Pages

Thứ Tư, 19 tháng 3, 2014

Binh lính Ukraine tại Crimea ‘bị bắn chết’

Những người ủng hộ Nga tụ tập tại Sevastopol để nghe
tường thuật bài phát biểu của Tổng thống Putin
Quân đội Ukraine nói một sỹ quan của họ đã bị giết chết trong một vụ tấn công nhằm vào một căn cứ quân sự ở Crimea, thương vong đầu tiên kể từ khi lực lượng thân Nga giành quyền kiểm soát Crimea hồi tháng Hai.
Ukraine đã cho phép quân đội được nổ súng tự vệ.
Vụ tấn công xảy ra không lâu sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin và các lãnh đạo của Crimea ký hiệp ước sáp nhập bán đảo này vào Nga.

Các cường quốc phương Tây đã lên án hiệp ước này, trong lúc các nước G7 và EU sẽ có cuộc họp khẩn về tình hình tại Ukraine vào tuần tới tại The Hague.
Khủng hoảng tại Ukraine bắt đầu hồi tháng 11 năm ngoái, sau khi tổng thống thân Nga của nước này, ông Viktor Yanukovych, từ bỏ thỏa thuận với với EU để nhận tài trợ của Nga.

‘Giai đoạn quân sự’

Một nhân chứng nói với BBC đã nhìn thấy các tay súng đi trên hai chiếc xe không có phù hiệu tấn công vào doanh trại quân đội của Ukraine tại Simferopol bằng vũ khí tự động.
Chính phủ Ukraine nói một sỹ quan cấp thấp đang trực ở bãi đỗ xe bên trong đã bị bắn chết và một người khác bị thương. Một người thứ ba bị thương ở chân và đầu sau khi bị đánh bằng thanh sắt.
Cũng theo Chính phủ Ukraine, chỉ huy của doanh trại này đã bị các tay súng trong quân phục Nga bắt giữ.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Ukraine Vladishlav Seleznyov nói với hãng tin Anh Reuters răng thủ phạm vụ tấn công là một “lực lượng không rõ danh tính, được trang bị đầy đủ và bịt mặt”.

Tin tức từ Ukraine cho biết người dân nước này đã quyên góp được hơn một triệu đô la Mỹ cho quân đội thiếu thốn của họ sau khi Bộ Quốc phòng ra lời kêu gọi quyên góp qua điện thoại.

Trang Facebook chính thức của Bộ này viết: “Hãy Ủng hộ Quân đội Ukraine! Chiến dịch các công dân giúp đỡ Quân đội với quân trang, thiết bị kỹ thuật và y tế.”

Người dân đã đóng góp khoảng 9,9 triệu hryvnyas, tương đương 1 triệu đô la Mỹ. Một phần trong số này được quyên góp qua điện thoại trong vòng chưa đến ba ngày, Bộ Quốc phòng nước này nói.

Người dân sẽ góp 5 hryvnyas cho mỗi tin nhắn. Theo thống kê của Bộ Quốc phòng, hơn phân nửa số tiền thu được là do các cá nhân đóng góp và các doanh nghiệp nước này cũng tài trợ đáng kể.

Tổng thống tạm quyền Ukraine Oleksandr Turchynov cho biết chỉ có 6.000 binh lính nước này sẵn sàng chiến đấu do thiếu ngân sách.

Các binh sỹ Ukraine đã bị tịch thu thẻ căn cước, vũ khí và tiền bạc, ông nói.
Thủ tướng tạm quyền của Ukraine Arseniy Yatsenyuk nói trong một phiên họp khẩn của chính phủ: “Xung đột hiện nay đang chuyển từ chính trị sang quân sự.”
“Quân Nga đã bắt đầu nổ súng vào các binh sỹ Ukraine và đây là một tội ác chiến tranh.”
Trong khi đó, tin từ hãng thông tấn của Crimea, Kryminform, cho biết một binh sỹ trong lực lượng tự vệ thân Nga đã bị bắn chết.
Cảnh sát Crimea sau đó cho biết các binh sỹ Ukraine và lực lượng thân Nga đã bị bắn từ cùng một địa điểm, khiến một binh sỹ Ukraine bị bắn chết, một người khác bị thương, lực lượng thân Nga cũng có một tay súng bị thiệt mạng và một người bị thương.
Tất cả những tin này không thể được kiểm chứng độc lập.
Phóng viên BBC tại Simferopol, Mark Lowen, nói cho đến nay vẫn chỉ có những phát súng được bắn cảnh cáo, thế nhưng căng thẳng đang dâng cao và hiện có quan ngại sẽ tiếp tục có đụng độ.

‘Vinh quang cho nước Nga’

Một cuộc diễu hành lớn đã diễn ra tại Quảng trường Đỏ sau bài phát biểu của ông Putin
Trước đó, trong bài phát biểu trước Quốc hội Nga, ông Putin nói Crimea ‘luôn là một phần của nước Nga’ và bằng cách ký hiệp ước, ông đã sửa sai một “sự bất công của lịch sử”.
Phóng viên BBC tại Moscow Richard Galpin nói khán phòng đã nhiều lần đứng lên vỗ tay trong lúc ông Putin cáo buộc các nước phương Tây là ‘luôn tìm cách dồn Nga vào chân tường’ và ‘đạo đức giả’.
Tuy nhiên, phóng viên của chúng tôi cũng cho biết Putin cũng đưa ra những lời lẽ hòa giải – ông nhấn mạnh Nga không muốn “chia tách” phần còn lại của Ukraine.
Tổng thống Nga sau đó đã xuất hiện trước đám đông tại Quảng trường Đỏ ở Moscow và tuyên bố: “Crimea và Sevastopol đã trở về quê nhà, với bến cảng của quê hương, với nước Nga!”.
Ông nói lớn: “Vinh quang cho nước Nga”, trong lúc đám đông hô lên “Putin!”.
Crimea, nơi đa số dân cư là người gốc Nga, đã tổ chức cuộc trưng cầu dân ý hôm 16/3 với 97% cử tri được cho là đã ủng hộ về với Nga.
Các lãnh đạo của Crimea đã tuyên bố độc lập hôm thứ Hai ngày 17/3 và Nga đã công nhận đây là một quốc gia.

‘Cướp đất’

Đang có quan ngại rằng sẽ xảy ra thêm các vụ đụng độ vũ trang tại Crimea
Tổng thống tạm quyền Ukraine Olexander Turchynov nói hành động của Nga gợi nhớ lại việc Phát xít Đức chiếm Áo và Sudetenland.
Bộ Ngoại giao Ukraine nói: “Chúng tôi không thừa nhận và sẽ không bao giờ thừa nhận cái gọi là nền độc lập và cái gọi là hiệp ước về việc Crimea gia nhập Liên bang Nga.”
Các cường quốc phương Tây đã gọi cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea là bất hợp pháp và đã đồng loạt lên án hiệp ước hôm 18/3.
Phát biểu tại Ba Lan, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden nói việc can thiệp của Nga vào Crimea là ‘xâm lược quân sự trắng trợn’, và rằng việc sáp nhập Crimea vào lãnh thổ nước này ‘không gì khác hành động cướp đất’.
Nhà Trắng thông báo rằng các biện pháp cấm vận nhằm vào các quan chức của Nga và Ukraine sẽ được mở rộng.
Thủ tướng Anh David Cameron nói: “Hoàn toàn không thể chấp nhận việc Nga sử dụng vũ lực để thay đổi đường biên giới dựa trên một cuộc trưng cầu dân ý giả hiệu được tổ chức dưới họng súng của Nga.”
Thủ tướng Đức Angela Merkel nói cuộc trưng cầu dân ý, việc Crimea tuyên bố độc lập cũng như việc sáp nhập vùng này vào Liên bang Nga là ‘đi ngược lại với luật pháp quốc tế’.
Tổng Thư ký Nato Anders Fogh Rasmussen nói Nga ‘không có bất kỳ sự biện hộ nào’ để tiếp tục trên ‘con đường nguy hiểm’ này.

Không có nhận xét nào: