Pages

Thứ Tư, 30 tháng 4, 2014

Nhìn quan hệ Mỹ - Việt từ ngày 30/4

Bức tường Tưởng niệm cuộc chiến Việt Nam ở Washington DC. Hoa Kỳ
Sáng nay, 29/4, trang nhất báo New York Times có tin về chuyến công du châu Á của Tổng thống Barack Obama.
Còn báo Wall Street Journal đưa tin trang nhất những biện pháp trừng phạt thêm mà Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) áp đặt lên giới lãnh đạo trong chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin vì những hành động của Nga tại Ukraine trong mấy tháng qua.


Mờ sáng hôm sau, ngày 30/4, với lệnh từ Washington, Đại sứ Graham Martin cuốn cờ, được trực thăng bốc ra khỏi Việt Nam, trước khi xe tăng bộ đội cộng sản miền bắc tiến chiếm thủ đô miền Nam, đánh dấu sự thất bại của người Mỹ sau hai thập niên can dự.
Đúng ngày này 39 năm về trước, hai nhật báo lớn nhất nước Mỹ tràn ngập tin tức chiến sự Việt Nam và cuộc di tản người Mỹ ra khỏi Sài Gòn.
Với chiến thắng, lãnh đạo Hà Nội hồ hởi đưa cả nước tiến lên xã hội chủ nghĩa. Chủ nghĩa cộng sản tưởng chừng là kim chỉ nam giúp các quốc gia từng bị đế quốc đô hộ giành lại được độc lập để xây dựng và phát triển.
Nhưng không. Chỉ vài năm sau chiến thắng lẫy lừng, Việt Nam lại phải đối đầu với chiến tranh ở phía Bắc và sa lầy ở Kampuchia. Nền kinh tế bị khủng hoảng trầm trọng trong khuôn mẫu xã hội chủ nghĩa.
Cũng chỉ hơn một thập niên sau khi cộng sản lên nắm quyền cai trị ở Đông Dương, các chế độ cộng sản Đông Âu lũ lượt kéo nhau sụp đổ, đưa đến sự tan rã của Liên bang Sô-viết, chiếc nôi của chủ thuyết cộng sản thực dụng.
Với sự cáo chung của hầu hết các chính phủ cộng sản, là những nước thù nghịch với Mỹ trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh, nên hơn hai thập niên qua, tưởng như Hoa Kỳ không còn đối thủ.

Một thời kỳ mới

Hoa Kỳ và Philippines nối lại quan hệ quân sự
Nước Mỹ từ đó mở rộng quan hệ kinh tế với các nước, qua nhiều hiệp định thương mại, từ WTO toàn cầu, NAFTA riêng cho Bắc Mỹ, riêng với EU hay sắp tới là TPP với các quốc gia quanh bờ Thái Bình dương mà Việt Nam cũng tham gia.
Sau nhiều năm không có đối thủ trên chính trường quốc tế, nay Mỹ lại đang phải đối đầu với hai cựu đối thủ, cũng như trong thời chiến tranh Việt Nam, vẫn ở hai khu vực là Đông Âu, tại Ukraine; Đông Á trên Biển Đông.
Cuối tuần qua, Tổng thống Obama đến Philippines, trạm cuối cùng sau Nhật, Nam Hàn và Malaysia, trong chuyến công du châu Á đã bị hoãn từ tháng Mười năm ngoái vì chuyện nội bộ nước Mỹ.
Chuyến đi có mục đích nhấn mạnh đến chủ trương xoay trục, để đối đầu với Trung Quốc – quan tâm đến Đông Á nhiều hơn các vị tiền nhiệm kể từ khi Hoa Kỳ rút lui khỏi khu vực này.
Tại Manila, Tổng thống Barack Obama đã cùng Tổng thống Philippines Benigno S. Aquino III ký một hiệp ước quân sự cho Mỹ sử dụng các căn cứ ở đây trong mười năm.
Đó là lời cảnh báo cụ thể nhất gửi đến Bắc Kinh trước nhiều động thái gây hấn trên biển Đông trong 5 năm qua.
Nửa thế kỷ trước Hoa Kỳ muốn ngăn chặn làn sóng cộng sản từ Trung Quốc tràn xuống các nước Đông nam Á nên đã can dự vào Việt Nam. Ngày nay Trung Quốc lại đang mở rộng ảnh hưởng với chính sách vươn ra trên biển Đông, thường xuyên gây căng thẳng với Nhật, Việt Nam và Philippines.
Thập niên 1960 lãnh đạo Mỹ đã có chính sách be bờ Trung Quốc vì chủ trương bành trướng của Bắc Kinh, không chỉ yểm trợ cho miền Bắc Việt Nam, mà còn dùng phiến quân Mao-ít để khuấy động tại những quốc gia Malaysia, Thái Lan và Philippines.
39 năm về trước, khi lãnh đạo cộng sản miền Bắc đánh đuổi được người Mỹ ra khỏi Việt Nam, tại nhiều quốc gia trong vùng làn sóng chống Mỹ cũng lan rộng khiến Washington quyết định rút các căn cứ không quân khỏi Thái Lan và hải quân ra khỏi Philippines.
Nay Tổng thống Barack Obama đưa ra chính sách xoay trục và yểm trợ các quốc gia trong vùng.
Riêng với Việt Nam, gần bốn thập niên kể từ khi đánh bại người Mỹ để thống nhất đất nước, giới lãnh đạo Hà Nội sau nhiều năm ngả theo Nga, theo Trung Quốc rồi cũng nhận ra rằng giờ đây họ cần Hoa Kỳ, vì xét cho cùng người Mỹ không xấu và chủ nghĩa tư bản không bóc lột như những gì đàn anh cộng sản đã thực hiện hay tuyên truyền.
Nhiều sinh viên từ Việt Nam nay sang Hoa Kỳ du học
Nếu lãnh đạo Việt Nam còn mang nặng tư tưởng bảo thủ về nước Mỹ, họ đã không cho người Mỹ, hay các nước tư bản, vào mở công ty; đã không gửi con cháu đến đó học tập và nhiều người đã chọn ở lại để lập nghiệp, hòa nhập vào đời sống như biết bao người Việt tị nạn cộng sản đã bỏ nước ra đi từ sau biến cố 30/4/1975.
Người dân Việt ngày nay sính hàng Mỹ, thích được du lịch Mỹ. Nhiều em được cha mẹ cho qua Mỹ học từ cấp hai, mùa hè nhiều gia đình gửi con em qua tham gia các chương trình sinh hoạt hè. Trên VTV có các chương trình Chiếc nón kỳ diệu, Chung sức đều là sản phẩm của truyền hình Mỹ.
Tại Việt Nam đã có nhiều cửa hàng thức ăn Mỹ từ KFC đến McDonald, Starbucks. Hà Nội, Sài Gòn, Hội An, Nha Trang là điểm đến của du khách Mỹ.
Người Mỹ cũng đã không còn nhìn Việt Nam là kẻ thù. Các Thượng Nghị sĩ John Kerry, nay là ngoại trưởng, và John McCain, là những cựu chiến binh từng tham chiến tại Việt Nam là những người đã thúc đẩy cho tiến trình quan hệ hai nước. Các tổng thống Bill Clinton, George W. Bush đã đến Việt Nam khi đang nắm quyền.
Tuy nhiên trong phát triển quan hệ hai nước, một nước Việt Nam cởi mở hơn về chính trị vẫn là quan tâm của những nhà làm chính sách Hoa Kỳ.
Washington muốn Việt Nam, thành viên của khối ASEAN, là một đối tác trong chính sách xoay trục của Hoa Kỳ.
Quan hệ hai nước đã phát triển nhiều trong hai thập niên qua, về kinh tế, văn hoá, giáo dục, an ninh. Riêng mặt quân sự, quốc phòng mới chỉ có những chuyến ghé cảng của tàu Mỹ và các chuyến viếng thăm định kỳ của bộ trưởng quốc phòng hai nước.
Việc mua bán vũ khí đã được đặt ra nhưng còn bị những giới hạn về tự do, nhân quyền tại Việt Nam làm cản trở.
Việt Nam có sẵn sàng để thành đối tác chiến lược với Mỹ hay chưa, điều này tùy thuộc vào Hà Nội.
Bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả, một nhà báo tự do hiện sống tại vùng Vịnh San Francisco, California. Quý vị có ý kiến về chủ đề này xin chia sẻ với Diễn đàn BBC ở địa chỉ vietnamese@bbc.co.uk.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét