Pages

Chủ Nhật, 2 tháng 3, 2014

Ý kiến về công văn trả lời của Bộ Nội vụ đối với Hiệp hội dân oan

Trang Ba Sàm vừa đăng công văn trả lời của Bộ Nội vụ về việc thành lập Ban vận động Hiệp hội dân oan Việt Nam và ý kiến của những người định thành lập Hiệp hội.

Sau đây là ý kiến của tôi:
Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 45/2010/NĐ-CP do Bộ trích dẫn để làm căn cứ trả lời là một quy định giới hạn quyền lập hội của công dân bằng cách đặt ra hai điều kiện để thành lập hội. Thứ nhất, muốn thành lập hội phải thành lập ban vận động thành lập hội. Thứ hai, ban vận động thành lập hội phải được cơ quan quản lý nhà nước có liên quan công nhận; nên nếu không có sự công nhận này thì không thể thành lập hội.

Cả hai điều kiện, đặc biệt là điều kiện thứ hai tráivới quy định tại Khoản 2 Điều 22 Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị năm 1966 (sau đây gọi là “Công ước”) mà Việt Nam là nước thành viên, theo đó việc thực hiện quyền lập hội không bị giới hạn và chỉ chịu những giới hạn “cần thiết trong một xã hội dân chủ, vì lợi ích an ninh quốc gia, an toàn và trật tự công cộng, và để bảo vệ sức khoẻ hoặc đạo đức của công chúng hay các quyền và tự do của người khác”. Thực tế, Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 45/2010/NĐ-CP đã đưa ra điều kiện có hệ quả giới hạn quyền lập hội, nhưng các điều kiện đó không hề được giới hạn vào yêu cầu về tính cần thiết, vì lợi ích an ninh quốc gia, an toàn và trật tự công cộng, và để bảo vệ sức khoẻ hoặc đạo đức của công chúng hay các quyền và tự do của người khác như quy định của Công ước. Điều này dẫn đến hệ quả là quy định tại Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 45/2010/NĐ-CP luôn có hiệu lực giới hạn quyền lập hội, bất chấp nó có cần thiết, có vì lợi ích an ninh quốc gia, an toàn và trật tự công cộng, hoặc có vì bảo vệ sức khoẻ hoặc đạo đức của công chúng hay các quyền và tự do của người khác hay không.

Mặt khác, Khoản 1 Điều 6 Luật ký kết, gia nhập và thực hiệp điều ước quốc tế quy định “trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế”. Như đã nêu ở đoạn trên, do Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 45/2010/NĐ-CP do Bộ trích dẫn để làm căn cứ trả lời quy định khác, thậm chí trái với Công ước về việc giới hạn quyền lập hội, nên Bộ có trách nhiệm phải áp dụng quy định Công ước để trả lời công dân thay vì áp dụng một quy định trái với Công ước như Bộ đã làm.

KẾT LUẬN:

- Nội dung trả lời của Bộ căn cứ vào Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 45/2010/NĐ-CP là trái với quy định tại Khoản 2 Điều 22 của Công ước.

- Việc Bộ áp dụng Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 45/2010/NĐ-CP để trả lời công dân là trái quy định tại Khoản 1 Điều 6 Luật ký kết, gia nhập và thực hiệp điều ước quốc tế.

- Từ đó, trong trường hợp này, Bộ phải áp dụng Khoản 2 Điều 22 của Công ước thay cho Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 45/2010/NĐ-CP để trả lời công dân.

ĐỀ NGHỊ:

Đề nghị Bộ trả lời và giải thích về tính đúng đắn và hợp pháp của các kết luận trên và thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Xem lại: THÔNG BÁO SỐ 9 CỦA NHỮNG NGƯỜI ĐỊNH THÀNH LẬP HIỆP HỘI DÂN OAN VIỆT NAM (HHDOVN).

Huy Cường

(ABS)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét