Pages

Thứ Hai, 30 tháng 6, 2014

"Chơi dao có ngày đứt tay"













Người Nông Dân (Danlambao) - Ông bà tổ tiên xưa đúc kết kinh nghiệm với câu tục ngữ:“chơi dao có ngày đứt tay” quả nhiên rất đúng với những gì đã và đang xảy ra trên khắp đất nước suốt từ Hội nghị Thành Đô cho đến nay.

Việc Trung Quốc ngang ngược xua cả một đội tàu hùng hậu hơn trăm chiếc, trong đó có những tàu quân sự võ trang hiện đại hộ tống hạ đặt giàn khoan HD 981 vào sâu trong vùng lãnh hải nước ta càng minh chứng cho câu tục ngữ nói trên. Hãy tự đặt câu hỏi vì sao Trung Quốc không dám hạ đặt giàn khoan trong vùng biển họ tuyên bố có tranh chấp chủ quyền với các quốc gia khác như: Philippin, Hàn Quốc, Nhật Bản hoặc Bắc Hàn một quốc gia mà Bắc Kinh đang chống lưng, sai khiến? Rõ ràng chơi với Trung Quốc chẳng khác nào như chơi với dao sắc nhọn không những đứt tay mà còn có ngày phải vong mạng…


Tôi vẫn còn nhớ, vào thời điểm năm 1979 khi Trung quốc xua quân tràn sang đánh phá các tỉnh biên giới phía bắc, bà ngoại tôi năm ấy tuổi ngoài tám mươi vẫn biết căm giận nói rằng: “tụi Tây, tui Mỹ qua đây nó còn khai hoang trồng trọt, xây đắp cầu đường, mở trường khai hóa dân trí, còn tụi ba tàu (ý nói Trung quốc) lũ nó qua đây chỉ biết vơ vét, nó mà cai trị mình lần nữa chắc sẽ không còn cái quần để mặc”. Tôi thiết nghĩ nhiều người đang ở đỉnh cao trí tuệ nhưng thực lòng mà nói vẫn còn thua xa lý trí của những người già.

Ngày xưa đâu đã có Liên Hiệp Quốc, chung quanh nước Nam ta toàn những nước nhỏ yếu làm gì có một liên minh nào dám chống lại Đại Quốc? Vì vậy việc Ông cha ta thời xa xưa phải chịu thần phục ngoại bang là một chuyện bất đắc dĩ, nhưng nếu lũ giặc bức bách, xâm phạm bờ cõi thì trang lịch sử vàng ngàn đời vẫn âm vang muôn thuở: “Sông Như Nguyệt vùi thây giặc Tống, Sóng Bạch Đằng nhấn chìm quân Hán - Mông, Ải Chi Lăng, Đống Đa mồ chôn xác giặc…”. Các Vua chúa nước Nam không để mất một tấc đất lại còn mở mang bờ cõi, mở rộng biển đảo. Lịch sử thời đại ngày nay không một ai dám nghĩ rằng ông Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh một nhân vật được ca ngợi như một nhà cải cách, một công trình sư mở đầu công cuộc đổi mới đáng ghi nhận nhưng lại là người tham sống sợ chết khi chủ xướng cam tâm cúi đầu thần phục kẻ thù truyền kiếp mở đầu cho một giai đoạn Bắc thuộc và đó là một sự thật. Ông Đỗ Mười tiếp tục sự nghiệp thần phục do Nguyễn Văn Linh để lại; đến thời Lê Khả Phiêu càng đáng phỉ nhổ khi mắc cái bẩy mỹ nhân kế phải chấp nhận việc dâng đất, nhượng biển; thời Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng càng đáng hỗ thẹn khi nhu nhược, ươn hèn đưa đất nước, dân tộc rơi vào vòng kiềm tỏa, lệ thuộc TQ.

Mỗi người dân Việt Nam hiện nay đều thừa hiểu bọn Trung Quốc đang giăng bẩy và nhúng tay vào khắp mọi lĩnh vực: chính trị - kinh tế - văn hóa – xã hội – cả phương diện ngoại giao, lẫn tổ chức nhân sự bộ máy nhà nước. Những gì bọn chúng đang thực hiện ngày càng tàn độc và hiểm ác hơn cái thời xa xưa mà tên hôn quân bạo chúa Tần thủy hoàng đã dùng đao kiếm, lửa binh để gồm thâu lục quốc:

Về chính trị: thay vì sửa đổi, chỉnh đốn cái thể chế đã lỗi thời, lạc hậu cho phù hợp với xu thế của thời đại thì Tập đoàn thống trị lại chủ trương lòn cuối, ôm chân những kẻ xâm lược. Vì vậy cả bộ máy chính quyền từ Trung ương xuống đến địa phương đều bị bọn chúng khống chế, vô hiệu hóa khiến cho cả guồng máy này mờ mắt trước quyền lực, trước của cải, bạc vàng mà xem nhẹ lợi ích đất nước, lợi ích dân tộc và đui mù trước nỗi thống khổ của những người dân thị thành mất nhà, tầng tầng lớp lớp người nông dân bị mất đất .

Về kinh tế: chúng rắp tâm tận diệt nguồn sống bằng những việc tưởng chừng nhỏ nhặt, vô hại như thu mua cả lá cây, rễ non, con giống; chúng gây nguy hại cho môi trường sinh thái và triệt hạ công cụ canh tác, sản xuất của nông dân bằng việc tận thu mèo, rắn, ong bầu, móng trâu, sừng trâu giá cao; chúng thao túng một số nhận vật đầu não chính quyền khuyến khích việc khai thác Boxit Tây nguyên, khai phá rừng đầu nguồn, đắp đập ngăn sông xây nhiều thủy điện một mặt làm cho ô nhiễm không khí, môi trường biến đổi, mặt khác làm cho cạn kiệt tài nguyên, an ninh - quốc phòng suy yếu … Chúng lũng đoạn cả nền kinh tế bằng cách thâu tóm nhiều dự án lớn, dự án trọng điểm và bằng mọi cách chúng luồng tuôn đủ loại hàng gian, hàng giả, hàng giá rẻ kém phẩm chất làm cho thị trường tiêu thụ rối loạn. Bằng nhiều thủ đoạn tàn ác, hiểm độc chúng cho xâm nhập thị trường đủ loại hàng tiêu dùng có tẩm hóa chất độc hại, gây mầm bệnh nhằm triệt hạ giống nòi. 

Về văn hóa – xã hội: Sự bất ổn và phân hóa trong lòng xã hội bắt nguồn từ số đông người bị mất nhà, mất đất do vô số dự án trong đó có nhiều dự án của người Trung Quốc nhưng quyền lợi của dân chúng thường bị các cấp chính quyền xem nhẹ, cố tình lãng quên. Hố sâu ngăn cách giữa những người giàu bất chính và số đông người nghèo khổ lam lủ ngày càng khoét sâu, lan rộng là mầm móng làm phân rã tính truyền thống cộng đồng và tinh thần đoàn kết dân tộc. Khi ngầm ra lệnh đàn áp, cấm đoán biểu tình và trấn áp những tiếng nói bất đồng chính kiến, chính là âm mưu hữu hiệu nhất để dập tắt tinh thần yêu nước. 

Về phương diện ngoại giao - bộ máy nhân sự nhà nước: khi Việt Nam mở rộng cửa tiếp đón các quốc gia phương Tây, Nhật Bản chúng ép Đảng, Nhà nước, Chính phủ không được ra thông cáo và tuyên bố những gì bất lợi cho chúng. Chúng còn can thiệp sâu vào chuyện nội bộ của chính quyền qua việc sắp xếp và bố trí nhân sự trong bộ máy nhà nước, những nhân vật nào có ý đả kích chống đối lại đường lối, chủ trương của TQ sẽ bị loại bỏ hoặc không còn được kiêm giữ những chức vụ quan trọng trong bộ máy chính quyền. 

Vì sao tình hình đất nước lại rơi vào hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan như hiện nay? Có phải sự thật được ẩn giấu từ trong ánh hào quang của những chiến thắng: Điện Biên Phủ, Giải phóng miền Nam? Bởi những sự kiện lịch sử ấy đã gắn liền với các điều khoản được ký kết trong những bản hợp đồng vay mượn? Suy xét cặn kẻ mọi khía cạnh trong cuộc đời ta nhận thấy rằng, chẳng một ai hào phóng cho không bao giờ kể cả những nhà từ thiện, vì những nhà từ thiện có dư dã họ mới làm từ thiện hoặc dùng điều kiện để quảng bá tên tuổi, thương hiệu? Cho nên khi nói đến cái tinh thần quốc tế vô sản cũng chỉ là những kiểu nói lừa bịp thiên hạ? Vì sau khi đánh chiếm xong miền Nam cũng là đến lúc Trung quốc tính sổ nợ nần, mười sáu tấn vàng trong ngân khoản dự trữ của Việt Nam Cộng Hòa cùng với chiến lợi phẩm của cả miền Nam không bao giờ đủ để trả nợ cho Trung quốc, kể cả Liên xô cũ? Vì vậy khi đàm phán, Tổng Bí thư Lê Duẫn ra điều kiện giãn nợ thì Bắc Kinh yêu sách đòi cắt đất, nhượng biển khiến cho ông Lê Duẫn nỗi nóng kéo úp chiếu bạc tuyên bố xù nợ bằng động thái tuyệt giao với Bắc Kinh, đứng hẳn về phía Liên xô! Bắc kinh một phen bầm gan tím ruột ngày nào cũng ra rả trên sóng, đài phát thanh: “bọn Lê Duẫn, Trường Chinh những kẻ lừa thầy, phản bạn… sẽ quyết dạy cho Việt Nam một bài học”.

Với chiến lược: “đâm bị thóc, chọt bị gạo”, khoản tháng 9 năm 1976 Trung Quốc đã xúi giục đám Khơ-me đỏ khát máu (sau khi gây ra cuộc thảm sát đau thương tang tóc trên khắp đất nước họ với hơn một triệu người dân bản xứ bị giết hại và gần hai triệu người trốn chạy), đang say máu tràn sang biên giới đốt phá, hãm hiếp, giết hại kích hoạt nên cuộc chiến biên giới Tây Nam. Đồng thời dọc theo biên giới sáu tỉnh phía Bắc, ngày 17 tháng 02 năm 1979 Bắc Kinh xua 60 vạn quân ào ạt tràn sang đốt phá, san bằng làng mạc cướp bóc, giết hại dân thường. Tội ác này đáng bị nguyền rủa, lên án và ghi vào sử sách để luôn nhắc nhỡ các thế hệ con cháu nối tiếp không bao giờ quên? Thế nhưng ngược ngạo thay lại có một nghĩa trang tươm tất tôn thờ, tưởng nhớ những kẻ xâm lược nằm ngay trên lãnh thổ Việt Nam. Ngược lại vong linh của những dân quân, chiến sĩ ngã xuống giữ gìn cương thổ tổ quốc lại phảng phất không nơi nương tựa! Một dân tộc có hơn bốn ngàn năm văn hiến, một dân tộc luôn tự hào là anh hùng, trong quá khứ từng đánh bại nhiều đế quốc sừng sỏ nhưng nay lại khiếp nhược, cúi đầu trước kẻ xâm lược. Thật tủi hờn, nhục khí trước vong linh của Tiền nhân bao đời khó nhọc gầy dựng nên quê hương, xứ sở Việt Nam. Thảm thương thay cho một đất nước Văn Hiến có một bộ phận thiểu số ương hèn mà số phận của cả dân tộc khó thoát khỏi cảnh nô lệ. Vì hiểm họa xâm lăng, mất nước đang mỗi ngày một đến gần?

Vào tháng 7 năm 1988 không bỏ qua cơ hội khi khối Đông Âu và nội bộ Liên Bang Xô Viết rối ren, lực lượng hải quân Trung Quốc tiến sâu xuống vùng biển đông tiến chiếm thêm mấy đảo và một số bãi cạn trong quần đảo Trường sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Thời kỳ ấy, tuy dán cái mác Cộng sản nhưng trên thực tế Trung quốc vẫn được xem như đồng minh của Hoa kỳ nhờ vào những cuộc hội ngộ đi trong bóng đêm giữa hai Nhà nước lớn, dẫn đến việc bức tử Nhà nước nhỏ Việt Nam Cộng Hòa, một Quốc gia đã từng được chính những nước lớn ký kết công nhận ở hiệp định Giơ-ne-vơ ngày 20 tháng 7 năm 1954. Khi đặt bút ký kết hòa đàm Pari ngày 27 tháng 01 năm 1973 chính thức bỏ rơi đồng minh VNCH người Mỹ đã mật ước với phía Trung quốc: “Nếu xảy ra một cuộc đối đầu toàn diện, Trung Quốc sẽ không đứng về phía Liên xô …”. Vì vậy trong hai ngày 18 và 19 tháng 01 năm 1974, mặc dù đang có mặt ở vùng biển Thái Bình Dương không xa nơi xảy ra chiến sự nhưng Đệ thất hạm đội của Hoa Kỳ vẫn án binh bất động, cho dù có sự yêu cầu giúp đỡ của đồng minh VNCH nhưng Hoa Kỳ cũng làm ngơ để cho Trung quốc mặc nhiên chiếm trọn quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Như vậy có thể nói: khối cộng sản Đông Âu và Liên xô sụp đổ kéo theo sự tan rả của khối cộng sản quốc tế nhờ có công góp sức của Trung Quốc.

Sau sự kiện ngày 30 tháng 4 năm 1975, Việt Nam lại bị cuốn vào cuộc chiến biên giới cả Nam lẫn Bắc, vừa bị quốc tế cô lập vì các cáo buộc chiếm đóng trái phép đất nước Chùa Tháp, vừa bị Trung Quốc lấn át biển đảo. Tình hình kinh tế kiệt quệ vì hậu quả của các cuộc chiến tranh, mà phần lớn do nền kinh tế quan liêu, lạc hậu thời bao cấp để lại. Sự phát triển kinh tế thời kỳ này chỉ là những con số nhảy múa, biến hóa theo hệ thống tư duy lý luận chính trị; không tuân thủ theo nhu cầu thực tiễn của thị trường. Những hoạch định chính sách phát triển cũng không thể vượt ra ngoài tầm khuôn mẫu đã định sẳn và thường tuân theo những khẩu hiệu tuyên truyền hơn là một nền tảng kinh tế - chính trị bền vững. Tất cả những con số báo cáo: “đạt, vượt chỉ tiêu, kế hoạch” chỉ là những con số dối trá và giả tạo nằm trên mớ giấy lộn không một giá trị xác thực. Bởi vậy khi cơn địa chấn chính trị diễn ra nhanh chóng vào những năm 1989-1991, làm cho cả khối Đông Âu và Liên bang Xô viết chính thức sụp đổ, tan rả thì Việt Nam không chỉ mất hẳn chỗ dựa chính trị, thị trường kinh tế mà còn mất hẳn các khoản viện trợ lương thực, thực phẩm từ quốc tế cộng sản đã khiến cho cả tập đoàn hệ thống chính trị phải hốt hoảng khi đứng trước ngã ba đường: con đường đi thẳng tiến lên CNXH đang là ngỏ cụt, rẽ phải theo con đường Tư bản chủ nghĩa lo sợ không giữ vững nỗi chế độ trước làn sóng Dân chủ đang lan rộng và kết cuộc chấp nhận rẽ trái sà vào lòng gã hàng xóm mình mẩy trần trụi đầy lông lá nham hiểm và gian tham. 

Cũng từ thập niên 1990 con Quỷ Trung Quốc hơn trăm năm ẩn mình bắt đầu hiện hình trỗi dậy vươn móng vuốt với thế giới và nhe nanh với Hoa kỳ rằng: “Đài Loan là một phần lãnh thổ không tách rời của nó”. Sự thiệt thòi của những quốc gia nhỏ yếu thường bị xếp đặt trên bàn cờ mặc cả chính trị bởi những nước lớn là không thể tránh khỏi? Quốc gia Đài Loan cũng là một nạn nhân nhưng vẫn còn may mắn hơn người anh em VNCH thời chiến tranh lạnh vì vẫn giữ vững được chủ quyền quốc gia? Khi nói đến người Đài Loan, ngạn ngữ Việt Nam có câu: “Hổ nào cũng là hổ”, ngụ ý nói người Đài Loan ngày nay cũng là người Trung Hoa di tản sau làn sóng nhuộm đỏ Đại lục của CNCS vào năm 1949. Thực ra không phải như vậy! Người Đài Loan ngày nay đã sáng suốt và dễ dàng nhận ra chân tướng của chủ nghĩa bành trướng được sản sinh từ chủ nghĩa cộng sản kết hợp với chủ nghĩa đại Hán và đang đẻ ra muôn vạn cái vòng kim cô nhằm khống chế tư tưởng mọi tầng lớp yêu chuộng dân chủ - tự do. Cho dù Trung quốc ngày nay có trỗi dậy mạnh mẽ, người dân Đại lục có mức sống cao hơn trước kia nhưng giá trị về nhân sinh, nhân quyền vẫn sẽ mãi mãi không có gì thay đổi? Vì vậy khó có thể xảy ra chuyện Đài Loan muốn sáp nhập hay trở thành một vùng lãnh thổ của Trung Quốc. Hơn nữa trên bàn cờ chiến lược, Hoa kỳ sẽ không dễ dàng đánh mất Quốc đảo Đài Loan và nước Nhật cũng sẽ bằng mọi phương cách ngoại giao thuyết phục chính quyền Đài Bắc không lệ thuộc để lãnh thổ rơi vào tay Trung quốc.

Thập kỷ 1980 của thế kỷ trước, Đài Loan là một quốc gia đầu tiên dám vượt qua mọi rào cản cấm vận để thiết lập nên mối bang giao hữu nghị toàn diện với Việt Nam và đã giúp Việt Nam giải hạn bằng một bài học vỡ lòng: “kinh tế thị trường” nhằm mục đích hợp sức chống lại kẻ thù chung trước mối lo ngại “Chính sách một Trung Quốc”. Mối quan hệ thương mại Đài - Việt thực sự được đẩy mạnh từ những năm 1990, nhiều Công ty, nhà máy nhỏ và vừa bỏ vốn đầu tư làm ăn tại Việt Nam. Kinh tế - thương mại hai chiều bước đầu giúp Việt nam vượt qua vấn nạn thất nghiệp, từng bước vực dậy nền kinh tế bao cấp lạc hậu. Đầu năm 1992 một Tập đoàn kinh tế lớn của Đài Loan cùng quan chức Chính phủ VN chính thức làm lễ động thổ khai trương Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, Tp.Hồ Chí Minh. Có thể nói Kcx Tân Thuận được hình thành đầu tiên trên cả nước đã mở đầu cho một “nền kinh tế thị trường định hướng xhcn?” trên đất nước Việt Nam. Sự phát triển tích cực nối tiếp là hàng loạt Khu công nghiệp, Khu kinh tế, Khu kỹ nghệ cao ra đời và mở rộng trên khắp các tỉnh thành dựa theo mô hình Khu chế xuất nói trên (đồng thời cũng nổi lên những nhóm cơ hội lợi dụng chính sách thu hồi, chiếm hữu đất đai của nông dân làm của riêng; trục lợi trên mồ hôi, nước mắt bao đời của những người nông dân đã dẫn đến việc bội thực KCN, KKT? Vốn đầu tư nằm chết dí trong những khu đất để hoang phế trong lúc người nông dân bị thu hồi đất không có đất canh tác, sản xuất). Suốt hai mươi năm kể từ năm 1990 cho đến năm 2010, Đài Loan là quốc gia dẫn đầu về vốn đầu tư lẫn kim ngạch xuất nhập khẩu. 

Dưới sức ép của Trung quốc kể từ sau “Hội nghị thành đô”, tháng 9 năm 1990, quốc gia Đài Loan không được xem như một nhà nước độc lập mà chỉ là một vùng lãnh thổ thuộc Trung Quốc vì vậy việc thiết lập bang giao đã gặp nhiều trở ngại? Văn phòng Kinh Tế Văn Hóa Đài Bắc bị buộc phải chuyển đến địa chỉ số 336 Nguyễn Tri Phương, quận 10, Tp.Hồ Chí Minh! Trụ sở 175 Hai bà Trưng, quận 3 có kiểu dáng kiến trúc đặc trưng Á Đông vốn dĩ là Đại sứ quán Đài Loan dưới thời Việt Nam Cộng Hòa nay đã bị trưng dụng chuyển giao cho lãnh sự quán Trung Quốc chính thức tiếp quản và sử dụng từ năm 2013. Về nguyên tắc, trụ sở Tổng lãnh Sự quán, Sứ quán hay Tòa Đại sứ là tài sản riêng của mỗi quốc gia khi thiết lập bang giao và ở đó được xem như một lãnh thổ “bất khả xâm phạm”. Trong mối quan hệ ngoại giao dù có xảy ra bất đồng không thể thương lượng, trụ sở đó vẫn được giữ nguyên trạng không tự ý chiếm giữ hay phá bỏ. Vì vậy việc làm của Chính quyền Việt Nam càng chứng tỏ rõ động thái yếu hèn, khiếp nhược có một không hai trong lịch sử bang giao Quốc tế? Những việc làm trên đã khiến cho Chính phủ Đài Bắc bất nhẫn và phản ứng lại bằng việc mở rộng sân bay và cầu cảng trên đảo Ba Bình một đảo lớn nhất nằm trong quần đảo Trường sa thuộc chủ quyền của Việt Nam mà Đài Loan đã “giữ hộ” từ những năm 1956. Theo nhận định của cá nhân tôi việc thu hồi đảo Ba Bình từ lãnh thổ Đài Loan sẽ không khó khăn nếu biết dựa vào phương diện bang giao quốc tế khôn khéo, bình đẳng và dựa trên nền tảng chính trị của một nhà nước ổn định, bền vững. Nếu cứ cố tình dựa dẫm vào Trung Quốc thì nền tảng độc lập - tự chủ sẽ không vững vàng, chủ quyền lãnh thổ quốc gia bị đe dọa, tinh thần đoàn kết dân tộc ngày càng bị đè nén, mai một Việt Nam sẽ mất cả chì lẫn chày không thể nghĩ đến việc thu hồi Hoàng Sa, lẫn Trường Sa trong tương lai.

Khi Chính quyền Đài Loan và chính phủ Việt Nam thiết lập mối quan hệ giao thương vào thập niên 1980 mà việc hình thành Khu chế xuất Tân Thuận đầu tiên như nói trên là một điển hình. Trong cùng thời điểm một doanh nhân Hoa Kỳ gốc Hồng Kông cũng xin cấp phép đầu tư vào KCXLT nhưng vốn đầu tư hoàn toàn là của một tập đoàn kinh tế nhà nước Trung Quốc. Tập đoàn này mang danh nghĩa đầu tư trong lĩnh vực kinh tế đối tác kinh tế, thương mại nhưng thực chất đàng sau nó là cả một mạng lưới gián điệp vừa thu thập tin tức tình báo, vừa giám sát các mối quan hệ giao thương kinh tế với đảo quốc Đài Loan và các quốc gia có tuyên bố chủ quyền trên biển đông như: Việt Nam, Philippin. Malaisia… Mạng lưới phản gián VN khi phát hiện ra đây là một tập đoàn kinh tế trá hình, mọi việc đã chậm trễ! Cho dù chính quyền Thành phố lúc ấy cố tìm mọi cách ngăn trở, chuyển đổi đối tác nhưng không thành công: Vì bọn chóp bu trong chính quyền Trung Quốc đã ngang ngược trực tiếp nhúng tay vào, bởi hậu quả về một chế độ thần phục đã bắt đầu có hiệu lực trên toàn cõi đất nước Việt Nam kể từ sau Hội nghị thành đô vào ngày 04 tháng 9 năm 1990. Gần hai mươi lăm năm trôi qua, mối quan hệ chồng lấn trên phương diện kinh tế - chính trị nói trên có lẽ đã được giải tỏa vì nơi này hiện nay đang là một KCX ổn định, nền nếp?

Trở lại việc Trung quốc có những hành động ngang ngược xua cả một đội tàu hiện đại, hùng hậu hơn trăm chiếc trong đó có những tàu quân sự võ trang hộ tống hạ đặt giàn khoan HD 981 nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thểm lục địa của Việt Nam: “ đã khiến cho tất cả những ai là người Việt Nam dù trong hay ngoài nước đều phẩn nộ…”. Làn sóng biểu tình chống Trung quốc không chỉ có trong nước mà còn lan rộng trên khắp thế giới những nơi nào có người Việt Nam sinh sống. Nhưng còn nguyên nhân cuộc biểu tình của giới công nhân dẫn đến việc mất kiểm soát gây ra bạo loạn cách đây hơn một tháng vào hai ngày 13 và 14 tháng 5 năm 2014 ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Hà Tĩnh lại là một hệ lụy khác mà chính quyền địa phương lẫn giới truyền thông khẳng định do những phần tử lưu manh, côn đồ kích động lôi kéo. Theo nhận xét của cá nhân tôi, bản chất của vụ việc nói trên không loại trừ khả năng Trung quốc đã tương kế, tựu kế để nhằm phá vỡ mối liên kết giao thương Đài-Việt trong hiện tại và cả tương lai. Chính bọn Trung Quốc đã tổ chức, bỏ tiền mua chuộc, thuê mướn bọn lưu manh, đầu gấu, bọn du thủ du thực gây nên cuộc bạo động nói trên (và không biết chừng cái lũ lưu manh, côn đồ này chính là công cụ của chế độ thường núp dưới danh nghĩa quần chúng tự phát chuyên đàn áp, đánh đập những người biểu bình chống Trung Quốc trước kia, là công cụ bạo lực chuyên chính dùng để trấn áp người dân mỗi khi chúng phá nhà, cướp đất đẩy dân ra đường biến họ thành dân oan không nhà, cửa phải lê la diễu hành khắp đường phố để khiếu kiện đòi nhà, đòi đất).

Nếu thực sự cuộc biểu tình gây bạo loạn có tổ chức do chính bọn Trung quốc dàn dựng, chủ mưu; như vậy có thể nói lực lượng an ninh chìm nổi chỉ có tác dụng để trấn áp dân chúng, ngược lại vô hiệu hóa và mất cảnh giác đối với những âm mưu có tính chiến lược lâu dài như: “gây bất lợi cho nền kinh tế vốn đang phụ thuộc rất lớn vào dòng vốn của nước ngoài, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, mối thiện cảm của thế giới dành cho Việt Nam trong việc tuyên bố chủ quyền hợp pháp trên biển Đông”. Việc gây bạo loạn khiến cho chính quyền một mặt phải lo đối phó hướng sự chú ý trong nước, chi phối đến những chính đối ngoại và hướng dư luận đi theo một chiều hướng ngược lại với những gì đang diễn ra trên biển đông. Nhiều người cho rằng những kẻ đập phá, phóng hỏa do nhầm lẩn chữ viết Trung quốc và Đài Loan giống nhau? Nhưng thực chất việc tấn công này lại có chủ định, nhắm vào các doanh nghiệp Đài Loan để họ lo sợ không còn dám làm ăn với Việt Nam hoặc nếu có cũng ở mức hạn chế và chừng mực. Mưu đồ của Trung quốc không chỉ đơn thuần đánh vào môi trường đầu tư mà còn đánh vào mối bang giao thân thiện giữa Việt Nam - Đài Loan. Vì vậy thật dễ hiểu vì sao có đến 162 doanh nghiệp Đài Loan bị đập phá, bị phóng hỏa và cướp bóc trong cuộc bạo động nói trên. Với chính sách một Trung Quốc, việc Đài Loan có nhiều mối bang giao thân thiện, có nhiều dự án đầu tư với các nước đã đi ngược lại chính sách thâu tóm lãnh thổ Đài Loan của Trung quốc. Đồng thời Bắc kinh cũng đã đánh hơi nhận ra việc Đài loan giúp sức cho những quốc gia khác như Việt Nam phát triển kinh tế để thoát dần khỏi sự khống chế, kiềm tỏa và thôn tính của Trung quốc trong tương lai. 

Với động thái kéo đặt giàn khoan HD 981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền của Việt Nam; Trung quốc không những gây bất ổn trên biển đông mà còn lộ rõ tham vọng kiểm soát tuyến đường hàng hải Quốc tế, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh, chủ quyền lãnh thổ của các quốc gia ven biển đông. Cho dù có hay không có Công hàm bán nước và những loại sách báo thiếu kiến thức thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa thì Trung Quốc cũng không bao giờ từ bỏ bản chất tham vọng bá quyền hung hăng, ngang ngược bất chấp luật pháp quốc tế. Nhờ vào sức mạnh kinh tế, quân sự hiện có: Trung Quốc không những dễ dàng bắt nạt, thao túng các quốc gia nhỏ yếu mà còn tác động, chi phối lên các quốc gia lớn mạnh như Nga và cả Hoa Kỳ? Vì vậy cũng không khó hiểu khi Trung Quốc ngang ngược đánh bắt hải sản, giết hại Ngư dân ngay trong hải phận của Việt Nam và đỉnh điểm là việc kéo đặt giàn khoan HD 981 nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Thế nhưng lại có nhiều quốc gia kể cả Hoa Kỳ cũng luôn tuyên bố đây là vùng biển tranh chấp theo nguyên tắc phải giữ nguyên hiện trạng? Phải chăng Trung quốc đang có trong tay một loại tài liệu bí mật dựa vào những điều khoản đi đêm được ký kết với Hoa Kỳ trong các năm 1972 – 1973? Hay Hoa kỳ muốn tránh né dư luận quốc tế chất vấn: “Vì sao hạm đội 7 đang làm nhiệm vụ tại vùng biển Thái bình Dương không xa nơi chiến sự xảy ra lại bỏ mặc đồng minh VNCH để cho Trung Quốc ngang nhiên đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa vào hai ngày 18 và 19 tháng 01 năm 1974”? 

Nếu Trung quốc đi nước cờ cao, bọn chúng sẽ nhượng bộ ngồi vào bàn đàm phán đồng ý rút lui giàn khoan HD 981 cùng đội tàu hộ vệ hơn trăm chiếc về nước! Lúc ấy nhà tù sẽ được rộng mở để tiếp đón những nhà bất đồng chính kiến, nhà giam sẽ được xây thêm cho những đoàn người biểu tình chống TQ vào tá túc. Cùng lúc tinh thần yêu nước bị dập tắt, bị khủng bố tàn bạo hơn, Luật Biểu tình sẽ không bao giờ có để người dân bày tỏ chính kiến và cơ hội đoàn kết để lên án bọn bá quyền xâm lược. Nếu sự nhận định này xảy ra, dựa trên toàn cục quan hệ chính trị quốc tế: Việt Nam sẽ tự đánh mất vai trò của một Quốc gia độc lập, tự chủ và toàn vẹn lãnh thổ. Nếu vẫn mang tư tưởng đeo bám, lệ thuộc vào Trung quốc Việt Nam sẽ tự cô lập và lại rơi vào vòng kiềm tỏa? Thế giới sẽ không còn kiên nhẫn để tin vào một Nhà nước lém lỉnh, ranh ma! Làm cho họ phải mệt mỏi, tốn phí thời gian để dễ dàng bị mắc lừa, lôi kéo vào cuộc để xem những màn hài kịch của cặp đôi hoàn hảo trong vở diễn: “hai nhà nước anh em cùng ý thức hệ…”. Chính quyền hiện nay vẫn mơ tưởng đến việc bọn xâm lược sẽ ban phát ân huệ về lòng tin chiến lược, vẫn đợi chờ vào lòng nhân của bọn hiếu chiến di dời giàn khoan ra khỏi vùng hải phận bị xâm nhập trái phép để giữ thể diện với bàn dân thiên hạ trong nước và nở mặt, nở mày trước thế giới rằng: “Trung Quốc chỉ đùa giởn cho vui…”? Sự thực bọn bá quyền Bắc kinh không dễ dàng bỏ qua cơ hội trong lúc Mỹ và Nga cùng đang vướng chân tại Ukraine và những bất ổn mới tại Syria, Iraq. Trung quốc lại đang mở thêm những mặt trận mới khi ồ ạt đưa thêm 4 giàn khoan dầu vào vùng Biển Đông trong đó có giàn khoan Nam Hải số 9 đang di chuyển tới gần vùng biển đặc quyền kinh tế thuộc quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. 

Trãi qua nhiều triều đại phong kiến từ xa xưa cho đến tận ngày nay, bọn bá quyền phương Bắc không bao giờ từ bỏ giấc mộng thôn tính nước ta. Dân tộc ta chỉ được yên ổn, vui hưởng thái bình mỗi khi tình hình nội bộ của chúng có biến loạn, rối ren. Khi đất nước của chúng yên ổn, thịnh trị thì bọn chúng lại tìm cớ sang xâm lấn. Điển hình là tất cả những gì bọn chúng thực hiện trên khắp đất nước ta từ trước cho đến nay mà đỉnh điểm là giàn khoan HD 981 trên biển Đông! Trong xu thế thời đại hội nhập, toàn cầu hóa những người có chức trọng, quyền cao nếu có tâm huyết sẽ không thể ngồi yên nhìn đất nước trì trệ, lạc hậu. Nhà nước Việt Nam hãy chấm dứt việc tự đeo gông vào cổ và bắt dân mình phải đeo gông theo! Hãy dứt bỏ đi quá khứ lạc hậu, đói nghèo; mạnh dạn cải cách thể chế toàn diện để phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản ngày nay! Hãy giảm bớt chuyện nói tài, nói giỏi, nói nhiều hơn làm. Một nhà nước thịnh trị phải là một nhà nước biết lo cho sự an nguy của xã tắc, phải biết thương dân, lo cho dân và kính trọng dân, biết trọng dụng nhân tài, dám hy sinh từ bỏ quyền lực vì sự nghiệp chung. Một chính quyền vững mạnh là một chính quyền trong sáng, minh bạch không tham quyền cố vị, không vì lợi quyền riêng tư thu vén cá nhân, không xem nhẹ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của dân. Chế độ nào càng cố ôm chân bọn cướp nước chế độ đó chính là những kẻ bán nước, Nhà nước nào chủ trương dựa dẫm, lệ thuộc kẻ xâm lược nhà nước đó chính là những kẻ cõng rắn cắn gà nhà. Càng cố dựa dẫm, lệ thuộc vào chúng chừng nào thì cái ngày bọn xâm lược giày xéo lên đất nước, lên mồ mả ông cha, tổ tiên sẽ không còn xa. Chúng sẽ dẫm đạp lên đầu dân chúng lún sâu xuống tận đáy của sự bần cùng, khốn khổ và đưa đẩy đất nước, dân tộc đi đến chỗ mất nước, diệt vong.


Người Nông Dân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét