Pages

Thứ Hai, 2 tháng 6, 2014

Hậu Shangri-la: Trung Quốc chà đạp lên dư luận quốc tế thực hiện tham vọng

Nắm bắt cơ hội khi có tiếng nói cuối cùng trong khuôn khổ Đối thoại Shangri-La, Trung tướng Vương Quán Trung, phó Tổng tham mưu Quân đội Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích Nhật Bản và Mỹ đang có những hành động “mang đậm bản chất của hệ tư tưởng bá quyền”.

Tướng Vương Quán Trung nói rằng, các bình luận trước đó của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel là “không thể chấp nhận được” vì đã “khiêu khích” Bắc Kinh.

Ông Vương Quán Trung, phó Tổng tham mưu Quân đội TQ
Trung Quốc tiếp tục “già mồm”

Theo ông Vương Quán Trung, Thủ tướng Nhật Bản Abe và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Hagel đã “phối hợp và khuyến khích nhau” tấn công Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-la – một diễn đàn an ninh khu vực thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận quốc tế sau những căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc với Việt Nam và Philippines ở Biển Đông, giữa Trung Quốc với Nhật Bản ở biển Hoa Đông.

Ông Vương nói: “Tôi có cảm tưởng rằng ông Abe và ông Hagel đang hòa giọng hợp xướng với nhau. Họ đang phối hợp, thông đồng và tận dụng các cơ hội phát biểu tại diễn đàn Shangri-la để khởi xướng việc khiêu khích và thách thức Trung Quốc”.

Theo giới phân tích, dường như những phát biểu trên của Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc không nằm trong nội dung bài diễn văn đã được chuẩn bị sẵn. Điều này cho thấy cá nhân ông Vương nói riêng, giới quân đội và lãnh đạo Trung Quốc nói chung đang thực sự lúng túng trước những phản ứng của cộng đồng quốc tế, phản đối những hành động gây hấn ngang ngược của Trung Quốc trong khu vực.

Tại Đối thoại Shangri-la 13, trong khi Mỹ cử Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel cùng một số tướng lĩnh hàng đầu tham dự, Nhật Bản có đại diện là Thủ tướng Thủ tướng Shinzo Abe và Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera thì Trung Quốc lại không có quan chức quốc phòng hàng đầu tham dự.

Thay vào đó, Trung Quốc cử một đoàn bao gồm các học giả thông thạo tiếng Anh và các quan chức có kinh nghiệm trong lĩnh vực tuyên truyền đối ngoại. Dẫn đầu đoàn Trung Quốc tham dự Đối thoại Shangri-la là Trung tướng Vương Quán Trung – một vị tướng giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực tuyên truyền.

Theo Mark Stokes, một chuyên gia phân tích quân sự Trung Quốc tại Viện Dự án 2049, sự hiện diện của Trung tướng Vương Quán Trung – một trong những nhân vật tài năng nhất trong chiến lược chiến tranh chính trị của quân đội Trung Quốc được kỳ vọng sẽ giúp Trung Quốc cân bằng được lợi thế ở Shangri-la 13.

Mặc dù vậy, bài phát biểu của ông Vương Quán Trung ngoài việc tập trung công kích Mỹ và Nhật Bản cũng như tiếp tục đưa ra những thông điệp hòa bình, tốt đẹp sáo rỗng như: Trung Quốc cam kết xây dựng châu Á hài hòa, một thế giới hòa bình lâu dài và thịnh vượng chung… đã không để lại bất kỳ một dấu ấn nào.

Thậm chí, tờ Christian Science Monitor còn có bình luận cho rằng, những phát biểu của ông Vương Quán Trung đã phá hỏng bầu không khí đối thoại, tăng cường hiểu biết lẫn nhau để giảm bớt căng thẳng trong khu vực.

Chuyên gia Christian Le Miere của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), đơn vị tổ chức Đối thoại Shangri-la nhận định: “Một điều thấy rõ nhất là sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc tại khu vực. Và giờ Nhật Bản cũng tích cực hơn trong việc tham gia an ninh khu vực. Căng thẳng trên biển đang xảy ra nhưng khó có thể hiểu sao phía Trung Quốc lại tỏ ra cộc cằn đến như vậy. Có lẽ vì họ bị phê phán quá nhiều tại cuộc đối thoại lần này”.

Nhà phân tích Bonnie Glaser của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) đánh giá: “Có lẽ phần tuyên bố của tướng Vương chủ yếu nhắm vào khán giả trong nước ở Trung Quốc nhiều hơn. Tôi nghĩ năm nay họ đã bị chỉ trích quá nhiều tại đối thoại. Tôi thấy rất đáng tiếc là tướng Vương đã không trả lời được nhiều câu hỏi. Ông ta dành đến 10 phút lòng vòng để nói về đường 9 đoạn nhưng không giải thích được cuối cùng nó là cái gì”.

Không có lửa làm sao có khói?

Trung Quốc đưa ra tuyên bố như thể họ đang là nạn nhân bị hướng mũi dùi công kích của dư luận quốc tế một cách vô lý và luôn nói rằng nước này đang trỗi dậy hòa bình, sẵn sàng hợp tác với các nước vì hòa bình và ổn định trong khu vực.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào hành động thực tế của Bắc Kinh ở cả Hoa Đông và Biển Đông, người ta khó có thể tin vào những lời hoa mỹ của các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Việc Trung Quốc hết lần này đến lần khác “làm mất lòng tin” của các quốc gia láng giềng cũng như của cộng đồng quốc tế là căn nguyên chính khiến họ ngày càng bị cô lập, chỉ trích nặng nề.

Trong bài phát biểu tại phiên khai mạc Đối thoại Shangri-la hôm 30/5, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã lên án các hành vi của Trung Quốc, đồng thời vạch ra kế hoạch tăng cường vai trò mạnh mẽ của quân đội Nhật Bản trong giải quyết tranh chấp lãnh thổ ở khu vực. Ông cũng đưa ra đề nghị cung cấp tàu tuần duyên cho các nước láng giềng để nâng cao năng lực đối phó với các chiến thuật gây hấn của Bắc Kinh.

Sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cũng đã lên tiếng nhấn mạnh rằng, Washington sẽ không ngồi yên khi trật tự thế giới bị đe dọa và có bất kỳ quốc gia nào phớt lờ luật pháp quốc tế. Ông Hagel kêu gọi các nước tìm kiếm giải pháp hòa bình cho những tranh chấp quốc tế, đồng thời tái khẳng định những cam kết của Mỹ với các đồng minh và những người bạn ở châu Á.

Khẳng định Mỹ không đứng về nước nào trong tranh chấp chủ quyền trên biển nhưng ông Hagel cũng nhấn mạnh Mỹ phản đối mạnh mẽ bất kỳ quốc gia nào sử dụng biện pháp hăm dọa, ép buộc hay đe dọa dùng vũ lực để khẳng định những tuyên bố chủ quyền trên biển.

Theo ông Hagel, trong những tháng gần đây Trung Quốc đã thực hiện những hành động đơn phương, gây bất ổn bằng việc đòi chủ quyền ở biển Đông. Ông Hagel còn cáo buộc Trung Quốc ngăn chặn Philippines tiếp cận bãi cạn Scarborough. Song song với đó, Trung Quốc có những động thái cải tạo đất đai ở một số khu vực thuộc biển Đông và hạ đặt giàn khoan trái phép vào vùng đặc quyền kinh và thềm lục địa của Việt Nam.

Bộ trưởng Quốc phòng Australia, David Johnston cũng bày tỏ chia sẻ mối quan ngại với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 13 về việc Trung Quốc có những hành động gây bất ổn trên Biển Đông.

Bộ trưởng Johnston đưa ra lập trường trên sau khi ông Hagel cáo buộc Trung Quốc có hành động “đơn phương, gây bất ổn,” đặc biệt với việc Bắc Kinh hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Ông nhấn mạnh: “Đây là hành động làm bất ổn tại một khu vực có khả năng mang lại sự thịnh vượng to lớn cho các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương. Sự mất ổn định này đang thực sự hủy hoại triển vọng kinh tế. Bởi vậy, tôi chia sẻ mối quan ngại của Bộ trưởng Chuck Hagel.”

Ông Johnston cho biết thêm Australia sẽ thuyết phục Trung Quốc rằng còn có “con đường khác” không gây nguy cơ đối đầu và leo thang căng thẳng trên biển.

Trung Quốc bỏ qua dư luận quốc tế để thực hiện mưu đồ?

Những tuyên bố và động thái gần đây cho thấy, Trung Quốc đang ngày càng “cảm thấy thoải mái” với ý tưởng rằng họ là sức mạnh hàng đầu châu Á, hoặc ít nhất là nên được Mỹ nhìn nhận một cách công bằng. Có thể là Trung Quốc đang cố để thể hiện rằng, Mỹ sẽ không thể làm gì để ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Giáo sư Hugh White, chuyên gia nghiên cứu chiến lược tại Đại học Quốc gia Australia nói: “Trung Quốc đang tìm cách nâng cao tầm ảnh hưởng một cách liều lĩnh. Những gì chúng ta đang được chứng kiến là sự gia tăng ổn định không chỉ các lời lẽ gây hấn mà còn là hành động cạnh tranh chiến lược”.

Ông White nói thêm: “Có thể nói bây giờ họ (Trung Quốc) đang hành xử với ảo tưởng về sức mạnh, quyền lực. Họ tự cho mình cái quyền trở thành một ngoại lệ, không cần phải tuân thủ bất kỳ một quy tắc hay chuẩn mực pháp lý nào cả”.

Rory Medcalf, Giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế tại Viện Lowy, Australia nhận định: “Trung Quốc không mạnh như họ nghĩ, họ đang ảo tưởng về vị thế của mình. Hành động gây hấn của họ không chỉ khiến các nước khác liên minh lại với nhau để chống lại mà còn khiến cho Mỹ dễ dàng biện minh cho chiến lược tái cân bằng ở châu Á – Thái Bình Dương”.

Điều này không còn là mối đe dọa tiềm ẩn mà đã và đang dần trở thành mối lo mới với Bắc Kinh. Cụ thể, trong bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-la hôm 30/5, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cho biết đã cung cấp ba tàu tàu tuần tra mới cho Indonesia và vừa quyết định chuyển 10 tàu tương tự cho Philippines. "Nhật Bản sẽ tiếp tục hành động này đồng thời thực hiện các cuộc khảo sát cần thiết trước khi đưa tàu đến Việt Nam".

Trước đó, Mỹ và Philippines cũng đã ký một thỏa thuận để tăng cường sự hiện diện của lực lượng Mỹ tại Philippines. Thời gian gần đây, Mỹ cũng đã bày tỏ thiện chí tăng cường hợp tác với Việt Nam cùng các đối tác khác trong khu vực.

Mặc dù vậy, theo ông Ian Storey, một thành viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore cho rằng, tại thời điểm này, những chỉ trích sẽ không ngăn chặn được tham vọng Trung Quốc.

Theo giới phân tích, sở dĩ Trung Quốc lựa chọn cách tiếp cận quyết đoán hơn với các vấn đề tranh chấp lãnh thổ là để “cố thể hiện mình” như là một đối thủ xứng tầm với Mỹ. Tham vọng này của Trung Quốc được thúc đẩy bởi lo ngại rằng, cơ hội có thể sẽ không kéo dài nếu nền kinh tế của nước này tiếp tục tăng trưởng chậm lại và nếu chính quyền hậu Tổng thống Obama có một lập trường cứng rắn hơn với Bắc Kinh./.

Hùng Cường

(VOV)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét