Pages

Thứ Sáu, 7 tháng 3, 2014

Thêm một lời hứa của Thủ tướng

Nam Nguyên, phóng viên RFA

000_DV1462982-305.jpg

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tại thượng đỉnh ASEAN ở Bandar Seri Begawan, Brunei hôm 25 tháng 4 năm 2013. (ảnh minh họa)
AFP PHOTO / ROSLAN Rahman

Nam Nguyên, phóng viên RFA

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hứa hẹn không giới hạn gói hỗ trợ nông nghiệp - nông dân - nông thôn, thậm chí có thể lên tới hàng trăm ngàn tỉ đồng. Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ tổ chức ngày 28/2 tại Hà Nội, Thủ tướng đã tán thành đề xuất chương trình tín dụng tam nông do ông Nguyễn Văn Bình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đưa ra.

Thực hiện không dễ

Có những ý kiến cho là Thủ tướng mạnh dạn hứa hẹn chứ việc thực hiện hoàn toàn không dễ dàng, cho dù ngân hàng thừa tiền và sẵn sàng cho vay. Thời báo kinh tế Việt Nam ngày 5/3 đưa lên mạng bài viết “Dự án nông nghiệp vay nghìn tỷ: Nhà băng nào dám mở hầu bao?” Tờ báo trích lời Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã nghiên cứu một số mô hình sản xuất quy mô lớn, có tính khả thi cao và có thể nhân rộng như dự án trang trại bò sữa của tập đoàn TH (True Milk), cũng như các nhà máy thủy sản có sự tham gia tái cấu trúc của ngân hàng và mô hình cánh đồng mẫu lớn ở đồng bằng sông Cửu Long.
Theo VnEconomy, cho dù có vốn nhưng bài học nghiệt ngã của thị trường cũng chỉ ra rằng, nếu chưa có quy hoạch tổng thể, dự báo quy mô thị trường tiêu thụ tương ứng với khả năng sản xuất thì điệp khúc “trồng chặt” và “được mùa mất giá, mất mùa được giá, hay xa hơn là sự đổ bể của chương trình “đánh bắt xa bờ” không biết bao giờ mới chấm dứt.
Chúng ta thiếu tiền nhưng cái thiếu hơn là những chiến lược và chính sách đồng bộ phối hợp các ngành, liên ngành, phối hợp các đối tác khác nhau trong cả chuỗi giá trị từ sản xuất đến kinh doanh đến chế biến.
-TS Đặng Kim Sơn
Nhận định về vấn đề vừa nêu, tối 6/3/2014 TS Đặng Kim Sơn viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn từ Hà Nội phát biểu:
“Tôi nghĩ ý kiến của tờ báo đó là chính xác, bây giờ rõ ràng chúng ta thiếu tiền nhưng cái thiếu hơn là những chiến lược và chính sách đồng bộ phối hợp các ngành, liên ngành, phối hợp các đối tác khác nhau trong cả chuỗi giá trị từ sản xuất đến kinh doanh đến chế biến. Rõ ràng việc đầu tiên phải xây dựng được các chương trình hành động một cách phối hợp và có cái nhìn dài hạn một cách tổng thể, thì lúc đó không chỉ tiền tín dụng mà tiền đầu tư rồi các nguồn lực xã hội khác, nguồn lực trong đất nước mới có thể có định hướng cho hiệu quả được.”
Vẫn theo Thời báo Kinh tế Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước sẽ dành ra một khoản tiền nhất định hướng vào các mục tiêu: cho vay ứng dụng công nghệ cao, mô hình sản xuất mới quy mô lớn và phục vụ hoạt động xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp. Thống đốc Bình cho biết, tín dụng với lãi suất phù hợp và thấp hơn mặt bằng chung được mở ra ngay trong quý 1 cho những mô hình sản xuất nông nghiệp có sự liên kết theo chuỗi sản xuất, phân phối, xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, có kết hợp yếu tố khoa học.
Thống đốc Bình nhấn mạnh tín dụng tam nông sẽ được thực hiện theo một quy trình cho vay khép kín đối với doanh nghiệp đứng đầu chuỗi, nhằm từng bước thay thế cho kiểu vay rải rác như trước. Quy trình này sẽ giảm thiểu rủi ro vì không còn kiểu ngân hàng này cho vay sản xuất, ngân hàng kia cho vay chế biến, xuất khẩu. Tình trạng mà ông Bình cho là chỉ cần một khoản vay ở khâu này rủi ro là kéo theo rủi ro ở các khoản vay khác.
VnEconomy nhận định là việc thực hiện những đề xuất của Thống đốc Nguyễn Văn Bình là điều không dễ dàng. Bởi vì Ngân hàng Nhà nước có thể tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại có được các gói vốn giá rẻ để cho các dự án thí dụ như cánh đồng mẫu lớn vay, nhưng chính các ngân hàng thương mại phải chịu trách nhiệm bảo toàn vốn cho vay tam nông. Nhà báo đặt tiếp câu hỏi, với quy mô lên tới hàng nghìn tỷ đồng cho một dự án, ngân hàng nào dám mở hầu bao, khi mà rủi ro trong sản xuất nông nghiệp được coi là đứng đầu trong các lĩnh vực cho vay?
chinhphu-250.jpg
Phiên họp thường kỳ của Chính phủ tổ chức ngày 28/2 tại Hà Nội. Courtesy chinhphu.vn
Theo TS Đặng Kim Sơn, chương trình tín dụng tam nông được loan báo trong phiên họp của Chính phủ ngày 28/2 sẽ hỗ trợ hai nội dung lớn mà Việt Nam đang tiến hành, một là tái cơ cấu nền nông nghiệp và thứ hai là chương trình phát triển nông thôn. TS Đặng Kim Sơn nhấn mạnh:
“Chương trình này dù là nỗ lực tốt nhưng nó chỉ có thể thành công được nếu phải được gắn liền với hoạch định chiến lược, sự xây dựng kế hoạch chi tiết và kèm theo những chính sách hợp lý. Bởi vì các vấn đề mà ngành nông nghiệp cũng như hệ thống phát triển nông thôn của Việt Nam đang phải đương đầu là những vấn đề quá sức phức tạp. Nó bao gồm phải xử lý những khó khăn trước mắt do cuộc khủng hoảng kinh tế đem lại, lẫn những thách thức về thị trường do cạnh tranh từ bên ngoài đưa vào trong quá trình hội nhập và những rủi ro thiên tai do biến đổi khí hậu gây ra. Đồng thời phải cùng lúc phải sửa chữa những sai sót vướng mắc, tháo gỡ những tồn tại đã có quá dài trong hệ thống sản xuất như tổ chức sản xuất, như về khoa học công nghệ, như về cơ sở hạ tầng ..v..v.. Vì thế quyết tâm là việc khởi đầu rất tốt nhưng bước tiếp theo rất to lớn nặng nề là phải hình dung ra toàn bộ bức tranh, xác lập những ưu tiên đề ra những biện pháp tích cực để tháo gỡ, làm sao để sử dụng được khoản tiền đó cũng như huy động được tất cả nguồn nội lực khác còn ở trong xã hội và từ các nhà đầu tư bên ngoài.”

Còn nhiều thách thức

Tuổi Trẻ Online đưa tin về phiên họp thường kỳ của Chính phủ trích lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Không cần nói gói hỗ trợ bao nhiêu nhưng hàng trăm ngàn tỉ đồng cũng được, với điều kiện có đối tượng vay, thời hạn cho vay hợp lý, phải đủ độ dài của sản xuất nông nghiệp. Về lãi suất thì mặt bằng phải thấp hơn cho vay thương mại. Như vậy là rất tốt, đó là ủng hộ trực tiếp cho nông dân, cho sản xuất nông nghiệp.”
Tuy Thủ tướng nói như vậy, nhưng người nông dân nghèo chỉ có thể hưởng lợi ích gián tiếp từ các gói tín dụng này, chứ không thể gọi là ủng hộ trực tiếp. Ngoài ra khi Việt Nam có đủ đầu tư để tiến tới các mô hình sản xuất lớn, áp dụng khoa học công nghệ, để cho nông sản rẻ hơn, tốt hơn đủ sức cạnh tranh với thế giới, thì cũng là lúc những nông hộ nhỏ có thể bị xóa sổ và sẽ là thảm họa nếu chính phủ không làm tốt việc đào tạo nghề cho nông dân mất đất và thực hiện thành công việc chuyển dịch lao động.
Trả lời câu hỏi của chúng tôi, TS Đặng Kim Sơn nhận định:
Khi chúng ta gom đất vào tay những người làm ăn giỏi, có đủ năng lực áp dụng khoa học công nghệ, thì làm thế nào để giải quyết công ăn việc làm cho những người giao đất đi.
-TS Đặng Kim Sơn
“Điều quan trọng khi chúng ta gom đất vào tay những người làm ăn giỏi, có đủ năng lực áp dụng khoa học công nghệ, thì làm thế nào để giải quyết công ăn việc làm cho những người giao đất đi, đấy mới là thách thức lớn nhất. Phải chuyển họ sang các lĩnh vực phi nông nghiệp, phải đào tạo nghề thế nào, cho vay vốn thế nào, tạo ra thị trường lao động mới, thì đấy mới là thách thức to lớn nhất.”
Về gói tín dụng tam nông vừa loan báo, Thống đốc Nguyễn Văn Bình mô tả đề xuất của ông là một chương trình thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn với ba trọng tâm: Thứ nhất là tín dụng phục vụ ứng dụng công nghệ khoa học vào sản xuất nông nghiệp. Thứ hai là tín dụng phục vụ mô hình sản xuất mới trong nông nghiệp và thứ ba là tín dụng phục vụ xuất khẩu nông thủy sản.
Theo ý kiến các chuyên gia mà chúng tôi ghi nhận, Chính phủ Việt Nam qua các đề xuất về tín dụng tam nông của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, có vẻ đã bừng tỉnh sau một thời gian dài bỏ quên nông nghiệp và nông dân. Đại đa số nông dân có rất ít đất sản xuất, sống vất vả vì khủng hoảng đầu ra và giá nông thủy sản giảm mạnh, nghề chăn nuôi điêu đứng vì dịch bệnh và giá thành cao, khiến hàng triệu người gặp khó khăn trong cuộc sống. Chính sách xuất khẩu gạo tạo độc quyền cho các Tổng công ty Lương thực Nhà nước  làm méo mó thị trường, nông dân bị ảnh hưởng. Thu nhập bình quân đầu người của nông dân trồng lúa đồng bằng sông Cửu Long chỉ khoảng 530.000đ/tháng, theo các nghiên cứu của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp Nông thôn và tổ chức phi chính phủ của nước ngoài công bố hồi gần đây.
TS Nguyễn Quang A, chuyên gia nghiên cứu thuộc nhóm Trị sự Diễn đàn Xã hội Dân sự hiện sống và làm việc ở Hà Nội nói với chúng tôi, việc nhà nước thức tỉnh thì không bao giờ là quá muộn. Ông nói:
“Điều quan trọng là nhà nước phải chấm dứt sự độc quyền, bất kể sự độc quyền nào đều là không tốt. Tạo cơ sở tạo điều kiện cho các tổ chức của bà con nông dân tự vận động lên còn Nhà nước chỉ làm những việc cần phải làm, như hỗ trợ giúp vấn đề vốn, vấn đề mặt bằng hay tín dụng để giải quyết những vấn đề xử lý sau thu hoạch, khuyến nông.”
Trên Thế giới Tiếp Thị trang mạng mới ra đời của các cựu nhân viên báo Saigon Tiếp Thị bị đóng cửa, ngày 2/3/2014 TS Đặng Kim Sơn Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Nông nghiệp Nông thôn nhận định là, chính phủ phải gấp rút tái cơ cấu lại lĩnh vực thức ăn gia súc để giải quyết bế tắc cho hai ngành chăn nuôi và thủy sản, đây là hai ngành phụ thuộc nhiều vào thức ăn cho vật nuôi. Theo lời ông, phải xử lý thật nhanh để làm sao hạ giá thành xuống như giảm thuế nhập khẩu đầu vào, giảm thuế VAT đầu ra; cung cấp con giống, kiểm soát tốt dịch bệnh. Riêng với thủy sản TS Đặng Kim Sơn cho rằng phải giải quyết được mối quan hệ giữa người sản xuất và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu.
TS Đặng Kim Sơn nói với báo Thế Giới Tiếp Thị rằng, việc Chính phủ đưa ra chương trình cấp bách can thiệp vào ngành nông nghiệp, không những giúp nền kinh tế có cơ phục hồi lại đà tăng trưởng trước đây, mà còn có thể mở ra một triển vọng cho tăng trưởng vững bền và hiệu quả. TS Đặng Kim Sơn nhấn mạnh, nếu Chính phủ có đưa ra các chương trình gì cho nông nghiệp lúc này, thì đó không còn là câu chuyện hạn hẹp ở việc giải cứu, cứu trợ nữa, mà phải xem đó là ngành mũi nhọn để đầu tư, kích thích tái cơ cấu
.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét