Pages

Thứ Bảy, 26 tháng 4, 2014

Tâm tư hôm nay mới trải

Phong trào dân sự ở Việt Nam đã có những bước phát triển
Trước nay, tôi vẫn dành sự quan tâm đặc biệt cho xã hội dân sự hơn là đảng phái chính trị. Mặc dù, trong một thể chế dân chủ, cả hai thứ này đều không thể thiếu, và có thể xem chúng là hai trong số những đặc điểm cần thiết của một nền dân chủ: xã hội dân sự và đa đảng.


Khuynh hướng tập hợp lại thành các phe nhóm và đảng phái chính trị luôn dễ dàng và hiệu quả hơn nhu cầu sinh hoạt thiện nguyện, vô vị lợi và độc lập của các hội đoàn dân sự. Nguyên do dễ thấy, đó là, cũng giống như mảng hoạt động kinh tế, mảng sinh hoạt chính trị được hình thành và phát triển dựa trên nguyên tắc chính của nó là Quyền lợi. Với kinh tế, là vì tiền bạc và tài sản; còn chính trị là vì quyền lực chính trị, hay nói rõ hơn là triển vọng quản lý và kiểm soát xã hội.
Sự thiên lệch trong mối quan tâm này xuất phát từ nhận thức cá nhân tôi về hai thiết chế xã hội này.
Còn các hội đoàn dân sự là sự kết hợp của những người cùng sở thích, ý chí, giá trị, nghề nghiệp, nguyện vọng… Họ tập hợp lại để chia sẻ những điểm chung, làm việc nhân đạo, bảo vệ lợi ích và giá trị của thành viên chứ không nhằm tranh giành lợi ích kinh tế lẫn quyền lực chính trị.

Chính trị và dân sự

Khuynh hướng chính của con người tư lợi, đó là một giả định hữu lý và đã được chứng minh bằng kinh nghiệm. Một lý thuyết gia lỗi lạc của thời đại chúng ta - Max Webber - từng nói: “Quyền lợi, chứ không phải ý tưởng, trực tiếp chế ngự hành động của con người”.
Sự kết hợp vì quyền lợi luôn thuận lợi hơn sự tập hợp dựa trên giá trị. Đức tính công cộng trừu tượng không thắng nổi những lợi ích thiết thực.
Các hội đoàn dân sự chỉ có được sự hỗ trợ tài chính từ cộng đồng để thành viên đủ sống và làm việc chứ không kiếm những khoản lợi nhuận kếch xù như khi làm kinh tế hoặc chính trị, nếu không muốn nói là đôi khi thành viên phải bỏ tiền túi ra để giữ vững sự độc lập cho hội đoàn mình. Bởi vậy, trong một xã hội dân chủ, trái ngược với các sinh hoạt đảng phái mạnh mẽ, sôi động và hào nhoáng, mảng sinh hoạt xã hội dân sự thực thụ luôn là những bận rộn tầm thường và thiên về nhân đạo.
"Các hội đoàn dân sự chỉ có được sự hỗ trợ tài chính từ cộng đồng để thành viên đủ sống và làm việc chứ không kiếm những khoản lợi nhuận kếch xù như khi làm kinh tế hoặc chính trị, nếu không muốn nói là đôi khi thành viên phải bỏ tiền túi ra để giữ vững sự độc lập cho hội đoàn mình."
Trong nhiều bài viết của mình, tôi từng lo sợ rằng: Vì sự an toàn dưới chế độ độc tài, hiện nay các nhóm thuộc đảng phái, phe nhóm chính trị thường hoạt động dưới lớp vỏ xã hội dân sự, điều này dẫn đến những hệ lụy nguy hiểm: xã hội dân sự phát triển một cách giả tạo, bị khuynh loát và không có đủ sức đặt nền tảng cho một chế độ dân chủ hậu cộng sản.
Thực trạng này rất đáng lo vì nó tiếp tục cản trở nỗ lực đấu tranh đòi Dân chủ và đe dọa làm thất vọng ước muốn Dân chủ, Đa nguyên, Tự do và Nhân quyền của người dân Việt Nam.
Vì thế, đối với xã hội dân sự, tâm tình của tôi gần giống với tình cảm quan tâm và yêu thương của một người dành cho một người bạn nghèo khổ của anh ta. Chỉ đơn giản bởi tâm lý của tôi là thích chú tâm đến những thứ bị mọi người bỏ rơi lại đằng sau, những thứ tầm thường, không bắt mắt và kém hào nhoáng.
Đến bây giờ, vượt qua những lời chụp mũ không căn cứ, tôi vẫn là một người hoạt động độc lập. Tôi có, tất nhiên, nhiều thân hữu thuộc nhiều lĩnh vực hoạt động khác nhau nhưng tôi không thuộc bất cứ đảng phái hay phe nhóm chính trị nào.
Không phải vì tôi sợ chính quyền mạnh tay đàn áp mà tôi vì tôi muốn dành thời gian trẻ trung và năng động nhất của cuộc đời mình cho “người bạn nghèo khổ” ở đất nước này.

Có thể hoạt động độc lập được không?

Liệu có tách rời đấu tranh dân sự và chính trị được không?
Làm một người hoạt động độc lập, điều đó dĩ nhiên khiến tôi gặp nhiều khó khăn hơn nhiều người khác. Quý vị có thể hình dung bối cảnh có những người ngồi trên thuyền lớn để vượt bão, còn những người hoạt động độc lập như chúng tôi chỉ ngồi trên những chiếc ghe nhỏ và mục nát. Thỉnh thoảng chúng tôi nhận được một vài sự giúp đỡ, khuyến khích và tư vấn từ các cá nhân riêng lẽ; nhưng nói chung là chúng tôi chỉ có một mình.
“Một mình” không phải là không có bạn bè mà là không có một thế lực chính trị nào đứng đằng sau chúng tôi ngoài những tấm lòng của từng cá nhân có tri thức, uy tín và tâm huyết với đất nước.
Hoạt động độc lập đã khó, làm việc trong một tổ chức độc lập còn khó khăn gấp bội.
Cuối năm 2013, tôi trở thành thành viên của một tổ chức bảo vệ Nhân quyền của phụ nữ mang tên Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam. Một tổ chức độc lập, ra đời trong hoàn cảnh chế độ độc tài sợ hãi bất cứ sự tập hợp nào của người dân Việt Nam, tất nhiên gặp phải nhiều trở ngại.
An ninh cộng sản đe dọa nhiều thành viên của chúng tôi, đòi họ rút tên khỏi Hội. Sự sách nhiễu đó gây nhiều tổn thất cho Hội nhưng nó không khiến chúng tôi được truyền thông chú ý và bênh vực. Dư luận viên thì chụp mũ chúng tôi là tổ chức ngoại vi của đảng này, đảng khác. Nhiều người ủng hộ chúng tôi quay sang nghi ngờ. Nhiều người đấu tranh khác, vì thiếu thông tin, thì nghĩ chúng tôi là “quốc doanh” vì “chưa thấy chúng tôi bị đàn áp gì cả”.
Quả tình, đối với những con người từng chịu nhiều mất mát và thậm chí là đau khổ bởi chế độ này như cô Dương Thị Tân, chị Lê Thị Công Nhân, cô Trần Thị Hài, chị Trần Thị Nga …, thì việc nghi ngờ Hội chúng tôi “quốc doanh” đồng nghĩa với sự xúc phạm nghiêm trọng. Chỉ vì người ta không nhìn thấy những đàn áp ngấm ngầm nhưng không kém mạnh mẽ mà chúng tôi phải chịu và một phần vì cái xu hướng tâm lý: những người bị đàn áp mạnh và được truyền thông ủng hộ hơn thì có thẩm quyền đạo đức hơn. Và chúng tôi còn gặp vô số những khó khăn về mặt kỹ thuật khác.
"Việc mặc định sự nghi ngờ ngay từ đâu đối với quyền lực chính trị không những là trí khôn ngoan mà còn là phẩm chất của con người trong các xã hội dân chủ."
Là một tổ chức bảo vệ Nhân quyền, chúng tôi bị chính quyền cộng sản thù ghét vì họ nghĩ chúng tôi đang cố tập trung lực lượng làm xói mòn quyền lực độc tôn của họ. Là một tổ chức độc lập, chúng tôi bị các đảng phái, phe nhóm chính trị đả kích vì chúng tôi không nằm trong phạm vi chi phối và kiểm soát của họ. Vậy là chúng tôi phải xoay xở rất vất vả trong một mớ những trở ngại về tài chính, kỹ thuật tổ chức và trục trặc nội bộ.
Nhưng bất chấp những khó khăn, chúng tôi tin tưởng rằng sự làm việc tận tụy và công tâm sẽ mang lại uy tín; chứ không phải ngược lại, uy tín và tiếng tăm sẵn có không nhất thiết song hành với sự công tâm và tử tế. Mặc dù hành động con người chủ yếu bị điều khiển bởi quyền lợi, nhưng là những con người có lý trí và khát vọng tốt đẹp, chúng ta phải cố gắng để cân bằng giữa hai thái cực: quyền lợi và sự công tâm.
Đó là lời chia sẻ mạo muội của tôi tới tất cả những người bạn đồng chí hướng đấu tranh cho Dân chủ và các cơ quan truyền thông Tự do đang gánh vác trên vai mình trách nhiệm to lớn: lên tiếng bảo vệ Tự do và Nhân quyền.
Mỗi một ngày trôi qua, tôi thấy mình lớn lên. Tôi đã trải nghiệm những điều tốt đẹp cũng như những điều xấu ngấm ngầm trong tất cả các thiết chế do con người lập nên. Có những vận động ngầm, những toan tính thuần về quyền lợi, những kết nối khuất tất giữa các thế lực chính trị đang diễn ra, đang chảy dưới lòng sông, dù mặt sông phẳng lặng và đẹp đẽ.
Nhưng tôi vẫn nuôi hy vọng rằng những nhà hoạt động và trí thức Việt Nam độc lập có đủ tri thức và lương tri để quan sát những diễn biến này. Vì vai trò của giới trí thức thực sự trong mọi quốc gia là giám sát các hoạt động quyền lực chính trị để bảo vệ nền dân chủ. Việc mặc định sự nghi ngờ ngay từ đâu đối với quyền lực chính trị không những là trí khôn ngoan mà còn là phẩm chất của con người trong các xã hội dân chủ.
Bài phản ánh quan điểm riêng và văn phong của người viết, một blogger sống tại Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét