Pages

Thứ Sáu, 21 tháng 3, 2014

Bô-xít Tây Nguyên dự kiến “lỗ kế hoạch” hàng nghìn tỷ đồng


SBTN_Bô-xít Tây Nguyên là dự án khai thác bô-xít được đánh giá có trữ lượng hàng tỷ tấn vùng Tây Nguyên thuộc hai tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng. Trong một thời gian dài, dự án đã gây nhiều dư luận phản ứng gay gắt của giới trí thức trong ngoài nước vì nhiều nguy cơ khác nhau.
Cả hai nhà máy Nhân Cơ (Đắk Nông) và Tân Rai (Lâm Đồng) đều do Công ty Chalieco (Trung Quốc) thiết kế, mua thiết bị, xây dựng và đào tạo công nhân. Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (VINACOMIN) được chính phủ giao làm chủ đầu tư đồng thời bảo lãnh vay nước ngoài 600 triệu đô-la để thực hiện.

Vừa qua theo VnExpress, Bộ Công Thương và Tập đoàn VINACOMIN đã giải trình trước Quốc hội về hiệu quả của hai dự án này.
Kết quả cho thấy, mặc dù mức điều chỉnh hai dự án Tân Rai, Nhân Cơ lần lượt đã lên tới hơn 15.400 tỷ đồng và 16.800 tỷ đồng, tức tăng thêm từ 3.800 tỷ đồng đến 4.300 tỷ đồng, hiệu quả của hai dự án trong những năm đầu khai thác được mô tả là lỗ nặng.
Từ tháng 9/2013 và sau thời gian chạy thử, nhà máy tại Tân Rai dự kiến lỗ 258 tỷ đồng trong năm đầu. Con số lỗ tính đến năm 2015 là 460 tỷ và “dự kiến” có lãi từ năm 2016 theo tính toán của chủ đầu tư. Còn với dự án Nhân Cơ, con số lỗ được ghi nhận trong 6 năm đầu dự kiến gần 3.000 tỷ đồng. Tính chung lên đến gần 4.000 tỷ, tương đương 200 triệu đô-la.
Mặc dù vậy, lãnh đạo VINACOMIN cho hay, mức lỗ trên đã được tính toán khi triển khai dự án và “không đáng ngại”. Về lâu về dài, tiền nợ sẽ trả dần và mức lỗ sẽ giảm đi. “Dự án được đánh giá là có hiệu quả do kim loại màu càng ngày càng khan hiếm”.
Tính đến 31/12/2013, dự án Tân Rai đã xuất khẩu được 160.340 tấn alumin cho các ông ty nước ngoài. Tuy nhiên giá bán mặt hàng này chỉ đạt gần 300 USD mỗi tấn, thấp hơn 79 USD so với dự báo.
Dự án bô-xít Tây Nguyên không chỉ lỗ vì giá cả hay “lỗ kế hoạch” theo cách nói của chủ đầu tư mà còn gây ra những quan ngại về môi trường. Bùn đỏ thải ra trong quá trình tinh luyện bô-xít không dễ dàng xử lý để đạt mức an toàn tối thiểu.
Trong tháng mười năm 2010, khoảng một triệu mét khối bùn đỏ từ một nhà máy alumina ở Hungary đã xả vào các vùng nông thôn xung quanh, làm chết bốn người và làm ô nhiễm một vùng rộng lớn.
Theo ước tính, lượng bùn đỏ của hai nhà máy Nhân Cơ và Tân Rai thải ra hàng năm là 2 triệu 5 tấn được công ty Chalieco “cam kết” xử lý sẽ “không có chuyện vỡ khu chứa bùn đỏ loãng như ở Hungary”. Nhưng với công nghệ lạc hậu của Trung Quốc, thảm họa bùn đỏ như lưỡi gươm treo trên đầu người dân.
Hiện nay việc vận chuyển alumin khi chưa có cảng Kê Gà (Bình Thuận) chủ yếu bằng đường bộ từ nhà máy theo tỉnh lộ 725 ra QL20, về cảng Gò Dầu, dài khoảng 210 km. Tuyến đường này đang có nguy cơ xuống cấp trầm trọng  vì hàng ngàn lượt xe cộ qua lại mỗi ngày.
Bên cạnh đó, từ khi thực hiện dự án bô-xít, đông đảo công nhân không có tay nghề Trung Quốc được đưa sang làm việc trong các công trường mà không có sự quản lý chặt chẽ của địa phương. Những công nhân này lập ra những biệt khu người Tàu trên đất Việt và cấm người Việt lai vãng. Sự sinh hoạt của đám công nhân này còn tạo nhiều tệ trạng xã hội chung quanh.
Vùng Tây Nguyên nơi được mệnh danh là xương sống của miền Trung, được đánh giá như là một vị trí chiến lược sống còn trong an ninh quốc phòng. Nhưng ngày nay, với việc Trung Quốc vào khai thác bô-xít, chiếc xương sống ấy bị bẻ gãy lúc nào là một vấn đề cần đặt ra.
Tại sao biết lỗ mà vẫn làm, chỉ có các quan chức VINACOMIN trả lời được. Nhưng sự lời lỗ của một dự án kinh tế còn có thể bù đắp; chủ quyền đất nước một khi mất đi thì lấy gì bù đắp? – N. Trinh

Không có nhận xét nào: