Pages

Thứ Hai, 12 tháng 5, 2014

Lần đầu tiên tại Thượng đỉnh ASEAN, lãnh đạo Việt Nam công khai tố cáo Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng (trái) cùng với Tổng thống
 Miến Điện Thein Sein và phu nhân Khin Khin 
Win tại Hội nghị
Thượng đỉnh ASEAN ở Naypyidaw ngày 11/05/2014.
REUTERS/Soe Zeya Tun
Đức Tâm
Hôm qua, 11/05/2014, phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN, ở Miến Điện, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã công khai tố cáo Trung Quốc có « hành động cực kỳ nguy hiểm », « đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông », khi « ngang nhiên đưa giàn khoan nước sâu cùng hơn 80 tàu vũ trang, tàu quân sự và máy bay hộ tống đi vào vùng biển Việt Nam ».

Theo lãnh đạo chính phủ Việt Nam, các tàu hộ tống của Trung Quốc « rất hung hăng bắn vòi nước có cường độ mạnh và đâm húc thẳng » vào các tàu Việt Nam. Thủ tướng Việt Nam nhấn mạnh, hành động của Trung Quốc « vi phạm đặc biệt nghiêm trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 » cũng như Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông – DOC mà Trung Quốc đã ký kết.
Đây là lần đầu tiên, kể từ đầu tháng 5 khi Trung Quốc đưa giàn khoan khổng lồ vào vùng biển của Việt Nam, một lãnh đạo cấp cao trong « bộ tứ » chóp bu của Bộ Chính trị đảng Cộng sản Việt Nam (Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội), công khai tố cáo Trung Quốc. Trước đó, mới chỉ có Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, (không phải Ủy viên Bộ Chính trị) lên tiếng.
Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông giữa Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei - thành viên ASEAN và Trung Quốc đã có từ lâu. Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã nhiều lần tố cáo hành động ngang ngược của Trung Quốc trong các tranh chấp chủ quyền. Thế nhưng, cho đến trước Thượng đỉnh ở Miến Điện, chính quyền Việt Nam hầu như không lên tiếng công khai tại diễn đàn này, chỉ vận động hành lang, ngầm ủng hộ các đề nghị của Philippines.
Theo giới quan sát, những bình luận của Thủ tuớng Nguyễn Tấn Dũng mạnh mẽ một cách khác thường so với truyền thống cố hữu của ASEAN trong các hội nghị của khối này, nhưng Việt Nam không thành không trong việc thuyết phục được các nước khác ASEAN có lập trường chung lên án đích danh Trung Quốc.
Trong bản thông cáo chung được công bố hôm qua, các lãnh đạo ASEAN đã không nêu cụ thể vụ tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc, mà chỉ bày tỏ « các quan ngại sâu sắc về các vụ việc đang diễn ra trên Biển Đông » và kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình.
Ông Murray Hiebert, chuyên gia về Đông Nam Á, thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế, tại Washington, cho rằng, rõ ràng Việt Nam và Philippines « muốn có một điều gì đó mạnh hơn thế ».
ASEAN hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận chung, một số nước chịu sức ép mạnh mẽ của Trung Quốc. Do vậy, theo giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Châu Á, trong bài trả lời phỏng vấn dành riêng cho RFI Tiếng Việt, thì « Việt Nam đã ghi được một thắng lợi nhỏ về ngoại giao khi hội nghị các Ngoại trưởng ASEAN tại Miến Điện ra được một thông cáo riêng về tình hình Biển Đông. Đây là một động thái quan trọng bởi vì thông thường, tất cả những gì nói tới Biển Đông đều bị gạt ra khỏi thông cáo chung. Bản thông cáo này cũng không nêu tên Trung Quốc, nhưng lại nói rõ là các Ngoại trưởng quan ngại sâu sắc về các vụ việc đang diễn ra trên Biển Đông, đã làm gia tăng tình hình căng thẳng tại khu vực. Tuyên bố này làm cơ sở cho các lãnh đạo ASEAN ra thông cáo chung của Thượng đỉnh ».
Thái độ mạnh mẽ của Việt Nam tại Thượng đỉnh ASEAN cũng như việc khối này ra được các tuyên bố về tình hình căng thẳng tại Biển Đông tạo sức ép đối với Trung Quốc. Điều này thể hiện rõ qua phản ứng của Bắc Kinh. Hôm qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh (Hua Chunying), đã vội vã lên tiếng cho rằng hồ sơ Biển Đông không phải là một vấn đề giữa Trung Quốc và khối ASEAN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét