mạng đã tạo ra một không gian thông tin tự do chưa từng có ở Việt Nam. Nó tạo điều kiện cho người dân nêu quan điểm độc lập của mình, gây sức ép lên báo chí chính thống do nhà nước quản lý.

Có nhiều yếu tố khác nhau tạo ra sự phát triển nhanh chóng của xã hội dân sự Việt Nam trong thời gian qua nhưng phải kể đến ba yếu tố chính sau. Thứ nhất, đó là sự phát triển của kinh tế và xã hội đã tạo điều kiện để nhiều người sống và hoạt động độc lập. Họ có nhu cầu trao đổi, giao lưu và chia sẻ thông tin dẫn đến sự tạo lập các không gian dân sự ngoài nhà nước phục vụ cho lợi ích của mình và cộng đồng. Thứ hai đó là công nghệ, đặc biệt sự phát triển của internet và các mạng xã hội như facebook, blog và điện thoại thông minh đã cho phép người dân kết nối dễ dàng hơn. Công nghệ đã giúp cho việc tìm những người cùng chí hướng, cùng mối quan tâm được thực hiện dễ dàng hơn và nhanh hơn. Thứ ba, đó là ngày càng có nhiều người dân quan tâm đến các vấn đề kinh tế, xã hội và chính trị của Việt nam. Nhiều người hiểu và muốn hành động vì công lý, quyền của mình, có trách nhiệm tham gia vào quản trị đất nước, giải quyết các vấn đề chung, và bảo vệ quyền của người thiểu số, thiệt thòi.

Không phủ nhận vai trò của nhà nước và các nhà tài trợ quốc tế, nhưng vai trò của họ chỉ là thứ yếu hoặc gián tiếp trong quá trình thúc đẩy sự phát triển của xã hội dân sự. Về nhà nước, có hai việc họ làm được. Một là tạo khung pháp lý, dù chưa hoàn thiện cho các tổ chức phi chính phủ đăng ký và hoạt động. Thứ hai, đó là tăng dần sự lắng nghe những phản biện chính sách, và “chịu đựng” những tiếng nói trái chiều của người dân, đặc biệt trên internet chứ không “đóng cửa” và “cấm đoán” thô bạo. Đây chính là những điều kiện giúp cho xã hội dân sự phát triển hơn. Còn đối với các nhà tài trợ quốc tế và các nước đối tác, họ đã hỗ trợ cho sự phát triển của các tổ chức phi chính phủ trong nước, tạo kênh để các tổ chức phi chính phủ tham gia đối thoại chính sách, hội thảo, và tọa đàm chính thức với các cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó, họ cũng vận động và hỗ trợ chính phủ Việt Nam tôn trọng và thực thi các công ước quốc tế, tạo chuẩn mực quốc tế cho sự phát triển của xã hội dân sự ở Việt Nam.

Có lẽ, một trong những cản trở lớn cho sự phát triển của xã hội dân sự Việt Nam đó là sự thiếu vắng Luật về hội. Dù có người cho rằng “không có luật về hội còn tốt hơn có một luật về hội tồi” nhưng thực tế hiện nay ở Việt Nam đòi hỏi phải có một Luật về hội. Thứ nhất, đó là quyền của người dân được quy đinh trong Hiến pháp. Thứ hai, nó tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho các tổ chức xã hội dân sự hoạt động minh bạch và được công chúng thừa nhận. Thứ ba, nó giúp xã hội dân sự hoạt động có tổ chức hơn, có chất lượng hơn, và ở vị trí bình đẳng với nhà nước và thị trường. Chất lượng Luật tốt hay xấu phụ thuộc rất nhiều vào quá trình vận động của các chuyên gia, các tổ chức xã hội dân sự, và thậm chí của các tổ chức quốc tế. Hơn nữa, bản thân quá trình trình thảo luận xã hội về quyền lập hội cũng là cơ hội nâng cao ý thức của người dân về quyền của mình, nâng cao nhận thức của nhà nước về nhu cầu của Việt Nam có xã hội dân sự mạnh, và điều này cần thiết cho sự phát triển của xã hội dân sự.

Như vậy, quá trình phát triển của xã hội dân sự Việt Nam trong những năm qua là ấn tượng. Nó được thúc đẩy chủ yếu bởi nhu cầu nội tại của xã hội Việt Nam, và bởi những con người và tổ chức dân sự cụ thể, ngày đêm tìm kiếm nguồn lực, mở rộng hợp tác và thực thi các hoạt động có ích cho người dân. Nó là một quá trình không thể đảo ngược, nhưng nhanh hay chậm, hữu ích nhiều hay hữu ích ít, sẽ phụ thuộc rất nhiều vào khung luật pháp mà Việt Nam sẽ phải xây dựng để bảo vệ tự do của người dân, đặc biệt quyền tự do hội họp (luật về hội) và quyền tự do tiếp cận thông tin (luật tiếp cận thông tin) sau khi hiến pháp đã được thông qua.
 
Bình Lê
 
(Diễn Ngôn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét