Pages

Thứ Sáu, 7 tháng 3, 2014

Ukraine: “Cây gậy và củ cà rốt” bắt đầu

Hiệu Minh
Lavrov và Kerry. Ảnh: BBC
Lavrov và Kerry. Ảnh: AP
Cuộc gặp Kerry và Lavrov tại Paris ngày hôm qua có lẽ đã không mang lại kết quả như mong đợi: hạ nhiệt Crimea nói riêng và Ukraine nói chung. Cả hai phía đã bắt đầu có những động thái cứng rắn, cùng một thủ đoạn “cây gậy và củ cà rốt”. Cuộc chiến bắt đầu bằng các lời dọa nhau.
Phía Nga và Crimea
Vùng tự trị Crimea đã tuyên bố trưng cầu dân ý mà chỉ có hai lựa chọn: sát nhập vào Nga hay ở lại Ukraine. Quốc hội vùng này đã đề nghị quân đội Nga giúp đỡ, yêu cầu quân đội Ukraine trung thành với Kiev không có lý do gì ở lại Crimea. Quốc hội Nga cũng soạn thảo văn bản trừng phạt phương Tây, tịch thu tất cả những gì phương Tây có ở Nga.

Quân đội Nga không giấu diếm ở Crimea nữa. Họ bao vây tất cả căn cứ quân sự của Crimea, gây căng thẳng, rất dễ nổ súng. Tới lúc đó, những khăn bịt mặt sẽ được bỏ ra, lộ nguyên hình là những tên lính Nga xâm lược.
Phía bên kia Đại Tây Dương
Dù có tranh cãi quyết liệt, nhưng EU dường như đã đi đến kết luận, Nga là đối tác không thể làm việc được nữa.
Tại London, Thủ tướng Anh, David Cameron, ca ngợi ‘khát vọng của người dân Ukraine’ và cảnh báo ‘không thể có quan hệ như thường với Nga’.
BBC VN cho hay, ông Cameron tuyên bố ủng hộ các biện pháp trừng phạt như ngưng đàm phán về hiệp ước kinh tế và visa với Nga, và cảnh báo EU sẽ còn làm mạnh hơn. Tiếp đó, nếu cần EU sẽ đóng băng tài sản, và cấm trực tiếp quan chức Nga vào EU.
Bày tỏ sự ủng hộ với phong trào đấu tranh tại Kiev khiến Tổng thống Ukraine thân Nga, Viktor Yanukovych bị phế truất, ông Cameron phát biểu: ”Khát vọng của người dân Ukraine đã bị chà đạp.”
Ông coi cuộc khủng hoảng ở Crimea hiện nay là “nghiêm trọng nhất trong thế kỷ 21″ và coi hành động của Nga là “gây hấn” (aggression).
Về quan điểm của London khi nói đến các cuộc hội đàm vừa qua giữa Nga và EU, ông nói:
“Chúng ta ủng hộ đối thoại nhưng nói chuyện với phải được hỗ trợ bằng hành động.”
Cameron cũng cho rằng “EU quyết định nếu Nga có hành động tiếp nữa để làm Ukraine bất ổn, chúng tôi sẽ có các biện pháp sâu rộng nữa với Nga một khi đối thoại thất bại”.
Lực lượng tự vệ Self-defence nói tiếng...Nga :)
Lực lượng tự vệ Self-defence nói tiếng…Nga 
Trả lời câu hỏi từ các nhà báo rằng trừng phạt Nga sẽ có hậu quả kinh tế cho chính thị trường tài chính Anh và các nước khác, ông Cameron quả quyết nói:
“Sẽ có hậu quả cho tài chính Anh, cho Pháp nhưng nếu chúng ta quyết tâm bảo vệ điều gì thì những gì cần làm sẽ phải làm.”
Bà Angela Merkel, Thủ tướng của Đức, nước tới nay vẫn ủng hộ đối thoại với Nga, vừa nói về các biện pháp trừng phạt của EU:
“Tôi hy vọng sẽ không cần phải thực hiện nhưng chúng tôi cũng nói rất rõ và châu Âu sẵn sàng làm vậy nếu cần.”
Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Herman Van Rompuy, cho rằng, quyết định của Quốc hội nước cộng hòa tự trị Crimea thuộc Ukraine muốn tổ chức trưng cầu dân ý ngày 16/3 ngày để gia nhập Liên bang Nga là “trái hiến pháp Ukraine”.
Ba Lan cũng đưa tin, Hoa Kỳ gửi 12 chiến đấu cơ F-16 sang Ba Lan tham gia tập trận, nhưng Bộ Quốc phòng nước này chưa xác nhận tin. Trước đó có 6 chiếc F15 đã được gửi tới Ba Lan, áp sát biên giới Ukraine.
Trừng phạt về kinh tế, cấm visa, đóng băng tài sản của những người gây ra căng thẳng ở Ukraine đã đưa lên bàn. Phía Mỹ cũng vậy, nhưng họ loại trừ Putin vì không có lý do nào biện hộ cho cấm visa người đang đứng đầu nhà nước.
Bên đây Đại Tây Dương
Đầu giờ chiều (1:00PM giờ DC, 6-3-2014), Tổng thống Obama cũng lên tiếng tại Nhà Trắng với báo giới trong một cuộc họp khẩn vì tình hình Ukraine. Ông tự tin cho rằng, cộng đồng quốc tế sẽ liên kết lại để trả lời thích đáng về sự can thiệp của Nga vào Ukraine.
Obama nói, nếu phía Nga tiếp tục vi phạm luật lệ quốc tế ở Ukraine, thì những quyết định của Hoa Kỳ, đồng minh và cộng đồng quốc tế sẽ tiếp tục đủ mạnh.
Việc trưng cầu dân ý tại Crimea là vi phạm luật Ukraine và quốc tế, ông nói thêm.
John Kerry cũng thông báo, đã nói chuyện với người đồng nhiệm Nga, Sergey Lavrov, tại Rome hôm nay. Cả hai thống nhất sẽ có những cuộc gặp tiếp trong vài giờ tới và những ngày sau. Phía Nga đã gây căng thẳng thì bây giờ họ có cơ hội để giảm căng thẳng. ”As you have heard me say all week, the choices that Russia has made escalated this situation, and we believe Russia has the opportunity now … to de-escalate.”
Lời bình của Mao Tôn Cua.
Trong 24 giờ tới, và đầu tuần sau, nếu gió không đổi chiều, thì cuộc chiến Ukraine sẽ không thể tránh khỏi. Bắt đầu là khí đốt, dầu hỏa, trừng phạt kinh tế. Cao hơn là tầu chiến, thủy lôi, máy bay và bộ binh. Cả hai bên cùng thiệt hại. Nhưng ai chịu được đòn lâu hơn sẽ thắng.
Lính Ukraine bị giam lỏng trong hàng rào ở Crimea. Ảnh: Internet
Lính Ukraine bị giam lỏng trong hàng rào ở Crimea. Ảnh:Internet
Khơi mào cuộc chiến rất dễ nhưng kết thúc thế nào, ít người nghĩ tới. Vì thế nhân loại đổ máu dài dài.
Trường hợp xảy ra chiến tranh, Nga dễ dàng nuốt Crimea để đối thoại với phương Tây, đàm phán trên thế mạnh. Nhưng dài hạn, đó là gánh nặng cho nước Nga. Putin phải chịu trách nhiệm nếu nước Nga tụt hậu và đổ vỡ.
NATO sẽ không làm gì, ngoại trừ giúp đỡ kỹ thuật và tiền bạc cho Ukraine, về lâu dài Nga sẽ sa lầy như Mỹ ở Afganistan hay Iraq.
Thay vì xui quân đi đánh nhau, bán vũ khí kiếm tiền, Putin nên học bài dân chủ nhân quyền cho dân Nga. Quốc gia rất mạnh về tài nguyên cứng và mềm, nhưng không biết sử dụng, nên trở thành yếu.
Người Nga phải tư duy khác đi, không thể coi Ukraine là một tỉnh thuộc Nga. Ukraine là một quốc gia. Cái thời dùng “The Ukraine” mà người Nga hay nói đã qua rồi. Bây giờ trong tiếng Anh chỉ có “Ukraine” mà không phải là “The Ukraine”. (Thêm mạo từ “The” ý nói Ukraine là “cái tỉnh U”)
Người Ukraine phải có quyền quyết định lấy vận mệnh của dân tộc mình. Chạy sang Đông hay ngả về Tây phải do người Ukraine tự quyết. Lấy trưng cầu dân ý trong lúc lính Nga đã đầy ở Crimea thì hỏi rằng sự đàng hoàng ở đâu.
Chính quyền mới ở Ukraine nên nhìn vào thực lực, nhất là Crimea với dân Nga và lính Nga tràn ngập. Nhưng Putin cũng phải thấy Kiev là một chính thể có thể nói chuyện. Bỏ qua hai yếu tố đó, sẽ làm tình thân Ukraine và Nga bị hủy hoại, muôn đời không thể sửa.
Không thể lấy thế EU dân chủ, lắm tiền hay Nga hàng xóm thân thiện và quyền lợi, để áp đặt lên Kiev.
Người Nga chưa hiểu thế nào là Embargo nên sẽ nếm trải nếu không chịu rút ra bài học. Mở ra chiến tranh, Nga sẽ suy yếu vì Ukraine không dễ nuốt như Georgia.
Phương Tây không nên đẩy gấu Nga vào bước đường cùng. Mở rộng NATO vào sâu thêm nữa sẽ rắc rối cho cả thế giới.
Trong thời điểm hiện nay, nhìn vào thực tế và lịch sử, Crimea là điểm sống còn của cả ba phía: Nga, Ukraine và phương Tây. Thỏa hiệp cho Crimea được tự trị cao hơn, Nga phải có quyền lợi ở đó và Ukraine có chủ quyền về lãnh thổ, mới mong cuộc chiến được tháo ngòi nổ.
Mời bạn đọc cả hai phía Pro Nga, Pro phương Tây, Pro Tầu, Pro Việt Nam cặp nhật tin tức cho mọi người cùng đọc.
Để giữ không khí hòa bình cho hang Cua, đề nghị theo nguyên tắc: không tấn công cá nhân, không miệt thị, dùng từ ngữ có văn hóa. Khi viết ý kiến của mình phải có chứng cứ, không phán bừa. Đã đánh dấu spam thì khó có cơ quay lại, trừ phi chuyển máy tính khác để có IP mới.
Cảm ơn sự chú ý của bạn đọc.
Hiệu Minh Blog. 6-3-2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét