Pages

Thứ Tư, 2 tháng 4, 2014

'Làm gì để cải cách Quốc hội?'


Quốc hội Việt Nam
Việt Nam cần phân rõ quan hệ quyền lực giữa Đảng và Quốc hội, theo nhà phân tích.

Việt Nam cần cho người dân tranh cử tự do vào Quốc hội và minh định quan hệ giữa Đảng và Quốc hội, theo ý kiến giới quan sát.

Hiện nay, Việt Nam vẫn áp dụng phương thức 'đảng cử, dân bầu' và Đảng Cộng sản kiểm soát chặt chẽ thành phần ứng cử vào Quốc hội, điều này cần được ưu tiên cải cách, theo luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội.


Trao đổi với BBC hôm 01/4/2014 từ Sài Gòn, ông Thuận nói:

"Ưu tiên để cho Quốc hội được tiên tiến, cần mở rộng đầu vào, tức là những người muốn ứng cử vào Quốc hội, những người muốn trở thành Đại biểu Quốc hội, phải thông qua một cuộc ứng cử tự do và tranh cử tự do theo phương thức như các nước tiên tiến...

"Nên chăng Việt Nam có bước đi, Quốc hội nên có tỷ lệ từ 5-10% là những người... đi vào Quốc hội bằng con đường uy tín, năng lực thực sự của mình, chứ không phải bằng con đường cơ cấu, thì như vậy 5% là 25 người, 10% là 50 người..."

Mới đây TS Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu quan điểm khi tiếp xúc cử tri, cho rằng Việt Nam nên áp dụng mô hình Quốc hội Lưỡng viện.

Bình luận về điều này, luật sư Thuận nói:


"Việc nêu ra mô hình Lưỡng viện của Quốc hội Việt Nam cũng được đặt ra cách đây khá lâu, (khi làm) Hiến pháp Việt Nam 1992 cũng nhiều ý kiến nêu ra là Việt Nam nên chăng có lưỡng viện, có Thượng viện và có Hạ viện,

"Có người nói thẳng rằng cơ cấu Thượng viện gồm các vị lão thành, cụ thể người ta muốn đặt vấn đề là các cụ ở trong Đảng, các vị ở trong Bộ Chính trị, rồi các vị lão thành cách mạng thì nên cơ cấu vào ở Thượng viện."
'Theo kiểu Thái Lan'

Theo luật sư Thuận, về mặt bước đi, bước đầu có thể dùng phương thức cử các thành viên Nghị viện, và ông giải thích lý do:

"Cũng có thể như kiểu ở Thái Lan, một kiểu như thế, nghĩa là để cho người ta yên tâm rằng Việt Nam không có một đột xuất, diễn biến gì, còn Hạ Viện bầu theo cơ cấu tổng số cử tri, chứ không phải bầu theo đơn vị hành chính như bây giờ, thì vấn đề đó tôi cho không phải mới vì khi làm Hiến pháp 1992, người ta đã đặt vấn đề đó ra.

"Tôi cho rằng mô hình đó là một mô hình cũng đáng nghiên cứu, nhưng cũng rất tiếc rằng Hiến pháp (sửa đổi) 2013 chưa có một hé (mở) gì để nói về vấn đề đó."

Cũng hôm thứ Ba, cựu Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết nói với BBC, muốn cải cách Quốc hội Việt Nam, ưu tiên phải là làm sao cho cơ quan quyền lực này có được 'thực quyền'.

Giáo sư Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên & nhi đồng của Quốc hội nói:

"Theo tôi, ưu tiên hàng đầu là phải làm sao để cho Quốc hội Việt Nam có thực quyền, tức là thực hiện được đầy đủ chức năng của mình, và các đại biểu ở đó được quyền quyết định tất cả các vấn đề của đất nước theo ý kiến của cử tri của mình, cũng như theo ý kiến cá nhân của mình trên cơ sở sàng lọc ý kiến của cử tri."
"Theo tôi, ưu tiên hàng đầu là phải làm sao để cho Quốc hội Việt Nam có thực quyền, tức là thực hiện được đầy đủ chức năng của mình, và các đại biểu ở đó được quyền quyết định tất cả các vấn đề của đất nước theo ý kiến của cử tri của mình, cũng như theo ý kiến cá nhân của mình trên cơ sở sàng lọc ý kiến của cử tri"- GS Nguyễn Minh Thuyết
Bình luận về ý kiến của Tiến sỹ Nguyễn Sĩ Dũng về mô hình Lưỡng viện cho Quốc hội Việt Nam, Giáo sư Thuyết nói:

"Có lẽ trong số những người hiện còn đang làm việc tại Quốc hội thì ông Nguyễn Sĩ Dũng là người nói đầu tiên ý tưởng này, tôi cho rằng việc tổ chức Quốc hội theo Lưỡng viện cũng có điểm tốt, đó là khắc phục được tính địa phương của các Đại biểu...

"Nhưng vấn đề lớn hiện nay là làm sao các Đại biểu của mình (Việt Nam) thể hiện được chính kiến của mình, rồi Quốc hội quyết được các vấn đề một cách độc lập."

Theo ông Thuyết, để giải quyết được vấn đề này, một tiền đề cần phải được giải quyết trước, đó là phương thức lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Quốc hội.

Ông giải thích: "Bởi vì như hiện nay, có rất nhiều việc đã được quyết định ở Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam rồi, thế thì ra đến Quốc hội mà bảo bàn lại thì rất khó, bởi vì đại đa số Đại biểu Quốc hội Việt Nam là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, thì cũng rất khó làm trái với Nghị quyết của Trung ương của mình.

"Thế thì tôi cho là phải nghiên cứu làm thế nào đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng CSVN đối với Quốc hội, và nếu chúng ta (Việt Nam) tổ chức Lưỡng viện, thì tôi nghĩ là nên tổ chức lưỡng viện theo hướng như thế."

Theo Giáo sư Thuyết, do Trung ương Đảng Cộng sản là một thực quyền ở Việt Nam với Điều 4 của Hiến pháp quy định Đảng Cộng sản là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội, nên đưa cơ cấu quyền lực này vào mô hình Lưỡng viện.

Ông đặt vấn đề: "Phải chăng nên tổ chức Trung ương như một Viện riêng, ta có thể gọi là Thượng viện hay Hạ viện, tùy, nhưng nó là Viện riêng, thế còn Quốc hội là một Viện riêng, mà thường ta có thể nói Đại biểu của dân thì là Hạ viện.

"Thế thì Hiến pháp phải quy định Thượng viện có quyền quyết những vấn đề gì mà không cần đến Hạ viện, Hạ viện có quyền quyết những vấn đề gì không cần đến Thượng viện, và có những vấn đề gì phải hai Viện cùng quyết, với tỷ lệ số phiếu thế nào đó. Tôi cho rằng, nếu tổ chức được như thế thì tốt."
'Đảng đang bối rối?'
"Trong mọi giải pháp chính trị, phải có sự đồng thuận giữa các phe thì mới tìm ra được một giải pháp để đi lên, chứ nếu như bất kỳ một giải pháp nào còn có mâu thuẫn, còn có xung đột thì đấy không phải là giải pháp đưa đất nước thoát ra khỏi tình trạng hiện nay" - Blogger Nguyễn Lân Thắng
Hôm 01/4, từ Hà Nội, kỹ sư Nguyễn Lân Thắng, một thành viên của Mạng lưới Blogger Việt Nam cũng nêu quan điểm với BBC về ưu tiên cải cách ở Việt Nam.

Ông Thắng nói: "Tôi nghĩ rằng việc đầu tiên để thúc đẩy tiến trình cải cách đất nước thì việc quan trọng nhất là cải cách thể chế chính trị, mà thể chế chính trị ở đây bao hàm hoạt động của chính phủ, của các đảng phái và của Quốc hội.

"Thế và những cải cách về cơ cấu và cách thức hoạt động phải dựa trên một sự cân bằng quyền lực của rất nhiều những nhóm khác nhau, những lực lượng khác nhau."

Theo quan sát của kỹ sư Nguyễn Lân Thắng, Đảng Cộng sản Việt Nam hiện cũng đang quan tâm tới đổi mới, cải tổ, tuy nhiên còn gặp một số vướng mắc mà ông gọi là 'bối rối'.

Blogger nói tiếp: "Trong thời gian gần đây có rất nhiều tín hiệu... có vẻ như là nhà nước cũng muốn cải cách đấy, có lẽ là họ cũng đang bối rối, họ không biết từ đâu,

"Thực sự là sự chuyển đổi từ một cơ cấu quyền lực đóng, khi chuyển sang cơ cấu quyền lực mở giữa nhiều bên, nhiều phe phái khác nhau, mà lại công khai chuyện này, thì sẽ rất là khó."

Về mô hình Lưỡng viện cho Quốc hội ở Việt Nam, kỹ sư Lân Thắng nói:

"Tôi nghĩ rằng cái đó là một hướng cũng rất là hay, thế nhưng đây là một vấn đề mà có lẽ còn cần sự trao đổi, sự chia sẻ của nhiều lực lượng xã hội khác, không chỉ là Quốc hội muốn là như vậy, về bản thân người dân, rồi các phe nhóm quyền lực thực sự mà họ đang nắm quyền lực ở đất nước, họ nghĩ thế nào và họ có hợp tác với cái đó không."

"Trong mọi giải pháp chính trị, phải có sự đồng thuận giữa các phe thì mới tìm ra được một giải pháp để đi lên, chứ nếu như bất kỳ một giải pháp nào còn có mâu thuẫn, còn có xung đột thì đấy không phải là giải pháp đưa đất nước thoát ra khỏi tình trạng hiện nay," blogger nói với BBC.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét