Pages

Thứ Tư, 26 tháng 3, 2014

Những quan chức Việt nào “dính chàm” trong các dự án ODA?

(Soha.vn) - Vụ việc quan chức ngành đường sắt Việt đang vướng vào cáo buộc nhận “lại quả” 80 triệu yen của Nhật đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Công ty Nhật Bản JTC thừa nhận hối lộ số tiền gần 80 triệu yên (16 tỉ đồng) để trúng thầu dự án đường sắt đô thị Hà Nội. Đây là dự án có vốn ODA của Nhật. Trước đây, có hai vụ án lớn từng gây rúng động dư luận cũng liên quan tới các dự án ODA, đó là vụ Huỳnh Ngọc Sĩ với dự án Đại lộ Đông - Tây và vụ bê bối tại PMU 18.

Huỳnh Ngọc Sĩ và bê bối nhận hối lộ dự án Đại lộ Đông - Tây

Dự án Đại lộ Đông - Tây có tổng chiều dài 21,9, được khởi công 31/1/2005, bắt đầu từ quốc lộ 1A huyện Bình Chánh và kết thúc tại xa lộ Hà Nội quận 2, tổng chiều dài toàn tuyến gần 22 km. Dự án có hạng mục hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn lớn nhất Đông Nam Á. Dự án với tổng vốn đầu tư ban đầu gần 10.000 tỷ đồng, trong đó có 6.394 tỷ đồng vay ODA của Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC), số còn lại từ ngân sách thành phố.

Báo chí Nhật đưa tin, 4 người Nhật đã nhận việc chuyển cho một quan chức cao cấp tại TP. Hồ Chí Minh số tiền hối lộ 820.000 đôla để thắng thầu dự án trên.

Trong đó, theo bản án sơ thẩm, trong thời gian làm Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đại lộ Đông Tây, ông Huỳnh Ngọc Sĩ không làm đúng nhiệm vụ được giao, làm lợi cho phía nhà thầu Nhật Bản để nhận hối lộ 262.000 USD.

Tại phiên tòa sơ thẩm 18/10/2010, Hội đồng xét xử xác định có đủ căn cứ kết luận bị cáo Huỳnh Ngọc Sĩ phạm tội Nhận hối lộ được quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 279 Bộ luật hình sự và cho rằng hành vi phạm tội của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng gây hậu quả xấu.

Ông Huỳnh Ngọc Sĩ bị tuyên mức án chung thân.

Những quan chức Việt nào “dính chàm” trong các dự án ODA?
Ông Huỳnh Ngọc Sĩ. (Ảnh: Tuổi trẻ)
Ngày 1/9/2011, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM đã chấp nhận một phần đơn kháng cáo, tuyên giảm hình phạt từ chung thân xuống còn 20 năm (mức cao nhất của án tù có thời hạn) đối với ông Huỳnh Ngọc Sĩ về tội nhận hối lộ.

Tham nhũng và lạm dụng vốn ODA ở PMU18

PMU18 trực thuộc Bộ Giao thông vận tải (GTVT) được thành lập theo quyết định số 1675 QĐ/TCCB - LĐ ngày 23/8/1993 của Bộ GTVT. Ban đầu, PMU18 được giao nhiệm vụ quản lý việc xây dựng mới, nâng cấp đường và các công trình trên tuyến Quốc lộ 18. Trong thời gian 13 năm từ 1993 đến 2006, đơn vị này quản lý khoảng 2 tỷ đô la do Ngân hàng Quốc tế (World Bank), Nhật Bản và một số quốc gia Âu châu tài trợ và nhà nước Việt Nam góp vốn.

Ông Bùi Tiến Dũng được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc PMU 18 từ ngày 4/4/1998.

Trong quá trình thực hiện các dự án sử dụng vốn vay ODA và nguồn vốn hỗ trợ khác, PMU 18 được Bộ GTVT cử làm đại diện chủ đầu tư để ký kết các hợp đồng kinh tế về tư vấn và xây lắp dự án nâng cấp cải tạo Quốc lộ 18 và một số Quốc lộ khác.

Theo quy định, PMU 18 và Ban Điều hành các gói thầu được mua ô tô bằng nguồn vốn ODA và nguồn vốn hỗ trợ khác để thực hiện công việc. Trong giai đoạn từ năm 1998 - 2005, lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao, Bùi Tiến Dũng đã cho mượn, sử dụng sai mục đích 7 ô tô và bản thân Dũng sử dụng không đúng quy định 2 xe. Hành vi của Bùi Tiến Dũng đã gây thiệt hại gần 2,7 tỉ đồng.

Những quan chức Việt nào “dính chàm” trong các dự án ODA?
Bùi Tiến Dũng. (Ảnh: Người lao động)

Bốn “đồng phạm” của Bùi Tiến Dũng là Vũ Mạnh Tiên (nguyên Phó chánh văn phòng PMU 18), Lê Thị Thanh Hòa (nguyên Phó phòng PID 6 PMU 18), Nguyễn Thanh Sơn (nguyên Phó phòng PID 6 PMU 18), và Bùi Thu Hạnh (Phòng Tài chính - kế toán, em gái Bùi Tiến Dũng). Những người này bị cáo buộc trong quá trình thực hiện dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 18 đã yêu cầu Ban điều hành các gói thầu ký khống hợp đồng thuê nhà, thuê trụ sở, thuê ôtô, lập bảng lương khống chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng. Trong đó, ông Tiên chiếm gần 300 triệu đồng, bà Hòa cùng chồng Phạm Tiến Dũng (Trưởng phòng kinh tế kế hoạch PMU 18 đã chết trong quá trình tạm giam) thu lợi hơn 500 triệu đồng, ông Sơn chiếm trên 220 triệu đồng, bà Hạnh “bỏ túi” 53 triệu đồng.

Ngoài ra, Bùi Tiến Dũng cùng 8 cựu quan chức trong PMU 18 vì bị cáo buộc tham nhũng trong dự án xây dựng cầu Bãi Cháy ở Quảng Ninh do Nhật tài trợ vốn ODA. Trong dự án này, với sự đồng ý của Bùi Tiến Dũng, một số cán bộ tại PMU18 và sự thông đồng với Giám đốc điều hành các gói thầu BC1 và BC3, danh sách khống về hàng chục nhân viên tư vấn đã được lập. Từ tháng 3/2003 đến 2/2007, bằng cách làm này, các bị cáo đã rút được hơn 3,4 tỉ đồng tiền lương. Ngày 6/7/2011, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Bùi Tiến Dũng 7 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ” trong vụ án tham ô tài sản tại dự án cầu Bãi Cháy (tỉnh Quảng Ninh).

Trước đó, Bùi Tiến Dũng đã bị phạt 13 năm tù về tội “đánh bạc” và “đưa hối lộ”; 3 năm tù về tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Tổng hợp các bản án, Bùi Tiến Dũng phải bị 23 năm tù giam.

Y. Dương Tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét