Pages

Thứ Ba, 29 tháng 4, 2014

Hiệp ước Mỹ-Philippines sẽ thay đổi cục diện tranh chấp Biển Đông?

Theo thỏa thuận vừa được ký kết, Hoa Kỳ sẽ có quyền tiếp cận lớn hơn với các căn cứ quân sự, các hải cảng và sân bay của Philippines.
Washington và Manila vừa ký một hiệp ước quốc phòng cho phép quân đội Mỹ có sự hiện diện lớn hơn trên lãnh thổ của quốc gia Ðông Nam Á này trong lúc các tranh chấp chủ quyền lãnh hải trong khu vực giữa Trung Quốc và các nước láng giềng đang tăng cao.  


Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin và Đại sứ Hoa Kỳ tại Manila Philip Goldberg ký hiệp ước quốc phòng 10 năm vào sáng thứ Hai, 28 tháng 4, vài giờ trước khi Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đến thăm Manila trong chặng dừng cuối của chuyến công du châu Á của nhà lãnh đạo Mỹ.

Các nhà quan sát nói rằng có phần chắc các giới chức Trung Quốc sẽ lên án hiệp ước quốc phòng này vì họ đã nói rõ là Bắc Kinh phản đối sự tăng cường hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực. Nhưng thỏa thuận mới này sẽ phần nào giúp trấn an các nước đang tranh chấp chủ quyền lãnh hải với Trung Quốc, mà gay gắt nhất là giữa Hà Nội và Manila với Bắc Kinh ở Biển Đông.

Philippines từng hối thúc Việt Nam phải kiên quyết hơn trong cuộc tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc, nhưng Hà Nội không có được một đồng minh mạnh mẽ hỗ trợ như Philippines, mà các nhà quan sát gọi là một đồng minh quan trọng nằm ngoài khối NATO của Hoa Kỳ.

Theo thỏa thuận, Hoa Kỳ sẽ có quyền tiếp cận lớn hơn với các căn cứ quân sự, các hải cảng và sân bay của Philippines. Binh sĩ Mỹ sẽ luân chuyển qua những căn cứ này và tham gia vào các hoạt động huấn luyện chung.

Trong một thông cáo, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario gọi đây là 'cột mốc trong lịch sử chung giữa hai nước với tư cách là đồng minh có hiệp ước bền vững'.

Trước khi đến Manila, Tổng thống Obama đã nói với kênh truyền hình ABS-CBN của Philippines rằng tranh chấp chủ quyền ở khu vực nên được giải quyết thông qua đối thoại.

Tổng thống Obama phát biểu: “Tôi đã nói rất rõ và nhất quán rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc cần phải hỗ trợ các nỗ lực của các bên tranh chấp nhằm kiểm soát và giải quyết các vấn đề lãnh hải và lãnh thổ một cách hòa bình bằng con đường đối thoại chứ không phải bắt nạt, trong đó có tranh chấp trên Biển Đông.”

Nguồn: Xinhua, Washington Post.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét