Pages

Thứ Hai, 12 tháng 5, 2014

Biểu tình chống Trung Quốc: phản biểu tình và biểu tình


IMG_7085
Thu xếp công việc ở Vinh, tôi trở về Hà Nội để kịp tham dự biểu tình chống Trung Quốc xâm phạm vào vùng Đặc quyền kinh tế biển của Việt Nam. Thú thật đây là lần đầu tiên tôi quyết định một việc như vậy, tham gia biểu tình với tư cách là một công dân, một logger và là một facebooker.

Chia cắt
Ban đầu cuộc biểu tình diễn ra theo một hướng khá là hài hước. Oh rất tiếc khi chúng tôi nói ra điều này, bởi đơn giản điều đó là sự thật.
8h30 sáng tôi có mặt ở phía đối diện Đại sứ quán Trung Quốc và chứng kiến khá nhiều công an, an ninh, dân phòng, tự vệ nhưng chỉ có một nhóm nhỏ chừng mươi biểu tình viên cùng với khoảng trăm người đứng xem. Nhóm biểu tình viên gồm những nam nữ thanh niên trông khá là thanh lịch và cũng đầy nhiệt huyết.
Họ hô vang các khẩu hiệu Đả đảo Trung Quốc, Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam.
Điều lý thú là họ quay lưng vào Đại sứ quán Trung Quốc, hô khẩu hiệu và trương biểu ngữ trước mặt phóng viên các tờ báo, các tay máy ảnh. Cứ thế mãi cho đến lúc có một số ý kiến nói rằng họ phải quay về phía Đại sứ quán Trung Quốc. Không hề gì họ đang mải chống Trung Quốc trước những cái máy ảnh và máy quay phim.
Tôi vỗ vào vai một anh chàng và nói: Các anh biểu tình không phải là cho chúng tôi xem mà là cho người Trung Quốc ở trong Đại sứ quán kia kìa. Quay băng rôn, khẩu hiệu lại đi, hướng cả vào Đại sứ quán ấy.
Họ đã làm như vậy và lại hô vang: Đả đảo Trung Quốc, Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam, Ủng hộ Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Sau có người gào tướng lên rằng: Đảng cộng sản Việt Nam Quang vinh muôn năm. Tôi buột miệng chửi: ĐM! Điên à?? Vài người nhìn tôi. Tôi bảo đem Đảng cộng sản Việt Nam Quang Vinh và Muôn Năm ra dọa chắc thằng Tàu nó sợ?
Câu khẩu hiệu này về sau hoàn toàn vắng bóng.
Được một lát thì facebooker Ngà Voi đến đem theo khẩu hiệu. Facebooker này căng khẩu hiệu, phóng viên New York Times từ đâu đến phỏng vấn ngay lập tức. Sau đó thì không biết thế nào họ có một cuộc nói chuyện với blogger Sông Hàn.
Tầm khoảng 9h thì người đi biểu tình mỗi lúc một đông. Một số người đã hô các nội dung về Nhân quyền và Dân quyền, trả tự do cho một số blogger… Ngay lập tức đội Biểu tình viên nói trên quên bẵng nhiệm vụ biểu tình chống Trung Quốc xâm lược. Họ lao vào gây gổ, cậu thanh niên mặc áo phông đen, đeo kính (khá đẹp trai) nói như thét và đầy đe dọa: ở đây không tự do, không có dân chủ, không có dân quyền.
Tôi bực quá bảo: này anh chúng tôi đến đây là thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình, anh không có quyền nói thế.
Anh chàng lập tức hét vào mặt tôi: Ở đây không có dân chủ, nhân quyền gì hết, ở đây chúng tôi biểu tình chống Trung Quốc; tôi định đấu lý (mặc dù biết chả ích lợi gì) thì một số người đến và khuyên giải. Từ đó về sau, biểu tình diễn ra theo một hướng khá là hài hước là hễ có nhóm khác đến và hô khẩu hiệu trái ý thì ngay lập tức nhóm biểu tình viên kể trên lao vào căng băng rôn, biểu ngữ và hô loạn xì ngầu cả lên.
Kịch bản là lại có người đến can ngăn và hô to: đả đảo Trung Quốc, thế là tất cả lại hô: đả đảo Trung Quốc!
Đến tầm khoảng 10h gì đó, một anh giơ cao ảnh của Ngụy Văn Thà, ngay lập tức nhóm biểu tình viên kia từ đâu chạy lại, xô vào hét: Nó là ngụy, nó là ngụy, nó bắn chết bao nhiêu đồng bào. Một cô gái cũng hò hét to không kém: Cha anh chúng tôi đã chiến đấu, bao người đã hi sinh.
Tôi thì cũng không rõ lắm rằng việc cô gái này này có cha và anh đã chiến đấu trong cuộc chiến Đông Dương lần II hay không? Trông cô ấy tầm chỉ hai mươi tuổi.
Ôi! Ơn trời, anh Quang Nhật Trần (hay Trần Nhật Quang gì đó) gào thét: Nó bắn chết bao nhiêu chiến sỹ tàu không số. Nhưng tôi nghĩ chắc người đàn ông thấp lùn này chả bao giờ thấy Ngụy Văn Thà bắn chết bất cứ một ai chứ đừng nói đến chiến sỹ tàu không số.
Anh thanh niên ngổ ngáo mặc áo đen, đeo kính lại lao vào định hành hung người đã giơ cao ảnh Ngụy Văn Thà, hai bên chuẩn bị dùng nắm đấm để giải quyết lẽ công bằng. Tất nhiên rồi mọi thứ cũng được thu xếp, lại có người đến can ngăn và hô to Đả đảo Trung Quốc.
Các khẩu hiệu dài dằng dặc thì người ta không hô nữa, chủ yếu hô: Ủng hộ Chính phủ, đả đảo, Hoàng Sa, Trường Sa… Kể cũng vui.
Và thống nhất
Nói chung thì là như vậy, có biểu tình, có chống biểu tình. An ninh, công an đứng làm nhiệm vụ rất đông, nhưng ai nấy hòa nhã, nếu cần bạn có thể xin nước uống từ họ. Xu hướng thống nhất và biểu tình quyết liệt hơn khi có một chiếc xe lam từ đâu chạy lại, đưa theo cả loa đài. Thế là người ta trèo lên xe trương cờ và bắt đầu phát động biểu tình mạnh mẽ.
Những bài hát như Dậy mà đi, Quốc ca, Như có bác Hồ… được người biểu tình hát hết sức mình.
Mỗi lần người trên nóc xe hô Đả đảo thì ở dưới có khoảng ngàn cánh tay vung lên đả đảo, đả đảo. Cũng có khi họ hô lớn Tẩy chay hàng Trung Quốc (mặc dù ai cũng biết rằng làm điều này không hề đơn giản).
Ở phía sau cuộc biểu tình, nhóm No U nhìn vào, một số thành viên của nhóm này khá là bực tức. Tuy nhiên khi bắt đầu phát động diễu hành thì No – U gần như là những người bắt nhịp đoàn biểu tình, những khẩu hiệu mang tính lợi ích nhóm dần được họ gác lại. Thế vào đó là các khẩu hiệu Đả đảo Trung Quốc, Hoàng Sa, Trường Sa, Trung Quốc cút khỏi biển Đông…
Đoàn diễu hành đi qua một loạt phố cổ, tuần hành quanh Hồ Gươm, khi ở phố Hàng Bông, họ hô lớn: Tẩy chay hàng Trung Quốc.
Đoàn diễu hành đi đến đâu thì lại có thêm người ra nhập, họ cùng xuống đường và hô vang các khẩu hiệu chống Trung Quốc, tốp này rời đi (vì bận việc làm ăn) tốp khác kế ngay vào. Hàng ngàn người cứ thế tuần hành.
Lực lương an ninh bám đoàn biểu tình khá là đông. Nhưng họ rất là hòa nhã, lịch thiệp, có cả xe còn tiếp nước cho đoàn diễu hành
Chưa khi nào người Việt đồng thuận như vậy. Đơn giản chúng ta là người Việt Nam và rằng Hoàng Sa, Trường Sa không phải của riêng bất cứ ai, đó là tài sản chung của cả dân tộc mà chính cha ông đã truyền lại. Người Việt Nam không cho phép Trung Quốc cướp đi giá trị này.
Ý vị thay lời kết
Phải nói rằng tôi tự hào khi hiện diện trong đoàn biểu tình ngày hôm nay. Đây là lần đầu tiên, tôi hít thở bẩu không khí biểu tình – một trong những quyền cơ bản của con người.
Cuộc biểu tình cho thấy lòng người đang ủng hộ Chính phủ. Qua biểu tình, Chính phủ Việt Nam có lẽ đã gửi một “lời chào thân ái” đến phía Chính phủ Trung Quốc rằng: Đây mới chỉ là bắt đầu, người Việt Nam sẽ còn dành cho anh những “món quà” lớn hơn như thế nữa.
Ở một thông điệp khác: Hãy biết tuân thủ luật chơi ở đây.
Hẳn rất nhiều người cũng sẽ rút ra những bài học cần thiết, đứng trước việc chủ quyền lãnh hải, toàn vẹn biển đảo bị xâm phạm, hãy dương cao ngọn cờ yêu nước. Trước mỗi một sự kiện chính trị hãy luôn biết tôn trọng khác biệt và hãy biết vì một mục tiêu chung.
THEO OFVIET

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét