Pages

Thứ Ba, 29 tháng 4, 2014

BBC: nghề báo vì công chúng

Tổng Giám đốc BBC News, James Harding (trái) trả lời vấn đáp Ngày Hội Báo chí
Tuần này tại trụ sở BBC ở New Broadcasting House, Portland Place có Liên hoan Tin tức- News Festival kéo dài ba ngày liền.
Tôi dự buổi khai mạc sáng 28/4 do Tổng Biên tập BBC News, James Harding, chủ trì tại Radio Theatre, ngay trong tòa nhà.


Với chúng tôi thuộc khối tin quốc tế của BBC ở World Service thì kinh nghiệm quốc tế của James Harding ở cả Trung Quốc và Hoa Kỳ là dấu hiệu phấn khởi vì ai cũng hy vọng tầm nhìn ra bên ngoài của anh sẽ tạo cho các ban không phải tiếng Anh một vị thế xứng đáng trong đại gia đình BBC, nơi các kênh truyền hình nội địa ở Anh vẫn nắm các ngân khoản lớn nhất.
Sự kiện James Harding, cựu chủ bút báo The Times và cũng từng là phóng viên thường trú của Financial Times tại Thượng Hải, về lãnh đạo toàn bộ ngành báo chí của BBC năm ngoái đã được báo Anh hết sức quan tâm.
Vì thế, sau phần diễn văn của James khai trương News Festival tôi đã cầm micro hỏi ngay trong mục hỏi đáp rằng lãnh đạo nghĩ sao về World Service.
Trong câu trả lời được truyền hình trực tiếp cho toàn bộ tập đoàn qua mạng BBC Gateway, Tổng Biên tập BBC News, 45 tuổi, đã đề cao vai trò của toàn bộ 27 ngôn ngữ quốc tế mà BBC hiện có, và nhấn mạnh đến 'sự phong phú, kiến thức chuyên sâu' các phóng viên gốc nước ngoài đem lại cho toàn bộ BBC.
Vai trò của World Service như 'sứ giả của nước Anh' và góp phần tạo nên bản sắc toàn cầu của BBC đã được nhiều quan chức BBC nói đến nhưng trong bối cảnh World Service cùng chia sẻ ngân khoản chung với tất cả các kênh nội địa của BBC thì những cam kết của James Harding về sự đầu tư thêm vào khối tin quốc tế những năm tới chắc chắn sẽ làm yên lòng các nhà báo như tôi.

Đa dạng và không chính trị

Các mạng xã hội đang thay đổi rất nhiều thế giới truyền thông
James Harding cũng xác nhận "nhiều thay đổi tuyệt vời với World Service, phục vụ gần 250 triệu người trên thế giới" nay chia sẻ mọi thứ với BBC News.
Nhưng trong bài diễn văn, anh cũng nói về các thách thức và nhu cầu học hỏi liên tục, nâng cao tay nghề báo chí.
Và học ở đâu khi mà BBC đã được coi là cơ quan truyền thông hàng đầu không chỉ ở Anh?
James Harding nói:
"Chúng ta cần học hỏi nhiều từ chính các đối thủ, từ các cơ quan truyền thông các địa phương."
Công nghệ hiển nhiên là điều tối quan trọng và những đòi hỏi của công chúng cũng thế:
"Tương lai của BBC phụ thuộc vào việc đáp ứng công chúng muốn gì và công nghệ đưa chúng ta đến đâu.
"Thị trường tin tức ngày nay có tính cạnh tranh cao... công chúng cũng rất đòi hỏi, chúng ta cần luôn tự hỏi chúng ta đã làm đủ chưa, đã tốt chưa?", James Harding đặt câu hỏi.
Nhưng làm gì thì làm, BBC không đi khỏi các nguyên tắc đã thành luật định trong Hiến chương Hoàng gia, luật Viện Cơ Mật của Hoàng gia Anh đặt ra làm nền tảng cho nghề báo BBC.
Đó là, James Harding nhắc lại, tính bất thiên vị, chính xác và không có nghị trình chính trị.
Trong tiếng Anh, đó là 'no political agenda' mà theo tôi, có khi phải hiểu là 'không có ý đồ chính trị'.
Ông James Harding từng làm chủ bút tờ The Times ở Anh
Đúng thế, nền báo chí BBC là để phục vụ công chúng Anh và người dân trên toàn thế giới, không vì một đảng phái chính trị hay bất cứ một xu hướng nào, dù là tả, hữu, dân tộc chủ nghĩa hay gì khác.
Nghe thì hay nhưng tính phê phán trong đầu tôi phải kiểm lại ngay từ khi về lãnh đạo BBC News, tập đoàn có động tác nào cho thấy sự trung dung, phi chính trị đó ngay tại Anh không.
Hóa ra là có.
Mới tháng 4 này, BBC quyết định không tham gia Liên đoàn Truyền thông Anh Quốc (CBI) vì tổ chức này công khai ủng hội cho phái chống lại độc lập cho Scotland.
Để các bạn hiểu rõ thêm, tôi xin kể rằng tháng 9/2014 này, Scotland, một trong bốn xứ hợp thành Liên hiệp Vương quốc Anh (UK) sẽ trưng cầu dân ý xem có tuyên bố độc lập không.
Bằng động thái rút khỏi CBI, BBC, gồm cả các đồng nghiệp của chúng tôi ở BBC Scotland, cho thấy họ làm báo không thiên vị cho xu hướng nào cả.

Nhà báo thằng ngốc

Trở lại nhu cầu đảm bảo tin tức của BBC không chứa đựng nghị trình chính trị nào cả, tôi thấy đây là điều không dễ làm, nhất là ở các thị trường media chuẩn mực khác và định nghĩa về chính trị không giống như tại Anh Quốc.
Và rời xa môi trường truyền thông Anh Quốc, các nhu cầu thúc bách với nghề báo ở bên ngoài thường bất trắc, căng thẳng hơn nhiều cho nghề làm tin của BBC
Vậy James Harding chỉ nói suông, diễn thuyết cho ra vẻ lãnh đạo hay có lời khuyên nào cụ thể?
News Festival diễn ra trong ba ngày tại trụ sở chính của BBC ở London
Tìm lại một phát biểu của James Harding hồi tháng 3/2013, tôi bật cười vì một so sánh thú vị:
"Nhà báo là thằng ngốc khi chỉ dựa hoàn toàn vào Google hay Wikipedia để thu thập tin tức. Nhưng cũng sẽ ngu dốt khi coi thường chúng: các chương trình trình duyệt, tìm kiếm hiện đại tạo đà cho mọi tin tức."
Quả là vậy, dù cần nhanh nhưng không phải cái gì đăng tải trên mạng cũng thành nội dung báo chí.
Và vẫn theo James Harding, chính trong thời đại chạy tin qua các kênh liên tục, trực tiếp, các trang web, trang Twitter nhanh chóng, thì "cách làm tin chậm, có kỷ luật và điều tra kỹ càng (meticulous investigations), cũng như cách phân tích kiên trì lại càng làm tin bài nổi bật lên".
Trên lý thuyết, BBC không phải cạnh tranh về khán thính giả như báo chí thương mại nên không phải vội vã rượt đuổi theo tin tức giật gân, nóng hổi.
Mặt khác, công chúng đến với BBC là vì sự tin cậy và chất lượng chứ không phải vì tốc độ.
Nhưng trong thế giới truyền thông biến đổi từng giờ về công nghệ, BBC cũng phải thay đổi theo.
James Harding nói: "Chúng ta tự hào về nội dung bài vở nhưng cần phải làm hơn nữa, cần đưa những câu chuyện quan trọng với công chúng, dù họ sử dụng truyền hình, máy di động, máy tính bảng để đọc nội dung BBC."
"BBC không phải cạnh tranh về khán thính giả như báo chí thương mại nên không phải vội vã rượt đuổi theo tin tức giật gân, nóng hổi"
Và trong dịp Liên hoan Tin tức này của BBC, cả chính các phóng viên nhà và rất đông sinh viên, giới nghiên cứu tại Anh cũng tham gia vào nhiều buổi thảo luận, hội thảo, từ cách dùng Twitter trong nghề báo đến nguyên tắc bảo vệ nguồn tin, về mạng xã hội, về cách luyện nghề làm xướng ngôn viên...
Thấy hàng đoàn các bạn trẻ vào BBC dự ba 'ngày hội báo chí' tôi thấy cách làm này khá là bổ ích cho công chúng Anh, những người đóng thuế nuôi BBC.
Với giới nhà báo chúng tôi, đây cũng là dịp tốt để suy ngẫm lại những điều quan trọng về nghề nghiệp mà đôi khi tưởng đã thành lối mòn vì lặp đi lặp lại trong vòng quay tin tức.
Làm mới cái gì ở đâu cũng khó và làm vừa mới, vừa hay lại còn khó hơn.
Nhưng nếu đã được công chúng tin cậy thì chắc chắn là phải làm thôi, và chậm mà chắc sẽ tốt hơn là vội vã.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét