Ông Putin đáp rằng mối quan hệ giữa hai quốc gia không nên bị ảnh hưởng bởi những bất đồng về Ukraine.
Việc các dân biểu Crimea muốn quay lại với Nga làm gia tăng căng thẳng.
Đội tuyển Paralympic của Ukraine đã ra quyết định sẽ tham gia thi đấu Thế Vận hội cho người khuyết tật ở Sochi.
Chủ tịch Ủy ban Paralympic Ukraine, ông Valeriy Suskevich đã xác nhận tin trên, và nói "chúng tôi giương cao cờ của mình cho hòa bình".
Paralympics Sochi được chính thức khai mạc vào thứ Sáu 07/03.
Ông Suskevich cho biết đã yêu cầu Tổng thống Nga Putin đảm bảo hòa bình ở Ukraine trong những ngày diễn ra paralympics, nếu không đội tuyển Ukraine có thể sẽ bỏ giữa chừng.
Ông Obama nhấn mạnh với phía Nga rằng, các hành động của quốc gia này ở Crimea là vi phạm chủ quyền của Ukraine, theo một thông cáo từ tòa Bạch Ốc.
Ông nói cần có giải pháp phù hợp với tất cả các bên, trong đó có đàm phán giữa Kiev và Moscow, và các lực lượng của Ukraine và Nga cần rút trở lại căn cứ của mình dưới sự giám sát quốc tế.
Tổng thống Vladimir Putin nói quan hệ Mỹ-Nga "không nên bị phá vỡ vì những bất đồng về một quốc gia đơn lẻ, mặc dù đây là vấn đề quốc tế cực kỳ quan trọng," Điện Kremlin nói.
Đây là cuộc điện đàm thứ hai giữa hai vị lãnh đạo về vấn đề Ukraine chỉ trong vòng chưa đầy một tuần.
'Bất hợp pháp'
Trước đó Liên hiệp châu Âu và Hoa Kỳ cùng với chính phủ Ukraine lên tiếng chỉ trích việc khu tự trị Crimea trưng cầu dân ý về gia nhập Nga, gọi đây là hành động "bất hợp pháp".
"Bất kỳ hành động nào khác của Liên bang Nga làm mất ổn định tình hình tại Ukraine đều sẽ mang đến hậu quả nghiêm trọng... trong có nhiều hậu quả về kinh tế."Thông cáo của EU
Lãnh đạo EU, hiện đang họp ở Brussels, đã dọa nếu Nga không có biện pháp giảm căng thẳng thì sẽ phải chịu "hậu quả nghiêm trọng".
Các dân biểu Crimea đã định ngày 16/3 để tổ chức trưng cầu dân ý.
Quân đội Nga trên thực tế đã giành kiểm soát Crimea, nơi mà dân số chủ yếu là người Nga.
Quốc hội Crimea hôm thứ Năm tuyên bố quyết định "gia nhập Liên bang Nga với quyền hạn thành viên của Liên bang Nga".
Tổ chức này cũng nói đã yêu cầu Tổng thống Nga Vladimir Putin "bắt đầu thủ tục".
Thái độ cứng rắn
Trước cuộc họp tại Brussels, một số nước thành viên EU do Đức dẫn đầu đã nói họ muốn thương lượng với Nga hơn là đưa ra các biện pháp mạnh hơn.
Thế nhưng các phóng viên nói quyết định của các dân biểu Crimea rõ ràng đã khiến thái độ của EU trở nên cứng rắn hơn.
Trong một cuộc họp báo sau khi họp, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch Ủy hội châu Âu Herman Van Rompuy cùng nói rằng việc trưng cầu dân ý ở Crimea là trái với Hiến pháp Ukraine và do vậy "bất hợp pháp".
EU tuyên bố ngừng thảo luận với Moscow về lệnh hạn chế người Nga nhập cảnh châu Âu.
Khối này cũng nói nếu Nga không nhanh chóng có có biện pháp giảm căng thẳng thì EU sẽ "quyết định bổ sung các biện pháp như cấm đi lại, phong tỏa tài sản và hủy hội nghị thượng đỉnh EU-Nga".
Thông cáo của EU nói rằng "bất kỳ hành động nào khác của Liên bang Nga làm mất ổn định tình hình tại Ukraine đều sẽ mang đến hậu quả nghiêm trọng... trong có nhiều hậu quả về kinh tế".
Tổng thống Mỹ Barack Obama thì nói trưng cầu dân ý tại Crimea là "vi phạm hiến pháp Ukraine và luật pháp quốc tế".
Ông nói có cách để giải quyết khủng hoảng với nước Nga thông qua ngoại giao, thế nhưng nếu "vi phạm vẫn tiếp diễn thì Hoa Kỳ và đồng minh vẫn sẽ quyết tâm [trừng phạt]"
Cuộc họp các lãnh đạo EU tại Brussels về vấn đề Ukraine
Tổng thống Obama ca ngợi "sự đoàn kết của quốc tế trong thời điểm này".
Hoa Kỳ trước đó đã ra lệnh hạn chế nhập cảnh với một số quan chức và cá nhân Ukraine và Nga trên cơ sở là họ phải chịu trách nhiệm "đã đe dọa hoặc tham gia đe dọa chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine".
Thủ tướng Anh David Cameron nói tình hình vẫn "rất nguy hiểm, bất cứ sự tính toán sai nào đều có thể khiến nó vượt qua ngoài vòng kiểm soát".
Ông so sánh tình hình hiện nay với Thế chiến II và nói: "Điều này quan trọng vì chúng ta biết từ lịch sử rằng nếu như ta tảng lờ việc các dân tộc bị dày xéo, sự độc lập của họ bị cưỡng đoạt... thì về lâu dài sẽ có nhiều vấn đề to lớn nữa".
Mở rộng hội nhập
Phát biểu tại Dublin, cựu Thủ tướng Ukraine Yulia Tymoshenko kêu gọi châu Âu mở rộng hội nhập một cách đầy xúc cảm.
Bà nói: "Chúng ta đang xây dựng một dân tộc châu Âu - chúng ta đang làm công việc này và không ai có thể cản bước chúng ta. Chúng ta mang nợ những người đã chết và những người còn sống khi được làm việc này".
Phóng viên BBC Chris Morris tại Brussels nói có thể EU khó thống nhất trong quyết định đưa ra các biện pháp trừng phạt mạnh.
Phóng viên của chúng tôi nói rằng tuy một số quốc gia, nhất là các nước nằm gần biên giới với Nga, cho rằng EU cần có thái độ cứng rắn, đa số các nước thành viên lại muốn tránh xung đột kinh tế lâu dài với Nga.
"Lãnh thổ Ukraine trong phạm vi đã được cả thế giới công nhận là không thể vi phạm và có chủ quyền."Tổng thống tạm quyền Olexander Turchynov
Trong một phát biểu trên truyền hình, Tổng thống tạm quyền của Ukraine Olexander Turchynov chỉ trích việc trưng cầu dân ý là "bất hợp pháp và không cần thiết, trái với nguyện vọng của người dân Ukraine".
Ông trích dẫn Điều 73 của Hiến pháp Ukraine, theo đó các vấn đề liên quan biên giới cần phải được "trưng cầu dân ý của toàn dân Ukraine".
Ông Turchynov nói: "Lãnh thổ Ukraine trong phạm vi đã được cả thế giới công nhận là không thể vi phạm và có chủ quyền".
Thế nhưng Phó Thủ tướng thường trực của Crimea, Rustam Temirgaliev, nói Crimea cho rằng chính phủ mới tại Kiev là bất hợp pháp và Crimea nay thuộc về Nga.
Phát biểu tại Rome, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói: "Crimea thuộc về Ukraine. Crimea là Ukraine."
Các tay súng thân Nga đã chiếm nhiều vị trí chiến lược ở Crimea sau khi Tổng thống Viktor Yanukovych bị lật đổ, kết quả của nhiều tháng biều tình tại Kiev.
Các cuộc biểu tình, do những người Ukraine muốn xích lại gần phương Tây tổ chức, trở nên bạo lực vào giữa tháng Hai, với hơn 90 người thiệt mạng trong các cuộc đụng độ với cảnh sát.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét