Pages

Thứ Năm, 10 tháng 4, 2014

Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ - từ "ô nhục" đến "tự do"


Huỳnh Bá Hải (Danlambao) - Trước hết như bao người khác tôi xin chúc mừng Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ (CHHV) đến bến bờ tự do để tỵ nạn dưới danh nghĩa "đi chữa bệnh". Dù sao thì tính mạng của một con người bao giờ cũng là vô giá. Người Việt Nam mình vốn nhân đạo và tử tế, đã trót yêu ai thì cũng cam chịu cho dù bị bội tình bạc nghĩa. Có nhiều điểm "tích cực" cũng như "tiêu cực" từ chuyện ra đi âm thầm lặng lẽ của ông CHHV.

Điểm "tích cực" đầu tiên là nhà cầm quyền CSVN chứng minh cho thế giới biết là luật của họ là luật rừng, muốn bắt ai hay thả ai cũng có thể thực hiện một cách tùy tiện. Ở một góc nhìn nào đó thì rõ ràng sức ép của dư luận cũng có kết quả với một nhà nước độc tài. Và cũng chẳng cần nói ai cũng biết là một ai dấn thân cho chính nghĩa thì không bao giờ bị lãng quên hay bỏ rơi. Niềm tin về công lý chính nghĩa sẽ thêm sức mạnh cho những người dám dấn thân và chấp nhận hi sinh, chịu tù đày lao khổ. 

Ông CHHV đã có được "tự do". Nhưng tự do không do ông lựa chọn mà là sự dàn xếp của 3 bên: Mỹ- CSVN và gia đình ông. Cho đến bây giờ người ta cũng không biết là ông muốn đến Mỹ hay trở về căn nhà số 24 Điện Biên Phủ, Hà Nội. 

Bà luật sư Dương Hà, vợ ông CHHV đã từng đến Mỹ khi ông còn trong tù. Không như giới truyền thông mong đợi, bà im lặng khi đi lẫn như lúc về. Tất cả chỉ là im lặng không lên tiếng như khi ông CHHV tuyệt thực trong tù. Sự lên tiếng hay im lặng là quyền tự do của mỗi cá nhân. Nhưng khi mình có chuyện thì kêu gọi, vận động sự hỗ trợ khắp nơi và khi muốn dàn xếp bắt tay thì im lặng - đúng như một câu tục ngữ của Miền Bắc: "Xong xôi thì rồi việc ". 

Lần này thì dường như phía Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thuộc bài hơn khi muốn dàn xếp với CSVN. Khi gia đình ông CHHV ngồi vào máy bay thì họ mới lộ tin ra ngoài. Không như trường hợp luật sư Lê Công Định, phía Mỹ vội vàng thông báo để bây giờ CSVN còn làm khó làm dễ anh LCĐ. 

Tuy nhiên, ông CHHV cũng nên biết là con đường mà ông đến được tự do cá nhân ông thì nhiều người cũng ít nhiều trả giá. Khỏi nói ai cũng biết là trong 2 phiên xử ông CHHV thì nhiều người bị bắt, bị đánh vì muốn tham dự "phiên tòa công khai". 

Gia đình ông CHHV ra đi thì có người thông cảm và cũng có người hụt hẫng. Việc ông CHHV đi tỵ nạn thẳng từ nhà tù cộng sản đến xứ Mỹ tự do không phải là trường hợp đầu tiên và sẽ không phải là trường hợp cuối cùng vì CSVN hay dùng chiêu xuất khẩu tù chính trị, mà tù chính trị ở VN hiện nay còn nhiều lắm. Nhưng trường hợp của ông CHHV thì cần quan tâm hơn. 

1. Ông CHHV luôn dùng luật pháp VN để chống lại nhà nước độc tài với các vụ kiện về Bô Xít về môi sinh. Nhưng trường hợp của ông là 2 cái bao cao su ô nhục thì chưa được giải quyết tại VN. Nghĩa là vẫn còn đó nỗi ê chề chưa được chính thức minh bạch hóa. Ngay cả nỗi oan của chính mình mà ông còn chưa giải quyết xong thì làm sao giải quyết những bất công của xã hội. Qua Mỹ viết hồi ký để giải oan à? Còn lâu nhé! 1 triệu ngôn từ của ông khi ở nước ngoài cũng không có trọng lượng bằng 1 lời nói của ông ngay tại VN. 

2. Cách ra đi âm thầm lặng lẽ cũng không có gì hay ho. Gia đình ông CHHV dư sức áp lực để ông nán lại Hà Nội một thời gian với nhiều lý do: đốt cho tổ tiên một cây nhang, thăm người thân đang yếu, thăm bạn bè mà không biết bao giờ gặp lại. Trước ông CHHV cũng có nhiều người bị trục xuất ngay trong tù nhưng họ yêu cầu lưu lại VN một thời gian trước khi ra đi lén lút như giáo sư Đoàn Viết Hoạt,  Nguyễn Gia Kiểng, mục sư Hồ Hiếu Hạ...
3. Lý do về sức khỏe đi nước ngoài chữa bệnh được đưa ra không thỏa đáng vì còn nhiều tù chính trị khác họ bệnh tật còn nặng hơn ông CHHV nhiều lần như Linh mục Nguyễn Văn Lý, Đỗ Thị Minh Hạnh, Tạ Phong Tần, Hồ Thị Bích Khương.
4. Quy chụp cho dàn xếp của 3 bên 4 bề nào đó cũng chỉ là cách nói cho qua việc chứ bản thân ông CHHV không muốn đi thì có ai bắt được ông phải đi. Nhiều người từng được các nước tự do mời đi tỵ nạn ngay trong tù mà họ thẳng thừng từ chối. Án tù 7 năm, 10 năm thậm chí 37 năm như ông Nguyễn Hữu Cầu cũng có ngày về. Ra đi với ân huệ "đặc xá khoan hồng" thì còn hơn cả chấp nhận án tù oan khiên. 

Có chi tiết này mọi người cũng lưu ý: Mỹ có là thiên đường cho người dấn thân cho dân chủ VN qua tỵ nạn không? Hãy xem trường hợp của luật sư khiếm thị Trần Quang Thành của Tàu thì rõ. Qua Mỹ coi như là đặt dấu chấm hết cho việc đấu tranh của mình nhưng nếu được bù đắp về vật chất thì cũng đỡ. Thực sự thì cuộc sống tỵ nạn của người mới qua nó thê lương hơn ở trong nước. Như trường hợp của chị Trần Khải Thanh Thuỷ, anh Nguyễn Ngọc Quang, ông Nguyễn Chính Kết hay gần đây nhất có nhiều người đi tỵ nạn Mỹ sau khi ra đi từ Bangkok. Mỹ chỉ cấp từ 300 USD cho đến 800 USD cho một gia đình trong một tháng. Nhưng Mỹ nó chỉ nuôi trong 6 tháng thôi, sau đó ăn trợ cấp nếu chưa tìm việc làm. Cho dù có 1000 USD thì tiền thuê một chung cư nhỏ tại Mỹ tối thiểu là 600 USD, tiền điện, nước, điện thoại, TV, internet cũng trên 1000 USD cho một gia đình tại Mỹ rồi. Qua Mỹ từ khi nhận thẻ xanh cho đến khi vô quốc tịch Mỹ là 5 năm nhưng phải thi vào. Rất nhiều trở ngại khi chọn ra nước ngoài làm người đi tỵ nạn. 

Mỗi người hiểu rõ về hoàn cảnh của mình hơn ai hết và ranh giới của cá nhân và tập thể, giữa cái chung và cái riêng nó tùy trường hợp. Tôi chưa kỳ vọng vào tiến sĩ CHHV nên không có thất vọng nào cho sự ra đi của ông. Chỉ buồn cho cách chấp nhận sự dàn xếp của gia đình ông làm nhiều người thất vọng. 

Nhưng thôi, hãy quên đi những hụt hẫng cá nhân. Tin rằng Việt Nam dù có hay không có CHHV thì sớm muộn gì chúng ta cũng sẽ có tự do dân chủ và quyền làm người được tôn trọng. 


Huỳnh Bá Hải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét