Pages

Thứ Sáu, 6 tháng 6, 2014

Cần phải làm gì để chống tư tưởng lệ thuộc vào TQ?

Anh Vũ, thông tín viên RFA

000_Hkg9837260-305.jpg
Phó Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Thị Doan (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Thượng Hải vào ngày 21 tháng 5 năm 2014 (hình ảnh minh họa).
AFP PHOTO / Mark Ralston

Nhiều ý kiến hiện nay cho rằng cần phải thoát khỏi sự lệ thuộc Trung Quốc về nhiều mặt, trước hết là của các cấp lãnh đạo trong quan hệ với Bắc Kinh. Thực tế đó ra sao và cần phải làm gì đối với não trạng như thế?

Mặt nạ bị lột trần

Sau Hội nghị Thành Đô (9.1990), quan hệ giữa hai đảng, hai nhà nước VN-TQ được khái quát theo phương châm 16 chữ “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và “4 tốt”: "Láng giềng tốt, Bạn bè tốt, Đồng chí tốt, Đối tác tốt.”
Cho đến gần đây, sau việc TQ đưa giàn khoan HD-981 vào sâu vùng đặc quyền kinh tế của VN, thì chiếc mặt nạ quan hệ hữu nghị theo phương châm này của chính quyền TQ đã bị lột trần.

Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại Quốc hội vừa qua, Chủ tịch Tổng Liên đoàn LĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng đã khẳng định rằng: “Đây là bài học cho những ai còn mơ hồ về 16 chữ vàng, về 4 tốt”. Và ông cho rằng vậy thì những ai còn mơ hồ hãy tỉnh lại, đừng ảo tưởng và tin vào những lời lẽ giả dối như thế nữa.
Bình luận về việc này, nhà giáo Nguyễn Thượng Long một nhà hoạt động xã hội thấy rằng, qua những phát biểu gần đây của một số lãnh đạo đảng, chính quyền ông thấy quả đúng là não trạng của nhiều vị vẫn còn rất mơ hồ trước các tín điều giả trá của lãnh đạo Trung Quốc thông qua chiêu bài “16 chữ vàng” và “4 Tốt”. Đáng lo ngại là một bộ phận người dân cũng rơi vào tình trạng mơ hồ tương tự.
Họ đang ở trong một cái mớ bong bong, nhận thức mơ hồ về 16 chữ vàng và 4 tốt không chỉ có lãnh đạo đảng mà cả một bộ phận người dân vẫn còn hy vọng, mơ hồ.
-Nguyễn Thượng Long
Theo ông những thần tượng ảo, những giá trị sai lệch như “Bác Hồ ta đó chính là Bác Mao!”, hay "Bên ni biên giới là nhà, bên tê biên giới cũng là quê hương", thậm chí “Trung Quốc 1979 tuy đánh ta nhưng vẫn là tình anh em cộng sản!” v.v… đã phản ảnh sự nguy hiểm của phương châm này.
Từ Hà nội ông Nguyễn Thượng Long nói:
“Họ đang ở trong một cái mớ bong bong, nhận thức mơ hồ về 16 chữ vàng và 4 tốt không chỉ có lãnh đạo đảng mà cả một bộ phận người dân vẫn còn hy vọng, mơ hồ, mơ màng về các khẩu hiệu đại ngôn này. Và đây là lúc chúng ta phải trả giá.”
Ông Vi Đức Hồi, một cựu tù nhân lương tâm cho rằng ông không tin rằng số đông người dân VN tin vào những cái đó, nếu có chỉ là bộ phận lãnh đạo ở các cấp. Vì theo ông những thứ đại cục, 16 chữ vàng hay 4 tốt chỉ thuần túy là hình thức ngoại giao hoặc là thứ bánh vẽ mà lãnh đạo TQ cố tình đưa ra để lừa chúng ta.
Từ Lạng sơn, ông Vi Đức Hồi nói với chúng tôi:
“Tôi nghĩ rằng họ đã suy nghĩ lệch lạc hoặc thiếu thiện chí, chứ còn người dân VN hiểu bản chất của TQ lắm, không ai mơ hồ hay tin tưởng về cái 4 tốt và 16 chữ vàng để làm nòng cốt cho quan hệ Việt –Trung, vì nó quá rõ ràng. Suốt cả một chiều dài lịch sử sống với nhau, người Việt Nam đã quá hiểu điều đó. ”

Ảo tưởng của lãnh đạo VN

000_Hkg9862437-305.jpg
Một tàu cảnh sát biển Trung Quốc (trái) gần giàn khoan dầu của Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp với VN ở Biển Đông hôm 14 tháng 5 năm 2014.
Nói về lý do vì sao VN ngày càng tỏ ra lệ thuộc vào TQ, ông Đặng Xương Hùng một nhà ngoại giao cho rằng: sau Hội Nghị Thành đô lãnh đạo VN đã có ảo tưởng rằng TQ sẽ thay cho Liên xô là đầu tàu dương cao ngọn cờ XHCN để chống Diễn biến Hòa bình của đế quốc, mà quên rằng chủ trương của lãnh đạo TQ đối với VN là “thân nhưng không gần, sơ nhưng không xa, đấu tranh nhưng không đánh nhau”.
Đáng tiếc TQ đã sử dụng ảo tưởng của lãnh đạo VN để không ngừng lấn chiếm lãnh thổ và lãnh hải của VN theo chính sách gặm nhấm dần dần. Theo ông phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh là minh chứng cho chính sách bảo vệ đại cục, hay nói cách khác là sợ TQ của lãnh đạo cấp cao của VN.
Từ Thụy Sĩ, ông Đặng Xương Hùng nói với chúng tôi:
“TQ luôn luôn cho rằng đó là cái quan trọng nhất của lãnh đạo VN, vì nếu phá cái đại cục ấy thì lập tức VN sụp đổ. Nói như vậy để thấy TQ đang nắm rất chắc cái mong muốn và nhu cầu của lãnh đạo VN trong vấn đề về duy trì cái lợi ích đại cục. Để hướng lãnh đạo VN phải xử lý quan hệ theo cách nhìn nhận của TQ. ”
Theo ông Đặng Xương Hùng do bám vào phương châm này mà một số lãnh đạo cao cấp đã chấp nhận sự yếu thế này để nhân nhượng với TQ, hòng để duy trì quyền lãnh đạo của bản thân mình, từ đó họ không quan tâm đến quyền lợi quốc gia cũng vì cái đại cục viễn vông này.
Ông Đặng Xương Hùng cho biết:
Cần phải thay đổi cho phù hợp hơn với các biến động trong khu vực, cũng như quan hệ của VN trong khu vực và trong thế giới.
-TS Đinh Hoàng Thắng
“Nó là chuyện của cả lãnh đạo cấp cao và cán bộ lãnh đạo câp dưới. Cán bộ cấp cao thì biết cái thế của mình như vậy nên nhân nhượng với TQ một ít để đổi lại sự tồn tại lãnh đạo của mình. Còn cấp dưới cũng làm cho xong việc đi vì cái sự quan hệ nháy nháy giữa hai nước.”
Nói về giải pháp để VN thoát khỏi tư tưởng lệ thuộc vào TQ, TS Đinh Hoàng Thắng cựu Đại sứ VN tại Hà Lan thấy rằng muốn thế phải có sự thay đổi về chủ trương và chính sách đối ngoại. Cần phải hóa giải mô hình cũ, để thấy đâu là căn nguyên sâu xa nhất, song theo ông cần hiểu là ta phải thoát Trung chứ không phải là bài Trung và càng không phải chống Trung Quốc.
Từ Hà nội TS Đinh Hoàng Thắng nói với chúng tôi:
“Chủ quyền quốc gia và độc lập dân tộc là cái cao nhất, không thể có gì cao hơn thế cả. Để bảo vệ lợi ích quốc gia ấy thì phải dựa trên tương quan lực lượng, mối quan hệ quốc tế của VN và mối bang giao Trung-Việt. Do vậy cần phải thay đổi cho phù hợp hơn với các biến động trong khu vực, cũng như quan hệ của VN trong khu vực và trong thế giới.”
Ông Vi Đức Hồi thấy rằng VN cần có cải cách thể chế chính trị để đoàn kết toàn dân thành một khối. Theo ông cần phải hiểu một nước Việt Nam dân chủ và giàu mạnh là mối đe dọa, đồng thời nó làm tan giấc mộng bành trướng xuống phía Nam của TQ.
Trao đổi với chúng tôi, ông Vi Đức Hồi cho biết:
“Liên minh như vậy đòi hỏi Đảng CSVN, nhà nước CSVN  phải biết hy sinh quyền lợi của mình, tất yếu là như vậy. Không thể có một chế độ độc tài, độc đảng mà người ta hết lòng vì mình, bởi vì chế độ chính trị nó khác nhau. Đảng CSVN phải biết hy sinh lợi ích nhóm của mình, vì lợi ích của dân tộc, vì lợi ích của đất nước để liên minh với các quốc gia có chung một lợi ích.”
Một điều sơ đẳng nhất của chính trị quốc tế trong mọi thời đại, đó là: giữa các quốc gia, “không có đồng minh vĩnh viễn, không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích của quốc gia và dân tộc là vĩnh viễn”. Đó là điều mà các nhà lãnh đạo đất nước cần phải ghi nhớ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét