Pages

Thứ Ba, 13 tháng 5, 2014

New York Times: Tập Cận Bình từ chối tiếp TBT Nguyễn Phú Trọng

BẮC KINH - Tổng bí thư đảng CSVN, ông Nguyễn Phú Trọng bị Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ chối lời đề nghị gặp gỡ, mà qua đó ông Trọng hy vọng Bắc Kinh rút dàn khoan dầu ra khỏi khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Hai tàu Hải giám Trung quốc tấn công và xịt nước tàu Kiểm ngư của Việt Nam ngày 12 tháng 5 năm 2014. (Hình Tuổi Trẻ cắt từ video clip của Cảnh sát Biển)

Đây là điều được báo New York Times tiết lộ hôm Thứ Hai, viện dẫn một nguồn tin ngoại giao dấu tên vì không muốn làm bực mình nhà cầm quyền Trung Quốc.



Bài báo có tựa đề 'China and Vietnam at Impasse Over Drilling Rig in South China Sea' của ký giả Keith Bradsher hôm 12 tháng Năm, viết rằng: “ Lãnh đạo đảng CSVN (ông Nguyễn Phú Trọng) đã đề nghị đến Bắc Kinh để thảo luận với chủ tịch Tập Cận Bình nhưng lời đề nghị bị từ chối.”




Giới ngoại giao tại Bắc Kinh cho hay họ không thấy có những cuộc thảo luận đáng kể nào giữa Việt Nam và Trung Quốc. Tuy nhiên, bà Hua Chunying (Hoa Xuân Oánh) phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc cho hay trong cuộc họp báo ngày Thứ Hai, 12 tháng 5, rằng, 'Trung Quốc và Việt Nam, tuần lễ vừa qua, giữa hai nước đã có 14 cuộc “trao đổi” liên quan tới dàn khoan HD 981,' nhưng không cho biết chi tiết nội dung.

Tuần trước báo chí Việt Nam đưa tin ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh gọi điện thoại cho Dương Khiết Trì, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc đặc trách ngoại giao. Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn cũng nói chuyện với người đồng cấp của Trung Quốc Lưu Chấn Dân. Báo chí của cả hai bên loan tin bên nào cũng trình bày vấn đề theo quan điểm của mình. 

Việc Trung Quốc đưa dàn khoan khổng lồ chi phí mỗi ngày hoạt động rất lớn tới khoan tìm ở một vị trí mà các chuyên viên quốc tế cho rằng không có bao nhiêu tiềm năng dầu khí, như vậy lỗ chắc chắn hơn có lời. Như vậy, chủ đích của Bắc Kinh là chính trị, muốn dùng dàn khoan HD981 đi vòng quanh để lấn dần trong chủ trương muốn cướp cả Biển Đông.

Dư luận quốc tế đặc biệt theo dõi các diễn biến trên biển giữa Việt Nam và Trung quốc và người ta biết rằng Hà Nội muốn dùng đường lối ngoại giao để giải quyết vấn đề. Giữa hai nước, được mô tả là có quan hệ tốt đẹp nhiều mặt những năm gần đây, cho tới khi dàn khoan HD981 xuất hiện làm nổi sóng dư luận.

Hồi năm 2011, khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Bắc Kinh, Việt Nam và Trung Quốc ký thỏa hiệp nhiều điểm trong đó hai bên đồng ý giải quyết các tranh chấp trên biển “dễ trước, khó sau” và qua các cuộc đàm phán hòa bình, tránh dùng võ lức để giải quyết xung đột. Năm ngoái, khi ông chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Bắc Kinh, một bản thông cáo chung giữa hai bên cũng lập lại những cam kết cũ.

Đột nhiên, ngày 7 tháng 5, 2014, Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh Sát biển Việt Nam, ông Ngô Ngọc Thu, trong cuộc họp báo quốc tế ở Hà Nội, tố cáo Trung Quốc đưa dàn khoan HD981 tới vùng biển Việt Nam khoan tìm dầu khí ngoài khơi tỉnh Quảng Ngãi, tại khu vực Việt Nam gọi là lô 143 trên bản đồ phân lô dầu khí. Phía Việt Nam đưa một số tàu Cảnh Sát Biển và Kiểm ngư tới ngăn cản thì bị một lực lượng tàu Trung quốc đông gấp nhiều lần lại lớn hơn cản trở, xịt vòi rồng và đâm hư hại một số tàu, 6 kiểm ngư viên bị thương cho các vụ việc xảy ra các ngày mùng 3 và mùng 4 tháng 5 năm 2014.

Những ngày kế tiếp cho đến nay, lực lượng hai bên vẫn đối đầu với nhau với các tin tức căng thẳng tiếp diễn ngày đêm. Vị trí dàn khoan Trung Quốc loan báo cách đảo Tri Tôn của quần đảo Hoàng sa khoảng 20 hải lý và cách đảo Phú Quý khoảng 119 hải lý nhưng nằm hoàn toàn trong phạm vi đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam theo Công Ước Quốc Tế về Luật Biển (UNCLOS) mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên ký cam kết công nhận.

* Đấu 'vòi rồng' quanh dàn khoan HD 981


Theo báo Tuổi Trẻ tường thuật hôm Thứ Hai, 12 tháng 5, từ một viên chức Cảnh Sát Biển, lần đầu tiên người ta thấy có tin về “một trận đấu vòi rồng dữ dội giữa một tàu kiểm ngư Việt Nam và 15 tàu hải giám, hải cảnh Trung Quốc đã diễn ra tại khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển của Việt Nam.”

Vụ này xảy ra khoảng 7 giờ 30 sáng ngày Thứ Hai 12 tháng 5 mà tờ Tuổi Trẻ nói rằng “Trước sự manh động của tàu Trung Quốc, thuyền trưởng tàu kiểm ngư của ta đã quyết định sử dụng súng bắn nước để đáp trả lại những tàu hải giám và hải cảnh của Trung Quốc. Hai thuyền viên trên tàu đã dũng cảm đứng ra mũi tàu xịt vòi rồng để cản phá tàu Trung Quốc. Chỉ sau 5 phút liên đội tàu Trung Quốc đã bị vỡ đội hình và không còn tấn công tới tấp như trước.”

Báo New York Times cho hay ông đại tá Phạm Quang Oánh, tư lệnh phó chính trị của Cảnh Sát Biển Việt Nam là người đưa tin cho biết như vậy. 

Bản đồ tranh chấp với hai điểm nóng trên Biển Đông, tại phía nam quần đảo Hoàng Sa và ở bãi cạn Scarborough. (Hình: NYT)

* Giải pháp ngoại giao 'bế tắc'

Trong khi Philippines đã chọn giải pháp kiện Trung quốc ra tòa án quốc tế để chống lại các hành động ngang ngược của Trung Quốc ở khu vực bãi cạn Scarborough và nơi khác trên Biển Đông, tức chống cái tuyên bố “Lưỡi Bò” của Bắc Kinh, Việt Nam chỉ theo dõi tình hình và chỉ ủng hộ ngầm quyết định của Philippines, ngoài mặt chính thức thì không lộ ra ý kiến hay quan điểm gì.

Tại Việt Nam cũng từng có một số cuộc tranh luận giữa một số chuyên viên học giả và viên chức nhà nước xem có nên đi theo hướng Philippines hay không. Mới đây, lại có người thúc hối nên kiện. Tuy Việt Nam có lực lượng quân sự vừa nhỏ và yếu không thể so sánh được với Trung Quốc về mọi mặt, nhưng những năm gần đây đã cố gắng cải tiến cả không quân và hải quân. Nếu xảy ra chiến tranh, dù trên cơ thì Trung Quốc cũng không phải không thiệt hại nghiêm trọng.

Theo ý kiến của ông Minxin Pei (Bùi Mẫn Hân), một chuyên viên về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên Cứu Chiến lược Quốc tế 'Keck Center for International and Strategic Studies' của đại học Claremont McKenna College (California) viết trên tạp chí tài chính Fortune thì, có thể tiến đến một giải pháp chính trị qua kênh ngoại giao tạm thời trong ngắn hạn.

Cả Bắc Kinh cũng như Hà Nội đều cố tìm một giải pháp giải quyết tranh chấp giữ được thể diện. Trung Quốc sẽ áp lực Việt Nam từ bỏ đòi hỏi chủ quyền để đổi lại, được hưởng một vài sự nhân nhượng nhỏ bé, chẳng hạn, cho chia phần với tỉ lệ nhỏ trong quyền khai thác dầu khí sẽ thăm dò và khai thác trong tương lai.

Hiện còn quá sớm để nhìn thấy các ước đoán của ông Minxin Pei có đúng hay không. Nhưng tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh dọa hôm Thứ Hai rằng “Việt Nam sẽ không thành công nếu áp lực với Trung Quốc”.

Khi đến dự Hội nghị thưởng đỉnh ASEAN tại Miến Điện cuối tuần qua, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tố cáo Trung Quốc đưa dàn khoan tới vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam là “nguy hiểm và đặc biệt nghiêm trọng”. Tuy nhiên, ông đã không thuyết phục được cả tổ chức này ra một bản tuyên bố kết án Bắc Kinh, mà chỉ có một lời tuyên bố kêu gọi các bên “kềm chế”. (TN) 

Theo Người Việt



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét