Pages

Thứ Bảy, 31 tháng 5, 2014

Ông Dũng và thời cuộc




Ông Dũng: cấp tiến hay cấp lùi

LMHT (Danlambao) Ông Nguyễn Tấn Dũng - Ủy viên Bộ Chính trị - là thủ tướng chính phủ nước CHXHCN Việt Nam là người gây cho tôi một ấn tượng đặc biệt mạnh mẽ trong bộ sậu chính trị Việt Nam hiện thời. 

Ngoài sự trì trệ và sụt giảm kinh tế trong thời gian ông nắm quyền từ năm 2006 đến nay, thì việc ông đưa ảnh hưởng của Chính phủ lên một tầm cao mới, ít còn chịu sự chi phối của Quốc Hội, Ban Bí thư là một điểm đáng lưu ý - cân nhắc. Từ điểm đó, ông đã có những phát ngôn chính trị đặc biệt.

Nếu như người tiền nhiệm của ông là Võ Văn Kiệt lần đầu tiên trả lời đài BBC Vietnamese, lần đầu tiên thừa nhận sự chia rẽ giữa người Việt với nhau trong ngày 30/04 thì ông Nguyễn Tấn Dũng là người đầu tiên trong chức vị thủ tướng, là Ủy viên Bộ chính trị đã ủng hộ luật biểu tình, nói đến Trung Quốc, nói đến chủ quyền quốc gia là bất khả xâm phạm, viết blog về kinh tế, tỏ rõ thái độ đối với Trung Quốc.

Cụ thể, ông là người đầu tiên trong Bộ Chính trị cân nhắc và ủng hộ Luật biểu tình khi trả lời Quốc hội vào ngày 25/11/2011: “Thực hiện Hiến pháp Điều 69 quy định công dân được quyền biểu tình theo pháp luật nhưng chúng ta chưa có Luật biểu tình, như vậy chúng ta nên bắt tay nghiên cứu Luật Biểu tình, tôi muốn nói ngắn gọn là phải thực hiện Hiến pháp”. 

Vào chiều ngày 15/05/2014, khi tiếp xúc với cử tri Hải Phòng (nơi ông là đại biểu đại diện), ông đã khẳng định cũng như nhấn mạnh: “Chủ quyền, lãnh thổ quốc gia là thiêng liêng, Việt Nam cực lực phản đối hành động sai phạm của Trung Quốc và kiên quyết đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Đặc biệt, trong bài phát biểu của ông Thủ tướng tại hội nghị Asean ở Myanmar và đặc biệt là tại hội nghị Đông Á ở Philippines vào ngày 21/05/2014. Khi trả lời các câu hỏi của phóng viên quốc tế vào ngày 21/5 tại Manila, ông tiếp tục nhấn mạnh rằng: “Không đánh đổi chủ quyền lấy thứ hữu nghị viển vông, lệ thuộc”.

Những biểu hiện qua câu nói đó khiến mọi người dễ liên tưởng đến một vị cấp cao đang tự diễn biến chế độ. Nhất là nó xuất hiện trong hoàn cảnh mà ông Nguyễn Phú Trọng (Tổng bí thư Đảng); ông Nguyễn Sinh Hùng (Chủ tịch Quốc Hội) và ông Trương Tấn Sang (Chủ tịch nước) đều ít nhiều mờ nhạt trước hành động của Trung Quốc. Điều này không thể biện minh bằng chế định trong Hiến pháp 2013 được.

Người ta tưởng tượng ra một viễn cảnh trong mơ là ông Dũng sẽ lên chức Tổng bí thư ở thời gian tới và sẽ diễn biến chế độ, đưa chế độ nửa nạc mỡ sang chế độ dân chủ với chức danh Tổng thống.

Bản thân người viết cũng cho phép mình “mơ tưởng” về diễn biến chính trị đó. Tuy nhiên, những câu nói của ông Dũng chưa cho phép chúng ta có thể ngây thơ trong nhận định. Vì nhiều lý do:

Đầu tiên, ông Dũng là người có vết chàm trong lời nói. Lời nói của ông ta không đi kèm theo hành động, nhất là khi nó nằm giữa việc giữ quyền lực cá nhân và lợi ích quốc gia - dân tộc. Điều này đã chứng thực qua lời tuyên bố chống tham nhũng.

Thứ hai, dù hàng ngũ những người Cộng sản có sự xuất hiện phe phái thì yếu tố bảo vệ chế độ luôn là yếu tố quan trọng. Nó là điểm giúp giữ vững tính trục lợi cũng như quyền lợi của mỗi cá nhân khi đã đang sẽ nắm quyền, kể cả khi về hưu. Rất khó để dứt bỏ điều này.

Thứ ba, quyền lực và sự thanh trừng của chính quyền hiện tại vẫn không giảm bớt mà mức độ tăng lên ngày một tinh vi. Sự đấu đá không làm giảm đi sức mạnh khống chế quyền lực của các nhóm phe phái mà ngược lại, nó càng củng cố cho các phe phái trong Đảng thâu tóm lẫn nhau. Các thông tin tuyên truyền đặc biệt được đề cao và tận dụng để thu hút nhân tâm, tạo bước đi quyền lực cho các cá nhân trong Đảng. Mà tuyên truyền lại là vũ khí lợi hại của người Cộng sản. 

Do đó, chúng ta cho phép mình nghĩ, đánh giá cao lời nói/thái độ đó, cũng có thể hy vọng rằng ông Dũng và phe nhóm của ông sẽ làm được gì đó có sắc/có màu cho quốc gia - dân tộc này vốn đã trì trệ/ mục nát tận gốc rễ như vị tướng Wojciech Jaruzelski ở Việt Nam mà nhà báo Huy Đức đã chia sẻ: “Không biết trong phần còn lại của thế giới độc tài cộng sản, có ai muốn tiếp nối con đường của ông, có ai muốn trở thành "nhân vật quan trọng nhất trong lịch sử Việt Nam hiện đại”.

Sự hy vọng đó cho phép chúng ta nghĩ về sự đột biến trong cá nhân chính trị đó nhưng cũng đừng quá kỳ vọng sự chuyển biến sâu khi chừng nào nó vẫn chỉ là phát ngôn theo chiều hoàn cảnh lịch sử. Vì thế, quá sớm để đánh giá ông Dũng là cấp tiến hay cấp lùi. Nhưng những phát ngôn đó cũng đáng để hy vọng, trân trọng, tạo một cảm hứng về sự không lệ thuộc ở cấp lãnh đạo nhất là trong môi trường “vua tập thể” như Việt Nam hiện thời.

Thời cuộc: lệ thuộc hay không lệ thuộc

Trung Quốc luôn là mối lo ngàn đời kể khi tộc Việt xưng đế/xưng vương đến nay. Tuy nhiên, mối lo đó có thực sự được coi trọng hay không là một chuyện khác. Vì vậy, bên cạnh các giai đoạn độc lập - tự chủ thì cũng có không ít giai đoạn bị phương Bắc đô hộ/thống trị.

Ngày nay, từ thời điểm thống nhất quốc gia về mặt lãnh thổ và thể chế chính trị (1975). Một giai đoạn ngắn nhưng nó cho thấy nhiều vấn đề với Trung Quốc, khi đối đầu, khi lệ thuộc về hầu hết các mặt. Đặc biệt, từ sau hội nghị Thành Đô, đã có sự nhập nhằng giữa hữu nghị và lệ thuộc.

Chúng ta thường hay nghe chính quyền tuyên truyền về tình hữu nghị hai nước Việt - Trung, được gắn kết bởi 16 chữ vàng. Và đây được xem như kim chỉ nam cho hoạt động đối ngoại giữa hai nước. Nhưng chúng ta lại không được chính quyền cho biết, đó là tình hữu nghị gì, tình hữu nghị thực dụng, thực thụ hay đơn thuần chỉ là một lá bài mà phía Việt Nam buộc phải rút dù biết nó mang ý nghĩa nhiều về mặt lệ thuộc.

Do đó, trong một thời gian dài, Việt Nam xuất hiện nhiều vị tuyên huấn với các cấp hàm/ cấp vị khác nhau, ở trong các môi trường khác nhau. Ví như Đại tá Trần Đăng Thanh hay một dư luận viên xã hội Trần Nhật Quang vâỵ. Họ nói về Trung Quốc với sự biết ơn vô hạn, nói về tình hữu nghị bền chặt, không lay chuyển mặc kệ thời cuộc như thế nào, vì mọi sự lay chuyển đêu ảnh hưởng đến chế độ… 

Ủng hộ tình hữu nghị, nhắc nhở về tình hữu nghị là điều không sai. Nhưng không bám víu vào đó để biến nước ta thành một nước đớn hèn, một công dân quỵ lụy.

Và chắc hẳn, khi vị thám hoa Giang Văn Minh khẳng khái buông câu “Đằng Giang tự cổ huyết do hồng” chắc hẳn không nằm ở thái độ bưng bê đó, mà nằm ở tư thế một công dân của một quốc gia độc lập - tự chủ - đối sánh công bằng về ngoại giao. Họ nói lên cái tư thế, lòng tự tôn của một công dân, một quốc gia - dân tộc bị ảnh hưởng bởi tình hữu nghị chứ không phải lo sợ chức tước, phẩm hàm bị ảnh hưởng khi nói về nó. Sự lệ thuộc hay không lệ thuộc, không hẳn thể hiện bằng chính sách một quốc gia mà nó di hại đến cả lời ăn/ tiếng nói/hành vi của một công dân.

Vì thế cũng là vua, nhưng vua Lê Chiêu Thống bị người đời chê bai, cũng là quan nhưng Trần Ích Tắc, Hoàng Văn Hoan lại bị khinh khi.

Đó không phải vì thái độ chống Trung Quốc hay coi trọng Trung Quốc mà đó là thái độ thuần phục Trung Quốc, đẩy nguy cơ một quốc gia rơi vào phiên thuộc.

Những câu nói hay thái độ tỏ rõ trước hành vi sai phạm của Trung Quốc thường được che giấu dưới tình hữu nghị, cả một hệ thống chính trị với đường lối tuyên truyền rập khuôn đã bịt kín mọi thứ lại, tất tần tật mọi thứ về Trung Quốc kể cả 2 quần đảo ngoài khơi xa đều bị che kín, hạn chế nhắc lại đến mức thấp nhất. An ninh làm việc với cả những ai tổ chức hội thảo về Biển Đông, về Hoàng Sa, về Trường Sa… từ anh sinh viên đến một người nghiên cứu khoa học thuần túy như Tiến sĩ Nguyễn Nhã. Kết quả đem lại quá tốt: học sinh – sinh viên các thế hệ đều không hề biết Hoàng Sa đã bị mất, Trường Sa đang bị lăm le. Không một ai biết về công hàm Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Một số ít biết về cuộc chiến tranh Biên giới. Các tàu Trung Quốc gây hấn từ mức độ nhẹ đến nặng đều được gắn mác an toàn – “tàu lạ”. Những bài viết về đường lối chính phủ, về mối quan hệ Trung Quốc – Việt Nam thuần túy bày tỏ thái độ, góp ý đều được an ninh thăm viếng; Hoàng Sa – Trường Sa – Biên giới biến mất trong một thời gian dài đằng đẵng. Cho đến khi, quá trình đó đem lại một món quà hữu nghị không kém từ người anh em – đồng chí tốt – láng giềng thân thiện: HD-981.

Và từ đây, các ngôn ngữ được bao bọc bấy lâu được bộc lộ ra với mớ thông tin mà trước đó, những nhà tri thức, khoa học, người dân phải thậm thụt tìm hiểu. Cái thứ mà đáng ra chính quyền phải cho họ biết, họ rõ vì dân đang sống trên đất nước này, nộp thuế để nuôi bộ máy chính quyền, có mảnh đất tổ tiên tại Việt Nam hình chữ S này.

Cách chính quyền hành xử về mặt thông tin, là thái độ quy lụy, bạc nhược núp bóng vì đại cục/ vì tình hữu nghị hai quốc gia/ dân tộc hay ngôn từ mang tính thực dụng hơn: vì sự tồn tại của chế độ XHCN.

Thế nên, những câu nói/ phát ngôn của ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong hoàn cảnh đó đã đem lại sự phấn khởi to lớn, nó có ý nghĩa lớn lao, nhất là khi ông là lãnh đạo một đất nước. Tinh thần tự lực, tự cường, ái quốc một lần nữa được nhen nhóm trở lại.

Nhưng như đã đề cập trên, câu nói phải gắn kèm với hành động và hành động phải mang tính chất quyết định, có tính chất vạch ra một con đường đi dài cho cả dân tộc. Khi đó, nó mới trở thành một biểu tượng cao đẹp về lòng ái quốc được. Còn dừng ở câu nói, thì chỉ là sự tạm thời mà thôi.

Tinh thần Ái quốc - thái độ độc lập, tự chủ là điều tối quan trọng, nhất là trong khi đối phó với ngoại bang và sự tồn tại của quốc gia - dân tộc. Nó tốt hơn tất thảy những vũ khí hiện đại mang lại từ lái buôn Nga. Vì nếu không có tinh thần đó, thì sự lệ thuộc sẽ khiến dân tộc không bứt mình lên được trong hoàn cảnh thời bình, dễ trở thành mảnh đất màu mỡ cho sự xâu xé trong chiến tranh. Nội lực quốc gia - tinh thần quốc gia là điều tối quan trọng đối với vận mệnh quốc gia. Ví như một Ucraina vậy.

Tránh lệ thuộc: bằng cách nào

Có cụm từ thường được hay sử dụng bởi chính quyền hiện nay. Đó là phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Một câu nói đi đúng hoàn cảnh từ 1975 đến nay.

Việc phát huy quyền làm chủ không phải là sự ban phát lệnh từ trên xuống mà làm cho người dân nhận thức đúng được vai trò/ địa vị của mình trong sự tồn tại/ đi lên của quốc gia Việt Nam - dân tộc Việt Nam. Khi một người dân nhận thức đúng về quyền làm chủ thì khi đó, họ có được sự độc lập, tự chủ của một quốc gia độc lập, tự chủ. 

Để làm được cái điều tưởng chừng như đơn giản đó (là phát huy dân chủ), thì người dân hoặc tự khai tự phá, hoặc chính quyền tạo tính xúc tác để người dân nắm rõ điều đó. Nghĩa nôm na, muốn thay đổi nhận thức về vai trò ở người dân, hãy tạo cho họ sự tác động thông qua cải cách thể chế, phát huy mạnh mẽ hơn vai trò dân chủ trong đời sống xã hội. Chỉ có thế, quốc gia mới hùng cường được.

Nói như ông Lê Văn Cương là: “Sức mạnh của chúng ta không phải ở vũ khí. Chúng ta không đặt nặng vũ khí mà điểm huyệt quan trong nhất của chúng ta là lòng dân, là triệu người như một”. 

Không có dân chủ thì không có độc lập, tự chủ. Không có độc lập, tự chủ thì chỉ là quốc gia phiên thuộc không hơn không kém.

Ví như trong cuộc thi hoa hậu gần đây, câu trả lời của Phan Thị Thu Phương, sinh năm 1993 đến từ Đồng Nai khi hỏi về suy nghĩ giàn khoan HD981, người đẹp đã trả lời hồn nhiên: “... Em muốn người Trung Quốc hãy mở giàn khoan đó ra... và... và... để cho đất nước Việt Nam của mình ngày càng xinh đẹp hơn” vậy.

Vậy nên, khi đọc tin về cuộc chiến ngắn ngày trên biển, tôi không chú ý trọng tâm lắm về việc bên nào thắng, hay là Trung Quốc có mắc sai lầm về chiến lược hay không. Tôi thường tập trung vào việc, người dân có thái độ như thế nào trước hành vi đó và tương tự là thái độ của chính quyền sẽ ra sao. 

Ngoài ông thủ tướng ra, và sự vớt vát chút ít của ông Chủ tịch nước, thì ông Tổng Bí thư và ông Chủ tịch Quốc hội chưa có một thái độ gì xứng đáng với cương vị là người đứng đầu một tổ chức trong tứ trụ chính quyền cả. Xin nhắc lại, nó không nằm ở chế định, nó nằm ở thái độ, tâm thế của một người dân, một vị lãnh đạo trước nguy cơ mất chủ quyền lãnh thổ.

Vì thế nên tôi vô cùng thất vọng khi ông Phạm Thế Duyệt - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam khi ông đề cập đến cụm từ “quá trình đoàn kết thống nhất 2 nước.” Chẳng những thế, ông còn cho rằng: “Trung Quốc đừng nên cậy mình là nước lớn, nước mạnh, có sức mạnh về kinh tế và quân sự để cố tình không tôn trọng quyền bảo vệ và thống nhất của Việt Nam, bởi như vậy là trái với lòng dân, trái với con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội”.

Nếu chỉ nói với tư thế con dân độc lập, tự chủ thì hẳn sẽ không có cụm từ đoàn kết-thống nhất 2 nước. Và nếu thế thì sẽ chẳng cần phải vịn vào “con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Nó không khác gì một thái độ giả như cương cứng, nhưng thật ra quy lụy cả. Khi còn nhiều người với tư duy như vậy, đầu óc và tầm nhìn như vậy thì Việt Nam mãi mãi trì trệ, nhất là ở cấp lãnh đạo.

Vì thế, vấn đề dân chủ cho người dân là cấp thiết, nhưng bài học về lòng tự tôn dân tộc, tự chủ quốc gia ở bất kỳ vị lãnh đạo nào cũng là điều cần thiết.

Điều đó giúp chúng ta rất nhiều trong việc tiếp tục quan hệ hữu nghị với tất cả các nước, nhưng không ngây thơ đặt niềm tin vào bất kỳ nước nào, bản chất quan hệ giữa các nước sẽ dễ dàng sai lệch khi lợi ích dân tộc được tính toán tới. Như ông tổng thống Putin: “Nga không làm bạn với Trung Quốc để chống lại ai đó, đơn giản là hai nước duy trì các quan hệ đối tác.”

Bài học đó cũng giúp tránh cho một công dân Việt dù ở cấp vị nào trong xã hội tránh được sự “trách móc” Nga hay “kêu gào” Mĩ nhanh chóng xoay trục hay nghi ngờ viện trợ 18 triệu USD cho Cảnh sát biển Việt Nam. Hãy học cách hành xử ngoại giao/ chính trị thực dụng cũng chính là học cách tránh sự lệ thuộc.

Ví như, quan hệ Nga – Việt chẳng hạn, ngoài hợp đồng cung cấp vũ khí khổng lồ do tiền ta chi ra để có được thì thương mại hai chiều giữa Nga và Việt Nam chỉ đạt con số 4 tỉ USD, nhưng chủ yếu là nằm trong lĩnh vực “khai thác dầu khí” với 40% lượng dầu khô, 25% lượng khí tự nhiên. Có nghĩa, quan hệ giữa ta và Nga là quan hệ đào mỏ - bán tài nguyên. Chúng ta trông chờ gì họ, mối quan hệ truyền thống lịch sử ư? Hay là một anh cả Nga – một đối tác toàn diện – chiến lược đầy sáo rỗng trong các cuộc gặp cấp cao?

Chưa bao giờ mà dân Việt Nam lại thấm câu nói: “Chơi với bạn hết mình! Bạn chơi lại hết...hồn!”

Tinh thần lệ thuộc khiến cho đời sống xã hội – kinh tế bị vạ lây. Quan chức thì tham nhũng vơ vét túi riêng, tri thức thì chạy chọt chức vụ, dân đen thì bàng quan thời cuộc. Ví như có mấy ai quan tâm đến sự phê duyệt của Chính phủ Việt Nam khi năm 2014 vay 367.000 tỉ đồng (17,5 tỉ USD), xấp xỉ 10% GDP và tăng gấp đôi so với năm 2013 nhằm giải quyết hậu quả của tỉ lệ nợ công đang ngày một phình to. Mấy ai quan tâm nguồn trả nợ chủ yếu từ nguồn thu thuế/ phí và lệ phí. Mỗi người Việt sẽ gánh hơn 900 USD nợ công (theo tính toán của Đồng hồ nợ công thế giới vào ngày 25.5). Trong khi đó, chính quyền tiếp tục chi mạnh tay hơn 10.000 tỷ cho nhà hát chỉ để chia chác với nhau, may mà Asiad dừng lại kịp, không thì nợ mỗi người gánh lại nhiều thêm. Bài ca sống chết mặc bay lại một lần nữa tấu lên, đầy ma mị - thật tuyệt vời! 

Cũng vì tinh thần không tự chủ, độc lập đó mà các vị đại biểu Quốc hội nước ta từ bà Quyết Tâm cho đến ông Du Lịch bàn rôm rả chuyện chi sai ngân sách, đòi “thắt lưng buộc bụng” nhưng chỉ kêu gọi chung chung. Trong khi đối tượng đáng thắt lưng buộc bụng nhất là các “ông bụng bự” lại không ưu tiên, đại gia Dân nghèo, ốm yếu, vặt vẹo nay càng chết thêm! Nhưng Đại gia Dân mấy ai để ý chuyện này.

Thế nên đối với vấn đề bang giao, hành xử với Trung Quốc thì đừng trông chờ vào cái chính nghĩa, vào tòa án, vào khí tài hiện tại. Hãy tập trung chấn hưng nội lực quốc gia bắt đầu từ lời ăn/ tiếng nói/ hành vi của cấp lãnh đạo đến thực hiện dân chủ thực chất từ trong xã hội và mỗi một người dân. Dân bớt khổ, quan thanh liêm, luật pháp nghiêm – Quốc gia đó tất sẽ đủ sức đương đầu với Trung Quốc.


LMHT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét