Pages

Thứ Tư, 28 tháng 5, 2014

Xung đột Biển Đông : Cơ hội để bớt lệ thuộc vào hàng Trung Quốc

Vải vóc do Trung Quốc sản xuất tại một cửa hàng ở Bắc Kinh,
 13/05/2014.  
REUTERS/Kim Kyung-Hoon
Thụy My
Tình hình tại Biển Đông càng nóng lên với việc Trung Quốc ngang nhiên đặt giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 (HYSY 981) ngay giữa vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tại Hoàng Sa, thì người dân càng phải nghĩ đến nguy cơ chiến tranh có thể xảy ra, trong lúc nền kinh tế Việt Nam đang lệ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc, từ sản xuất cho đến hàng hóa tiêu dùng.
Theo thống kê của Bộ Công thương Việt Nam năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 13,3 tỉ đô la (chiếm 28%), chủ yếu là nông sản và nguyên liệu thô. Trong khi đó kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc lên đến gần 37 tỉ đô la (1% tổng xuất khẩu của Trung Quốc), gồm là nguyên vật liệu, linh kiện, trang thiết bị, hàng tiêu dùng…
Đặc biệt đối với ngành dệt may, da giày, lãnh vực quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, nguyên liệu phần lớn nhập từ Trung Quốc. Đồng thời các mặt hàng thời trang Trung Quốc lâu nay cũng chiếm lĩnh thị trường Việt Nam, thì vấn đề này càng lớn. Được biết từ giữa tháng Năm, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã yêu cầu các công ty trong ngành chủ động tìm kiếm các thị trường khác để nhập nguyên liệu.
Tuy nhiên khi trao đổi với RFI Việt ngữ, ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Thêu đan Thành phố Hồ Chí Minh vẫn cho rằng, chiến sự không thể nào xảy ra, và dù gì đi nữa, chính phủ Việt Nam lẫn Trung Quốc đều sẽ tránh việc trả đũa kinh tế.
Ông giải thích : Trung Quốc đang có xu hướng chuyển các đơn hàng với số lượng lớn sang Việt Nam, và các nhà máy sản xuất nguyên liệu cũng rất cần bán hàng. Trung Quốc cũng nhập khẩu nhiều mặt hàng của Việt Nam. Đặt giả thiết nếu Bắc Kinh ngưng xuất nguyên vật liệu, thì thật ra chỉ những ngành sản xuất các mặt hàng cấp trung và thấp mới bị ảnh hưởng, và về lâu về dài thị phần của Trung Quốc tại Việt Nam sẽ bị các nước khác giành được phần nào.
Còn hàng Việt xuất qua Trung Quốc thì đa số là nông sản - mà người nông dân Việt Nam vẫn bán qua biên giới dù nhiều rủi ro đối với khách hàng dễ dãi này. Nếu bị trắc trở, sẽ là dịp khiến nông dân và thương nhân phải tìm cách nâng cao phẩm chất để bán được với giá trị cao hơn.
Bên cạnh đó, « công xưởng thế giới » không phải một sớm một chiều mà thay đổi được cơ cấu sản xuất, trong khi người tiêu thụ Việt vốn dễ tính hơn một số nước láng giềng khác.
Ông Diệp Thành Kiệt tin rằng với giá lao động ngày càng cao, Trung Quốc không chỉ xem Việt Nam là thị trường tiêu thụ, mà nhiều nhà đầu tư của nước này sẽ tiếp tục dịch chuyển nhà máy sang Việt Nam để giảm giá thành sản xuất.
Về phía người tiêu dùng, chị Nguyễn Lê Như Ý ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết nhiều người tiêu thụ hiện nay rất có ý thức tránh dùng hàng Trung Quốc, vì tuy giá rẻ nhưng đa số là chất lượng tồi, thậm chí độc hại.
Chỉ trên Facebook đã có rất nhiều trang cổ vũ cho việc tẩy chay hàng Trung Quốc, ưu tiên mua hàng Việt Nam, với rất nhiều thông tin được cập nhật giúp người tiêu dùng sáng suốt khi lựa chọn.
Thật ra với những hiệp định tự do thương mại (FTA) đã có và đang được đàm phán, cũng như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nếu thành công, sẽ là một trong những lối thoát cho nền kinh tế Việt Nam để có thể bớt dần sự lệ thuộc vào Trung Quốc. Không những để đa dạng hóa nguồn cung cũng như khách hàng, nâng cao chất lượng sản phẩm và nghiệp vụ, giúp kinh tế thăng bằng hơn về lâu về dài, mà còn minh bạch hóa những giao dịch với những đối tác nghiêm túc và biết tôn trọng môi trường, tôn trọng những chuẩn mực quốc tế về vệ sinh, lao động…
Dư luận cho rằng trong cái rủi biết đâu lại có cái may. Bên cạnh cơ hội « thoát Trung » về mặt chính trị, còn có cơ may dần thoát khỏi tình trạng hàng hóa Trung Quốc tràn ngập Việt Nam, nuốt chửng lợi nhuận từ các thị trường khác khiến nền kinh tế mãi phụ thuộc vào người khổng lồ phương bắc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét