Pages

Thứ Sáu, 9 tháng 5, 2014

CNOOC và Trận Đánh Ngoài Đông Hải


Mũi Nhọn, Cán Sắt và Cái Đầu Có Sạn
Mùng ba Tháng Năm vừa qua, Bắc Kinh thông báo một quyết định gây chấn động. Từ mùng bốn Tháng Năm đến ngày năm Tháng Tám, giàn khoan Haiyang Shiyou 981 của Tổng công ty CNOOC sẽ vào tìm dầu trong một khu vực cách quần đảo Trường Sa 20 hải lý ở phía Nam. Và rằng tầu bè các nước phải tránh xa khu vực này trong khoảng ba hải lý.  Sau đó, có tin là Trung Quốc đưa vào 80 tầu đủ loại với máy bay để bảo vệ giàn khoan được gọi tắt là HD981.

Diễn giải cho dễ hiểu: Trung Quốc đưa giàn khoan thuộc loại tối tân nhất của họ – trị giá tỷ đô la, với khả năng thăm dò tới ba ngàn thước dưới mặt biển và đào sâu tới 10 cây số – để trong ba tháng thăm dò thềm lục địa của Việt Nam, tại một nơi trong khu vực đặc quyền kinh tế Việt Nam, cách đảo Lý Sơn (Cù Lao Ré) của Việt Nam có 150 cây số.
Phía Hà Nội lập tức phản đối, và Hoa Kỳ trách cứ hành động này là khiêu khích và không ích lợi. Rồi đụng độ xảy ra khi tầu cảnh sát của Việt Nam bị tầu Trung Quốc đâm rách khiến sáu người bị thương….
Đông hải đã nổi sóng. Chúng ta sẽ lần lượt nhìn lại toàn cảnh để suy ra nội vụ và hậu quả.
Trước hết là mũi dùi CNOOC.
Được gọi tắt là CNOOC hay “Xi Nốc”, “Trung Quốc Hải dương Thạch du Tổng công ty” là tập đoàn kinh tế nhà nước Trung Quốc đứng hạng thứ ba trong lãnh vực năng lượng, sau tập đoàn CNPC và CPC, chuyên về thăm dò và khai thác dầu thô cùng khí đốt (dầu và khí) ở ngoài khơi. Thuộc quyền sở hữu của nhà nước, Tổng công ty Dầu khí Hải dương CNOOC nằm dưới sự quản lý của Ủy ban SASAC, chuyên về giám đốc và quản lý tài sản của nhà nước. Và lãnh đạo là đảng viên cao cấp. Một Tổng quán trị của CNOOC ngày xưa từng được đưa lên làm Bí thư tỉnh Hải Nam.
Từ nhiều năm nay, CNOOC bành trướng hoạt động, hùn vốn với nhiều tổ hợp quốc tế để vừa tìm năng lượng cho Trung Quốc vừa thu thập kiến thức hiện đại về kỹ thuật khai thác. Đã từng dạm mua tổ hợp Uncocal của Hoa Kỳ từ năm 2005 – sau phải bỏ khi thấy Quốc hội Mỹ điều tra – năm ngoái CNOOC đã hoàn tất việc mua doanh nghiệp Nexen của Canada với giá cao hơn giá trị trường để làm chủ giếng dầu khí của Nexen ở nhiều nơi, kể cả trong Vịnh Mexico của Hoa Kỳ.
Trong nỗ lực hiện đại hóa, CNOOC tung tiền hợp tác với các tập đoàn đầu tư tài chánh và năng lượng của Tây phương. Cho nên việc tập đoàn này có giàn khoan tối tân tên là Hải dương Thạch du 981, hoàn thành từ Tháng Năm năm 2012 cách Hong Kong 350 cây số ở phí Đông-Nam, cùng nhiều phương tiện hiện đại khác không thể là chuyện lạ.
Đấy là một mũi dùi của Bắc Kinh.
Nếu nhớ lại thì Tháng Sáu năm 2012, CNOOC thông báo việc mở ra chín lô thăm dò dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam trong phạm vi 200 hải lý của vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Việc Bắc Kinh đòi mở ra chín lô khai thác này vô giá trị về pháp lý và vi phạm Công ước Luật biển của Liên hiệp quốc. Nhưng họ cứ làm vì tin vào lòng tham của thiên hạ.
Khi thuyết phục được các nước là hãy cùng vào khai thác các giếng dầu này – mà thật ra họ có thể tự khai thác lấy – Trung Quốc có thêm thế mạnh về pháp lý vì coi như các nước đã xác nhận chủ quyền của Bắc Kinh trên một vùng biển đang có tranh chấp về chủ quyền với năm sáu nước khác trong khu vực.
Cho nên, các nước có thể chọn: là theo Bắc Kinh hay Hà Nội, hay Manila để kiếm lời?
Một thí dụ là doanh nghiệp ONGC Videsh của Ấn đã có hai dự án liên doanh với Việt Nam trên hai lô dầu 127 và 128 trong khu vực tranh chấp này. Khi thăm dò như vậy thì tốn kém và họ mất 45 triệu đô la mà chưa thấy triển vọng. Vì vậy, Tháng Tư năm 2012, Ấn Độ tính rút khỏi lô 127 và cân nhắc lại về lô 128 trong khi Việt Nam cố thuyết phục họ ở lại.
Thế rồi quyết định của Trung Quốc là đem chín lô trên thềm lục địa của Việt Nam ra gọi thầu quốc tế làm Ấn Độ bị kẹt.
Nếu kinh doanh không lời mà triệt thoái thì ai cũng thông cảm. Nhưng khi Trung Quốc nhảy vào một nơi mà Ấn đang liên doanh với Việt Nam thì việc triệt thoái của Ấn lại có ý nghĩa ngoại giao, như phải bỏ chạy vì sợ đụng độ với Trung Quốc.
Vì doanh lợi lẫn ngoại giao chính trị, mũi dùi CNOOC của Bắc Kinh thật ra có cán khá dài. Mà là cán sắt.
Kế tiếp, ta hãy tìm hiểu vì sao giàn khoan 981 lại được 80 tầu Trung Quốc bảo vệ mà chưa dùng tới Hải quân?
So với các nước khác, lãnh thổ Trung Quốc có bờ biển dài nhất thế giới, từ cửa sông Áp Lục gần bán đảo Triều Tiên đến Vịnh Bắc Bộ là hơn 22 ngàn cây số. Nhưng vì là một cường quốc lục địa mới vươn ra ngoài, họ không có hệ thống duyên phòng hay hải cảnh (bảo vệ duyên hải) thống nhất và phân tán vào năm bộ phận với cấp số khoảng bốn vạn người cùng chia sẻ trách nhiệm về hải dương mà lại không phối hợp.
Năm bộ phận ấy là Hải Sự, Hải Cảnh, Hải Quan, Ngư Chính và Hải Giám.
Trong năm cơ quan, lớn nhất là Cục Hải Sự MSA (Maritime Safety Administration) có hai vạn nhân viên thi hành luật lệ liên quan đến hải dương, như an ninh hay an toàn hàng hải, cứu hộ, kiểm tra tầu bè, quản lý hải cảng. Cơ quan thật sự là hành chánh này mới chỉ thành hình từ 1998 sau khi sát nhập hai bộ phận thanh tra tầu bè và kiểm tra hải cảng nằm trong Bộ Giao Thông.
Cơ quan thứ hai là lực lượng cảnh sát ngoài biển, tên là Hải Cảnh (cứ được gọi là Coast Guard), thuộc bộ Công An, tức là bộ Nội vụ. Về hình thức, Hải Cảnh là cơ quan duy nhất được võ trang và về thực tế là cánh tay bạo lực hay cưỡng hành cho các cơ quan khác.
Cơ quan thứ ba là Hải Quan Tổng Thự (General Administration of Customs), phụ trách về quan thuế, bài trừ buôn lậu và quản lý các thương cảng. Cơ quan thứ tư là Ngư Chính (Fisheries Law Enforcement Command) thuộc Bộ Nông Nghiệp, với trách nhiệm bành trướng và bảo vệ quyền lợi đánh bắt thủy sản cho một quốc gia tiêu thụ nhiều cá nhất thế giới.
Cơ quan thứ năm, nổi tiếng vì thẩm quyền và sức bành trướng rất mạnh trong các năm qua là Hải Giám (Marine Surveillance), thuộc về Cục Hải Dương Quốc Gia của Bộ Tài Nguyên Quốc Thổ (quản lý đất đai và tài nguyên quốc gia). Với cấp số khoảng tám ngàn người, Hải Giám có nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của Trung Quốc trên một diện tích ngoài biển khoảng ba triệu cây số vuông, kể cả Đặc Khu Kinh Tế EEZ và là mũi nhọn trong những xung đột gần đây với Nhật Bản, Việt Nam và Phi Luật Tân nhờ phi cơ, trực thăng và cả tầu tuần duyên.
Thế rồi mùng 10 Tháng Ba năm ngoái, Bắc Kinh công bố kế hoạch tái phối trí hệ thống kiểm soát và bảo vệ quyền lợi ngoài biển qua việc thống nhất bốn cơ quan hữu trách làm một, dưới quyền chỉ đạo của Quốc Gia Hải Dương Cục (thuộc bộ Tài Nguyên và Quốc Thổ) là cơ quan đang chỉ huy lực lượng Hải Giám. Bốn cơ quan đó là Hải Cảnh, Hải Quan, Ngư Chính và Hải Giám. Lực lượng Hải Sự thì vẫn được duy trì dưới quyền giám hộ của Bộ Giao Thông.
Xin nhìn lại cho kỹ: từ năm ngoái, Bắc Kinh tổ chức lại hệ thống bảo vệ quyền lợi ở vùng biển cận duyên, với danh nghĩa hiền hòa là thuộc quyền giám hộ của Bộ Tài Nguyên hay Giao Thông, nhưng có khả năng quân sự đáng kể nếu so với khả năng của các lân bang đang có tranh chấp.
Bí thuật ở đây là không dùng tới Hải quân để Hoa Kỳ không e ngại hoặc có lý do can thiệp.
* * *
Tổng kết lại, Bắc Kinh chuẩn bị mọi việc từ khá lâu và quyết định của Tổng công ty CNOOC chỉ là kết cục tất yếu nhưng mở ra nhiều vấn đề không chỉ cho Việt Nam mà cho các nước khác trong khu vực.
Chúng ta nên tìm hiểu về các khía cạnh kinh tế, kinh doanh và, sâu xa hơn vậy, là cả khía cạnh an ninh chiến lược.
Thứ nhất, miền Tây Thái bình dương mà ta gọi chung là biển Đông Á có khu vực Đông Bắc Á là vùng biển tiếp cận giữa Trung Quốc, Triều Tiên, Nga, Nhật Bản xuống tới Đài Loan. Miền Nam có khu vực Đông Nam Á, là vùng biển Đông hải của Việt Nam mà thế giới quen gọi là Trung Nam hải, biển miền Nam của Trung Quốc, hay biển Hoa Nam. Vùng biển Đông Nam Á này mới là khu vực chiến lược nhất cho cả thế giới, vì thịnh vượng hay chiến tranh có thể là từ đấy mà ra.
Đây là nơi sinh sống của gần 600 triệu dân Đông Nam Á bên cạnh hơn hai tỷ người tại Trung Hoa và bán đảo Ấn Độ, tức là 40% dân số toàn cầu. Vùng biển này có các dòng hải lưu và ba eo biển nối liền Ấn Độ dương với Thái bình dương, nối liền Đông Bắc với Đông Nam Á và Úc Châu. Vì vậy, không chỉ có 10 quốc gia Đông Nam Á mà hầu hết các nước khác đều phải đi qua khu vực này trong mục tiêu giao dịch buôn bán.
Thứ hai, vùng biển Đông Nam Á có tiềm lực cao về năng lượng. Người ta tính ra trữ lượng đã xác định về dầu thô là bảy tỷ thùng và về khí đốt là 900 ngàn tỷ thước khối. Là một nước đói ăn và khát dầu, Trung Quốc rốt ráo tìm hiểu tiềm năng về dầu và khí tại đây. Họ ước lượng là dưới lòng biển Đông, họ có thể tìm ra 130 ngàn tỷ thùng dầu, coi đây là giếng dầu khổng lồ chỉ thua Saudai Arabia mà thôi. Nhìn cách khác, mà cũng từ Trung Quốc ra, một phần ba trữ lượng về dầu khí của xứ này thật ra lại nằm tại biển Đông Nam Á. Nhưng 70% của số năng lượng đó lại nằm rất sâu dưới đáy biển trên một khu vực có diện tích là 1.600 ngàn cây số vuông.
Khi vạch ra cái lưỡi bò chín đoạn và đòi chủ quyền trên một vùng biển rộng lớn của thiên hạ, có diện tích là ba triệu rưởi cây số vuông – bằng một phần ba của lãnh thổ Trung Quốc – tất nhiên Bắc Kinh nhắm vào nguồn dầu khí ở dưới. Nhưng dầu khí không là tất cả.
Sau ba tháng thăm dò, có khi giàn khoan HD 981 chẳng tìm ra cái gì đáng phấn khởi và mất toi vài chục triệu đô la. Nhưng cái “được” nó lại nằm ở phía khác. Tại Bắc Kinh. Là chứng minh được sức mạnh của Trung Quốc, trước sự bất nhất và do dự của Hoa Kỳ.
Các nước tính sao đây?
Nguyễn Xuân Nghĩa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét