Pages

Thứ Bảy, 7 tháng 6, 2014

Lã Việt Dũng - Tuyên truyền, sự thật và lòng can đảm


Chiều 5/6/2014, một hội thảo "Làm sao để thoát Trung" diễn ra ở Hà Nội.

Một cuộc hội thảo hội tụ khá nhiều những cây đa cây đề của giới trí thức Hà Nội, những người đã ký bản yêu cầu sửa đổi hiến pháp, còn gọi là nhóm 72.

Mặc dù đã có những phát biểu đanh thép, nhưng sự thú vị lại không đến từ những học giả, mà đến từ câu hỏi của các bạn trẻ:

- Đồng ý là chúng ta cần thoát Trung, vì chúng ta đang ở bờ vực. Nhưng chúng ta thoát rất giỏi, thoát từ bờ vực này sang cái vực khác còn sâu hơn, thì sao?

- Các bác nói phải liên minh với nước khác để thoát Trung, vậy nhỡ đến lúc nước đó có vấn đề với Việt Nam, thì lại tìm nước khác nữa liên minh để thoát à?

- Các bác phát biểu rất hay, nhưng đề tài này không mới. TV nói, báo nói, vỉa hè cũng nói. Nhưng sau nói là làm gì? Các bác phất cờ đi?

Những câu hỏi đó được sự vỗ tay nhiệt liệt, nhưng câu trả lời là: im lặng!

Người cộng sản rất giỏi tuyên truyền, và họ có cả bộ máy để làm việc đó. Chỉ cần quăng những câu hỏi không có đáp án vào sinh viên, vào công chức, vào dư luận viên là mọi nỗ lực thoát Trung, mọi nỗ lực thay đổi sẽ rơi vào bế tắc.

Nếu đưa những câu hỏi trên thoát ra khỏi không gian chật hẹp của buổi hội thảo, vào thế giới tự do, không khó để có câu trả lời. Trong phạm vi của buổi hội thảo, của cái xã hội tù túng, đó không phải là các câu hỏi "không có đáp án", mà là những câu hỏi "không dám có đáp án". Để trả lời các câu hỏi đó, cần phải nhìn thẳng vào sự thật, chứ không phải "một nửa sự thật" như tinh thần của buổi hội thảo.

Vì chỉ dám tiếp cận "một nửa sự thật", nên ngay từ đầu, chủ toạ - bác Chu Hảo - đã đặt ra một loạt rào cản. Không quá khích (cái dạo này hay được dùng, có vẻ cứ muốn né tránh là người ta đổ cho quá khích), không bức xúc, không đả kích, có quyền dừng những câu hỏi nhạy cảm... đã làm phần hội nhiều hơn phần thảo, nên dù cũng có nhiều phát biểu mạnh mẽ, nhưng né tránh và không giải pháp.
"Một nửa sự thật" đó thể hiện rõ nét trong bài "Làm sao để thoát Trung" của anh Giáp Văn Dương, diễn giả chính của chương trình. Ngay từ đầu, anh đã đặt rào cản bằng cách giải thích sự khác biệt của từ "làm sao" và "làm thế nào". Theo đó, bài của anh chỉ nêu vấn đề "làm sao" mang tính lý thuyết, còn "làm thế nào" là việc của chính phủ.
Bài của anh có thể tóm tắt làm ba phần như sau:

1. Thoát Trung

- Thoát đi đâu: thoát đi ra phần còn lại của thế giới
- Thoát cái gì: thoát khỏi những ảnh hưởng tiêu cực của Trung Quốc
- Thoát thế nào: muốn thoát khỏi Trung Quốc, cần phát triển hơn Trung Quốc. Vậy nên trả lời câu hỏi thoát thế nào đồng nghĩa với trả lời câu hỏi phát triển thế nào.

2. Làm sao để phát triển: phát triển 7 trụ cột
– Con người tự do
– Giáo dục khai phóng
– Xã hội dân sự
– Hành chính phục vụ
– Thể chế dân chủ
– Kinh tế thị trường
– Nhà nước pháp quyền

Anh nêu cả 7 trụ cột, nói kỹ về giáo dục nhưng không chỉ ra được trong hoàn cảnh hiện nay phải ưu tiên cái gì.

3. Chúng ta (cá nhân, không đề cập đến chính phủ) có thể làm gì?

- Nâng cao năng suất lao động (tự khai sáng, tự cứu mình, đẩy mạnh khởi nghiệp, sáng tạo, đổi mới, làm việc chăm chỉ...)

Nghe bài của anh, mọi người hiểu: Muốn thoát Trung, phải phát triển, muốn phát triển, phải lao động, việc khác có chính phủ lo! (dạo này chính phủ đang có uy tín, nên nhiều người hay dùng từ "chính phủ lo" thay cho "đảng và nhà nước lo")

Đó là một lập luận logic và hợp lý, rất hợp lý nếu chúng ta đang ở ... Mexico, và vấn đề không phải thoát Trung, mà là thoát Mỹ - chỉ cần phát triển hơn Mỹ là thoát. Nhưng ở nơi ấy, trong thế giới tự do, câu hỏi "làm sao để thoát Mỹ" chắc chắn là một câu hỏi ngớ ngẩn. Chính người Mỹ có lẽ đang phải đặt câu hỏi: "làm sao để thoát Mexico".

Vậy đâu là sự thật? Theo tôi, một nửa sự thật còn lại nằm ở câu hỏi: "Tại sao phải thoát Trung?" mà không hiểu vô tình hay cố ý đã bị né tránh (mình đứng lên định hỏi thì bị chặn). Bao đời cha ông ta muốn thoát Trung (cả người Nhật, người Hàn), đến nay chúng ta lại tiếp tục phải thoát Trung. Chúng ta chắc chắn không muốn thoát một nước Trung Hoa dân chủ, vì nó công bằng và đem lại nhiều cơ hội. Chúng ta muốn, và cần phải thoát khỏi một nước Trung Hoa Cộng Sản, như cha ông ta muốn thoát một nước Trung Hoa phong kiến, vì chỉ những nước độc tài toàn trị, độc tài phong kiến mới sẵn sàng chà đạp nhân dân mình, chà đạp nhân dân dân tộc khác để bảo vệ quyền lực của thiểu số, bảo vệ lợi ích của thiểu số và duy trì ý thức hệ của thiểu số.

Sự thật rõ ràng nhưng trần trụi. Chúng ta thoát ý thức hệ của Trung Cộng thế nào, nếu đó cũng là ý thức hệ của chúng ta? Liệu chúng ta có dám thoát nổi mình? Trả lời thẳng thắn câu hỏi đó là điều không thể với bác Chu Hảo, với anh Giáp Văn Dương và những cuộc hội thảo nằm trong toà nhà của Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam. Nhưng khi không thể thì đừng nên nói, đừng nên hội thảo chỉ để nói một nửa sự thật, vì một nửa sự thật vẫn là giả dối, và sự giả dối lại giúp ích đắc lực cho bộ máy tuyên truyền.

"Muốn thoát Trung, phải thoát Cộng. Muốn thoát Cộng, phải dân chủ, đa đảng". Để nói ra điều đó cần một sự can đảm như một cậu bé (có lẽ vì trẻ và ngây thơ) dám hét lên "Hoàng đế cởi truồng!" trong truyện cổ, và để thực hiện nó còn cần sự can đảm gấp nhiều lần. Hi vọng những thành viên trong câu lạc bộ Phan Chu Trinh, những người tổ chức cuộc hội thảo này có thể một lần lên tiếng, một lần thực hiện, một lần can đảm đáp lại lời trách cứ bi ai của cụ:

"Trong khi người nước ngoài có chí cao, dám chết vì việc nghĩa, vì lợi dân ích nước; thì người nước mình tham sống sợ chết, chịu kiếp sống nhục nhã đoạ đày."

Cuối cùng, xin mạo muội trả lời ý kiến của các bạn trẻ, khi đã mạnh dạn tiếp cận sự thật:

1. Chúng ta đang ở trên bờ vực, đó là bờ vực làm nô lệ cho chủ nghĩa đại hán bá quyền Bắc Kinh, bờ vực của sự độc tài toàn trị, không có một bờ vực nào lớn hơn. Vì vậy, khi thế giới văn minh chìa tay cho chúng ta, hãy mạnh dạn nắm lấy và đi cùng họ. Tất nhiên, trong tiến trình dân chủ, chúng ta sẽ có sai lầm, sẽ có va vấp, nhưng hãy tin vào chính mình. Với sự tự do lựa chọn, tự do bầu cử, tự do quyết định, chúng ta sẽ đủ minh mẫn để tìm ra giải pháp cho mình, chắc chắn tốt hơn giải pháp của những người tự cho là đỉnh cao trí tuệ nhưng khư khư ôm lấy cái học thuyết đã thất bại mấy trăm năm.

2. Có thể chúng ta không liên minh với nước này chống nước kia, nhưng chúng ta buộc phải liên minh với nước khác để bảo vệ chủ quyền. Sự liên minh này không phải là sự ràng buộc ý thức hệ, mà là liên minh theo tiêu chuẩn tự do, dân chủ, nhân quyền. Tất nhiên, cái gì cũng có giá của nó, nhưng cái giá phải trả bao giờ cũng rẻ hơn việc mất tất cả vào tay Trung Quốc.

3. Thoát Trung và thay đổi quan hệ với Trung Quốc là một vấn đề phức tạp, nằm ngoài khả năng của một cá nhân, một cuộc hội thảo, của các tổ chức XHDS và nằm ngoài cả khả năng của ĐCS do những ràng buộc và nợ nần hiện tại. Cần phải có những giải pháp chính trị từ những tổ chức chính trị chuyên nghiệp.

Trên đây là những gì mình thu hoạch được sau buổi hội thảo, mong mọi người chỉ giáo!

(FB. Lã Việt Dũng)

1 nhận xét:

  1. người Việt già đau khổlúc 04:33 8 tháng 6, 2014

    Từ khi có đảng thì csvn đã dựa vào LX và TQ để làm "cách mạng VN" nhưng nhằm phục vụ cho quốc tế cọng sản .Khi cọng sản LX sắp sụp đổ thì csvn xin dựa vào "anh cọng sản Tàu" từ Hội Nghị Thành Đô năm 1990 . Phải dựa vào người khác là sự chấp nhận thế yếu và đương nhiên có những cụ thể "yếu" trong hợp đồng "xin dựa" .Nay bàn thoát Trung,tức thoát chổ dựa khi đang vẫn còn yếu là một việc bất khả thi .Việc làm này chỉ mang tính "đánh phấn" cho khuôn mặt rổ toàn diện của chế độ nên nhẹ nhàng bàn 1/2 mà thôi .Chắc chắn csvn sẽ chấp nhận thêm điều kiện với TQ nhưng không dám thoát Trung -vì sợ mất nhiều thứ lắm .Nhưng dù sao cũng nên tin có điều kỳ diệu như việc LX sụp đổ năm 1991 vậy .

    Trả lờiXóa