Pages

Thứ Năm, 29 tháng 5, 2014

Đã tới lúc VN thừa nhận mạng xã hội?

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hôm 23/5/2014 có bài trên trang blog của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) để khẳng định về sự hấp dẫn của môi trường kinh doanh tại Việt Nam nhân dịp ông tham dự diễn đàn này tại Philippines.


Điều gây ngạc nhiên cho người dân Việt Nam và giới quan sát không phải là nội dung của bài viết này, mà là việc lần đầu tiên một vị thủ tướng của Việt Nam đã sử dụng mạng xã hội để quảng bá hình ảnh Việt Nam – một đất nước mà tổ chức Phóng viên không Biên giới (Reporters without Borders) vẫn thường gọi là Kẻ thù của internet (an enemy of the internet) bởi chính sách hạn chế mạng xã hội và tình trạng bắt giữ và bỏ tù những người viết blog bất đồng chính kiến.
Đây chỉ là một trong rất nhiều biện pháp được Chính phủ Việt Nam sử dụng để khôi phục hình ảnh Việt Nam trong con mắt các nhà đầu tư nước ngoài sau các cuộc biểu tình quá khích, cướp phá nhằm vào doanh nghiệp Trung Quốc diễn ra tại Bình Dương và Hà Tĩnh sau sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan dầu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ngày 1/5 vừa qua.
Sự kiện Thủ tướng viết blog và những động thái tích cực khác gần đây đã khiến không ít người đặt câu hỏi: Liệu có một sự thay đổi trong chính sách của Chính phủ trong việc sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam?

Những tín hiệu đáng mừng

Còn nhớ chỉ hơn một tháng trước, người dân và cộng đồng mạng ở Việt Nam đã hồ hởi hoan nghênh việc Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam quyết định đi thị sát tình hình dịch sởi sau khi đọc Facebook post của một bác sĩ nói về sự nghiêm trọng của bệnh dịch này.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã thị sát tình hình dịch sởi sau khi đọc tin từ Facebook
Nhờ chuyến đi này của Phó thủ tướng, những thông tin và con số thật về tình hình bệnh sởi đã được công khai và Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt để ngăn chặn sự lây lan và dập dịch.
Các nhà báo trong nước ngay lập tức đã lên tiếng ủng hộ việc Chính phủ sử dụng mạng xã hội như một tham khảo cho quyết định điều hành của mình.
Ba ngày sau chuyến thị sát của Phó thủ tướng, VietnamNet đã có bài viếtBấmRút ASIAD, Chính phủ và... Facebook nói về vai trò ngày càng quan trọng của mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, một mạng xã hội phổ biến nhất và có tới 25 triệu người sử dụng ở Việt Nam.
Theo bài viết, Facebook là kênh thông tin nhanh nhậy và đa chiều, là một sự tham khảo không thể thiếu đối với những nhà lãnh đạo ra quyết sách chứ không chỉ là nơi cư dân mạng, các blogger... bày tỏ những quan điểm bất đồng chính kiến như nhiều người thường nghĩ.
"Mạng xã hội là nơi dội lại các chính sách ban hành một cách nhanh chóng và đầy đủ và “nó cũng chân thực hơn rất nhiều các bản báo cáo của các bộ, ngành gửi lên - nhiều khi cố ý giấu nhẹm những vấn đề thực tế để bảo vệ thành tích ngành, vì lợi ích cá nhân của ai đó”."
Mạng xã hội là nơi dội lại các chính sách ban hành một cách nhanh chóng và đầy đủ và “nó cũng chân thực hơn rất nhiều các bản báo cáo của các bộ, ngành gửi lên - nhiều khi cố ý giấu nhẹm những vấn đề thực tế để bảo vệ thành tích ngành, vì lợi ích cá nhân của ai đó”.
Tác giả bài viết thậm chí còn thẳng thắn rằng những ý kiến yêu cầu phải chặn, đóng cửa Facebook tại Việt Nam “cho thấy sự thiếu nhạy cảm với những công cụ mà nếu biết tận dụng sẽ rất hữu ích cho Nhà nước.”
Một thực tế thú vị khác là trong những tuần gần đây, các nhà báo trong nước đã thường xuyên trích dẫn công khai những thông tin từ mạng xã hội làm cơ sở để đưa ra các câu hỏi tại các cuộc họp báo của Chính phủ về dịch sởi hay vấn đề Biển Đông – điều trước đây rất ít người dám làm. Trên thực tế, các nhà báo trước đây khi dùng thông tin mạng xã hội thường không dẫn nguồn.
Thêm vào đó, không chỉ có những tin tức thời sự về biển Đông mà cả những bài phân tích về quan hệ Việt - Trung, động thái hay dở của Chính phủ hay những thông tin về việc tổ chức, tham gia, diễn biến của các cuộc biểu tình ôn hòa đã được chia sẻ rộng rãi và liên tục trên các trang blog, Facebook mà không gặp trở ngại.
Người dân đang được hít thở một bầu không khí tự do chừng như chưa bao giờ có!

Nới lỏng tạm thời hay vĩnh viễn?

Mạng xã hội cũng là nơi chỉ ra những sai sót chính tả như biển hiệu tiếng Anh trong nghi lễ này.
Tận hưởng quyền tự do mới nhưng không ít người đã tự hỏi sự nới lỏng này của Chính phủ sẽ kéo dài bao lâu?
Câu hỏi này hoàn toàn có lý vì Chính phủ Việt Nam có “bề dày” lịch sử hạn chế và kiểm duyệt báo chí và mạng xã hội.
Chỉ chưa đầy một năm trước, hồi tháng 9/2013, Việt Nam đã ban hành Nghị định 72 về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng trong đó cấm người sử dụng mạng xã hội cung cấp, chia sẻ tin tức thời sự tổng hợp (khoản 4, điều 20).
Lý do là nhằm ngăn chặn việc vi phạm bản quyền và bảo vệ an ninh quốc gia nhưng thực chất, đây là quy định nhằm thắt chặt sử kiểm soát đối với những nội dung được đăng tải và chia sẻ trên mạng xã hội.
Trong khi các thể chế dân chủ cho rằng những phản biện, phê phán thậm chí chỉ trích sẽ giúp họ tiến bộ hơn thì việc lắng nghe những tiếng nói trái chiều vẫn khó được Chính phủ Việt Nam chấp nhận.
Cho đến nay, theo tổ chức Phóng viên không Biên giới, Việt Nam vẫn còn giam giữ 33 bloggers và rất nhiều trong số họ bị bỏ tù vì “tuyên truyền chống Nhà nước” và “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”.
"Cho đến nay, theo tổ chức Phóng viên không Biên giới, Việt Nam vẫn còn giam giữ 33 bloggers và rất nhiều trong số họ bị bỏ tù vì “tuyên truyền chống Nhà nước” và “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”."
Hôm 5/5 vừa qua, Hà Nội đã bắt giữ blogger nổi tiếng Nguyễn Hữu Vinh, người sáng lập trang blog Anhbasam và nhân viên của ông là chị Nguyễn Thị Minh Thúy cũng vì tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ.
Cách đây khoảng hai năm, không lâu sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tái đắc cử nhiệm kỳ hai, Việt Nam từng “nếm” sức mạnh của mạng xã hội khi những thông tin mất đoàn kết, đấu đá nghiêm trọng trong nội bộ Đảng và Chính phủ được tung ra trên các trang blogs Quan Làm Báo và Dân làm báo và trở thành tâm điểm của đời sống dư luận đồng thời đem lại một sự thất vọng lớn trong nhân dân.
Ngày 12/9/2012, Thủ tướng đã phải chỉ đạo điều tra, xử lý hai trang blogs có nội dung “bôi đen bộ máy lãnh đạo của đất nước” này cùng với một số mạng xã hội khác.
Chỉ đạo của Thủ tướng cũng yêu cầu các cán bộ đảng viên, công chức, viên chức nhà nước không xem, không sư dụng loan truyền những thông tin phản động từ những blogs và website này.
Yêu cầu Bộ Thông tin Truyền thông “khẩn trương trình” nghị định về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng cũng là một trong những nội dung của chỉ đạo này.
Tiến trình dân chủ hóa đời sống chính trị ở Việt Nam đang trong một giai đoạn phát triển quan trọng với những nhân tố thuận lợi.
Liệu Việt Nam sẽ đẩy nhanh tiến trình này thông qua việc duy trì sự nới lỏng quản lý mạng xã hội, tránh xa khỏi cái bóng của Trung Quốc hay sẽ quay lại với những hạn chế cũ khi những biến cố lớn cần huy động sức mạnh toàn dân như việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép qua đi?
Thực tế cho thấy mạng xã hội đã khiến người Việt Nam trở nên mạnh bạo, hiểu biết và ủng hộ dân chủ hơn.
Với sự duy trì của chế độ một Đảng lãnh đạo và với lịch sử áp chế báo chí và mạng xã hội, nhiều khả năng Chính phủ Việt Nam sẽ lựa chọn trở về con đường cũ.
Tuy nhiên, trong bối cảnh người dân Việt trong và ngoài nước chưa bao giờ đoàn kết và đồng lòng yêu nước như hiện nay, nếu chọn con đường đẩy mạnh dân chủ hóa, đây sẽ là cơ hội tuyệt vời cho Chính phủ Việt Nam cải thiện lòng tin trong nhân dân, vượt qua những thách thức nội bộ và quan trọng hơn cả là tạo ra những tiền đề tốt để đưa đất nước tiến lên.
Bài viết thể hiện quan điểm và cách hành văn của tác giả, một thạc sỹ truyền thông từ Đại học University of Sydney.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét