Pages

Thứ Hai, 30 tháng 6, 2014

Đỗ Thị Minh Hạnh: Tôi may mắn khi được ở tù

VRNs (01.07.2014) – Sài Gòn – Cô Đỗ Thị Minh Hạnh đã được thả tự do cách đây hai ngày, vào lúc 18 giờ tối ngày 28.06.2014. Chia sẻ niềm vui với Truyền thông Chúa Cứu Thế cô Minh Hạnh quả quyết cô sẽ không bao giờ từ bỏ con đường cô đã chọn và cô cảm thấy may mắn khi cô được đi tù.
Cô Minh Hạnh chia sẻ niềm vui: “Minh Hạnh cảm thấy vui, phấn khởi trong lòng, cũng như được gặp gỡ gia đình, các anh chị em và các chiến hữu đã từng cộng tác với Minh Hạnh trong thời gian tôi chưa bị bắt. Cảm xúc rất là nhiều được pha trộn với niềm vui, nỗi buồn, nỗi đau thương và niềm hạnh phúc. Hạnh phúc vì được nhìn thấy ba với mẹ, anh em, những người chiến hữu và kể cả những người mà tôi chưa bao giờ từng gặp – nhưng là những người đấu tranh một cách ngoan cường. Và hiện nay, được nhìn thấy tầng lớp trẻ đấu tranh một cách mạnh mẽ và ngoan cường hơn. Bên cạnh đó, còn có những nỗi khuất tất trong lòng, đó là nỗi đau khi suy nghĩ về hai người bạn của tôi vẫn còn chịu cảnh tù đày. Đặc biệt là chị Mai Thị Dung đang phải chịu cơn đau bệnh tật, không đi được, phải dìu đi và cần người chăm sóc cho việc đi vệ sinh… và đang yếu dần trong nhà tù. Đó là điều Minh Hạnh cảm thấy và mong sao một ngày nào đó họ sẽ được như Minh Hạnh.”

Sau khi cô Minh Hạnh được thả tự do, thì ngay sau đó, những người yêu mến cô đã đến tận tư gia ở huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng đến chia vui với cô và gia đình. Điều này làm cho cô rất ngạc nhiên và xúc động:
“Minh Hạnh rất bất ngờ. Trong đầu tôi nghĩ, lúc về nhà sẽ được gặp ba mẹ, chứ không được gặp nhiều người như vậy. Thật sự, đây là một sự thay đổi quá lớn mà tôi chưa bao giờ thấy trong thời gian trước khi tôi vào tù. Bạn bè có thể đến thăm như thế này, nhưng trước đây không bao giờ có được, vì muốn thăm các nhà đấu tranh dân chủ thì vô cùng khó khăn. Mà hôm nay, tôi hạnh phúc quá, có nghĩa là đất nước mình đang dần dần tiến lên, đang dần dần thay đổi để có bộ mặt xã hội tốt đẹp hơn, và có nhiều thanh niên hơn để đấu tranh chống lại cái ác. Đây là điều tôi cảm thấy vô cùng vô cùng vui mừng. Chính điều này làm cho tôi có một động lực vô cùng mạnh. Đặc biệt là có sự xuất hiện của hai bạn trẻ tên là Dung và Tuấn – là những giới trẻ đã đến thăm tôi. Trước đây, tôi chưa biết hai em, nhưng khi tôi gặp hai em thì hai em đã truyền cho tôi một sức mạnh vô cùng lớn. Từ lý luận và tinh thần của hai em làm cho tôi cảm thấy tự hào vô cùng về giới trẻ VN hiện nay. Thực sự không biết nói thế nào, nhưng hai em đã làm cho tôi cảm thấy cảm động và vững tin, rồi đây đất nước mình sẽ thay đổi và tôi sẽ ngoan cường, mạnh mẽ hơn trên con đường tôi đã lựa chọn.”
Trong suốt thời gian bị giam cầm, cô Minh Hạnh nhấn mạnh về việc các quản giáo và cán bộ trại giam luôn sử dụng các chiêu trò “tù trị tù”, “tù đánh tù”, “tù xử tù” để đánh đập cô. Cô Minh Hạnh khẳng định:
140701001
“Thực sự nói về vấn đề này thì rất là nhiều. Mất rất nhiều thời gian để kể. Nhưng tôi có thể tóm lược lại là, tôi đã bị nhà cầm quyền cs VN sử dụng biện pháp “tù trị tù”, “tù đánh tù”, “tù xử tù” và tôi đã phải chịu những trận đánh hội đồng của những chị em tù nhân do bị kích động từ phía cán bộ. Còn chi tiết như thế nào, thì chắc chắn tôi, sẽ phơi bày sự thật trước công luận để cho các anh chị em biết bộ mặt thật của họ như thế nào.
Tôi là một người thân cô thế cô, thân hình nhỏ nhắn nữa… thì làm sao mà tôi có thể chống lại một lực lượng đông người đánh tôi như vậy, tuy nhiên sức mạnh tinh thần sẽ vượt qua tất cả. Tôi vẫn đứng hiên ngang đứng trước đám đông đó, những con người tàn ác đó và la to lên… [tôi] cảm thấy xấu hổ, nhục nhã vì những hành động đê hèn và bỉ ổi nhất mà cộng sản đã sử dụng để đối đãi với một con người chân yếu tay mềm như tôi. Tôi đã hét lên đả đảo cs vì những gì họ làm với tôi, tôi cảm thấy kinh tởm với cách hành xử của họ đối với tôi. Tôi là một nhân chứng sống. Không chỉ riêng tôi đâu, sau này, tôi sẽ kể một vài trường hợp khác mà còn kinh khủng hơn cả tôi nữa.”
Dù bị ngược đãi, bị đối xử bất công trong trại giam nhưng Cô Minh Hạnh vẫn cảm thấy may mắn khi được ở tù vì nơi đó đã tôi luyện cô thành một con người kiên cường và mạnh mẽ hơn. Cô Minh Hạnh bày tỏ:
“Tôi muốn truyền đạt lại với giới trẻ rằng, nếu các em muốn đấu tranh thì các em không nên sợ tù đày. Khi cuộc đời tôi bước vào nhà tù thì tôi cảm thấy tôi được may mắn khi được ở tù. Tại sao? Bởi vì khi đó mình sẽ thấy rõ bộ mặt thật của họ hơn, và càng hiểu rõ mình còn thiếu sót những cái gì, mình đã đánh mất những cái gì, mình đã bỏ lỡ những cái gì và mình sẽ không để điều đó sẽ xảy ra khi mình ra khỏi nhà tù. Trong cuộc sống [của trại giam] tôi học được tính kiên cường, mạnh mẽ nhiều hơn, làm cho con người cảm thấy quật cường nhiều hơn. Bên cạnh đó, tôi cũng cảm thấy rất là sợ? Sợ, tại sao? Bởi vì, ở trong trại giam quá lâu thì sợ mình sẽ ngu dốt do thiếu kiến thức về xã hội, cũng như tôi hoàn toàn không có những thông tin bên ngoài. Tôi không được mang những cuốn sách để đọc hay những cuốn tập, viết vào trại giam Xuân Lộc nên tôi không được học hành ở đó – mà tôi rất khao khát được học. Tuy nhiên ở trại giam Thủ Đức và Thanh Xuân thì tôi tìm được một số cuốn sách và tự học trong nhà tù.”
Cô Minh Hạnh hy vọng vào giới trẻ sẽ thay đổi vận mệnh đất nước và cô quả quyết cô sẽ không bao giờ từ bỏ con đường cô đã chọn:
“Tôi chỉ biết cám ơn các tổ chức, các đoàn thể, các cơ quan ngôn luận, cá nhân trong và ngoài nước, cũng như các chính phủ đã luôn luôn sát cánh ủng hộ tôi trong suốt thời gian qua. Tôi vừa mới ra khỏi trại giam, nên còn nhiều cái sơ xót, tôi mong rằng tất cả các quý vị thông cảm và hiểu cho tôi. Tôi sẽ cố gắng sắp xếp để có những cuộc trình bày về vấn nạn trong tù cs như thế nào. Tôi hy vọng rằng, giới trẻ VN càng lúc càng đông đảo hơn để đấu tranh cho dân tộc VN. Sức mạnh tinh thần càng lúc càng phát triển và vững mạnh hơn. Hy vọng đất nước VN sớm có một ngày tương lai thật sự sáng chói và ánh sáng chiếu trên quê hương đất nước chúng ta. Và, tất nhiên, con đường tôi đã lựa chọn thì sẽ không bao giờ thay đổi cho đến hơi thở cuối cùng.”
Về tình hình sức khỏe, cô Minh Hạnh cho biết:
“Hiện nay, tôi rất là mệt, do đi một chuyến đường xa và tôi bị say xe. Công an áp tải tôi về tận nhà bằng ô tô. Trong mấy ngày vừa qua, tôi ngủ rất ít… Hiện tại, gia đình tôi rất lo lắng cho bệnh tình của tôi khi tôi có hai cái nang ở ngực. Trước đây, chỉ có một cái nhưng đi khám lần hai thì xuất hiện thêm một cái nữa. Theo bác sĩ ở bệnh viện Hà Đông Hà Nội cho biết, hai cái nang này còn nhỏ, nằm trên dây thần kinh gây ra đau rát chứ không gây ra ung thư, cho nên họ nói tôi cứ yên tâm. Tôi chỉ nghe bác sĩ nói vậy thôi nhưng tình trạng đau rát vẫn diễn ra. Gia đình tôi có nói rằng, bây giờ, phải đi kiểm tra, vì gia đình lo lắng tôi có bị ung thư ngực hay không. Tôi hy vọng tôi không bị ung thư và đúng như những gì bác sỹ ở bệnh viện Hà Đông đã khám. Vài ngày nữa, gia đình sẽ đưa tôi đi khám bệnh. Nếu những cái nang đó không gây ra ung thư thì đó là một niềm vui vô cùng lớn đối với tôi. Còn nếu có một bệnh lý gì đó thì mình sẽ kịp thời chữa trị.”
Cô Đỗ Thị Minh Hạnh cùng với hai người bạn của cô là Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đoàn Huy Chương đã tranh đấu cho quyền lao động của công nhân, giúp các công nhân tổ chức đình công. Tổ chức Lao Động Việt ghi nhận: “Ngày 28-30.01.2010, có 10.000 công nhân công ty giày Mỹ Phong đình công để chống bóc lột và phản đối đốc công người Hoa lăng mạ các nữ công nhân Việt.
Tháng 02.2010, Chương-Hùng-Hạnh bị bắt. Vào tháng 03.2011, Cô Minh Hạnh bị kết án 7 năm tù giam với tội danh “phá rối an ninh trật tự nhằm chống lại chính quyền nhân dân” theo điều 89 Bộ Luật Hình Sự của Việt Nam. Còn bạn cô là Huy Chương bị tuyên án 7 năm tù giam và Quốc Hùng bị tuyên 9 năm tù giam.
Được biết, Bộ công an đã áp giải cô Đỗ Thị Minh Hạnh từ nhà tù Thanh Xuân (Hà Nội) đi vào khuya hôm 26.06. Xe công an chở cô Minh Hạnh về đến Lâm Đồng vào chiều ngày 28.06. Tại nhà ông Tỵ, công an lập biên bản yêu cầu gia đình xác nhận rằng Đỗ Thị Minh Hạnh vẫn khỏe mạnh, tuy nhiên gia đình cô đã từ chối ký tên vào biên bản này.
Tổ chức bảo vệ nhân quyền cho biết, hai đồng nghiệp khác của cô Hạnh là Đoàn Huy Chương và Nguyễn Đoàn Quốc Hưng vẫn chưa được trả tự do, và do vậy nỗ lực đấu tranh của các tổ chức nhân quyền quốc tế và quốc nội tuy đã có kết quả, nhưng không thể dừng lại ở đây. Ngoài những người bị giam giữ vì hoạt động cho công nhân, còn có rất nhiều người dân Việt Nam bị kết án bởi những điều luật vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế.
Huyền Trang, VRNs

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét