Pages

Thứ Bảy, 28 tháng 6, 2014

Hai chữ Việt Nam













Phạm Minh-Tâm (Danlambao)

Việt Nam, Việt Nam…
hai tiếng gọi thật êm đềm tha thiết
Nghe ngọt ngào nhưng buốt giá tận trong tim…

Người ta thường nói rằng thời gian là liều thuốc có thể chữa lành mọi vết thương nói chung, rồi khi vết thương lành thì hết đau… nhất là về tâm lý và tinh thần. Kinh nghiệm này đã sai đối với người Việt Nam và đặc biệt là khối người Việt Nam có tinh thần quốc gia sống trên phần lãnh thổ Miền Nam từ sau Hiệp định Genève.

Càng đọc kỹ lại lịch sử cận đại và nhìn vào hoàn cảnh đất nước hiện nay càng thấy rõ ràng là kể từ khi có cái chủ thuyết cộng sản du nhập, quê hương Việt Nam bắt đầu mang thêm tai ách của một cái nghiệp chướng bên cạnh những khổ nạn đến từ chế độ nô lệ ngoại lai. Miền Đất Mẹ chẳng những đã bị bầm giập với các vết thương do ngoại nhân chia cắt mà còn mỗi ngày thêm những vết nội thương nhức nhối hơn, bởi chính một số người Việt Nam vong thân, mất gốc gây nên. Cái số người này nếu còn có thể nói chung là “đồng bào”, là anh em theo nghĩa của huyền sử một bọc trăm trứng thì đấy chính là những đứa con bất hiếu, bất mục và phá gia chi tử… mà cứ động mở miệng ra thì toàn là lưỡi cú diều uốn nắn ngôn từ thành những khẩu hiệu trí trá như những vết cắn xước da, nát thịt anh em. Đến nay thì miền Đất Mẹ đã giống như một thân thể bị làm độc thành lở loét vì những vết thuơng do các đứa con mất nết kết bè lập đảng gây ra trong hơn ba phần tư thế kỷ nay. 

Cái mô hình xã hội chủ nghĩa mà ông Hồ Chí Minh và đảng cộng sản đã thêm vào hai chữ Việt Nam để cưỡng gán cho đất nước, dùng nó làm đạo bùa ma quái dối gạt bao lớp người Việt bấy lâu, nay chỉ còn là tờ văn tự bán nước với chữ ký của gần ba triệu đảng viên lớn nhỏ. Cái đám người cộng sản này đã biến hai chữ Việt Nam thành một nhãn hiệu thật tội nghiệp, thật đau xót cho tổ tiên, cho gần chín chục triệu con dân còn lại.

Những thứ phù phép chính trị của người cộng sản Việt Nam đã tận dụng như đấu tranh giai cấp, giải phóng dân tộc, xây dựng một xã hội bình đẳng giữa người với người để không còn bất công, bóc lột, đàn áp… vân vân… và… vân vân… giờ đây chỉ còn là sự thật trần trụi của cái bánh vẽ với các đường nét vụng về đã nhoè nhoẹt thành tỳ ố. Người dân đã nhìn thấy đủ hết hai mặt của một tấm phông vẽ. Những gì là thực sự bất công; là thực sự bóc lột; là những thủ đoạn nham hiểm và bạo lực để đàn áp dân chúng… cũng chính là nền tảng của chế độ hiện nay. Và cũng từ đó suy ra, bất cứ cái gì đã được nêu lên thành khẩu hiệu thì đó là cái không có thật trong cuộc sinh hoạt của xã hội Việt Nam kể từ khi những người cộng sản nắm quyến. 

Cho đến nay, khối dân tộc gần chín chục triệu đã chia nhau bao nhiêu kinh nghiệm xương máu với những ung nhọt càng ngày càng xưng tấy lên... cắn rứt hết những con người Việt Nam nào miệng còn thơm mùi sữa mẹ Âu cơ với một tấm lòng đầy trắc ẩn về tiền đồ của đất nước, của dân tộc. 

Ai đến miền Bắc Việt Nam sau năm 1954 và cả miền Nam sau năm 1975 đều nhận thấy cái khẩu hiệu “không có gì quý hơn độc lập, tự do” luôn luôn được đem vẽ vời ở khắp nơi; từ những mặt tiền cơ sở uy nghi bề thế của chế độ đến những bức tường loang lổ khắp hang cùng ngõ hẻm, quả là trâng tráo và mỉa mai. Nó chẳng khác gì một lời xác nhận với cả nước là thứ quý hiếm này ở đây không có đâu. Thành vậy mà phải có những người mạnh dạn quyết đòi cho có, quyết đấu tranh để tìm cho được cái thật hiếm hoi này.

Năm nay là năm thứ 39 Miền Nam tự do mất vào tay đảng cộng sản. Năm nay cũng là năm thứ 39 cả nước cùng chung nhau một cái ách bằng chữ nghĩa thậm xưng là “thống nhất” để cả nước khốn khổ; để cả nước dắt díu nhau làm nô lệ Tầu. Đã 39 năm những người Việt ở Miền Nam bỏ nước ra đi sống đời du mục kiểu mới; lang thang khắp cùng thế giới mà chưa có ngày về. 

Dân Do thái trong thời gian bị mất nước, lang thang đủ nơi xứ lạ quê xa nhưng chắc chắn họ không khi nào quên về thân phận của họ là những người dân mất nước. Bởi thế, như một nỗi thao thức khó nguôi, họ đã nhắc nhở cho nhau mối tình hoài hương bằng lời chào mang tròn ý ước hẹn “Năm tới ta về Jérusalem – L’an prochain à Jérusalem”. Thế rồi họ đã về, về trong vinh quang đẫm đầy mồ hôi, máu và nước mắt nóng. 

Chúng ta mỗi người Việt Nam, cách riêng người dân của phần đất tự do còn lại sau hiệp định chia cắt năm 1954, còn lại ở trong nước hay ngoài nước sau cuộc đổi đời 30/4/1975, tưởng cũng đã nếm đủ những tủi hờn nơi mỗi cuộc đời; đã đếm đủ những mất mát, những đổ vỡ từ hậu quả về một cuộc phế hưng của dân tộc và nhất là cũng thật thấm thía cho một bài học lịch sử với những giá trị bị lật ngược; những trật tự bị đảo lộn; những sinh hoạt nền tảng từ trong nhà đến ngoài xã hội; những mất còn rối tung… cứ như thời gian bị quay ngược vòng kim đồng hồ. Một bài học lịch sử vừa mở ra.

Các danh nhân như Winston Churchill hay George Santayana và nhiều người nữa đã từng chia sẻ chung một kinh nghiệm rằng “Những ai không học những kinh nghiệm từ lịch sử thì sẽ tái diễn nó”. Học không phải chỉ là nhớ suông hay để mang nặng hận thù mà là để nhắc nhở cho từng thế hệ kế thừa rằng gắn bó với quá khứ không phải chỉ để tự hào, hãnh diện về những chiến thắng kiêu hùng của tiền nhân anh dũng mà còn là cơ hội để những người trong hiện tại phải đấm ngực ăn năn về những điều ê chề đáng tủi hổ mà mỗi người đều chung trách nhiệm… để lấy đó làm gương mà giảm bớt đi những tai ương, những kiếp nạn có thể tránh cho đất nước. 

Bài học lịch sử của Việt Nam hiện nay không những chỉ học mà còn phải thuộc nằm lòng nữa. Học để rồi truyền lại cho con cháu như những bản chúc thư của hàng hàng lớp lớp người đã ngã xuống trên giải đất chữ S. Của cả một dân tộc đã nếm đủ mùi vị đau thương của chiến tranh vừa do ngoại bang xâm chiếm, nhưng cũng vừa bởi tham vọng của một số người đã làm nên trang sử nội chiến. Kết quả là đất nước như một thị trường bỏ ngỏ cho các siêu cường thi đua thử nghiệm và rao bán vũ khí. Như một tấm vải để người ta nhuộm thử mầu cờ sắc áo. 

Những người trẻ Việt Nam của thế hệ 1945 – 1975 đã phải oằn vai dưới gánh nặng của một giai đoạn lịch sử nghiệt ngã. Rồi sự chia cắt đã đem đến cuộc nội chiến tối tăm nhất của đất nước suốt 20 năm. Rồi chỉ thoáng một cái là nửa miền đất nước như rơi vào định mệnh giống như câu Thánh vịnh “con như người thợ dệt, đang mải dệt đời mình, bỗng nhiên bị tay Chúa cắt đứt ngay hàng chỉ…” Song ở đây lại là một định mệnh không có phần tâm linh mà chỉ là những áp đặt oan khiên của trò chơi chính trị… Chỉ như một thoáng ngủ gục ơ hờ, một cái vấp chân vừa ngã xuống chưa kịp gượng dậy thì đã tối tăm cả mặt mũi vì cơn lốc chủ nghĩa trườn tới mà lúc mở được mắt ra nhìn mới biết rằng đã chậm. 

Bây giờ cũng đã 39 năm trôi qua và hình như cũng đã có những người không còn muốn nhớ gì nữa để buông bỏ quá khứ. Nếu chỉ nhìn cái mốc điểm 30/4/1975 như là một khúc quanh của lịch sử phải chấp nhận theo lẽ biến thiên thường tình thì xét cho cùng, người ta muốn quên cũng đúng thôi. Song nếu nhớ ra rằng cái ngày lịch sử này là kết quả tất yếu phải đến chỉ vì những quan niệm lầm lạc, những cố chấp không chính đáng theo phe nhóm, những tham vọng bất cập của cá nhân và tập thể, những tà niệm đầy sân si… mà đã chôn vùi miền tự do còn lại của đất nước vào chung một hố thẳm diệt vong thì có quyền quên hay không? Và tại sao lại phải quên khi vì vậy mà cả nước đã phải hấng chịu nó như là một thử thách của nhận thức, như một cái giá đã phải trả quá đắt về cái gọi là ý hệ này, ý thức nọ? Lại nữa, bản thân mình còn đây, con cháu mình đang cần phải được biết về một nguồn cội và dân tộc phải sinh tồn trong độc lập, tự do, no ấm thì có nên quên hay không? Thái độ buông xuôi của mỗi người phải chăng sẽ như lời Đức Hưng Đạo Vương kết tội là… "khác nào như quay ngọn giáo mà đi theo kẻ thù…” vậy.

Ngày 30/4 năm tới là đúng 40 năm Miền Nam bị mất tự do, cả nước bị xiềng chung một cái cùm chủ nghĩa và gần chín chục triệu đồng bào mang danh con Hồng cháu Lạc sẽ bị chôn chung trong cái hố diệt vong. 

Tuy nhiên, hơn lúc nào hết, từ trong nước ra đến khắp nơi ở hải ngoại, căn bệnh thờ ơ, vô cảm vẫn đang lây lan và càng ngày càng phát tác như một khối u ác tính. Đây không đơn giản là một thứ dịch mà còn nguy hiểm hơn tội ác vì đã đồng loã với tập đoàn bán nước, buôn dân. 

Trong một năm này, ước chi mỗi người Việt Nam lưu vong khắp nơi trên thế giới sẽ chịu bắt đầu hỏi nhau khi gặp gỡ: “Bốn mươi năm rồi đủ chưa”.... Rồi từ câu hỏi này, sẽ tuỳ vào câu trả lời nơi thâm tâm mỗi người mà kết nên lời hẹn ước “Năm tới ta về Sài gòn, về Việt Nam” bằng quyết tâm như David Ben Gourion, thủ tướng đầu tiên của Do thái đã nói “Một quốc gia thì phải xây dựng bằng mồ hôi và nước mắt”.

Có vậy mới hy vọng hai chữ Việt Nam không còn bị ghép vào với những tên gọi đảng cộng sản hay nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa. Cùng trong một hướng tới này, các danh xưng cộng đồng Người Việt ở nơi này, nơi khác sẽ hân hoan góp vào cho hàng chữ Quốc gia Việt Nam được phục hưng trên trường quốc tế, như những vì sao đêm tắt đi nhường chỗ cho một ngôi sao mai bừng sáng.


Phạm Minh-Tâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét