Pages

Thứ Ba, 4 tháng 3, 2014

Lâm Bình Duy Nhiên - Ukraine và câu hỏi: Theo ai?

Tác giả gửi đến Dân Luận

Đầu năm 2014 mang nặng dấu ấn về tình hình chính trị căng thẳng tại Ukraine. Những cuộc biểu tình đã bùng nổ ra vào hồi tháng 11/2013 sau khi Tổng thống Viktor Yanukovych đã từ chối ký kết thỏa thuận liên hiệp và tự do thương mại với Liên minh Châu Âu (EU) và đã kéo dài đến cuối tháng 2/2014. Đa phần người dân Ukraine muốn đất nước họ gia nhập từng bước một vào đời sống chính trị, kinh tế và văn hóa của EU. Nhưng chính phủ của ông Yanukovych từ thái độ lưỡng lự trong sự lựa chọn sau cùng đã quyết định tiếp tục mối quan hệ mật thiết với Nga. Chính thái độ thân Nga của ông Yanukovych, đi ngược lại nguyện vọng của đông đảo quần chúng, đã là ngòi nổ cho sự phẫn nộ của dân chúng và cho những cuộc biểu tình đẫm máu của phe đối lập và của nhân dân trong suốt 3 tháng vừa qua.
Cũng cần nhắc lại Ukraine là một quốc gia rất mong manh, dễ bị phân chia trên phương diện lịch sử, con người và văn hóa. Có ba vùng địa lý quan trọng tạo nên đất nước này: 



  • phía Đông và phía Nam là nơi giàu có về mỏ quặng và có nền công nghiệp phát triển. Dân chúng nói tiếng Nga và theo Chính thống giáo. Họ luôn mong muốn Ukraine thắt chặt quan hệ với hai quốc gia láng giềng là Belarus và đặc biệt Nga.
  • khu Trung tâm là nơi có truyền thống tôn giáo Cơ đốc Hy Lạp (chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi Rome) và người dân tại đây có một thái độ độc lập với Nga.
  • phía Tây theo tín ngưỡng Công giáo và là nơi có tinh thần chủ nghĩa dân tộc và bài Nga cao nhất. Thái độ chính trị của người dân tại đây nghiêng hẳn về Ba Lan và các nước thuộc phía Đông bờ biển Baltique hay nói một cách cụ thể, họ mong muốn Ukraine theo đường lối của EU.
Về mặt chiến lược, Ukraine có nhiều thế mạnh mà Nga và Mỹ đều muốn phát huy sự hiện diện quân sự của họ. Biển Đen là một trong những lý do mà cả hai cường quốc về quân sự mong có được quyền kiểm soát. Mỹ qua trung gian là Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), đã có lúc tưởng chừng như thành công trong việc chèo kéo Ukraine gia nhập vào tổ chức quân sự này, nhất là sau cuộc Cách mạng Cam vào năm 2004 (chính phủ của cựu Tổng thống Viktor Yushchenko). Nhưng với việc đắc cử tổng thống của ông Viktor Yanukovych (thân Nga) vào tháng 2/2010, chính phủ nước này đã từ chối gia nhập vào NATO. Đây có thể được xem như là một hành động trả thù cho cuộc Cách mạng Cam (thân EU) và ông Yanukovych đã thiết lập lại sự hiện diện cũng như ảnh hưởng quan trọng của Nga đối với Ukraine. Và việc từ chối ký kết những thỏa thuận liên hiệp và tự do thương mại với EU cũng là điều được tiên đoán trước khi chính phủ của ông Yanukovych đã làm mọi cách để tồn tại dưới sự che chở của Nga.
Đối với Nga, mất quyền kiểm soát Ukraine là một bất lợi quan trọng và là một trở ngại lớn đối với một quốc gia đang trên đường tìm lại vị thế của một cường quốc ở Châu Âu (chưa nói đến thế giới). Trên phương diện lịch sử, Nga và Ukraine là hai quốc gia có những gắn bó thân mật và được xem như đồng bản tính. Kiểm soát được Ukraine là kiểm soát được eo biển Baltique kéo theo là sự liên kết giữa biển Đen và biển Baltique sẽ nằm trong tầm kiểm soát của người Nga. Đó cũng là lý do vì sao Ukraine luôn được hưởng những đặc quyền mà những quốc gia khác (từng nằm trong khối Liên bang Xô Viết) không có. Nga luôn dồn mọi nỗ lực từ ngoại giao, kinh tế (giá cả về gaz mà Nga cung cấp cho Ukraine là một ví dụ) đến cả áp lực chính trị và đe dọa quân sự lên Ukraine để hòng thiết lập một chính phủ thân Nga và từ đó phục vụ cho những lợi ích theo chiều hướng có lợi cho họ.

Một khi để Ukraine rơi vào sự kiểm soát của EU, Nga sẽ phải đối diện với một bài toán địa-chính trị hóc búa mà hậu quả sẽ là nguy cơ mất luôn ảnh hưởng của mình lên Belarus và các quốc gia thuộc vùng Caucase và Trung Á. Các nước này từ trước đến giờ vốn luôn có thái độ thân Nga nhưng cũng không quên bày tỏ nguyện vọng gắn bó với Châu Âu và đối với họ, lập trường chính trị của Ukraine chính là yếu tố tiên quyết cho sự chọn lựa giữa ảnh hưởng của Nga hay mô hình phát triển của EU.
Nga hy vọng vào bộ phận dân chúng vùng nói tiếng Nga ở phía Đông và phía Nam Ukraine (thiểu số) và nền kinh tế phát triển tại đây để áp đặt sự kiểm soát của họ lên quốc gia này. Với gần 15 triệu dân sinh sống ở đây, khó có một chính phủ nào ở Kiev có thể vô tình trước sự đòi hỏi của cộng đồng này. Chính sự bảo vệ cho khối thiểu số này của Nga đã tạo nên sự mâu thuẫn gay gắt giữa cư dân ở ba vùng địa lý của Ukraine. Không hề có sự hội tụ để củng cố và phát triển quốc gia mà thay vào đó là những bất đồng triền miên và chính đó là một trở ngại cực lớn để Ukraine có một chế độ chính trị ổn định.

Viktor Yanukovych

Ông Yanukovych đã không khôn khéo trong quan hệ đối nội khi không có được một sự đối thoại cụ thể nào để đáp ứng những nhu cầu của phe đối lập hay những đòi hỏi của quần chúng. Và khi tiếng nói của người dân không được lắng nghe thì hậu quả sẽ khó lường trước, nhất là đối với một đất nước không ổn định như Ukraine. Những cuộc biểu tình vừa qua tại Quảng trường Độc lập ở Kiev là một bài học lớn cho mọi thể chế chính trị độc tài, đi ngược lại với quyền lợi của dân tộc. Hàng trăm người đã bị mất mạng, thành phố bị tàn phá, đạn đã nổ lên và máu đã rơi xuống…Khi một bộ máy cầm quyền sử dụng an ninh để đàn áp và bắn vào quần chúng thì sớm muộn gì chế độ đó cũng bị triệt tiêu. Ông Yanukovych đã phải trả giá cho quyết định sử dụng bạo lực của mình, ông đã bị Quốc hội thông qua bỏ phiếu bãi bỏ tư cách tổng thống và đã lủi thủi trốn chạy tìm sự bảo vệ của đồng minh Nga một cách tủi hổ.

Nguy cơ Ukraine bị phân tách ra làm hai phần lãnh thổ (thân Nga và thân EU) là hiện hữu. Nhất là những gì đang xảy ra hiện nay tại Khu tự trị Crimea ở miền Nam Ukraine. Chính phủ Nga, đứng đầu là Tổng thống Vladimir Putin đang cố gắng tìm mọi cách để bảo vệ cộng đồng dân nói tiếng Nga tại đây. Với chiêu bài ấy, Quốc hội Nga đã đồng ý cho việc sử dụng và đưa quân đội vào Crimea. Có thể hiểu đây là nước cờ nhiều rủi ro cho Nga tại Ukraine, nhất là khi tinh thần chống Nga trong phần còn lại của Ukraine đang dâng lên rất cao. Trong lịch sử, người dân Ukraine vẫn không quên nạn đói khủng khiếp vào mùa đông 1932-1933 đã khiến cho 7 triệu người chết thảm mà sự thật đây là một cuộc đại tàn sát do Staline và Liên Xô gây ra nhằm trừng trị quốc gia này. Đưa quân vào Crimea để qua đó tiến hành một cuộc xâm lược vũ trang vào Ukraine nhằm đập vỡ những hy vọng dân chủ và hòng lập lại một chế độ thân Nga, bù nhìn là mục đích chính của ông Putin. Những mưu đồ chính trị của Nga và của cả chính EU đã đưa dân tộc Ukraine vào thế phải căng mình ra chiến đấu để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Khả năng can thiệp quân sự của Nga vào Ukraine có thể sẽ phá vỡ hòa bình ở châu Âu. Nhưng liệu Mỹ hay EU sẽ can thiệp hay có cách nào để gây áp lực lên Nga để Putin từ bỏ ý đồ sử dụng quân đội ở Ukraine? Khó có câu trả lời rõ ràng khi những tính toán chính trị luôn quan trọng hơn mạng sống của những người dân vô tội. Sự hững hờ của EU và của Mỹ trong giai đoạn đẫm máu ở những cuộc biểu tình tại Kiev vừa qua là một minh chứng. Hay sự im lặng đến đáng sợ của cộng đồng quốc tế trước những cuộc thảm sát kinh hoàng ở Syria cũng là một ví dụ mà qua đó, một lần nữa, Nga và ông Putin đã ra sức bảo vệ chính phủ độc tài, tàn bạo tại đây.

Có thể trách Ukraine từ ngày độc lập (1991 sau khi Liên Xô tan rã) đến nay, đã qua bao lần bầu cử, biểu tình, Cách mạng Cam… vẫn không thể ổn định về chính trị và kinh tế. Nhưng sự bất ổn đó ít nhiều do Nga gây nên khi hình bóng của người láng giềng khổng lồ vẫn luôn hiện diện trên chính trường của Ukraine. Vả lại, những chính trị gia đã cầm quyền lãnh đạo quốc gia này vẫn chưa thể hiện được bản lĩnh, sự công tâm và minh bạch cũng như khả năng đưa đất nước thoát ra khỏi những cuộc khủng hoảng lớn về chính trị, kinh tế trong những năm qua. Từ Viktor Yushchenko đến Viktor Yanukovych, họ đều đưa Ukraine đến những suy thoái trầm trọng. Có thể, chính Yanukovych cũng không muốn trở thành một con rối của Nga khi ông đã có những tranh luận căng thẳng về sự cung cấp gaz của chính quyền ông Putin. Nhưng ông và những nhà lãnh đạo khác đã không có một động thái cụ thể nào để vực dậy một đất nước đang trong tình trạng hỗn loạn. Những nguyện vọng, những đòi hỏi của quần chúng biểu tình trong cuộc Cách mạng Cam năm 2004 hay tại Kiev những tháng vừa qua cần được thực hiện, đáp ứng bởi những người lãnh đạo thông minh và sáng suốt. Bằng không, số phận của quốc gia này sẽ vẫn tiếp tục là một quân bài trên bàn cờ chính trị giữa các cường quốc quân sự, đứng đầu là Nga. Và những cuộc biểu tình đẫm máu sẽ lại tái hiện khi nguyện vọng của người dân không được tôn trọng, rồi lại những cuộc bầu cử trong tuyệt vọng cứ tiếp diễn mang theo nó những dự báo khó khăn về một sự thay đổi tốt đẹp cho Ukraine.

Không thể không so sánh giữa những gì đang xảy ra ở Ukraine và Nga với một kịch bản trong tương lai giữa Việt Nam và Trung Quốc. Có thể thấy rằng, Việt Nam không bị chi phối, chia rẽ sâu đậm về vấn đề sắc tộc hay bất đồng ngôn ngữ như tại Ukraine. Do đó, khó có thể có chuyện một phần lãnh thổ của Việt Nam sẽ ngả hẳn theo Trung Quốc (với điều kiện đất nước không bị phân chia) một khi có biến cố chính trị quan trọng xảy ra. Vấn đề cốt lõi ở Việt Nam lại nằm ở chế độ đang cầm quyền. Họ sẵn sàng tuân thủ mọi yêu sách, áp đặt của Trung Quốc để đàn áp mọi yêu cầu tự do dân chủ, hay đối lập trong nước. Hiểm họa là đây khi chính bộ máy cầm quyền bị lũng đoạn, chi phối bởi thế lực bên ngoài. Cho rằng Việt Nam không bị phụ thuộc vào Trung Quốc là ngụy biện, nhất là khi quan sát thái độ của nhà cầm quyền cộng sản đối với người láng giềng phương Bắc trong những thập niên gần đây. Càng lố bịch hơn khi cho rằng những cuộc biểu tình tại Ukraine vừa qua là sản phẩm, là sự giật dây của phương Tây và của Mỹ nhằm gây rối loạn sinh hoạt chính trị và gây bạo động trong chủ đích duy nhất là lật đổ chế độ đương thời. Đó chính là lập luận của bộ máy truyền thông của đảng CSVN nhằm ngăn chặn mọi tư tưởng đối lập trong một xã hội Việt Nam vốn đã bị kềm kẹp ở mức độ cao nhất về tự do ngôn luận.
Ukraine sẽ có một chế độ chính trị ổn định, dân chủ một khi giải quyết dứt điểm được những bất bình hay những chia rẽ về sắc tộc một cách ôn hòa. Chỉ có thế, họ mới trở nên thực sự độc lập, tự chủ và không bị phụ thuộc vào Nga. Liên minh châu Âu trong đàm phán với Ukraine đã không đưa ra được những đề nghị cụ thể, chỉ toàn những hứa hẹn mơ hồ khi chính họ cũng đang gặp nhiều khủng hoảng. Trong khi đó, Nga lại đưa ra được những đề nghị hấp dẫn như cung cấp năng lượng với giá ưu đãi, quan hệ thương mại song phương ổn định…Nhưng xây dựng một nền dân chủ theo đường lối của các quốc gia phương Tây với những sắc thái riêng biệt về sắc tộc, ngôn ngữ, văn hóa của Ukraine (chứ không thể sao chép nguyên mô hình của EU) vẫn tốt hơn là một quốc gia yếu kém, phụ thuộc vào người Nga. Đó cũng chính là sự thử thách to lớn đối với những đảng phái chính trị tại Ukraine khi được trao trọng trách cầm quyền. Mong sao cuộc Cách mạng Cam và những cuộc biểu tình đẫm máu tại Kiev vừa qua sẽ là bài học vô giá và có ích cho những nhà lãnh đạo tương lai của Ukraine trong tiến trình dân chủ hóa đất nước.

Thay vì cứ mãi tự đặt câu hỏi: Theo ai?, Ukraine nên tự nắm lấy quyền tự quyết của một dân tộc bằng cách xây dựng một xã hội thật sự dân chủ, độc lập và tự tin vào chính khả năng, bản lĩnh của một dân tộc với gần 50 triệu người.
Lâm Bình Duy Nhiên, 3//3/2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét