SÀI GÒN 11-5 (NV) - Trên đất liền, biểu tỉnh chống Trung Quốc xảy ra ở nhiều nơi. Trên biển, Việt Nam vừa điều tàu tuần tra lớn nhất đến khu vực có tranh chấp. Trên Internet, hacker hai bên tấn công các trang web.
Tin nhắn của hacker Trung Quốc để lại trên một trang web của Việt Nam. (Hình: Người Lao Động) |
Cuối tuần qua, biểu tình phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông đã xảy ra tại nhiều nơi ở Việt Nam: Hà Nội, Nghệ An, Đà Nẵng, Sài Gòn. Riêng cuộc biểu tình ở Sài Gòn, ước đoán có chừng 4,000 người tham dự. Tuy “bật đèn xanh” cho biểu tình song chính quyền Việt Nam đã sử dụng nhiều cách thức khác nhau để “kiềm chế”, tránh việc phản đối trở thành chống chính quyền.
Dù vậy, các biện pháp “kiềm chế” không ngăn cản được nhiều người biểu tình đòi nhà cầm quyền phải trả tự do cho những người yêu nước, chống Trung Quốc đang bị giam giữ. Trần Huỳnh Duy Thức, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Bùi Thị Minh Hằng, Tạ Phong Tần, Lê Quốc Quân, cùng nhiều người khác hiện đang phải tù đày với các bản án nặng nề từng là những người tham gia tích cực các cuộc biểu tình chống Bắc Kinh bá quyền bành trướng.
Cũng vào cuối tuần qua, Việt Nam đã điều động con tàu lớn nhất của lực lượng Cảnh sát biển đến khu vực mà giàn khoan HD 981 của Trung Quốc đang hiện diện. Một viên đại tá tên là Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh kiên Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, cho biết, tàu tuần tra đa năng loại lớn nhất mang số hiệu CSB 8003 đã lên đường đến khu vực đang có tranh chấp.
Theo viên đại tá này, việc điều động tàu CSB 8003 nhằm tăng cường lực lượng để Cảnh sát biển của Việt Nam có thể “giữ nguyên đội hình” ngăn chặn giàn khoan Trung Quốc thăm dò dầu khí trái phép ở vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Viên Phó Tư lệnh kiên Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh Sát Biển Việt Nam tiết lộ, tình hình ở khu vực tranh chấp “đang diễn biến phức tạp, khá căng thẳng”.
Một viên thiếu tướng tên là Nguyễn Quang Đạm, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, nói thêm, cho đến nay, chưa có tàu nào của Việt Nam chủ động đâm vào tàu của Trung Quốc. Các biện pháp, phương pháp ngăn chặn, cản phá việc đặt trái phép giàn khoan Hải dương - 981 của Cảnh sát biển Việt Nam đều mang tính chất tự vệ chính đáng, tôn trọng hòa bình, kiềm chế, lấy tuyên truyền là chính, tránh va chạm để hạn chế thương vong, tổn thất có thể xảy ra.
Trên Internet, cuối tuần qua, hacker Trung Quốc đã tấn công hàng trăm website của Việt Nam và nhiều website vẫn chưa khôi phục hoạt động bình thường. Tờ Người Lao Động mô tả, các website bị tấn công bao gồm cả những trang web của cá nhân, của doanh nghiệp và các tổ chức nhưng không cho biết đó là những website loại nào.
Theo Security Daily – một trang web chuyên về bảo mật, tính đến cuối ngày 11 tháng 5, đã có khoảng 150 website của Việt Nam bị tấn công, nhiều trang vẫn còn nguyên các dòng chữ do các hacker Trung Quốc để lại ngay trên trang chủ.
Một vài chuyên gia về an ninh trên Internet của Việt Nam nhận định, trước đó một chút, một số hacker của Việt Nam đã tấn công các trang web của Trung Quốc bằng hình thức từ chối dịch vụ DdoS. Hacker Trung Quốc đã đáp trả.
Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo An ninh mạng Athena ở Sài Gòn, nhận định, với tình hình như hiện nay, có khả năng sẽ xảy ra một cuộc chiến trên mạng Internet giữa hacker Việt Nam và hacker Trung Quốc. Lúc đó, các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức sở hữu các trang Internet của Việt Nam sẽ bị thiệt hại nặng nhất vì: “Hacker Trung Quốc rất đông, đã cài nhiều chương trình gián điệp vào các trang mạng tại Việt Nam từ nhiều năm trước. Thành ra nếu các trang mạng Việt Nam bị tấn công thì thiệt hại là rất nặng nề”.
Theo ông Thắng, bộ phận quản trị các trang web của Việt Nam nên rà soát lại vấn đề an ninh mạng, sao - lưu dữ liệu để khi bị tấn công thì có cơ hội phục hồi. Đồng thời phải tăng cường, củng cố nhân sự để bảo mật cho trang web của mình tốt hơn. (G.Đ.)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét