Pages

Thứ Hai, 12 tháng 5, 2014

Tuyên bố chung ASEAN có phải là một bước ngoặc?

Mặc Lâm, biên tập viên RFA

image-asean-600.jpg

Tổng thống Myanmar Thein Sein (giữa) cùng Thủ tướng VN Nguyễn Tấn Dũng (áo xanh phía sau) và nguyên thủ các quốc gia ASEAN trước bữa tối nhân Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần 24 tổ chức tại Naypyidaw, Miến. Ảnh chụp hôm 10/5/2014.
AFP photo

Nghe Bài Này

Cùng lúc với tuyên bố chung của ASEAN đối với vấn đề biển Đông, báo chí Việt Nam rất phấn khởi khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố mạnh mẽ lập trường của Việt Nam đối với việc Trung Quốc đặt giàn khoan HD 981 trong vùng biển của Việt Nam.
Trong phát biểu của Việt Nam trước ASEAN 24 tổ chức tại Miến Điện, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặc biệt nhấn mạnh tới thái độ hung hăng của Trung Quốc và sự xâm phạm tới con người, tài sản của nhân dân Việt Nam. Tuyên bố của ông không những đánh động mức độ nguy hiểm xem thường luật pháp quốc tế của Trung Quốc mà còn thức tỉnh sự im lặng cố hữu của các nước thành viên trong khối khi ông nói:
"Các tàu vũ trang hộ tống bảo vệ giàn khoan của Trung Quốc đã rất hung hăng bắn vòi nước có cường độ mạnh và đâm húc thẳng vào các tàu công vụ, tàu dân sự của Việt Nam, gây hư hại nhiều tàu và làm nhiều người bị thương.
Đây là lần đầu tiên Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan vào hạ đặt tại địa điểm nằm sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của một nước trong ASEAN, là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng luật pháp Quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và cũng là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng Tuyên bố về Ứng xử của các Bên trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một bên tham gia ký kết. Hành động cực kỳ nguy hiểm này đã và đang đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông".
Phát biểu của Việt Nam tuy muộn màng sau quá nhiều lần bị Trung Quốc hiếp đáp nhưng phản ứng công khai, kịp thời trên một diễn đàn lớn như ASEAN sẽ cộng hưởng với hành động chống Trung Quốc của Philippines tạo niềm tin cho định chế này góp phần đánh đổ tâm thế xem Trung Quốc là đại cường bất khả xâm phạm.
Tôi thấy tuyên bố chung đó ít nhất có một bước tiến hơn xưa nhưng vẫn còn rón rén lắm tại vì ASEAN không đoàn kết về vấn đề Biển Đông...
- Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng 
Tuyên bố chung của ASEAN 24 có bốn điểm về vấn đề Biển Đông nhưng nếu gói gọn lại chỉ có thể là một đề nghị rất khuôn sáo “Hai bên Trung Quốc và Việt Nam nên kiềm chế và tránh các hành động có thể làm phương hại đến hòa bình và ổn định của khu vực; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực”.
Vì vậy nếu so với tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ thì rất khác xa nhau, hai chữ khiêu khích mà Hoa Kỳ dùng để nói hành động của Trung Quốc đã nêu ra bản chất vấn đề và sau đó mới là việc giải quyết trong hòa bình nhằm bảo đảm ổn định trong khu vực.
Nhận xét về tuyên bố chung của ASEAN, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng giảng dạy tại đại học George Madison bộ môn Quan hệ ngoại giao cho biết:
Tôi thấy tuyên bố chung đó ít nhất có một bước tiến hơn xưa nhưng vẫn còn rón rén lắm tại vì ASEAN không đoàn kết về vấn đề Biển Đông thành ra một tuyên bố như thế là khá rồi đáng lẽ phải mạnh hơn nữa bởi vì vai trò trung tâm của ASEAN rất quan trọng còn riêng về quy cách ứng xử rối tiến nhanh tới COC thì có gì lạ đâu? Điều đặc biệt là ít nhất nó đã nêu vấn đề này ra trong một thông cáo chung.

Không nói tới giàn khoan HD 981

image-asean-123-250.jpg
Tổng thống Myanmar Thein Sein trong buổi họp báo cuối Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN 24 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Naypyidaw hôm 11/5/2014. AFP photo
Tuy khuôn sáo và còn tránh né nhưng tuyên bố chung của ASEAN được báo chí thế giới loan tin như một động thái vượt qua nỗi sợ của khối. Lệ thuộc rất nặng về kinh tế đối với Trung Quốc do đó chuyện chỉ trích quốc gia này của ASEAN là điều vượt qua sự mong đợi của thế giới. Giáo sư Carl Thayer cố vấn Học viện Quốc phòng Úc, một chuyên gia về Việt Nam đã nói với chúng tôi trong một cuộc phỏng vấn trước khi ASEAN 24 đưa ra thông báo chung:
Những nước thành viên chủ yếu trong khối ASEAN đã không nhiều thì ít gì tỏ thái độ tiêu cực trong hội nghị tại Cambodia, tuy nhiên trong toàn khối thì tôi tin rằng họ sẽ lên tiếng chống lại việc leo thang trong khu vực nhưng họ sẽ không nêu tên nước nào cụ thể. ASEAN sẽ đưa ra những luật lệ của Liên Hiệp Quốc hay Công ước quốc tế về luật biển hay những luật lệ khác như DOC để cảnh báo.
ASEAN sẽ ra tuyên cáo phản đối việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa vũ lực để giải quyết tranh chấp lãnh thổ. ASEAN không có khả năng ảnh hưởng đến Trung Quốc và nếu thúc ép thì Trung Quốc có thể rút khỏi các cuộc thảo luận DOC.
Điều mà tất cả các nước ASEAN có thể làm là cố không cho Trung Quốc tiếp tục leo thang, điều này cũng có nghĩa là hy sinh quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế.
Đúng như tiên đoán của GS Carl Thayer, tuyên bố chung không nói tới dàn khoan HD 981, nguyên nhân chủ yếu làm Trung Quốc trở thành kẻ xâm lược mà xem câu chuyện này giống như hai nước đang tranh chấp về chiếc hàng rào trên biển Đông và cùng có trách nhiệm ngang nhau.
Sau khi tuyên bố chung được phát đi Trung Quốc đã tỏ ra giận dữ và bà Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng Biển Đông không phải là vấn đề của Trung Quốc và các nước ASEAN. Bà Hoa còn cho biết Trung Quốc sẵn sàng làm việc để tiếp tục thực hiện Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký vào năm 2002.
Thật ra Trung Quốc chưa bao giờ tôn trọng và hợp tác trên hai hồ sơ DOC và COC. Bắc Kinh ngồi vào bàn làm việc chỉ với mục đích kéo dài sự tin tưởng của ASEAN vào thiện chí của họ mà thôi. Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng nhận xét việc này:
Sắp tới có cuộc họp bàn về COC, tức quy tắc ứng xử, Trung Quốc thường cứ chậm trễ không chịu làm thì ASEAN lần này có thể thúc giục nhưng có lẽ Trung Quốc vẫn giữ lập trường của họ nghĩa là tự làm ra luật chứ không có COC gì cả. Ông ấy hứa nhưng cứ lờ đi vì ASEAN không có trọng lượng gì để làm cho Trung Quốc phải sợ cả trừ khi ASEAN có cái gì đoàn kết lắm nhưng những quan sát viên đều thấy ASEAN là một khối đồng sàng dị mộng và Trung Quốc biết rất rõ chuyện này.
Điều mà tất cả các nước ASEAN có thể làm là cố không cho Trung Quốc tiếp tục leo thang, điều này cũng có nghĩa là hy sinh quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế.
- Giáo sư Carl Thayer 
Kéo giàn khoan HD 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Trung Quốc đã góp phần thay đổi nhận thức của ASEAN và tuyên bố chung này sẽ là tiền đề không những cho các hoạt động khác của các nước Đông Nam Á mà nó còn kiến tạo lại lòng tin vào quốc tế đối với thực lực của tổ chức này.
Philippines chống Trung Quốc một cách mạnh mẽ và thực tế cho thấy Bắc Kinh không thể làm gì hơn vì sự chú ý của quốc tế và bảo đảm của Hoa Kỳ. ASEAN tuy không đủ sức mạnh về kinh tế lẫn quân sự nhưng nếu đồng nhất thì tiếng nói của nó sẽ có sức mạnh nhất định, ít nhất tạo niềm tin cho các quốc gia thành viên rằng họ sẽ được hỗ trợ khi bị một nước ngoài ASEAN như Trung Quốc hiếp đáp.
Sau Philippines, Việt Nam đã tự vượt được chính mình, các nước khác cũng sẽ vượt qua cho Bắc Kinh thấy rằng làm một lãnh đạo thế giới thật không dễ dàng như họ nghĩ
.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét