Pages

Thứ Tư, 14 tháng 5, 2014

Người biểu tình phẫn nộ đốt các nhà máy để phản đối Trung Quốc

Một nhân viên của công ty Trung Quốc (trái) ngăn cản người biểu tình tại Bình Dương, ngày 14/5/2014.
Những đám đông biểu tình chống Trung Quốc đã nổi lửa đốt 15 nhà máy thuộc quyền sở hữu nước ngoài, và đập phá nhiều nhà máy khác ở miền Nam, trong lúc phẫn nộ tăng cao về việc Trung Quốc hạ đặt một giàn khoan dầu trong vùng biển tranh chấp tại Biển Đông, nơi Việt Nam cho là thuộc thềm lục địa và khu đặc quyền kinh tế của Việt Nam.


Theo bản tin của hãng AP, tình trạng bất ổn tại các khu công nghệ được thiết lập để thu hút đầu tư nước ngoài này là vụ bùng phát gây mất trật tự công cộng nghiêm trọng nhất tại một nước bị kiểm soát hết sức chặt chẽ trong nhiều năm qua. Sự kiện này nêu bật các nguy cơ đối với chính phủ Việt Nam, giữa lúc Hà Nội đang tìm cách kiềm chế sự giận dữ của công chúng nhắm vào Trung Quốc, và cũng muốn phản đối các hành động của Trung Quốc để khẳng định chủ quyền của mình trong vùng biển này.

Vụ bất ổn xảy ra vào chiều tối thứ Ba tại một khu công nghiệp do Singapore điều hành và nhiều nơi khác sau các cuộc biểu tình có sự tham dự của hơn 20,000 công nhân tại các khu công nghiệp ở Bình Dương. Trang mạng VNExpress trích lời ông Trần Văn Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương, nói rằng một số các nhóm ít người hơn tấn công các nhà máy mà họ tin là do Trung Quốc điều hành, nhưng trên thực tế một số là của Đài Loan, hay Nam Triều Tiên.

Tin của Reuters hôm nay nói rằng các nhà máy bị tấn công dữ dội nhất là thuộc các công ty trong khu công nghiệp Bình Dương và Đồng Nai, bởi vì những người biểu tình tưởng lầm các công ty này là thuộc quyền sở hữu của Trung Quốc.

Tin ghi các giới chức Việt Nam không cho biết rõ chi tiết về vụ bất ổn này, nhưng nói rằng cổng vào của các nhà máy này đã bị đập phá, nhiều cửa kính bị vỡ. Cảnh sát Việt Nam cho biết họ đang tiến hành điều tra.

Reuters dẫn lời một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Singapore cho biết các cơ sở của một số công ty nước ngoài đã bị xâm nhập và phóng hỏa tại Khu Công Nghiệp Việt Nam-Singapore I và II ở Bình Dương. Người phát ngôn này cho biết là chính phủ Singapore đã yêu cầu Việt Nam lập tức vãn hồi trật tự, nhưng không cho biết thêm chi tiết.

Reuters cũng dẫn lời ông Trần Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nói với các nhà báo địa phương rằng khoảng 19.000 công nhân đã biểu tình để phản đối Trung Quốc xâm nhập vào các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

AP tường trình rằng sáng hôm nay, thứ Tư, nhiều nhóm đàn ông đi trên xe gắn máy hãy còn tụ tập ở ngoài đường, và tất cả các nhà máy trong khu vực đã đóng cửa. Cảnh sát chống bạo động đã được huy động trên khắp khu vực.

Một người khác nói rằng nhiều nhà máy do nước ngoài làm chủ đã căng các biểu ngữ trên đó có những hàng chữ 'Chúng tôi yêu Việt Nam' và khẩu hiệu 'Hoàng Sa, Trường Sa - Việt Nam' mà dân chúng Việt Nam vẫn dùng trong các cuộc biểu tình phản đối âm mưu bành trướng của Trung Quốc.

Theo AP, ông Nam nói rằng những cuộc biểu tình hôm qua thoạt đầu diễn ra trong ôn hòa, nhưng sau đó đã bị những 'kẻ cực đoan' lũng đoạn, khiêu khích dân chúng xông vào đập phá các nhà máy.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân Dân tỉnh Bình Dương được trích thuật nói rằng có ít nhất 15 nhà máy đã bị phóng hỏa, và hàng trăm nhà máy khác bị đập phá hay hôi của, trong khi một số nhân viên an ninh canh gác các nhà máy này, và một số “'huyên gia nước ngoài' không rõ danh tính bị tấn công.

Tổ Hợp Công ty Formosa Plastics của Đài Loan cho biết tài sản của công ty đã bị những người hôi của làm hư hại, nhưng không cho biết thêm chi tiết. Không có báo cáo về bất cứ ai bị thương.

AP dẫn lời bà Serena Liu, Chủ Tịch Phòng Thương mại Đài Loan ở Việt Nam, nói rằng tất cả mọi người ai cũng sợ hãi, bà cho biết là có một số người tìm cách lái xe khỏi Bình Dương, nhưng những người biểu tình đã dựng lên những rào cản trên nhiều trục lộ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét