Pages

Chủ Nhật, 9 tháng 3, 2014

Thuê “xã hội đen” đòi nợ, xu hướng đáng lo ngại

Biết là phi pháp, mang lại nhiều rủi ro nhưng vì ngán ngẩm thủ tục thi hành án nên các DN chọn thuê “xã hội đen” đòi nợ.

Mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức hội thảo “Luật thi hành án dân sự - góc nhìn từ doanh nghiệp (DN)” tại Hà Nội. Tại hội thảo này, VCCI đã công bố các khảo sát liên quan và đưa ra những con số khá bất ngờ về tỉ lệ thành công khi DN thuê các lực lượng phi chính thức (được cho là “xã hội đen’’) thu hồi nợ cao đến 90%. Trong khi đó nếu khởi kiện ra tòa và thu nợ qua cơ quan thi hành án (THA) thì hiệu quả thu hồi chỉ khoảng 50%. Để hiểu rõ thực, hư về những con số này, Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi đầu tuần với ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, đơn vị thực hiện cuộc khảo sát này.

"Xã hội đen" đòi nợ hiệu quả hơn?

. Phóng viên: Ông có thể nói cụ thể hơn về cuộc khảo sát này? Cơ sở nào để đưa ra kết quả nói trên?

+ Ông Đậu Anh Tuấn: Hội thảo trên được tổ chức nhằm góp ý cho Dự thảo Luật sửa đổi Luật THADS năm 2008. Để chuẩn bị cho hội thảo này, VCCI tiến hành phỏng vấn sâu với nhiều luật sư, DN thu hồi nợ, chấp hành viên, chuyên gia pháp luật và đặc biệt chúng tôi có tiến hành một khảo sát nhỏ tại 15 DN được THA (10 DN) và phải THA (năm DN) thời gian qua.

Một trong những kết quả của khảo sát này cho thấy nếu có một khoản nợ thông thường thì sẽ có ba hình thức thu nợ phổ biến mà DN sử dụng là khởi kiện ra tòa và thông qua thủ tục THA, sử dụng dịch vụ thu nợ hợp pháp và sử dụng “xã hội đen” đòi nợ. Có sự khác biệt về thời gian, chi phí và tỉ lệ thành công của ba hình thức này. Chẳng hạn, nếu qua quy trình chính thức kiện ra tòa án và THA thì thời gian bình quân đến 400 ngày, chi phí mất khoảng 20%-30% khoản nợ (chưa kể khoản phi chính thức) và tỉ lệ thành công từ 50% đến 60%. Còn nếu qua hình thức “xã hội đen” thì thời gian ngắn hơn (từ 15 đến 30 ngày), chi phí khá cao (40%-70% khoản nợ) và tỉ lệ thành công cũng cao (80%-90%).

Theo ông, kết quả khảo sát này có phản ánh một cách tương thích với tình hình thực tiễn không?

+ Đây là khảo sát quy mô nhỏ, trong thời gian ngắn với mục tiêu phục vụ cho cuộc thảo luận về Dự thảo Luật sửa đổi Luật THA của VCCI, do vậy việc sử dụng cũng hết sức cẩn trọng. Diện khảo sát chưa lớn, mẫu khảo sát chưa thực sự chuẩn bị tốt nên chúng tôi cũng chưa tự tin để khẳng định nó phản ánh hay đại diện hoàn hảo cho toàn bộ bức tranh hiện nay. Dù rằng những thảo luận tại hội thảo cũng như những phản hồi sau đó được nhiều DN, luật sư và chuyên gia đều ủng hộ kết quả này.

 
Không ít doanh nghiệp tìm đến đòi nợ thuê cho nhanh chóng và đơn giản. Ảnh minh họa: VNN

Tuy nhiên, đây là xu hướng đáng lo ngại. Thủ tục THA nếu quá phức tạp, tốn kém và kém tin cậy thì quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và DN sẽ khó được đảm bảo. Khi nhóm khảo sát của VCCI phỏng vấn, có DN còn than rằng: “Lúc đầu tôi nghĩ là có bản án của tòa thì có thể đòi được tiền rồi. Thế mà vẫn gặp khó khăn khi THA”. Những trở ngại này ảnh hưởng đến lòng tin của DN vào các kênh chính thức và đó là lý do khiến không ít DN có xu hướng chuyển sang sử dụng những kênh phi chính thức.

DN mệt từ tòa đến THA

Vì sao DN lại tin vào khả năng thu hồi nợ của “xã hội đen” - lực lượng phi chính thức hơn là qua cơ quan THA bằng con đường khởi kiện ra tòa?

+ Theo tôi, lý do chính có lẽ là tính hiệu quả của hệ thống chính thức không cao. Tỉ lệ bản án được thi hành và tỉ lệ THA thành công ở Việt Nam hiện nay quá thấp. Chính báo cáo của Tổng cục THA đã cho thấy điều đó, nhiều địa phương trong cả nước như Hà Nội, Hải Phòng và TP.HCM tỉ lệ THADS thành công chỉ xấp xỉ 30%.

Ngoài tỉ lệ thành công thấp, còn nguyên nhân như đã nói trên đây là thủ tục phức tạp và mất nhiều thời gian. Trong 10 DN đã được THA vừa rồi mà chúng tôi khảo sát thì có đến ba DN cho biết nếu gặp vụ việc tương tự họ sẽ không khởi kiện nữa. Từ trải nghiệm của mình, họ quá ngán ngẩm về thủ tục trong THA. Chắc không DN nào muốn đằng đẵng thời gian dài theo đuổi một vụ kiện, có được bản án rồi lại tiếp tục toát mồ hôi xoay sở để nó được thi hành và khả năng thất bại thì rất lớn.

Việc DN tin vào khả năng thu hồi nợ của các lực lượng phi pháp hơn kênh chính thống như vậy phản ánh điều gì và có ảnh hưởng như thế nào đến việc xây dựng một xã hội pháp quyền hiện nay?

+ Việc sử dụng dịch vụ thu hồi nợ qua kênh phi chính thức như “xã hội đen” tôi tin chắc không phải là điều nhiều DN mong muốn. Nó không hợp pháp, mang lại rủi ro và thậm chí họ sẽ bị xử lý hình sự nếu để lại hậu quả. Nhìn rộng ra bên ngoài xã hội cũng như vậy, chúng ta đã thấy tình trạng người dân tự xử những kẻ trộm chó một cách man rợ như thế nào, đánh đập những người trộm cắp tài sản nhỏ đến chết mà họ không báo chính quyền, không thực hiện đúng quy định của pháp luật. Tôi tự hỏi liệu tình trạng trên có nguyên nhân từ tính nghiêm minh của pháp luật chưa được đảm bảo hay không? Liệu có phải người dân và DN kém tin vào mức độ hiệu quả, công bằng của hệ thống chính thức hay không?

Liệu các khoản chi phí bôi trơn trong quá trình kiện tụng, THA cũng là một trong những lý do khiến DN ít nhờ đến tòa án và cơ quan THA hơn?

+ Đúng là các khoản chi phí không chính thức trong quá trình kiện tụng tại tòa án và THA là một nguyên nhân làm giảm hiệu lực và hình ảnh của tòa án và cơ quan THA.

Kết quả một cuộc điều tra hơn 8.000 DN, dân doanh tại 63 tỉnh, thành của VCCI thực hiện năm 2012 cho một kết quả đáng suy nghĩ. Trong phần câu hỏi về tranh chấp, có những DN trong năm gần nhất có tranh chấp nhưng không đưa ra tòa án (761DN), chúng tôi có hỏi lý do gì khiến những DN này không sử dụng tòa án. Hơn 53% DN cho rằng có phương thức giải quyết tranh chấp khác tòa án phù hợp hơn, một số khác cho rằng thời gian giải quyết tại tòa án quá dài, chí phí cao… Con số đáng chú ý là có 16% DN cho rằng họ không sử dụng tòa án vì tình trạng “chạy án” phổ biến. Bản thân kết quả khảo sát 15 DN có liên quan đến việc THA nói trên cũng có DN phản ánh có tình trạng chấp hành viên vòi vĩnh.

. Xin cảm ơn ông.

THU HẰNG thực hiện

(Pháp luật)
Nhiều tín hiệu tích cực ở Luật THA sửa đổi

Tại hội thảo cũng như những ý kiến DN gửi cho VCCI, điều mà DN cần nhất là thủ tục THADS nói riêng và các thủ tục tư pháp khác nói chung phải hiệu quả, nhanh chóng, thuận tiện, chi phí thấp. Ban soạn thảo luật sửa đổi lần này đã nhận thấy rõ điều này. Việc chủ động và cầu thị của ban soạn thảo luật này trong tham vấn DN thời gian qua cho thấy những tín hiệu rất tích cực. Chẳng hạn như quy định về trách nhiệm xác minh về điều kiện THA khi THA của bên nguyên được cho là gánh nặng, tạo nhiều phiền phức khiến DN ngại sử dụng dịch vụ THA đã được sửa đổi theo hướng bãi bỏ thủ tục bắt buộc này trong dự thảo hiện nay.

Ông ĐẬU ANH TUẤN, Trưởng ban Pháp chế VCCI

Sau gần năm năm thực hiện, Luật THADS năm 2008 đã bộc lộ nhiều bất cập, làm cho việc THA trên thực tế rất khó khăn, tỉ lệ THA chưa cao, thời gian THA kéo dài, gây nhiều tốn kém cho cộng đồng DN và cho cả cơ quan THA, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường kinh doanh và việc bảo đảm thực thi hợp đồng tại Việt Nam. Để khắc phục những bất cập đó, Luật THADS đang được Bộ Tư pháp chủ trì sửa đổi và lấy ý kiến rộng rãi, trong đó những sửa đổi quan trọng như: thẩm quyền ban hành các quyết định trong hoạt động THA; quyền và nghĩa vụ của người được THA và người phải THA; trình tự, thủ tục THA trong một số trường hợp cụ thể.

(Phát biểu của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng
tại hội thảo trên)

1 nhận xét:

  1. người Việt già đau khổlúc 22:12 9 tháng 3, 2014

    Khi nào các cơ quan,lực lượng "thuộc" nền tư pháp mà độc lập + phi đảng hóa ,thì may ra "cân công lý" mới ít sai sót ,tức xã hội dần có công bằng cao nếu một số yếu tố khác như báo chí,ngôn luận,lập hội,CA,quân đội cũng phi đảng hóa .

    Trả lờiXóa