Pages

Thứ Năm, 29 tháng 5, 2014

'Châu Á ủng hộ vai trò mới của Nhật'

Thủ tướng Nhật Bản đang muốn khẳng định vai trò của Nhật tại khu vực trước TQ.
Thông điệp về vai trò lớn hơn trong an ninh toàn cầu của Nhật Bản tại một diễn đàn an ninh khu vực trong tuần này sẽ nhận được nhiều ủng hộ, bởi châu Á đang ngày càng lo ngại trước Trung Quốc.
Tuy vậy nhiều quốc gia sẽ không tán thưởng quá ồn ào vì sợ làm Bắc Kinh phiền lòng, hãng tin Reuters cho hay.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ có bài diễn văn quan trọng tại Đối thoại Shangri-La vào thứ Sáu 30/05, một diễn đàn dành cho các chuyên gia quốc phòng và an ninh đến từ châu Á, bao gồm Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Mỹ, và Australia.
Nhật Bản có tranh chấp chủ quyền khá nhức nhối với Trung Quốc trên biển Hoa Đông, trong khi căng thẳng cũng đang gia tăng giữa Bắc Kinh với một vài quốc gia Đông Nam Á xung quanh các tranh chấp trên biển Đông, vốn được cho là giàu dầu mỏ và khí đốt.

Vị thủ tướng phe bảo thủ này được kì vọng sẽ giải thích những nỗ lực của ông nhằm dỡ bỏ lệnh cấm tham chiến bên ngoài của quân đội Nhật từ sau Thế chiến II.
“Căng thẳng đang gia tăng ở châu Á-Thái Bình Dương. Tôi muốn gửi thông điệp đến thế giới về vai trò chủ động của Nhật Bản đối với hòa bình dựa trên hợp tác quốc tế,” hãng thông tấn Kyodo dẫn lời ông Abe phát biểu trước nghị viện vào thứ Năm.
Mặc cho hồi ức thảm khốc về thời gian chiếm đóng của Nhật Bản trong Thế chiến Đệ nhị ở hầu hết các quốc gia Đông Nam Á, một vài nước trong khu vực coi thông điệp trên là tích cực, do sự cứng rắn ngày càng tăng từ Bắc Kinh.
"Các nước ASEAN có tranh chấp với Trung Quốc sẽ ủng hộ ông Abe"
Malcom Cook, Viện Đông Nam Á học, Singapore
“Các nước ASEAN có tranh chấp với Trung Quốc sẽ ủng hộ ông Abe,” Malcom Cook, nghiên cứu viên cao cấp từ Viện Đông Nam Á Học ở Singapore nói.
“Nhật Bản quyết đoán hơn nhiều so với khối ASEAN khi chỉ trích Trung Quốc.”
Một trong những chỉ trích Bắc Kinh mạnh mẽ nhất đến từ Philippines, và gần đây là Việt Nam.
Đầu tháng này, Trung Quốc đưa một giàn khoan khổng lồ vào khu vực cũng được tuyên bố chủ quyền bởi Hà Nội. Hàng chục chiếc tàu của hai bên đang thủ thế ở xung quanh chiếc giàn khoan. Vào thứ Ba, một tàu cá Việt Nam bị chìm, gây ra tranh cãi giữa Hà Nội và Bắc Kinh về việc ai phải chịu trách nhiệm.
Trung Quốc cũng khiến Philippines nổi giận khi bắt đầu xây dựng một công trình, có vẻ như là đường băng sân bay, trên một hòn đảo có tranh chấp.
“Chúng tôi chào đòn đóng góp của Nhật Bản để củng cố an ninh và ổn định trong khu vực, bao gồm cả kế hoạch nâng cao vai trò an ninh của họ,” một quan chức quốc phòng cấp cao của Philippines nói.
‘Phật lòng Trung Quốc’
Asean được cho là đang bị chia rẽ vì có các lợi ích kinh tế khách nhau giữa các thành viên với TQ.
Một vài quốc gia khác như Malaysia lại lo ngại làm phật lòng Trung Quốc, gây ảnh hưởng đến quan hệ kinh tế sâu rộng giữa hai bên. Các nước nhỏ hơn và là hàng xóm trực tiếp của Bắc Kinh như Cambodia, Myanmar, và Lào, cũng khó có khả năng thể hiện tình đoàn kết với Nhật Bản.
Bài diễn văn của ông Abe cũng được kỳ vọng sẽ nhấn mạnh vào pháp quyền và phản đối việc thay đổi trạng thái bằng vũ lực, vốn là ngôn từ chính mà Tokyo sử dụng để chỉ trích Bắc Kinh.
Đại diện của Trung Quốc tại diễn đàn này là Thứ trưởng ngoại giao Phó Oánh, một người được cho là cứng rắn và có tài hùng biện.
Bà Phó Oánh được cho là sẽ tranh biện rằng chính Nhật Bản chứ không phải là Trung mới là mối đe dọa an ninh, bởi nỗ lực của ông Abe nhằm xóa bỏ hạn chế từ bản hiến pháp hòa bình để phát triển quân sự.
“Trung Quốc đã cử đại diện cấp cao hơn đến tham dự diễn đàn lần này, vốn thường có vị trí thấp hơn đại diện của các nước khác. Tôi tin rằng việc ông Abe có mặt góp phần vào quyết định đó của Bắc Kinh,” ông Cook nói.
Ông Abe đã cho thấy rõ rằng ông muốn thay đổi Điều 9 Hiến pháp Nhật Bản, nhằm cho phép nước này tham gia vào hoạt động quốc phòng tự vệ tập thể, hoặc cung cấp khí tài quân sự cho những quốc gia thân thiện bị tấn công.
Các chính phủ tiền nhiệm nói Tokyo có quyền làm vậy theo luật quốc tế, nhưng điều này lại vượt quá khuôn khổ hiến pháp chống chiến tranh của Nhật.
Vào thứ Năm, Thủ tướng Nhật nói rằng ông hi vọng sẽ có quyết định kịp thời phản ánh sự thay đổi này trong bộ nguyên tắc hợp tác quốc phòng Mỹ-Nhật mà hai bên muốn hoàn thành vào cuối năm.
Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền đang nỗ lực thuyết phục đối tác liên minh “bồ câu” hơn của mình đồng tình cho sự thay đổi chính sách lịch sử này. Khảo sát cho thấy đa số cử tri Nhật Bản phản đối sự thay đổi trên.
“Tại thời điểm này, ông Abe phải nhấn mạnh vai trò của sự thay đổi với an ninh quốc gia và người dân Nhật, trong khi ở Singapore, ông phải nói đó là vì an ninh khu vực,” Narushige Michishita, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia Nhật Bản nói.
“Ông ấy đang phải đi dây.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét