Pages

Thứ Tư, 14 tháng 5, 2014

Bắc Kinh, Đài Bắc phản đối vụ công nhân Bình Dương biểu tình bạo động

Người biểu tình với biểu ngữ : Trung Quốc hãy ngưng
xâm chiếm Việt Nam - REUTERS /Kham
Thanh Phương
Sau cuộc tuần hành phản đối Trung Quốc của hàng ngàn công nhân Bình Dương hôm qua, 13/05/2014, với hậu quả là hàng chục nhà máy bị đốt cháy hoặc bị đập phá, phần lớn là của các công ty Trung Quốc và Đài Loan, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh hôm nay cho biết Bắc Kinh đã « long trọng phản đối » Hà Nội và bày tỏ « mối quan ngại sâu sắc » về vụ đốt phá các nhà máy của Trung Quốc ở Bình Dương hôm qua, cũng như về những cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc ở Việt Nam trong những ngày qua.

Về phần Bộ Ngoại giao Đài Loan hôm nay 14/05/2014 cũng đã triệu đại diện của Việt Nam ở Đài Bắc để bày tỏ « mối quan ngại nghiêm trọng » về các vụ biểu tình bạo động ở Bình Dương và yêu cầu chính quyền Hà Nội bảo vệ an ninh cho các công dân Đài Loan ở Việt Nam. 
Theo hãng thông tấn Đài Loan CNA, Bộ Ngoại giao Đài Loan hôm nay vừa thông báo là có hai công dân Trung Quốc thiệt mạng và hai công dân Đài Loan trong vụ bạo loạn hôm qua ở Bình Dương. 
Một quan chức Bộ Ngoại giao cho biết họ đã thi hành các biện pháp để đưa các công dân Đài Loan ở Việt Nam về nước an toàn và nếu trên đường đến các sân bay, có những đoàn biểu tình chống Trung Quốc đứng chặn thì họ sẽ yêu cầu công an Việt Nam giải tán những người biểu tình đó. Quan chức này nói thêm là các chuyến bay về Đài Loan ngày mai đã đầy khách, nhưng vẫn còn chỗ cho công dân Đài Loan hồi hương trong các chuyến bay ngày hôm sau. 
Do cũng có một số công ty Hàn Quốc bị thiệt hại trong các vụ bạo động hôm qua ở Bình Dương, chính phủ Seoul hôm nay đã yêu cầu Hà Nội bảo vệ các công dân Hàn Quốc ở Việt Nam. 
Báo chí trong nước hôm nay cho biết là Công an tỉnh Bình Dương đã phát hiện và sẽ « xử lý » những người bị xem là « đội lốt » công nhân để « kích động đốt phá, gây mất trật tự an ninh » trong cuộc biểu tình. 
Một lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương hôm nay loan báo với hãng tin AFP là đã bắt giữ tổng cộng 500 người « bị bắt quả tang cướp phá, đối cháy các nhà máy ».
Theo lời ông Trần Văn Nam, phó chủ tịch tỉnh Bình Dương, hôm qua, tổng cộng có đến 19 ngàn công nhân tham gia tuần hành. Đoàn người biểu tình sau đó chia thành nhiều nhóm đến các doanh nghiệp Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... ở Bình Dương để « lôi kéo » những công nhân khác nghỉ việc tham gia tuần hành. Ông Nam cho biết là một số công nhân đã đập phá cổng, tường rào và tài sản của các doanh nghiệp ngoại quốc. 
Theo Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bình Dương, tính đến sáng ngày 14/05, đã có hàng trăm doanh nghiệp bị đột nhập và phá hoại tài sản, đa số là các doanh nghiệp Đài Loan, Trung Quốc và Hàn Quốc, 15 nhà máy bị đốt cháy. 
Trả lời RFI Việt ngữ, nhà báo độc lập Trương Minh Đức, từ Bến Cát, Bình Dương, mô tả quang cảnh tại chỗ hôm nay và giải thích những nguyên nhân dẫn đến bạo loạn hôm qua : 

Nhà báo Trương Minh Đức, Bến Cát, Bình Dương
Nhà báo Trương Minh Đức : (...) Tôi thấy kỳ này công nhân họ lên tiếng rất mạnh mẽ. Họ phản đối rất mạnh nhắm vào quyền lợi kinh tế của Trung Quốc tại Việt Nam. Việc đập phá thì tôi không ủng hộ. Nhưng mà mình cũng nghĩ đi nghĩ lại, cái gì cũng có nguyên nhân của nó hết.
Đúng ra, phải quy trách nhiệm cho những người có thẩm quyền ở Việt Nam. Ở Việt Nam hiện nay, chưa có ban bố luật biểu tình, thành ra biểu tình rồi chuyển thành bạo động không nằm trong tầm kiểm soát, không có hệ thống luật pháp chặt chẽ.
Thứ hai, luật công đoàn ở Việt Nam bất cập, không có công đoàn độc lập, từ chỗ đó có sự ức chế nhiều ngày tháng năm qua đối với người công nhân, thành ra đây là dịp họ xả stress. Họ xả ức chế của việc không có được người bảo vệ cho sự sống của mình, hoặc vấn đề không có được đồng lương chính đáng, hoặc giới chủ chèn ép.
Còn nguyên nhân thứ ba nữa là, trong đỉnh điểm của cuộc biểu tình, có công ty đã phát lương vào ngày mùng 10. Có những công nhân đi làm đầu tắt mặt tối, họ chưa có kịp lãnh lương. Khi họ ra biểu tình ôn hòa chưa có đập phá, thì doanh nghiệp đã khóa tất cả các tài khoản của công nhân lại. Họ khóa tài khoản lương trong thẻ ATM. Thành ra, khi công nhân đi rút tiền không được, họ càng tức giận, cũng như là chế dầu vào lửa.
Đó là những nguyên nhân dẫn đến cuộc bạo loạn rất kinh khủng mà tôi cũng chưa từng thấy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét