Pages

Thứ Hai, 24 tháng 3, 2014

Đình chỉ công tác vì nghi án Nhật hối lộ


Việt Nam đang nâng cấp hệ thống đường sắt sử dụng vốn ODA của Nhật
Trong diễn biến bất ngờ, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đình chỉ chức danh Trưởng ban Quản lý Dự án đường sắt và lập tổ điều tra nghi án nhận hối lộ 16 tỷ đồng của doanh nghiệp Nhật Bản.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, giám đốc Ban quản lý dự án Đường sắt (RPMU - thuộc tổng công ty Đường sắt Việt Nam), bị đình chỉ công tác 15 ngày.


“Chính việc chúng ta làm việc nghiêm túc công khai minh bạch về việc này sẽ thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hữu nghị hợp tác, đối tác chiến lược sâu rộng."
Cùng ngày 23/3, trong bản tin thời sự trên Đài truyền Hình Việt Nam, Bộ trưởng Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng nói: “Tôi giao nhiệm vụ cho Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông ngay thứ Hai [24/03] phải làm việc trực tiếp với Trưởng đại diện JICA và Đại sứ Nhật."
“Khi chúng ta làm việc này thì là trách nhiệm nghiêm túc trong việc thực hiện sự chỉ đạo của Đảng, của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng. Và cũng để khẳng định với nhân dân là ngành giao thông vận tải quyết tâm chống tham nhũng."
Ông Thăng phát biểu sau khi báo chí Nhật nói một quan chức hiện chưa rõ danh tính thuộc văn phòng quản lý dự án tại Tổng cục Đường sắt Việt Nam bị cho là đã nhận hối lộ 80 triệu yen (16 tỷ đồng Việt Nam) của công ty Nhật để đổi lấy hợp đồng.
Nhật báo Nhật Yomiuri Shimbun đưa tin việc chung tiền này được phát hiện khi ông Tamio Kakinuma, chủ tịch Tập đoàn Tư vấn Giao thông Nhật Bản (JTC) thú nhận với cơ quan điều tra của Nhật.
Trong cuộc họp khẩn, ông Đinh La Thăng cũng đã yêu cầu “tất cả các cán bộ có liên quan dừng công việc mình đang làm để làm báo cáo giải trình."
“Kể cả vụ trưởng vụ phó cũng dừng, dừng để làm cho rõ cái này."
“Tôi yêu cầu thành lập đoàn thanh tra, thanh tra tất cả các dự án của JTC, rà soát lại việc giải ngân từ trước, dừng đàm phán giai đoạn hai. Đối tác từ phía Nhật bị điều tra như vậy thì chúng ta không thể đàm phán được."
VTV cho hay sáng thứ Hai 24/03 Bộ Giao thông Vận tải “sẽ có báo cáo Thủ tướng về việc rà soát dự án và xử lý của Bộ về vụ việc này”.
Ông Đinh La Thăng cũng nói sẽ dừng giải ngân và rà soát các thủ tục giải ngân số tiền còn lại, dừng đàm phán giai đoạn 2A (đoạn Giáp Bát đến Ngọc Hồi) của dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1).

‘Một quan chức cao cấp’

Tập đoàn Tư vấn Giao thông Nhật Bản (JTC) chuyên về thiết kế đường sắt và khảo sát địa hình.
Theo báo Nhật, ông chủ tịch tập đoàn khai đã chi tiền lại quả cho các quan chức ở Việt Nam, Indonesia và Uzbekistan và nêu rõ chi tiết đã đưa bao nhiêu và vào lúc nào.
Ông này được cho là đã ký vào bản khai. Trước đó ông đã tự nguyện đến làm việc với Văn Phòng Công tố Tokyo hôm thứ Ba ngày 18/3 sau khi Cục thuế Tokyo phát hiện JTC đã chi một khoản không minh bạch trị giá 130 triệu yen.

"“Báo chí chịu sự chỉ đạo của Nhà nước, của Đảng. Đảng ra lệnh làm việc gì thì người ta làm việc đó. Vụ (tham nhũng) này cần đánh thì sẽ đánh. Vụ kia cần để đó thì người ta không đánh."
Huỳnh Ngọc Chênh, cựu thư ký tòa soạn báo Thanh niên
Trong tổng số 130 triệu yen chi không minh bạch này, 80 triệu yen là chi cho quan chức Việt Nam, còn 30 triệu chi ở Indonesia và 20 triệu chi ở Uzbekistan. Tất cả đều với mục đích giúp cho JTC giành được hợp đồng các dự án có sử dụng vốn vay ODA của Nhật ở các quốc gia này.
Ở Việt Nam, số tiền 80 triệu yen được cho là lại quả cho một dự án trị giá 4,2 tỷ yen. Nhân vật nhận số tiền này được cho là có ‘một quan chức cấp cao làm việc cho cơ quan về quản lý dự án của Cục Đường sắt Việt Nam’, Yomiuri Shimbu cho biết.
Tờ báo này cũng nói là cơ quan công tố của Nhật sẽ tiến hành điều tra hình sự về cáo buộc này. Luật tránh cạnh tranh không công bằng của Nhật ngăn cấm các công ty nước này hối lộ các quan chức chính phủ nước ngoài.
Phía Việt Nam nói họ đang rà soát để xác minh thông tin từ phía Nhật đưa ra, theo báo chí trong nước.
Vốn ODA, tức viện trợ phát triển chính thức, là vốn vay ưu đãi với lãi suất thấp. Nhật là nước viện trợ ODA nhiều nhất cho Việt Nam với điều kiện các dự án sử dụng ODA của Nhật phải sử dụng các nhà thầu của nước họ.
Hồi năm 2008, cũng chính tờ Yomiuri Shimbun đã phanh phui vụ ông Huỳnh Ngọc Sỹ, khi đó đang làm giám đốc Sở Giao thông Vận tải và trưởng Ban quản lý dự án Đại lộ Đông Tây và môi trường nước của Thành phố Hồ Chí Minh, đã nhận hối lộ từ Công ty Tư vấn Quốc tế Thái Bình Dương (PCI) để cho công ty này thắng thầu dự án.

Vụ việc ông Huỳnh Ngọc Sỹ cũng là do báo chí Nhật phát hiện ra
Ông Sỹ sau đó đã bị Tòa tuyên là có tội và bị kết án tù chung thân nhưng sau giảm xuống còn 20 năm trong phiên phúc thẩm.
Tin cho biết sau đó ông Sỹ đã được đặc xá trước thời hạn.

‘Báo chí bị lợi dụng’

Trao đổi với BBC về vấn đề này, ông Huỳnh Ngọc Chênh, từng là thư ký tòa soạn báo Thanh niên, nói rằng báo chí Việt Nam ‘chả có vai trò gì hết’ trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng.
“Báo chí chịu sự chỉ đạo của Nhà nước, của Đảng,” ông Chênh nói, “ Đảng ra lệnh làm việc gì thì người ta làm việc đó. Vụ (tham nhũng) này cần đánh thì sẽ đánh. Vụ kia cần để đó thì người ta không đánh.”
Ông nói những vụ việc về tham nhũng mà báo chí Việt Nam đã đưa tin ‘đều là có chỉ đạo’.

Dự án Đại lộ Đông Tây sử dụng vốn ODA của Nhật cũng từng bị dính bê bối
“Họ đưa thông tin ra nhằm mục đích gì đó, được chỉ đạo từ đâu đó,” ông nói thêm.
“Đâu đó từ trên cao nói vụ này cần phải đánh thì cơ quan điều tra mới dám đưa ra tài liệu và phóng viên mới có tài liệu để viết,” ông nói và khẳng định rằng báo chí ‘chắc chắn là công cụ’ bị các phe phái trong Đảng ‘lợi dụng để đánh nhau’.
Ông Chênh dẫn chứng vụ việc về Ban quản lý dự án PMU18 liên quan đến Bùi Tiến Dũng được khui ra là vì ‘thông tin từ một nhóm người nào đó thấy rằng có lợi cho họ thì họ tung ra’.
“Nhưng khi phe bên kia bắt đầu phản công lại được thì họ ém lại và trừng trị những người đã đưa thông tin lẫn những người viết bài,” ông giải thích.
Bình thường không có kết luận điều tra gì về các vụ án tham nhũng được công bố cho báo chí hết với lý do là ‘bí mật quốc gia’, ông Chênh cho biết.

"Quyền công bố thông tin cho công chúng là không có. Nhà báo không có quyền tới phường gặp công an yêu cầu người ta cung cấp tài liệu – bất cứ vấn đề gì từ lớn đến nhỏ."
Huỳnh Ngọc Chênh, cựu thư ký tòa soạn báo Thanh niên
Ông nói báo chí Việt Nam không thể đánh được tham nhũng do ‘không được quyền hỏi tài liệu hồ sơ ở bất cứ cơ quan nào hết’ trừ khi các cơ quan điều tra đưa thông tin ra.
“Hồi giờ những vụ lớn đều do cơ quan điều tra đưa ra cả.”
“Quyền công bố thông tin cho công chúng là không có,” ông nói thêm, “Nhà báo không có quyền tới phường gặp công an yêu cầu người ta cung cấp tài liệu – bất cứ vấn đề gì từ lớn đến nhỏ.”
“Khi người ta không đưa hồ sơ thông tin thì báo chí lấy gì điều tra?” ông nói.
Theo ông Chênh, các nhà báo ở Việt Nam cũng không e ngại gì khi viết bài về tham nhũng, nhưng có điều họ ‘thiếu thông tin’.
“Viết về tham nhũng mà thiếu thông tin thì bị kiện ngược lại ở tù như chơi.”
“Bản thân tham nhũng trong nước báo chí cũng chịu nữa là chống tham nhũng có liên quan đến nước ngoài,” ông nói.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét