Pages

Chủ Nhật, 15 tháng 6, 2014

Bịa đặt, vu cáo, Trung Quốc không thuyết phục được ai!

Theo Báo điện tử Chính phủ


Tàu hải cảnh Trung Quốc số hiệu 32 phun nước vào tàu kiểm ngư KN786 của Việt Nam. Ảnh: Trọng Thiết
Chiến lược bịa đặt và vu cáo Việt Nam trên trường quốc tế của Trung Quốc không thuyết phục được ai và bị chính ngay các chuyên gia quốc tế phản bác.

Tiếp nối chiến lược bịa đặt và vu cáo Việt Nam trên trường quốc tế, mới đây Zhao Qinghai (Triệu Thanh Hải), Giám đốc Trung tâm An ninh hàng hải thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế Trung Quốc, đã gửi bài viết tới báo The Australian của Australia cho rằng Việt Nam không có chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa. Sau đó cũng trên báo này, Đại sứ Trung Quốc tại Australia Ma Zhaoxu (Mã Triều Húc) cũng viết bài với luận điệu tương tự.
Lập tức giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia đã gửi thư tới báo The Australian bác bỏ luận điệu xuyên tạc trên. Giáo sư Thayer cho rằng không thể coi ông Zhao là một học giả bởi ông này chỉ xào lại quan điểm của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Giáo sư Thayer cho biết công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958 không hề đề cập đến Hoàng Sa hay Trường Sa. Giáo sư Thayer cũng bác bỏ những thông tin sai trái trong bài viết của đại sứ Ma Zhaoxu.
“Trung Quốc nên rút giàn khoan và các tàu ra khỏi vùng biển này. Trung Quốc cũng nên phản hồi một cách tích cực việc Việt Nam đề nghị đàm phán”, giáo sư Thayer kêu gọi.
* Chuyên gia về Biển Đông hàng đầu của Philippines, Richard Heydarian, giáo sư Đại học Ateneo De Manila, cho rằng Việt Nam là nạn nhân của chính sách lãnh thổ hiếu chiến của Trung Quốc và nhóm diều hâu trong ban lãnh đạo Trung Quốc đang chi phối chính sách này.
Chuyên gia Heydarian nói: Tôi cho rằng quyết định của Việt Nam tiếp tục công bố sự việc, là hợp lý, bởi nó cho cả thế giới thấy rõ hơn về căng thẳng nguy hiểm trên Biển Đông do quyết định đơn phương của Trung Quốc gây ra, khi triển khai một giàn khoan vào Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam và làm thay đổi hiện trạng trên thực địa qua những biện pháp cưỡng bức ngày càng rõ hơn.
Khi Việt Nam chuẩn bị cáo buộc pháp lý đối với Trung Quốc, điều quan trọng là phải tổng hợp được càng nhiều video và bằng chứng càng tốt để chứng tỏ Việt Nam là nạn nhân của chính sách hiếu chiến của Trung Quốc. Quan trọng hơn, Việt Nam nên có kế hoạch tuyên truyền rộng rãi, tập trung hơn nữa, để cho cả thế giới thấy được Trung Quốc, chứ không phải Việt Nam hay các nước tuyên bố chủ quyền khác, đang làm leo thang căng thẳng và có thể là gây ra một cuộc đối đầu quân sự trên Biển Đông.


Việt Nam nên sát cánh hơn nữa cùng các nước ASEAN khác, để nêu bật nguy cơ nếu không có sự tham gia của khu vực và nếu không có hoạt động trung gian tích cực, tình hình hiện nay có thể xấu đi thành đối đầu quân sự nguy hiểm, từ đó ảnh hưởng đến toàn khu vực.
Việt Nam cũng nên ủng hộ mạnh mẽ hơn nữa đối với vụ kiện “đường lưỡi bò” Trung Quốc của Philippines. Mục đích ở đây là để chứng tỏ Bắc Kinh không thể tiếp tục những gì đang làm mà không bị trả giá bằng cả luật pháp và ngoại giao.
Có vẻ như bất chấp áp lực của cộng đồng quốc tế trong thời gian qua, thái độ và hành động của Trung Quốc trên Biển Đông ngày càng hiếu chiến hơn. Đã có lo ngại nghiêm trọng trong khu vực rằng Trung Quốc có thể kéo giàn khoan xa hơn về phía nam, xuống Trường Sa hoặc có thể sẽ sớm áp đặt Vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông. Philippines gần đây đã bày tỏ quan ngại về sự gia tăng của các tàu cùng hoạt động bồi đắp đất của Trung Quốc trên một số bãi ngầm, như Gạc Ma hay Bãi Chữ Thập, để biến chúng thành đảo nhân tạo nhằm phục vụ cho mục đích quân sự.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét