Pages

Thứ Hai, 3 tháng 3, 2014

Biển Đông và Nhân Quyền

Trần Khải
Có phải những căng thẳng nơi Biển Đông đã làm tăng cường độ nhà nước Hà Nội đàn áp các nhà hoạt động nhân quyền Việt Nam? Lời của một người trong nhóm dư luận viên hôm 16-2-2014 trước tượng đài Vua Lý Tháí Tổ ở Hà Nội do nhà nước đưa tới quậy phá những người tưởng niệm Cuộc chiến Biên giới 1979 cho thấy quan tâm đó; nhưng lý luận này chỉ là cớ thôi, có phải không, vì thực ra chính phủ chưa bao giờ thực tâm thực hiện cam kết nhân quyền?
Nhưng đàn áp những người trí thức tưởng niệm Cuộc chiến Biên giới như thế có giữ được nước hay không, trong khi Trung quốc liên tục phong tỏa, vươn tay xiết lại từ Biển Đông cho tới các rừng già ở Laò, Cam Bốt?
Và thậm chí, trong lãnh thổ Việt Nam, những hoạt động của TQ có tính quậy phá kinh tế qua bàn tay thương lái thu mua đủ thứ kỳ dị, cho tới việc liên tục mở cuôc chiến vũ khí hóa học vào thực phẩm tại các chợ để đầu độc lâu dài dân VN vẫn không ngừng tay… có phải cũng là một kế sách tiêm thuốc độc vào bao tử dân Việt?

Nhưng đúng là Hà Nội lo sợ Bắc Kinh. Từ chuyện ngư dân Việt bị cướp, và các tin này thường bị nhà nước Hà Nội cho giảm cường độ. Cho tới việc tưởng niệm liệt sĩ tử trận các năm 1979 ở 6 tỉnh biên giới, cho tới trận đánh ở núi Lão Sơn năm 1984, cho tới trận Hoàng Sa 1988.
Đài RFA kể lại chuyện nhà nước quậy phá người biểu tình tưởng niệm ở Hà Nội hôm 16-2-2014:
Ông ta là Trần Nhật Quang, có người nói là cầm đầu nhóm dư luận viên tại Hà Nội, lớn tiếng sai thuộc hạ quay video clip để post lên mạng, hét tướng lên rằng: ‘Hôm nay tôi vạch mặt các người’. Tại sao các người không kỷ niệm cuộc chiến chống Pol Pot ở các tỉnh Tây Nam? Tại sao lại chống Trung Quốc, có phải là muốn chế độ này sụp để các người cướp chính quyền không? Các người muốn Trung Quốc cấm vận Việt Nam bằng các cuộc biểu tình kích động lòng căm thù Trung Quốc vì lòng dạ đen tối. Các người hoan hô lính ngụy khi lính ngụy và Trung Quốc giành nhau Hoàng Sa vào năm 1974…
“Đất nước cần phải được bình yên để mà xây dựng và phát triển, đừng có mà quấy phá!”
Trần Nhật Quang có thể từ một bàn nhậu của Đảng mới bước chân ra chỗ biểu tình nên đầu còn đông đặc luận điệu của ban tuyên giáo trung ương, nhìn đâu cũng thấy phân hóa, diễn biến hòa bình và kích động chống Trung Quốc là một trong những mục tiêu lật đổ chế độ.”(hết trích)
Có thực rằng hoạt động nhân quyền là quậy phá. là không muốn xây dựng và phát triển? Hay ngược lại, có phải chỉ có nhân quyền mới đem tới sự cần bằng cần thiết cho phát triển, khi ai cũng có quyền đi laị, ai cũng có quyền tự do ngôn luận, khi báo chí có quyền tự do chất vấn các sai trái của cán bộ? Hỏi, cũng là tự trà lời vậy.
Nhân quyền không phaỉ là phép thần, ai cũng biết thế. Nhưng không có nhân quyền, người dân chỉ trở thành một thần dân, một nô lệ, một con bù nhìn — bảo ngồi là ngồi, bảo nói là nói… và chỉ còn có quyền tự do ăn nhậu, nếu có tiền.
Thế giới cũng thấy bàn tay kềm kẹp nhân quyền tại Việt Nam.
Bản tin VOA hôm Thứ Sáu 28-2-2014 viết:
“Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 27/2 công bố một phúc trình thường niên, tổng kết tình hình nhân quyền thế giới năm 2013, trong đó nêu ra nhiều trường hợp vi phạm nhân quyền ở Việt Nam với các ví dụ cụ thể.
Trong bản báo cáo dài 46 trang, bản phúc trình nói rằng Việt Nam vẫn là một quốc gia độc đoán, độc đảng và lực lượng an ninh do nhà nước kiểm soát đã gây ra các vi phạm nhân quyền.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, chính phủ Việt Nam tiếp tục giới hạn chặt chẽ quyền tự do chính trị của công dân, đặc biệt là quyền được thay đổi chính phủ; tăng cường các biện pháp giới hạn các quyền tự do dân sự của công dân và có tình trạng tham nhũng trong hệ thống tư pháp và công an…”(hết trích)
Trong khi đó, các diễn tiến an ninh đang cho thấy Việt Nam thực sự trong nỗi lo tứ phía.
Một trong những bước tiến là mời được Nga đưa Hải quân và Không quân tới Cam Ranh trú đóng. Thời trước 1975, khi quân Mỹ làm như thế, nhà nước Hà Nội lu loa rằng quân Mỹ tới chiếm đóng lãnh thổ VN để xách động cuộc chiến sẵn sàng hy sinh nhiều triệu người để đánh đuổi Mỹ. Và bây giờ, quân Nga được trải thảm đỏ để vào. Hẳn là, cũng với thiện ý y hệt như khi Mỹ lập căn cứ quân sự ở Cam Ranh. Một vòng tròn lịch sử diễn ra, và nhiều triệu người đã chết trong ngơ ngác mịt mù.
Bản tin Tiếng Nói Nước Nga có bản tin hôm 28-2-2014, trích:
“Hải quân và Không quân Nga sẽ trở lại Cam Ranh
Xét theo tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, chắc là trong tương lai không xa, tàu Hải quân Nga sẽ trở lại cảng Cam Ranh của Việt Nam. Thực chất vấn đề đang nói đến là gì: thành lập tại Cam Ranh căn cứ hải quân Nga hoặc trạm hậu cần kỹ thuật phục vụ tàu chiến Nga? Xin nhắc lại rằng căn cứ tương tự đã tồn tại trong vịnh Cam Ranh 23 năm và được chuyển giao cho Việt Nam vào năm 2002. Ông Igor Korotchenko, tổng biên tập tạp chí “Quốc phòng” của Nga cho biết:
“Ở đây hoàn toàn không nói về việc thành lập căn cứ hải quân Nga. Hiện đang tiến hành đàm phán để thành lập trạm sửa chữa bảo dưỡng các tàu Nga. Nga quan tâm đến thực tế là các tàu nổi và tàu ngầm của Nga có thể đến Cam Ranh trên cơ sở thường xuyên.”
Mục đích tàu chiến Nga cập bến Cam Ranh là bổ sung thực phẩm và nước ngọt, nếu cần thiết thì tiến hành các sửa chữa đơn giản. Dĩ nhiên là phải tổ chức nghỉ ngơi giải trí cho thủy thủ đoàn. Chuyên gia của chúng tôi khẳng định rằng, xét theo quan hệ đối tác chặt chẽ giữa hai nước, có tính đến việc Nga thực hiện nhiều đơn đặt hàng lớn về xây dựng tàu ngầm và tàu khu trục cho Việt Nam, chắc chắn sẽ dễ dàng tìm giải pháp thoả đáng cho phép Hải quân Nga trở lại Cam Ranh.
Và không chỉ hạm đội Nga mà thôi. Hiện giờ đang tiến hành đàm phán song phương Nga – Việt về việc cho phép máy bay tiếp dầu của Nga sử dụng sân bay Cam Ranh để đảm bảo hoạt động tầm xa của hàng không Nga…”(hết trích)
Ván cờ như thế đang chuyển biến quyết liệt. Làm như thế có chọc giận đàn anh Bắc Kinh hay không? Trong Bộ Chính Trị CSVN, có phải phe thân Nga đang lấn mạnh hơn phe thân Tàu? Thế trận nào đang hiện ra ở đây?
Báo Đất Việt hôm 27-2-2014 đăng bài viết của Giáo sư Lê Ngọc Thống có tựa đề “Biển Đông: Thế trận mới đang hình thành” trong đó không nhắc tới Nga (chỉ trừ một chỗ), nhưng nhắc nhiều tới Mỹ và Nhật, và nêu rõ rằng Biển Đông cũng là an ninh của Mỹ-Nhật, trích:
“…“Lợi ích quốc gia” của Mỹ trên Biển Đông không chỉ đơn thuần là “tự do hàng hải” mà còn lớn hơn nhiều,đó là an ninh quốc gia Mỹ và Nhật Bản…
Giới hạn “lợi ích quốc gia” của Mỹ đã đến vạch đỏ…
Từ cuối năm 2013, các tuyên bố chính thức cũng như không chính thức của giới lãnh đạo ngoại giao và quân sự Mỹ về Biển Đông đã cứng rắn hẳn lên đối với Trung Quốc, khi Bắc Kinh càng lúc càng có thêm các hành động được coi là khiêu khích để áp đặt bằng sức mạnh các đòi hỏi chủ quyền của mình tại Biển Đông. Phải chăng giới hạn “lợi ích quốc gia” của Mỹ đã đến vạch đỏ?
Năm 2010, tại Hà nội, Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là bà H.Clinton đã tuyên bố một câu “như đinh đóng cột” rằng: “Mỹ có lợi ích quốc gia ở Biển Đông” khiến cho Trung Quốc bất ngờ “chết đứng”, Ngoại trưởng Trung Quốc bỏ ra khỏi phòng họp sau khi trút tức giận lên Singapo một câu sặc mùi nước lớn: “Nên nhớ anh chỉ là nước nhỏ”.
Vậy “lợi ích quốc gia” của Mỹ bao hàm vấn đề gì mà đã hơn 3 năm trôi qua,Trung Quốc đã làm cho Biển Đông nổi sóng, đưa các quốc gia ĐNA vào cuộc đua tăng cường năng lực quốc phòng…thì Mỹ vẫn tỏ ra trung lập và cho đến giờ mới có những tuyên bố cứng rắn?
Nếu Biển Đông thành “ao nhà” của Trung Quốc, nghĩa là Trung Quốc khống chế hoàn toàn các tuyến hàng hải quan trọng và eo biển Malacca thì trước hết đây là một đòn trời giáng vào “tử huyệt” của Nhật Bản đồng thời đẩy Mỹ ra khỏi khu vực ĐNA, làm bàn đạp để chia đôi Thái Bình Dương với Mỹ. Ngược lại, nếu không khống chế được Biển Đông thì chưa nói đến bị Mỹ và liên minh quân sự của Mỹ bao vây hay không mà an ninh về năng lượng, an ninh về thương mại của Trung Quốc luôn có độ tin cậy không cao và luôn bị đe dọa. Trung Quốc sẽ không có cơ hội để chơi sòng phẳng với Mỹ trên mọi vấn đề.
Té ra là “lợi ích quốc gia” của Mỹ trên Biển Đông không chỉ đơn thuần là “tự do hàng hải” mà còn lớn hơn nhiều, đó là an ninh quốc gia Mỹ và Nhật Bản, một liên minh quân sự nòng cốt trong chiến lược châu Á-TBD của Mỹ.
Những hành động của Trung Quốc thời gian qua trên Biển Đông như chiếm bãi cạn Scarborogh của Philippines, đồng minh của Mỹ, thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”, cấm đánh bắt hải sản… không khiến Mỹ phải can thiệp vì nó không lớn hơn quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Một học giả Mỹ đã nói thẳng: “Mỹ không đem hạm đội 7 sang để đánh nhau với Trung Quốc vì mấy cái đảo đá mà chỉ sang vì lợi ích quốc gia”, là chính xác.
Như vậy dễ thấy là chỉ khi nào Biển Đông có dầu hiệu sắp bị rơi vào tay kẻ khác, tức là có thể coi như đó là vạch đỏ giới hạn mà buộc Mỹ phải có biện pháp cứng rắn để bảo vệ lợi ích quốc gia. Mỹ triển khai một đoàn tàu chiến tàng hình tốc độ cao thế hệ mới (hạm đội tàng hình),sẵn sàng can thiệp vào Biển Đông đã đến Singapore…”(hết trích)
Tuy nhiên, nơi đây cũng cho thấy một bước đi quân sự mới của Việt Nam…
Vì Giáo sư Lê Ngọc Thống nhắc lại về chính sách quốc phòng của nhà nước VN, theo bài dẫn trên:
“Chính sách “ba không” quốc phòng Việt Nam bao gồm: không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia, thực chất là chính sách quốc phòng hòa bình, mong muốn hòa bình, tin cậy lẫn nhau… nằm trong đường lối đối ngoại của Đảng là “muốn là bạn với tất cả các quốc gia trên thế giới”…
Vì thế, ở một góc độ nào đó, tuyên bố “thay đổi tư thế quân sự” của Mỹ nếu Trung Quốc lập ADIZ trên Biển Đông lại góp phần cho chính sách quốc phòng hòa bình của Việt Nam có tính răn đe mạnh hơn, phát huy hiệu quả hơn.
Tại sao ư? Đương nhiên Trung Quốc chẳng bao giờ muốn Việt Nam liên minh quân sự với Mỹ, Nhật Bản hay Nga và càng không muốn Mỹ, Nhật Bản hay Nga có căn cứ quân sự ở Việt Nam.”(hết trích)
À ha… Bây giờ mới nói tới Nga. Như thế, Hà Nội đã xóa bỏ chính sách “ba không” và đang mời Nga vào VN đóng quân. Nghĩa là, nguy ngập lắm?
Có lẽ thế, có lẽ là đang nguy lắm. Chúng ta không thấy các diễn tiến bí mật quốc phòng, nhưng qua những thông tin công khai, là phải lo.
Một bản tin trên RFI ngày 27-2-2014 có tựa đề “Việt Nam bị Trung Quốc đe dọa tại Lào và Cam Bốt?” đã nêu lên tình hình quan ngại như sau:
“Vào lúc Trung Quốc ngày càng lộ rõ tham vọng đặt toàn bộ Biển Đông dưới quyền khống chế của Bắc Kinh, phớt lờ chủ quyền được tuyên bố của Việt Nam đối với hai vùng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trên đất liền cũng diễn ra một tình hình đáng ngại khác cho Việt Nam: Trung Quốc càng lúc càng tăng cường thế lực tại Lào và Cam Bốt, hai nước láng giềng cho đến nay là đồng minh truyền thống, nằm trong vòng ảnh hưởng của Việt Nam.
Câu hỏi đặt ra là uy thế ngày càng lớn của Trung Quốc tại Lào và Cam Bốt phải chăng đang trở thành một mối đe dọa cho Việt Nam, đặc biệt trong lãnh vực an ninh, vì nếu Lào và Cam Bốt thực sự rơi vào quỹ đạo của Bắc Kinh, thì rõ ràng là Việt Nam đã lọt vào trong gọng kềm của Trung Quốc.
Phải nói là trong thời gian qua, Trung Quốc không ngừng gia tăng các khoản viện trợ và đầu tư vào Lào và Cam Bốt. Các khoản trợ giúp của Bắc Kinh cho Phnom Penh đã từng được nêu bật cách nay hai năm sau khi Cam Bốt không ngần ngại chiều theo quan điểm của Trung Quốc và đối kháng với Việt Nam và Philippines trong hồ sơ Biển Đông…
…theo giáo sư Thayer, Trung Quốc cũng muốn tỉnh Vân Nam của họ hội nhập được vào khu vực Đông Nam Á lục địa, do đó, đầu tư và viện trợ của Bắc Kinh cũng tập trung vào việc thành lập một mạng lưới giao thông từ miền Nam Trung Quốc tỏa xuống vùng Đông Nam Á.
Động cơ chính trị: Thông qua Lào và Cam Bốt để tác động lên ASEAN…”(hết trích)
Nghĩa là, vừa có lợi kinh tế cho Trung Quốc, vừa gây sức ép vào ASEAN.., khi hữu sự đối với VN và Philippines…
Như thế, cần hỏi rằng: sự phát triển nhân quyền tại VN có nằm trong ván cờ quốc phòng VN được hay không?
Trấn áp nhân quyền có làm cho chính phủ Hà Nội ngày càng bị lạnh nhạt, bị đầy xa đối với Mỹ, Nhật, Châu Âu… hay không?
Và để cần có sự cân bằng, để không hoàn toàn tự lệ thuốc vào trợ giúp từ quân lực Nga, tại sao nhà nước VN không tạo ra những cuộc đối thoại nhân quyền với Mỹ-Âu để làm chiếc cầu an ninh mới, thêm một chân kiềng bên cạnh hỗ trợ quân sự của Nga? Hãy nhớ rằng, đối thoại nhân quyền với các nước Mỹ-Châu Âu đã thực hiện được, nhưng trước giờ là do các nhà báo tự do, các bloggers, các thành viên xã hội dân sự (ngoaì luồng, tất nhiên) — họ tự đóng vai làm một chân kiềng giữ an ninh cho VN, bằng cách níu áo giới ngoaị giao Mỹ-Âu.
Cụ thể, anh Nguyễn Bắc Truyển dẫn vợ tới Tòa Đại Sứ Australia để trình baỳ về nhân quyền VN. Chuyện này liên hệ gì tới Biển Đông?
Liên hệ sâu lắm: không an lòng dân, Biển Đông tất sẽ mất. Thời nhà Trần đã thấy như thế: để ngăn được vó ngựa phương Bắc, không thể không có Hội nghị Bình Than, Hội nghị Diên Hồng… Nhân quyền là chiếc cầu nối toàn thế giới, và nối tấm lòng của toàn dân, từ trong nước tới ngoài nước vậy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét