Pages

Thứ Tư, 26 tháng 3, 2014

Hai vụ tham nhũng ở thượng tầng Việt Nam bị lộ

Hai vụ tham nhũng liên quan đến giới lãnh đạo CSVN vừa bị lộ từ những nơi mà họ không ngờ: tại Nhật và trong một vụ tranh tụng hành chính ở Tòa án Tối cao của Việt Nam. 
  
Các toa tàu văng xa khỏi đường ray trong một tai nạn hồi cuối Tháng Tư năm 2012. Hàng loạt dự án phát triển đường sắt trên toàn quốc bằng vốn vay nước ngoài có thể đình trệ vì tham nhũng (Hình: VNTimes)

Vụ thứ nhất, do có một số dấu hiệu cho thấy Công ty Tư vấn Giao thông Nhật Bản (Japan Transport Consultants – JTC) đã đưa hối lộ để được chọn làm nhà thầu, tư vấn cho các dự án được thực hiện bằng viện trợ của Nhật ở Việt Nam, Indonesia, Uzbekistan, vi phạm luật chống cạnh tranh không lành mạnh của Nhật, các cơ quan bảo vệ pháp luật của Nhật đã mở một cuộc điều tra.

Cuối cùng, ông Tamio Kakinuma, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc JTC, thú nhận đã đưa hối lộ ở cả ba quốc gia. Riêng tại Việt Nam, JTC đã hối lộ 80 triệu Yen (khoảng 800 ngàn USD, tương đương 16 tỷ đồng Việt Nam), để được chọn làm nhà thầu đảm trách vai trò tư vấn thực hiện một dự án phát triển đường sắt ở miền Bắc Việt Nam, trị giá 4.2 tỷ Yen.

Sau khi những thông tin liên quan đến vụ đưa – nhận hối lộ này được tờ Yomiuri Shimbun loan tải, chế độ Hà Nội đã “tạm đình chỉ công tác” của ông Nguyễn Văn Hiếu, người đang là Giám đốc Ban quản lý các dự án đường sắt Việt Nam của Tổng Công ty Đường sắt. Kế đó, họ tiếp tục “tạm đình chỉ công tác” của ông Trần Văn Lục, Giám đốc Ban quản lý các dự án đường sắt Việt Nam của Cục Đường sắt thuộc Bộ Giao thông Vận tải và hai ông Trần Quốc Đông, Ngô Anh Tảo hiện đang cùng là Phó Tổng giám đốc của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Việt Nam cũng đã cử một viên Thứ trưởng Giao Thông – Vận tải sang Nhật để tìm thêm thông tin về vụ đưa - nhận hối lộ mà theo báo giới Nhật, đã được ông Tamio Kakinuma, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc JTC, khai báo chi tiết, song các cơ quan bảo vệ pháp luật của Nhật chưa công bố...

Vụ tham nhũng thứ hai, đáng chú ý hơn nhưng lại không được báo giới Việt Nam quan tâm đúng mức, cũng vừa bị lộ trong tuần qua, qua vụ một trong các chủ đầu tư Khu đô thị Sing – Việt (Bình Chánh, Sài Gòn) kiện nhà cầm quyền thành phố Sài Gòn, do cơ quan đại diện Tòa án Tối cao ở phía Nam xét xử,.

Quy hoạch thực hiện Khu đô thị Sing - Việt (diện tích lên tới 331 héc ta) được duyệt từ 1997 nhưng từ đó đến nay, qua nhiều lần đổi chủ đầu tư, dự án này vẫn chưa hoàn tất. Năm 2007, nhà cầm quyền thành phố Sài Gòn có quyết định giao đất của dự án Khu đô thị Sing - Việt cho Công ty Liên doanh Đô thị Sing - Việt thực hiện. Liên doanh bao gồm một số công ty của Singapore và Công ty Xây dựng Bình Chánh. Vốn do các bên cùng đầu tư khoảng 300 triệu USD.

Ngay sau đó, Công ty Xây dựng Bình Chánh rút ra khỏi Công ty Liên doanh Đô thị Sing - Việt. Công ty Liên doanh Đô thị Sing - Việt chỉ còn bốn công ty ngoại quốc. Đất để thực hiện Khu đô thị Sing - Việt vẫn bị bỏ hoang.

Tháng 11 năm 2011, nhà cầm quyền thành phố Sài Gòn điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư, lấy lại dự án từ Công ty Liên doanh đô thị Sing-Việt để giao cho Công ty Đô thị Sing-Việt (Sing Viet City LTD).
Một tháng sau, nhà cầm quyền thành phố Sài Gòn lại điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư thêm một lần nữa, người đại diện cho Sing Viet City LTD vốn mang quốc tịch Singapore, bị gạt ra để thay bằng một người khác mang quốc tịch Malaysia.

Một công ty thành viên của Sing Viet City LTD là ST.Martin’s Properties (SMP của Singapore), kiện Sở Kế hoạch - Đầu tư và nhà cầm quyền thành phố Sài Gòn ra tòa, vì theo SMP, việc cho phép điều chỉnh người đại diện là bất hợp pháp bởi không được các thành viên trong Sing Viet City LTD đồng ý. Tòa án thành phố Sài Gòn đã xử sơ thẩm vụ kiện này và bác đơn kiện.

Khi xét xử phúc thẩm, cơ quan đại diện của Tòa án Tối cao ở phía Nam phát giác trong hồ sơ vụ án có một tài liệu mà theo đó, Công ty Xây dựng Bình Chánh – doanh nghiệp Việt Nam duy nhất, chỉ tham gia vào dự án Khu đô thị Sing – Viet trong giai đoạn đầu rồi rút ra - đã nhận 300 ngàn USD để “tư vấn” cho việc rút vốn và được phép rút vốn của họ ra khỏi liên doanh. Đồng thời để được tham gia vào Sing Viet City LTD, SMP đã phải trả thêm 2.8 triệu USD để “chi cho các cơ quan Hà Nội”.

Ông Phạm Công Hùng, một thẩm phán của cơ quan đại diện Tòa án Tối cao ở phía Nam, một trong những thẩm phán quyết định hủy bản án sơ thẩm, “đề nghị làm rõ” về “chi phí tư vấn rút vốn” (300 ngàn USD), cũng như khoản “chi cho các cơ quan Hà Nội” (2.8 triệu USD),  tâm sự với tờ Pháp Luật Thành phố , rằng, ông ta đã xử nhiều vụ án lớn nhưng vẫn sốc khi thấy chủ đầu tư phải chi hàng triệu USD.

Chế độ Hà Nội có vẻ khá mạnh mẽ trước thông tin viên chức Việt Nam đã nhận hối lộ khoảng 800 ngàn USD để JTC thắng thầu, nhưng cả hệ thống chưa nói gì, chưa làm gì đối với vụ SMP phải chi 2.8 triệu USD “cho các cơ quan Hà Nội”.

Theo giới quan sát thời sự, việc tích cực trong vụ nhận hối lộ từ JTC có thể vì Nhật vẫn luôn là quốc gia dẫn đầu trong việc cấp ODA cho Việt Nam và hồi 2010, Nhật từng cắt viện trợ do Việt Nam không quyết tâm điều tra vụ nhận hối lộ của một doanh nghiệp Nhật để chọn doanh nghiệp này làm nhà thầu đảm trách vai trò tư vấn cho Dự án đại lộ Đông – Tây ở Sài Gòn.

(Người Việt
)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét