Pages

Thứ Bảy, 1 tháng 3, 2014

Ném đá và ân xá

Ném đá là điều rất mọi rợ, rất đáng ghét, rất bullshit. Đặc biệt là ném đá người giầu. Nó gợi lại một chương rùng rợn trong lịch sử dân tộc. Người nghèo đã được cách mạng giải phóng trước, bây giờ – chậm còn hơn không – cách mạng quay sang giải phóng nốt người giầu. Trước hết là giải phóng họ khỏi những chê bai, ghen ghét, đố kị, cào bằng, dèm pha, soi mói, ngờ vực của người nghèo, những thói xấu dã man của đám bần cố nông phản tiến hóa có thể kéo lùi xã hội trở về thời cộng sản hang động. Điểm đến của chúng ta phải là chỗ khác, một thiên đường cộng sản “ăn theo quyền lực, hưởng theo nhu cầu”. Người giầu cũng có nhu cầu, tối thiểu là nhu cầu ở nhà cao rộng. Họ cũng có nhân quyền và nhân phẩm. Họ cũng phải được bình đẳng trước pháp luật như mọi người. Thậm chí bình đẳng hơn mọi người. Rốt cuộc thì Việt Nam khải hoàn với tỉ phú dollar duy nhất lọt vào danh sách Forbes hay với mấy chục triệu người sống bằng 1 dollar một ngày? Nghèo là hèn, nghèo là nhục. Nghèo là có tội, phải không em? 

Một lâu đài ở Phủ Lý, Hà Nam
Vâng, tôi hoàn toàn đồng ý rằng quan lớn ở nhà to không có gì là sai trái. Một đời cống hiến cho nhân dân mà có cái biệt thự hưởng tuổi già ở quê nhà cũng không được nhân dân đồng ý, thế thì cống hiến để làm gì? Một đời phấn đấu cho lí tưởng quét sạch sở hữu tư nhân, chẳng lẽ sự nghiệp ấy không đáng vinh danh bằng chút bất động sản? Ông Trần Văn Truyền xứng đáng ở một biệt thự trên diện tích hơn 16.000 mét vuông. (Nói khẽ, kẻo đánh thức cái chương lịch sử rùng rợn vừa nhắc: Thời ấy trung bình chưa đầy 7.000 mét vuông là đủ để địa chủ bỏ mạng. Con cháu cụ Phan Bội Châu, nhà ba người với ba sào đất – 3 x 360 = 1.080 mét vuông – cũng suýt thành kẻ thù của nhân dân.) Cơ ngơi của ông tổng thanh tra quốc gia về hưu chẳng qua chỉ bằng diện tích của Công viên Lenin ở Hà Nội, tức “rộng rãi hơn chút” so với xung quanh, như ông thanh thản so sánh. Hơi nhỉnh hơn căn nhà 51 mét vuông của đương kim Chủ tịch nước, nhưng chưa chắc ăn đứt nơi cựu Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết về vui thú điền viên và nuôi chim yến lấy thu nhập mỗi tháng hai mươi triệu cho gia đình. So với khu nhà vườn của gia đình Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, khu dinh thự sinh thái của cựu Chủ tịch tỉnh Hà Giang Nguyễn Trường Tô, khu dinh thự của Chủ tịch tỉnh Bình Dương hay với cái biệt thự La Mã của một chức quan nhỏ xíu là tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Ý đã thấy ngượng, đừng nói so với những lâu đài hùng vĩ tráng lệ, những tòa nhà dát vàng của các nhà buôn sắt, buôn bạc, buôn lụa… đang cấp tốc dạy đẳng cấp sống cho đất nước rất ham học này.

Bạn có thể bẻ rằng cả đời khâu miệng thì lương ông Truyền tích cóp lại may ra mới xây được nửa cái cổng và nửa vòng tường bao quanh khu dinh thự ấy. Vâng, nhưng bạn cũng biết rằng xây nhà ở Việt Nam, người ta đặt tất cả tâm huyết vào cái tường, cái cổng, cái nóc và những thứ lô nhô đập ngay vào mắt. Rất nhiều mái lệch, ở rất nhiều độ cao khác nhau. Mưa móc ở xứ nhiệt đới này rơi mỗi tầng một trọng lượng. Rất nhiều tháp. Rất nhiều cột. Rất nhiều vòm và những thứ lỉnh kỉnh khác. Trông rắc rối hoành tráng thế thôi nhưng bên trong cũng “bình thường chứ chẳng có vấn đề gì“, như ông Truyền cho biết. Chân tường chắc cũng lở loét, dây điện cũng nhằng nhịt, toa lét cũng khai mù, có gì mà xa hoa.

Hơn nữa, sao bạn không đơn giản ghi nhận sự may mắn của những người thành đạt? Nước bao giờ cũng chảy chỗ trũng, bạn không thể lôi ông Truyền ra tòa chỉ vì con trai ông ấy có viễn kiến, biết mua kha khá đất từ thuở bạn còn dồn tiền mua xe máy bãi rác; chỉ vì em nuôi ông ấy hảo tâm hào phóng, trong khi ở những gia đình khác con giết mẹ lấy 2,8 triệu đồng đi chơi game, cậu ruột chích điện mưu sát cả nhà cháu ruột do tranh chấp 200 mét đất, con đòi bán nhà chia tài sản không được bèn giết bố; chỉ vì xung quanh ông ấy biết bao người vô tư xúm lại biến đầm lầy đất hoang thành dinh thự khang trang, trong khi bạn cứ một thân một mình chống chọi với hoàn cảnh… Tạo hóa bất công, tiếc rằng chúng ta vẫn phải chấp nhận luật fairplay với cả những người quá nhiều may mắn. Không, bạn tuyệt đối không nên ném đá.

Còn khi tất cả những sự may mắn đã thi nhau chọn ông Truyền chứ không chọn bạn nhưng vẫn không đủ để giải trình cái dinh thự của ông thì như một nhà báo trong vụ này đã đặt vấn đề, chúng ta có thể cân nhắc áp dụng một công cụ hữu ích: ân xá kinh tế, nhằm “giải phóng các tài sản đang nằm ở đâu đó để khơi lại dòng vốn đầu tư cho nền kinh tế“. Nói cách khác, hợp pháp hóa những tích lũy có thể bất hợp pháp, khơi trong những dòng vốn có thể không sạch, rửa những đồng tiền có thể bẩn. Đen trắng không quan trọng, miễn là đầu tư vào kinh tế quốc gia, và xây “biệt thự gia đình” tất nhiên là kích cầu, là đầu tư, là đóng góp cho đất nước. Đúng quá. Sâu trong những góc tối nhất của lương tâm, ai chẳng có vài cái xác chưa chôn. Bây giờ đem chúng ra ánh sáng, làm một lễ truy điệu tế nhị, rồi “ân xá và công nhận” thủ phạm “thay vì truy tìm và trừng phạt“, thế là xua tan bao nhiêu tử khí độc hại, giải quyết bao nhiêu tồn đọng âm ỉ, mở nắp van cho bao nhiêu áp lực ngầm, chắp cánh cho bao nhiêu lương tâm khỏi bị đè nặng. Quả là một giải pháp kì diệu. Điều gì có lợi cho đất nước hơn: khuyến khích cho phần chìm của tảng băng nổi lên và tan vào những lâu đài, biệt thự hay ủ vàng vào hũ đem chôn? (Nói khẽ, vàng chôn lâu đến đâu cũng không hết đát, trong khi băng tan rồi, đông cứng lại và chìm xuống một lần nữa khó hơn.)
Nội thất trong một biệt thự ở Cần Thơ
Tôi đồng ý hết, với điều kiện: không ân xá thẩm mĩ. Tối thiểu ba năm tù cho các kiểu biệt thự cổ điển rởm tân trang. Từ ngoài vào trong: mỗi chiếc mái lệch phạt thêm hai trăm triệu. Mỗi chiếc vòm bốn trăm triệu. Mỗi chiếc tháp năm trăm triệu. Cổng chạm rồng phạt sáu tháng quản thúc, chạm rồng phun nước tăng gấp rưỡi, chạm trống đồng tăng gấp đôi. Mỗi đôi sư tử đá phạt ba tháng lao động công ích, tượng Vệ Nữ sáu tháng, hòn non bộ chín tháng. Mỗi bộ sừng voi một năm tù cho hưởng án treo cộng năm trăm triệu tiền phạt, sừng tê giác phạt thêm năm mươi tỉ đồng. Mỗi bể cá vàng phạt chín roi vào mông, năm mươi roi cho mỗi bộ bàn ghế gỗ đỏ, một trăm roi cho mỗi nhà sàn Tây Nguyên tái chế, năm trăm roi cho mỗi bức tranh ngựa trên mực Tầu giấy dó, một nghìn roi cho mỗi bức tranh tám con ngựa phi trên biển sơn mài…
Sofa Nàng tiên cá bằng vàng trong lâu đài của Gaddafi
Vì sao? Vì tài sản địa chủ có thể biến hóa, nhưng gu phú nông mãi mãi là gu phú nông, dù không cái gu nào trên đời không hợp pháp. Bạn cũng thấy đấy, lâu đài của cựu Tổng thống Ukraine Yanukovych có thể chuyển về tay nhân dân, nhưng cái gu thẩm mĩ của các nhà độc tài thì không thể thanh lí.

Tháng 3 1, 2014

Phạm Thị Hoài

© 2014 pro&contra

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét