Pages

Thứ Tư, 26 tháng 3, 2014

Phạm Chí Dũng - Cấm bắt giam người khiếu kiện: Việt Nam học gì từ Trung Quốc?

Cấm bắt giam người khiếu kiện!

Dù bị một số giới quan sát phương Tây xem là chế độ còn “phát xít” hơn cả Việt Nam, ít nhất thế hệ lãnh đạo mới ở Trung Quốc vẫn biết và vẫn dám làm một ít đầu việc mà giới chính khách cao cấp ở Hà Nội chưa bao giờ dám quyết định.

Gần cuối tháng 3/2014, một văn kiện do Ban chấp hành trung ương Đảng và Hội đồng nhà nước Trung Quốc ban hành đã nhấn mạnh “Tuyệt đối cấm việc giam giữ trái phép người khiếu kiện”.

Theo nhận định của báo chí phương Tây, đây là một chủ trương khá mạnh dạn sau bốn tháng bãi bỏ hệ thống trại cải tạo lao động. 



Trên lý thuyết, các công dân Trung Quốc có tranh chấp với chính quyền địa phương, nhất là trong các trường hợp cưỡng chế đất đai, bê bối vệ sinh môi trường hay lạm dụng quyền hành và bị ngược đãi, đều có thể kêu lên các cấp chính quyền cao hơn, hay thậm chí lên tận trung ương ở Bắc Kinh. Nhưng trong thực tế, đại đa số chính quyền địa phương vẫn làm ngơ trước các khiếu kiện của dân. Nhiều người dân đi khiếu kiện lên cấp trên bị chặn bắt giữa đường hay bị giam giữ trái phép trong các “nhà tù đen” trước khi được thả về địa phương.

Thực ra lệnh cấm đối xử thô bạo đối với người khiếu kiện đã được phát ra vào tháng 5/2013. Sau cuộc bùng nổ chống cưỡng chế tại làng Ô Khảm ở Quảng Đông vào cuối năm 2011, Bộ Tài nguyên Đất đai Trung Quốc đã phải ban hành một thông tư khẩn kêu gọi chấm dứt các vụ cưỡng chế tịch thu đất bất hợp pháp. Theo đó “Các hành động dùng vũ lực để tịch thu đất đai bất hợp pháp sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc”.

Trong những năm gần đây, các vụ cưỡng chế và tịch thu đất đã gây ra hàng chục ngàn vụ biểu tình và xung đột. Khoảng 90.000 vụ “sự cố tập thể” - mỹ từ được sử dụng để chỉ các vụ nổi dậy - được ghi nhận hàng năm tại Trung Quốc, trong đó có đến hai phần ba số vụ liên quan đến việc trưng thu đất - một tỷ lệ gần tương tự ở xã hội Việt Nam.

Cũng như Việt Nam, trong sâu thẳm và tận cùng, xã hội Trung Quốc luôn tiềm ẩn những nghịch lý kinh khủng.

Trong khi tổng khối lượng kinh tế của Trung Quốc nhìn lên chỉ xếp sau Mỹ, thì vẫn còn quá nhiều nông dân phải cắm mặt xuống đất.

Cánh cổng khép kín của quốc gia này đã khiến cho nhiều vụ việc trở nên câm lặng. Như một sự toa rập với định hướng chỉ đạo, một phần trong hệ thống truyền thông đại chúng vẫn ca ngợi sự thịnh vượng của đất nước, thay cho chuyện mổ xẻ cái nghịch lý “nước giàu dân nghèo”.

Dù vào tháng 11/2013, Bắc Kinh đã quyết định xoá bỏ hệ thống trại cải tạo lao động, nơi có thể giam giữ người không qua xét xử, nhưng chính quyền địa phương ở Trung Quốc vẫn bị tố cáo là đã sử dụng hệ thống trại cải tạo để trấn áp những tiếng nói đối kháng, tố giác tham nhũng và cả những người dân oan khiếu kiện. Cho đến nay, nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền vẫn cảnh báo vẫn còn tồn tại hiện tượng bắt giữ vô cớ người khiếu kiện. Theo Amnesty International, ở Trung Quốc, nhiều trại lao cải vẫn tồn tại dưới dạng trại cai nghiện.

Ngạn ngữ Trung Quốc có câu “Bạo lực là thủ đoạn sau cùng của kẻ không có năng lực”. Tình trạng bắt giữ vô cớ người khiếu kiện cũng gián tiếp xác nhận thực tế cầm quyền gần như bất lực của chính quyền.

“Đánh thuế” người khiếu kiện

Không thu hoạch được gì từ tinh thần phẫn uất ghê gớm của làng Ô Khảm ở Trung Quốc và vụ Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng, vào tháng 5/2013 ông Huỳnh Phong Tranh - người đã tỏ ra mềm mỏng với thông điệp “Công tác thanh tra là bạn của dưới, tai mắt của trên” khi mới nhậm chức Tổng thanh tra chính phủ, còn phát đi một thông điệp khác với quan điểm “kiên định” khác thường: “Đối với các đoàn (khiếu kiện) đông người quá khích, đặc biệt là những đoàn mang màu sắc chính trị tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, Tổng thanh tra chính phủ yêu cầu phải tiến hành cưỡng chế”. 

Cùng thời gian trên, một quan chức của Quốc hội Việt Nam là Phan Xuân Dũng, cũng là người đóng vai trò phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của cơ quan dân bầu này, đã tung ra một sáng kiến chưa thể có tiền lệ: “Cần có quy định bắt buộc người khiếu nại tố cáo ứng ra một khoản tiền đặt cọc. Thua thì coi như mất tiền đặt cọc, còn kiện đúng thì tiền cọc mới được nhà nước hoàn trả”.

Những đề xuất trên được nêu ra trong bối cảnh việc giải quyết khiếu tố đất đai đang hết sức nóng bỏng ở Việt Nam, với khoảng 80% đơn thư khiếu tố thuộc về lĩnh vực đất đai và hơn 70% trong số đơn thư đó nhằm tố cáo rất nhiều sai phạm của các chính quyền địa phương về công tác bồi thường, cưỡng chế giải tỏa, tái định cư…

Cơn sóng thủy triều khiếu kiện vẫn ầm ầm trên mọi nẻo đường đất nước. Không hẹn mà gặp, giữa người dân khiếu kiện từ các tỉnh Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, An Giang, Tiền Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Bình Dương, TP. HCM… đã có một mối dây tương thích về chia sẻ cảnh ngộ và phương thức đấu tranh đòi quyền lợi chính đáng của mình. 

Với người dân khiếu kiện đất đai, giờ đây vấn đề không còn đơn thuần nằm trong những lá đơn khiếu nại gửi tới các cấp thẩm quyền. Thái độ quan liêu tắc trách và cả ý đồ không nhân nhượng của một số nhân vật đặc quyền đặc lợi trong hệ thống chính quyền càng khiến cho người dân thấm thía số phận của mình đã bị an bài như thế nào. Bởi thế trong não trạng của rất nhiều người dân, chỉ có sự đoàn kết, đồng lòng trong khiếu tố, khoa học và bài bản trong tổ chức biểu tình và phản kháng mới có thể làm cho chính quyền địa phương thừa nhận sai lầm và mang lại cho người dân bị giải tỏa một kết thúc có hậu hơn.

Còn với người dân bị mất đất và nhiều trường hợp bị cướp đất, không còn cách nào khác, họ phải liều lĩnh hành động để giành giật sự sinh tồn cuối cùng cho gia đình mình. Thái độ và bản lĩnh trong việc thách thức và sẵn sàng đối đầu, chống đối chính quyền cũng vì thế đang có chiều hướng bùng phát, một sự bùng phát mà đến một thời điểm nào đó, mọi cố gắng kềm chế từ phía chính quyền sẽ trở nên bất khả kháng.

Gần hai chục năm sau “cuộc cách mạng” Thái Bình, một lần nữa cơn bão khiếu tố đất đai của nông dân đang trở nên một phản ứng xã hội ngày càng ghê gớm và có thể đe dọa đến “sự tồn vong của chế độ” - như điều mà người phụ trách cao nhất của Đảng vẫn lo ngại.

Song nhiều giới chức chính quyền lại không hề động não đến một hệ lụy tất yếu của quy luật tâm lý xã hội: sự chèn ép và phủ chụp về não trạng điều hành độc đoán đối với những người dân oan đi khiếu kiện đã góp một phần không nhỏ làm cho mối quan hệ giữa người dân và chính quyền trở nên xung khắc và thậm chí còn mang sắc màu xung đột.

Một khi không thể nhận thức và cũng không chút cảm thông với “những cuộc tụ tập có màu sắc chính trị” của tầng lớp nông dân khiếu tố đất đai, nhà cầm quyền sẽ nhanh chóng rơi vào nguy cơ “không có năng lực” như hiện tình Trung Quốc, và chế độ cũng rất có thể bị đẩy vào tình trạng mất kiểm soát trong không khí đầy bạo lực.

Đổi màu không đổi máu

Như một hiệu ứng đồng pha, hàng chục năm qua đã đồng thời diễn ra một phong trào khiếu tố đất đai lan rộng với mức độ gay gắt bất thường ở cả Trung Quốc và Việt Nam. 

Nhưng khác với Việt Nam, chính thể Trung Quốc còn có kế sách để ngăn chặn “nguy cơ đối với sự tồn vong của chế độ”. 

Ít nhất, một quy định về cưỡng chế, thu hồi đất đai do Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc ban hành đã chính thức có hiệu lực từ ngày 10/4/2012. Theo đó, chính quyền không được tiến hành cưỡng chế nếu gặp phải một trong những tình huống như: thiếu căn cứ thực tế, thiếu căn cứ pháp luật, bồi thường không công bằng, không rõ ràng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi hợp pháp của người bị cưỡng chế, không đảm bảo điều kiện sống cơ bản hoặc điều kiện kinh doanh sản xuất của người bị cưỡng chế. 

Còn ở Việt Nam, vẫn chưa có gì thay đổi đáng kể sau vụ Đoàn Văn Vươn, ngoài việc “rút kinh nghiệm” chỉ đổi màu không đổi máu. Nhiều vụ khiếu kiện đất đai đã bị quy chụp cho cái mũ “tụ tập mang màu sắc chính trị” và đã bị đàn áp nặng nề.

Bài học mà một số giới chức lãnh đạo ở Việt Nam tưởng chừng đã “tỉnh ngộ”, lại vẫn đang bị căn bệnh hoang tưởng quyền lực phong tỏa. Những gì mà giới chức chính quyền địa phương lẽ ra phải được giáo huấn một cách thật sự nghiêm khắc thì lại bị chính quyền trung ương phớt lờ. Ngược lại, có quá nhiều minh họa cho thấy giới chức địa phương và cả trung ương chỉ rắp tâm phục vụ yêu cầu của các nhóm lợi ích bất động sản.

Trong bối cảnh thị trường bất động sản đóng băng quá tồi tệ từ năm 2011 đến nay, các chủ đầu tư không thể tiêu thụ sản phẩm và do đó không thể thu hồi được vốn đầu tư và trả món nợ kếch xù cho ngân hàng nếu không nhanh chóng hoàn thiện công trình. Với những dự án còn dở dang trong công tác giải phóng mặt bằng, điều tiên quyết là phải giải tỏa dân chúng càng sớm càng tốt để có thể thu về “đất sạch”. 

Riêng những chủ đầu tư máu lạnh phải hoàn thành bằng được bước đi đầu tiên và “sạch sẽ” nhất - ly khai với tầng lớp dân chúng nghèo khổ, để sau đó mới có thể tiếp cận được với một giai tầng dân chúng khác bớt nghèo khổ hơn nhiều.

Một số chủ đầu tư máu lạnh như thế đã đốt cháy giai đoạn bằng cách thúc ép và cả “vận động” chính quyền địa phương bằng một thứ “dịch vụ đặc biệt”, để chính quyền có động lực thi hành biện pháp cưỡng chế đối với những hộ dân thuộc loại “chây lì”. Cảnh sát và quân đội cũng được huy động vào các chiến dịch đẩy đuổi người dân ra khỏi chỗ chôn rau cắt rốn. 

Trong bối cảnh thông tin một chiều về “diễn biến hòa bình”, các cơ quan của chính quyền địa phương, từ Ban dân vận, Ban tuyên giáo đến cơ quan giải quyết khiếu nại tố cáo, đặc biệt là cơ quan công an càng có lý do để gán ghép hành vi khiếu kiện và phản ứng đất đai của người dân bị giải tỏa thành “gây rối có tổ chức”. Cán bộ của những cơ quan này, trong khi không mấy quan tâm đến nguồn gốc đầy mất mát thương tâm của các vụ việc khiếu tố đất đai, lại luôn lên giọng về hình ảnh “các thế lực thù địch luôn tìm cách kích động, lôi kéo người dân đi khiếu kiện, tiến đến gây mất ổn định trật tự xã hội và an ninh chính trị”. 

Nguy cơ xung đột đất đai và đối đầu giữa người dân với chính quyền cũng bởi thế càng trở nên rõ rệt hơn bao giờ hết, trở thành tiền đề không tránh khỏi cho một cuộc khủng hoảng xã hội khó thoát khỏi cảnh đổ máu và hồi tố.

 Phạm Chí Dũng

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét