Nhiều công ty lữ hành của Trung Quốc đã ngưng hoạt động ở Việt Nam, theo một lãnh đạo du lịch trong nước.
Tuy nhiên, "các công ty lữ hành Trung Quốc đã chấm dứt hoạt động trên địa bàn thành phố, trong khi khách nước ngoài chủ yếu là người Trung Quốc", ông Lợi cho biết.Ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội được báo điện tử Dân trí ngày 12/6 dẫn lời cho biết trong 5 tháng đầu năm, Hà Nội vẫn đón trên 220.000 khách quốc tế.
Thông tin trên được đưa ra giữa lúc tranh chấp chủ quyền trên biển đang khiến giới quan sát lo ngại sẽ tác động đến kinh tế Việt Nam.
Trước đó, trong tháng Năm, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, ông Nguyễn Văn Tuấn được báo trong nước dẫn lời nói không chỉ khách du lịch Trung Quốc mà cả khách du lịch từ những nơi nói tiếng Hoa như Singapore, Đài Loan, Ma Cao, Hong Kong, cũng đang sụt giảm.
Ông Tuấn cũng cảnh báo điều này có thể sẽ dẫn đến tổng thu giảm hơn 500 triệu đôla trong năm nay.
Tổng doanh thu ngành du lịch trong năm 2013 là 7,5 tỷ đôla, theo số liệu được Tổng cục Du lịch công bố hồi tháng 12.
Một báo cáo hồi tháng Tư của Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch Trung Quốc (CTA) cho biết Việt Nam đứng cuối bảng trong số hơn hai mươi quốc gia người Trung Quốc thường tới du lịch.
Lý do thường khiến du khách Trung Quốc không hài lòng là độ an toàn, dịch vụ bằng tiếng Trung Quốc kém và chi phí du lịch, theo bài viết của tác giả Te-Ping Chen trên Wall Street Journal, theo CTA.
Trong số 22 nước mà viện nghiên cứu đặt tại Bắc Kinh khảo sát (gồm cả Trung Quốc), Việt Nam đứng thứ 21, lần lượt sau Indonesia và Campuchia.
Hồi tháng Năm, các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Tĩnh và Bình Dương đã leo thang thành bạo động khiến nhiều nhà máy, doanh nghiệp Trung Quốc, Đài Loan bị ảnh hưởng.
Bắc Kinh đã cho sơ tán hàng nghìn công dân ra khỏi Việt Nam và yêu cầu Hà Nội bồi thường thiệt hại.
'Ảnh hưởng tạm thời'
"Nhìn từ góc độ tăng trưởng, tác động ngắn hạn của những sự kiện gần đây sẽ tương đối ít. Ngành sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất là dịch vụ du lịch nhưng chỉ là tạm thời"
Ngân hàng HSBC
Trong một diễn biến khác, các tập đoàn nhà nước của Trung Quốc cũng đã nhận được chỉ thị tạm thời không tham gia đấu thầu tại Việt Nam, theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) trong số ra ngày 9/6.
SCMP cho biết ba công ty Trung Quốc đang thực hiện các gói thầu ở Việt Nam cũng nhận được chỉ thị như vậy.
Trong một báo cáo gần đây, Ngân hàng HSBC cho rằng tác động ngắn hạn từ căng thẳng trên Biển Đông đối với kinh tế Việt Nam tương đối ít.
Tuy nhiên, HSBC cũng cho biết chưa thể đánh giá đầy đủ về tác động dài hạn.
Báo cáo chủ đề "Cái nhìn cận cảnh về FDI và giao thương" cho rằng FDI đăng ký từ Trung Quốc tại Việt Nam, dù có tăng lên trong những năm gần đây, nhưng vẫn còn tương đối nhỏ.
Thế nhưng, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam và vì vậy, mối quan hệ kinh tế giữa hai nước đơn thuần là quan hệ chuỗi cung ứng cấp 1 hơn là quan hệ đầu tư, HSBC nhận định.
"Vì thế, nhìn từ góc độ tăng trưởng, tác động ngắn hạn của những sự kiện gần đây sẽ tương đối ít. Ngành sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất là dịch vụ du lịch nhưng chỉ là tạm thời", báo cáo viết.
Tuy nhiên, HSBC cũng khuyến cáo Việt Nam nên cố gắng 'nội địa hóa' nguyên liệu đầu vào để tăng cường quản lý chuỗi cung ứng của mình và giảm bớt sự phụ thuộc vào nguyên liệu từ Trung Quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét