Pages

Thứ Hai, 28 tháng 4, 2014

30/4 – hoài nghi và nuối tiếc

Thanh Quang, phóng viên RFA

000_HKG2005042754750-305.jpg

Bộ đội cộng sản Việt Nam dẫn giải lính VNCH trên đường phố Saigon sau ngày 30 Tháng Tư năm 1975.
AFP photo

Nghe Bài Này

Vui hay buồn?

Thời điểm đánh dấu kỷ niệm 39 năm ngày Sàigòn thất thủ về tay người CS Miền Bắc “huynh đệ tương tàn”, khi mà – nói theo lời bán nguyệt san Tự Do Ngôn Luận – “toàn dân VN sắp kỷ niệm với hàng chục triệu người miền Nam buồn, hàng chục triệu người miền Bắc tiếc và có lẽ vài triệu đảng viên vô sản nay thành tư bản vui”; nói theo lời nhà báo Bùi Tín, “ Ngày chiến tranh kết thúc, ngày vui của những người thắng cuộc, ngày buồn của những người thua cuộc”; và theo nhà văn Thùy Linh từ Hà Nội:
“Người ta không còn nhớ ngày 30 tháng tư là một ngày chiến thắng hay đại thắng mùa xuân gì đó. Người ta chỉ nhìn vào cái hiện trạng đất nước thôi, rồi người ta liên hệ, liên tưởng… mà những liên tưởng như thế rất nhiều nỗi buồn.
Qua bài “Nội chiến kết thúc: Nơi địa ngục, chốn thiên đường”, blogger Nguyễn Lộc Yên liên tưởng đến cả hai quốc gia Việt Nam và Hoa Kỳ đều có nội chiến Bắc-Nam. Nhưng tác giả lưu ý rằng “tại nước Mỹ, sau ngày nội chiến kết thúc thì bên thắng trận không phân biệt đối xử với bên thua trận, cùng đoàn kết để xây dựng đất nước mỗi ngày mỗi cường thịnh hơn. Ngược lại tại Việt Nam sau ngày 30-4-1975, thì bên thắng trận thù hận bên thua trận gay gắt và chính sách hà khắc nhân dân đã gây cho đất nước càng ngày càng ngặt nghèo!”. Blogger Nguyễn Lộc Yên nhớ lại:
Người ta không còn nhớ ngày 30 tháng tư là một ngày chiến thắng hay đại thắng mùa xuân gì đó. Người ta chỉ nhìn vào cái hiện trạng đất nước thôi, rồi người ta liên hệ, liên tưởng… mà những liên tưởng như thế rất nhiều nỗi buồn.
-Nhà văn Thùy Linh
“Ngày 30-4-1975, tổng thống bất đắc dĩ miền Nam là Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, quân CS Bắc Việt chiếm miền Nam Việt Nam. Bên thắng trận tự phong cho mình là “cách mạng” đã gian dối kêu gọi quân cán chính miền Nam “học tập cải tạo 10 ngày” sẽ về cùng xây dựng đất nước, nhưng mưu mô là tóm bắt hết vào tù vô thời hạn hay bắt giết! Sau đấy, với chế độ bao cấp, đổi tiền lừa lọc... Kế đến là những chính sách, lời lẽ léo lắt mỵ dân: Nhân dân làm chủ, nhà nước quản lý (theo ý đảng), đảng cử dân bầu (theo ý đảng)... đã gây cho đất nước tang thương, toàn dân điêu đứng, khốn đốn! Vì vậy, sau khi “Nội chiến kết thúc, ngày 30-4-75, nước Việt Nam có thể xem như là nơi địa ngục”. Từ đấy, nhiều người phải đi làm lao nô nước ngoài để kiếm sống, nhiều cô gái trẻ đẹp phải sắp hàng cho đàn ông già nua hay tàn tật của nước ngoài chọn lựa làm vợ để mong thoát cái địa ngục mà bọn cai ngục là cán bộ CSVN!. Qua 39 năm dài (kể từ 30 tháng Tư, 1975) do chính quyền Cộng sản Việt Nam cai trị, đã chứng minh chắc chắn rằng đất nước và nhân dân VN đã, đang và sẽ tang thương.”
Blogger Bùi Tín nhân dịp này lưu ý rằng “sau 39 năm - bằng hơn một nửa đời người trung bình - đất nước vẫn trong tình trạng chậm tiến, công nghiệp hóa dang dở, nền giáo dục ở vị trí đèn đỏ giữa các nước Đông Nam Á, nền y tế kém cả một số nước Bắc Phi, tự do báo chí được xếp ở vị trí 171 trên 180 nước của thế giới”.
Qua bài “ Chân lý tháng Tư”, nhà báo Bùi Tín khẳng định rằng hiện giờ, bộ máy tuyên truyền của nhà nước VN, sau 39 năm dài, vẫn còn y nguyên “não trạng cũ kỹ, giáo điều, không tưởng, huênh hoang về cái gọi là “toàn thắng đế quốc Mỹ xâm lược’’, về “lịch sử oai hùng ta đánh bại cả 3 đế quốc lớn thuộc 3 châu Á, Âu, Mỹ” , được bổ sung bằng vô số khẩu hiệu khắp nơi, những cuộc mit tinh rầm rộ, nhưng “thật ra là không có thực chất, tự lừa mình và lừa nhân dân khi nhân dân đã thức tỉnh”.
000_Hkg8513609-305.jpg
Những công nhân kết hoa trang trí cho ngày 30 tháng 4 năm 2013 tại Hà Nội.
Nhân dịp này, nhà báo Bùi Tín thấy cần phải “chỉ ra” rằng “việc viếng nghĩa trang, tưởng niệm các liệt sỹ hy sinh trong chiến tranh, được bày ra trong những ngày lễ Tết, ngày kỷ niệm và mỗi phiên khai mạc họp Quốc hội hay đại hội đảng … cũng không có thực chất, không chân thành, càng ngày càng trở nên cay đắng mỉa mai”. Tại sao? Tại vì, như nhà báo Bùi Tín dẫn chứng:
“Hàng triệu chiến sỹ ngã xuống, mỗi người đều mang theo niềm tin rằng ta hy sinh không hề tiếc thân mình vì đất nước sẽ hoàn toàn độc lập, toàn dân sẽ có tự do dân chủ đầy đủ và Tổ quốc sẽ phồn vinh, hạnh phúc, giàu có được chia cho toàn dân cùng hưởng. Hàng triệu thanh niên ưu tú nhất đã hy sinh đời mình trong niềm tin ‘đánh xong giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay’. Niềm tin thiêng liêng ấy đến nay rõ ràng đã bị bỏ quên, bị phản bội. Chế độ độc đảng đã suy thoái đến băng hoại, phá huỷ tài sản quốc gia, chia nhau thành quả phát triển do toàn dân tạo nên cho các phe nhóm lợi ích riêng tư, để cả một tầng lớp quan lại bất tài - trừ tài tham nhũng - chia nhau tùy tiện không có ai giám sát, thanh tra, kiểm soát, tạo nên khoản nợ khổng lồ hơn 50 tỷ USD đè lên lưng nhân dân, để cho hàng vài chục đại án tham nhũng không sao phá án nổi như đã hứa hẹn thề thốt với nhân dân.”

Còn bao nhiêu lâu nữa?

Nhân thời điểm “Lại một 30 tháng Tư về!”, blogger Lê Diễn Đức có bài “39 năm và con đuờng tiếp tục”, nhận xét rằng “39 năm, 40 năm và có thể còn lâu hơn, chúng ta mới có cơ hội xem xét lại ngày lịch sử này một cách nghiêm túc, công bằng và hợp lý” – “cái ngày mang tính bước ngoặt của lịch sử” khi "có triệu nguời vui và cũng có triệu người buồn", khi “Đất nước thống nhất nhưng lại rơi vào vòng cai quản của chế độ cộng sản, độc quyền, toàn trị, vong bản và phi dân chủ”.
Blogger Lê Diễn Đức lưu ý:
“Suốt từ năm 1954 trên miền Bắc và từ 30 tháng Tư năm 1975 trên cả nước, Đảng Cộng Sản Việt Nam cầm quyền, đưa đất nước đi trên con đường "định hướng xã hội chủ nghĩa" vô định... Xã hội bị băng hoại đạo đức, thói vô trách nhiệm của nhà cầm quyền, tư tưởng cam phận nô lệ, tội phạm gia tăng mọi nơi, tham nhũng ở mức độ thành những đường dây mafia, nợ nần của đất nước chồng chất... Tuy nhiên, trong những khó khăn ấy, nhà cầm quyền cộng sản vẫn còn kiểm soát được và vẫn không ngừng sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng, độc quyền để tuyên truyền, ngu tối hoá xã hội, và gia tăng bạo lực để củng cố và duy trì chế độ. 39 năm, một thời gian đủ dài dồn nén bất công, chán chường và phi lý để có thể bùng phát một cuộc cách mạng, nhưng nó vẫn nằm trong hy vọng và có lẽ còn phải trải qua khá lâu nữa.”
39 năm, một thời gian đủ dài dồn nén bất công, chán chường và phi lý để có thể bùng phát một cuộc cách mạng, nhưng nó vẫn nằm trong hy vọng và có lẽ còn phải trải qua khá lâu nữa.
-Blogger Lê Diễn Đức
LS Nguyễn Văn Đài từ Hà Nội lại có dịp kể về “suy nghĩ và cảm xúc của mình” khi mỗi dịp 30-4 hàng năm, ông “lại nhận được câu hỏi của những đồng bào Việt Nam ở hải ngoại”. Qua bài “ Nếu Việt Nam Cộng Hòa chiến thắng”, LS Nguyễn Văn Đài nhớ lại từ thuở nhỏ cho đến năm 19 tuổi, mỗi dịp 30-4 thì ông “thực sự vui mừng và tự hào bởi đó là ngày chiến thắng và thống nhất của đất nước. Việt Nam đã chiến thắng cường quốc số một thế giới về quân sự và kinh tế”. Rồi cuối năm 1989, tác giả có dịp sang CHDC Đức trước đây và chứng kiến người dân Đông Đức lật đổ chế độ cộng sản để thống nhất với chế độ tư bản, dân chủ ở Tây Đức. Và ông lại được dịp sang Tây Berlin để chứng kiến cuộc sống sung mãn và tự do thật sự của chế độ tư bản, dân chủ – diễn tiến khiến tác giả hiểu tại sao “người dân Đông Đức đã không cam chịu sống dưới sự cai trị độc đoán, phi lý, lạc hậu của chế độ cộng sản”.
Trong khi đó, vẫn theo LS Nguyễn Văn Đài, dân chúng ở các nước Đông Âu cũng đã vùng lên đập tan sự cai trị của các chế độ cộng sản và xây dựng lại từ đầu chế độ dân chủ, tự do, mở đường để, cho đến giờ, LS Nguyễn Văn Đài nhận thấy, họ “có cuộc sống sung túc và hạnh phúc trong một chế độ chính trị tự do và dân chủ mà không có sự cai trị của chế độ cộng sản”.
Nhưng rồi khi tác giả trở lại VN vào cuối năm 1990, thì kể từ đó, cứ mỗi dịp 30-4 là ông “không còn cảm xúc vui mừng, mà thay vào đó là sự hoài nghi và nuối tiếc”. Các chuyến đi thăm Hàn Quốc của tác giả sau đó đã chứng kiến “một quốc gia hùng mạnh về kinh tế và quân sự” so với “Bắc Triều Tiên dưới sự cai trị độc đoán và tàn bạo của chế độ cộng sản, nơi mỗi năm có cả trăm ngàn người chết đói mặc dù họ đã nhận được sự giúp đỡ to lớn từ Hàn Quốc và cộng đồng quốc tế”, khiến LS Nguyễn Văn Đài “cảm thấy buồn và nuối tiếc cho chế độ Việt Nam Cộng Hòa”. Tại sao “buồn và nuối tiếc” như vậy? Vì bức tranh ảm đạm mà tác giả mô tả như sau:
“Nhìn lại Việt Nam chúng ta, sau ngày 30-4-1975, trong chế độ quan liêu bao cấp, ngăn sông cấm chợ, nhân dân phải chịu đói khổ, lầm than. Khi tiến hành công cuộc đổi mới, kinh tế có phát triển, đời sống người dân khấm khá hơn, đủ ăn, đủ mặc, có được phương tiện sinh hoạt và đi lại hiện đại. Nhưng tham nhũng đã trở thành quốc nạn, thành giặc nội xâm của dân tộc. Sự suy thoái đạo đức và lối sống diễn ra một cách toàn diện, trên mọi phương diện của đời sống xã hội, từ giáo dục, y tế, tư pháp, cơ quan hành chính,... và trên mọi cấp độ từ trung ương đến địa phương. Nhiều người trong chúng ta đã từng chứng kiến cảnh doanh nghiệp, quan chức chính quyền, các lực lượng vũ trang và xã hội đen hợp sức với nhau để cưỡng chế người nông dân lấy đi tư liệu sản xuất quan trọng nhất của họ là ruộng đất. Biết bao người dân vô tội khi bước vào đồn công an thì khỏe mạnh, nhưng chỉ ít giờ sau, họ chỉ còn là một cái xác không hồn. Và còn biết bao nhiêu những người dũng cảm đứng lên đấu tranh đòi quyền tự do, dân chủ đã bị sách nhiễu, đánh đập, và bị cầm tù.”
Do đó, khi tác giả được hỏi về cảm nghĩ và cảm xúc của mình như thế nào về biến cố 30 tháng Tư năm 1975, LS Nguyễn Văn Đài khẳng định:
“Một chế độ dân chủ và văn minh đã thua một chế độ độc đảng toàn trị và lạc hậu. Cái ác đã chiến thắng. Còn cảm xúc thì buồn và nuối tiếc cho chế độ Việt Nam Cộng Hòa, bởi tôi và rất nhiều người đều cho rằng nếu ngày 30 tháng Tư, năm 1975, bên chiến thắng là Việt Nam Cộng Hòa thì giờ đây trong khu vực châu Á, Việt Nam có thể chỉ thua duy nhất Nhật Bản về kinh tế, còn chắc chắn sẽ ngang bằng hoặc hơn Hàn Quốc về cả kinh tế và quân sự.”
Tạp chí Điểm Blog xin dừng lại ở đây. Thanh Quang cảm ơn quý vị đã theo dõi
.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét