Pages

Thứ Hai, 26 tháng 5, 2014

Ngọn lửa Lê Thị Tuyết Mai


Vũ Đông Hà (Danlambao) - 6 giờ sáng ngày 23 tháng 5 năm 2014, dưới bầu trời ảm đạm của mây đen và bão dữ kéo về từ biển Đông, ngọn lửa Lê Thị Tuyết Mai bùng cháy lên tại Sài Gòn. Như Hai Bà Trưng ngày xưa hy sinh Thi Sách nhằm nung nấu ý chí quân sĩ và nhân dân để chiếm đánh thành Ngọc Hồi (*), ngày hôm nay anh thư Lê Thị Tuyết Mai đã nguyện đem thân làm ngọn đuốc để nung nấu lòng yêu nước của chúng ta. Trong buổi hoàng hôn của thời kỳ Bắc Thuộc mới, liệu ngọn đuốc Lê Thị Tuyết Mai có thể khơi lên hàng vạn ngọn đuốc trong tim mỗi người cùng nhau xua tan bóng đêm tăm tối của xâm lược bên ngoài và độc tài bên trong? 

Câu trả lời nằm ở mỗi chúng ta.

Chỉ có chúng ta, những người còn sống mới có thể quyết định số phận và ý nghĩa trọn vẹn của ngọn đuốc Lê Thị Tuyết Mai để ngọn lửa ấy không trở thành ngọn khói mờ ảo, vô vọng, mất hút trong bóng đêm của Bắc thuộc buồn bã lần thứ 5.

Chỉ có chúng ta, bằng chính ngọn lửa trong tim mỗi người đã được khơi dậy bởi thân xác và linh hồn của anh thư Lê Thị Tuyết Mai mới có thể biến những nỗi đau đớn, rát bỏng, uất hờn của bà thành ngọn lửa đổi đời, thành ánh sáng lịch sử chiếu rạng trời Nam.

Chỉ có chúng ta mới thực sự biến lời nguyện ước của bà Lê Thị Tuyết Mai "Xin hồn thiêng đất nước giúp tôi thành công" thành hiện thực nếu chúng ta cùng đáp lại lời trăn trối của bà: "Mọi người dân chúng ta đoàn kết để dẹp tan mưu đồ xâm lược của Trung Quốc. Đoàn kết là sức mạnh của mọi người dân Việt Nam chúng ta từ xưa đến ngày nay." (*)

Chỉ có chúng ta... 
Những người còn sống... 
Những cây đuốc đã đến ngày phải tự thắp lên. Cùng nhau thắp lên.

*

1 giờ 30 sáng ngày 17 tháng 12 năm 2010, tại thành phố xa xăm Sidi Bouzid, một thanh niên Tunisia 29 tuổi bán hoa quả bằng xe đẩy đã thắp lên một ngọn lửa bằng chính thân xác của anh. Người thanh niên ấy tên là Mohammed Bouazizi. Ngọn lửa Bouazizi đã bùng lên thành cuộc cách mạng của thế kỷ 21. Chàng trai nghèo khó ấy đã trở thành "thánh tử đạo" trong con tim của hàng triệu người để từ đó Trung Đông dậy sóng. Tunisia, Egypt, Bahrain, Libya, Yemen, Iran, Jordan, Iraq, Djibouti, Algeria, Sudan, Syria, Kuwait... hàng ngàn người vượt qua sự sợ hãi xuống đường mang theo ngọn lửa đổi đời. Họ đã biến những nỗi đau đớn, rát bỏng, uất hờn của Bouazizi thành ánh sáng lịch sử chiếu rạng cả cõi Trung Đông. Họ đã không để cái chết của Bouazizi trở thành một hàng chữ nhỏ trong bản báo trạng ngàn trang của tội ác độc tài. Họ đã biến nó thành những khẩu hiệu giương cao cho cả thế giới thấy: Chết có ý nghĩa hơn là sống vô nghĩa. Và họ đã không chết nhưng đã được bắt đầu sống một cuộc đời có ý nghĩa. Chính họ đã làm cho ngọn lửa Bouazizi đạt được trọn vẹn ý nghĩa của nó.

Còn chúng ta và ngọn lửa Lê Thị Tuyết Mai?

Quyết định nằm ở mỗi người. Tự do có giá phải trả. Freedom is not free. Những bài học của Tunisia, Ai Cập đã quá đủ để cho chúng ta thấy sự kỳ diệu của lịch sử chỉ xảy ra trong tích tắc so với chiều dài của nó. Những gì xảy ra ở quãng trường Giải Phóng của thành phố Cairo đã đủ để cho thấy kết quả cuối cùng là sức mạnh cộng hưởng vô song của hàng trăm ngàn con người nhỏ bé, yếu đuối, từng sợ hãi và nhu nhược trước cường quyền. Chỉ có khác là một ngày họ quyết định đi theo tiếng gọi, không phải của ai khác, mà là tiếng gọi từ con tim và lương tâm của chính họ, từ nhịp đập của mạch máu yêu nước đang sùng sục thúc hối. Họ bước khỏi căn nhà ảm đảm và mang theo ngọn lửa Mohammed Bouazizi hừng hực sáng trong tâm hồn.

Và họ đã tìm thấy được ánh sáng Tự Do.

Liệu mỗi người chúng ta có cùng bước ra khỏi căn nhà ảm đạm mang theo ngọn lửa Lê Thị Tuyết Mai?

Câu trả lời của chúng ta tự nó sẽ quyết định số phận của đất nước này: bừng sáng trong độc lập-dân chủ-tự do hay nguội lạnh trong đêm dài bắc thuộc-độc tài-nô lệ.

*

6 giờ sáng ngày 23 tháng 5 năm 2014. Bà Lê Thị Tuyết Mai viết tên của bà vào trang sử bi tráng của dân tộc với ước nguyện được thể hiện trước tòa nhà mang tên: Độc Lập.

Độc Lập: Đó là nơi ngọn đuốc được thắp lên,  khát vọng được thắp lên, ý chí được thắp lên: Việt Nam Độc Lập.

Xin cùng nhau đừng để khát vọng ấy nguội lạnh như tro tàn như đã từng để ngọn lửa Phạm Thành Sơn bùng lên từ thành phố Đà Nẵng vào ngày 17 tháng 2 năm 2010 và sau đó đi vào lời ru than tiếc.

Xin đừng để ý chí ấy tan biến vào hư không như đã từng để ngọn lửa ngày 2 tháng 8 năm 2012 đốt cháy thân xác bà Đặng Thị Kiêm Liêng tại Bạc Liêu, cũng đã theo ngày tháng trở thành bóng tối lãng quên như cuộc đời của chị Tạ Phong Tần, người con gái yêu nước của bà đang bị giam hãm sau song sắt ngục tù.

Xin hãy là những ngọn đuốc. 
Những ngọn đuốc sống. 
Những ngọn đuốc có lửa.
Những ngọn đuốc không sống với một cuộc đời lịm tắt.


Vũ Đông Hà

___________________________________

(*) Từ thư để lại của bà Lê Thị Tuyết Mai.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét