Pages

Thứ Ba, 24 tháng 6, 2014

Đoan Trang - Thư gửi một nhân viên an ninh (2)

Những người đi biểu tình ở Hà Nội, không biết có để ý đến ngày 5/8/2012? Đó là ngày đầu tiên lực lượng “chống phản động” (bao gồm cả an ninh, công an và dân phòng) có sáng kiến bắt người biểu tình, gom về trại lưu trú, tức trung tâm phục hồi nhân phẩm Lộc Hà, ngoại thành Hà Nội.

Riêng tôi, tôi rất nhớ 5/8/2012 là một ngày hè nóng bức, nắng vàng ong ong và mọi người – cả công an lẫn người bị bắt, lẫn những người đứng chờ ngoài cổng trại – đều nhễ nhại mồ hôi. Và tôi rất nhớ ánh mắt mệt mỏi của một anh công an trẻ, ngồi ở một góc phòng hỏi cung, trong lúc “đám biểu tình” đang bị “làm việc” đồng loạt. Khi buổi thẩm vấn tập thể kết thúc, căn phòng trở lại yên ắng. Nắng chiều đổ vào chỗ anh ta ngồi, nóng gay gắt. Anh bỏ mũ xuống cái bàn trước mặt, gục xuống một lúc rồi lại ngồi thẳng lên, ngáp dài, đôi mắt đỏ ngầu thiếu ngủ.

- Anh có mệt lắm không? – Tôi hỏi.

- Mệt mỏi lắm chị Trang ơi! Đấy chị xem, tuần nào cũng thế này. Tuần nào mấy người cũng đi biểu tình. Mà có thấy thằng Trung Quốc nào đâu cơ chứ…

Tôi cũng chỉ biết mỉm cười. Thật khó nói để anh hiểu, rằng việc người dân biểu tình ôn hòa chống những hành vi gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông là việc làm tốt, thể hiện lòng yêu nước, chính kiến của người dân, hình thành một mặt trận ngoại giao nhân dân, cùng với nhà nước bảo vệ chủ quyền quốc gia. Ngay kể cả nó không có mục đích ấy, hoặc không đạt được mục đích ấy đi chăng nữa, thì biểu tình, tự do tập hợp và biểu đạt chính kiến, vẫn là quyền tự do căn bản của công dân; và nhiệm vụ của lực lượng công an là phải bảo vệ biểu tình chứ không phải là đánh đập, bắt bớ người biểu tình, rồi còn có các biện pháp “đánh nguội” sau đó như đe dọa, miệt thị, bôi nhọ họ trên truyền thông.

Nhưng, nói sao anh hiểu? Suy cho cùng, quyền tự do biểu đạt, quyền tham gia chính trị, v.v. của người dân là những khái niệm hoàn toàn xa lạ với anh và những công an viên như anh. Còn trước mắt là chuyện tuần nào anh cũng phải ra đường bêu nắng, chụp bắt và sau đó “làm việc” với những người mà cấp trên của anh (đại diện cho “Nhà nước”) luôn bảo là phản động, là Việt Tân trá hình, lợi dụng lòng yêu nước để gây rối trật tự công cộng và chống phá chế độ.

“Tuần nào cũng thế này!”. Nghĩa là chủ nhật tuần nào, anh cũng phải bỏ vợ con, gia đình ở nhà, lếch thếch ra đường đấu tranh với “bọn biểu tình”, trong cái nóng nực, trong sự mệt mỏi và thiếu ngủ. Rồi phải bắt chúng lên xe buýt, đưa về đồn hoặc về trại phục hồi nhân phẩm, nghe chúng chửi mắng, rồi cũng không quyết định được gì cả, hơi một tí lại phải gọi điện báo cáo, chờ cấp trên cho chỉ thị…

Nghĩ như vậy, làm sao không thấy thương anh?



Nếu là người yêu nước đi biểu tình mà bị đối xử thế này, bạn có ôn hòa được không?

Truyền thống của ngành an ninh

Nhưng thành thực mà nói, lực lượng an ninh-công an Việt Nam có một đặc điểm kỳ lạ, là: Đối với họ, không hiểu sao, có muốn thương cũng không được.

Từ lâu nay ở Việt Nam, vẫn có một lực lượng đông đảo những người mà tôi gọi là “thành phần thứ ba” hay “các nhà bất mãn với các nhà dân chủ”. Đó là những người hiểu về các giá trị của dân chủ, hiểu rằng chính thể hiện nay của Việt Nam là một chính quyền tồi tệ, được lãnh đạo bởi một đảng độc tài tồi tệ. Nhưng họ hoàn toàn ngờ vực, không tin, thậm chí ghét bỏ những người đấu tranh cho dân chủ hay nói chung là “phong trào đối lập”, vì thấy phe đối lập có quá nhiều điều bất ổn. Một trong những điểm bất ổn là sự đối đầu gay gắt với lực lượng bảo vệ chế độ và bạ ai, bạ cái gì cũng chửi; ví dụ, gọi công an là “chó”, “lợn”, gọi đảng cộng sản là “bọn bán nước”, “tay sai Bắc Kinh”, v.v.

Nhưng có một điều khổ tâm cho phe đối lập, mà “các nhà bất mãn với các nhà dân chủ” không hiểu cho: Ấy là, với lực lượng an ninh, thật sự có muốn thương yêu, muốn nghĩ tốt về họ, muốn ôn hòa với họ, cũng rất khó. Xin lưu ý là điều này đặc biệt đúng với những cán bộ an ninh cấp cao, những đồng chí ngồi ở vị trí lãnh đạo và/hoặc tham mưu cho lãnh đạo. Chứ còn những người đã phải ra đường trực tiếp “đấu tranh với bọn phản động” thì là cấp thấp rồi, không hẳn đại diện cho bộ mặt của an ninh Việt Nam.

Dẫu ta có ôn hòa, lịch thiệp với họ, thì cũng chỉ được vài câu là lại thấy cái đặc thù công an Việt Nam ở họ bộc lộ: Lại là giọng khiêu khích, mỉa mai, châm chọc, kiểu: “Thế nào, đi biểu tình được bao nhiêu tiền”, “Bây giờ cho ra Hoàng Sa chiến đấu bảo vệ đất nước nhé”, “Được giải nhân quyền vui chứ hả, anh em bạn bè chúc mừng chưa”… Lại là giọng răn dạy, “định hướng”, tóm lại là muốn “quản lý” dân, coi dân như lũ ngu, không có thông tin, chẳng biết gì, chứ không thèm đối thoại, càng không cần nghe. Lại là giọng nói xấu, “dìm hàng”, bôi nhọ người thứ ba (vắng mặt):

- Lúc bắt đầu biểu tình, thấy H. hô hào to lắm. Đến lúc thấy công an đến, H. lại chạy ra một chỗ khuất giả vờ gọi điện thoại, hí hí… Bỏ mặc anh em, hí hí…

- Tay T. đó bọn tôi lạ gì. Trình độ văn hóa lớp 3, chữ không đầy cái lá mít mà viết lách gì.

- Bà đó làm ăn thua lỗ, mất tiền, sinh ra điên điên dở dở thế rồi đi biểu tình, rồi được bọn trên mạng nó bơm lên thôi. Khổ…

Trong mắt họ, đặc biệt là các cán bộ của ngành an ninh, dường như ngoài lãnh đạo Đảng, lãnh đạo ngành ra, chẳng còn ai là người tốt, phàm là dân thì ai cũng xấu xa, nhất là “phản động” thì còn xấu nữa. Người nào cũng bần tiện, lưu manh, ít hiểu biết, còn nếu có chút kiến thức hay bằng cấp thì lại là phường cơ hội, háo danh, hoặc hoang tưởng.

Nói về luật sư Trịnh Hội, người có bằng thạc sĩ luật nhân quyền ở ĐH Oxford, một tờ báo của ngành công an viết: “Đó là những danh xưng hão, nhiều kẻ học đòi nghe lớp lý lịch của Hội thì át vía chứ chẳng tài cán gì. Cái danh ấy có được chủ yếu cũng đến từ “ngoại” – như cái cách mà Hội làm ở hải ngoại, ấy là nấp dưới mác bố vợ Nguyễn Cao Kỳ, nguyên Phó Tổng thống ngụy”. Than ôi, họ tưởng Oxford cũng giống như trường đại học ở Việt Nam, có thể nhận “chỉ đạo” từ ông Nguyễn Cao Kỳ, gửi gắm con cái vào học hay sao? Họ tưởng các đại học ở phương Tây đều giống như ĐH Kiến trúc TP.HCM, nơi Ban Giám hiệu “giật mình” khi biết “có con trai của một cán bộ cao cấp Chính phủ học tập ở trường mình” ư?

Khi tôi viết những dòng này, tôi biết rằng nếu có đọc được, họ sẽ lại ngay lập tức bật cái cơ chế tự động nói xấu và bôi nhọ người khác trong não của họ lên, để bảo rằng “Đoan Trang viết bài bênh vực cho quan thầy Trịnh Hội, ông chủ của Trang ở Việt Tân”. Nói sao để họ hiểu?

Quen lối suy nghĩ xấu xa về người dân, về xã hội, làm sao họ tin được trên đời này, có những người đi biểu tình thực sự vì yêu nước? Có những người bỏ công việc trị giá vài nghìn USD mỗi tháng để dấn thân vào con đường xây dựng xã hội dân sự, tạo nền móng cho một nền dân chủ bền vững ở Việt Nam trong tương lai? Làm sao họ hiểu được xã hội dân sự thực chất là gì, nhân quyền là gì, tự do-dân chủ là gì?

Đã thành một thứ truyền thống của ngành, đó là: An ninh Việt Nam không bao giờ nghĩ được cái gì tốt đẹp. Không bao giờ.



Anh ấy du học ở một nước phương Tây.

Và anh ấy được báo chí quốc doanh ca ngợi là "đi lên bằng chính đôi chân mình".

Ai cần tình thương yêu?

Điều khủng khiếp mà tôi nhận ra trong quá trình cố gắng tìm hiểu lực lượng an ninh và thể chế chính trị ở Việt Nam hiện nay là: Chính quyền công an trị ở Việt Nam không cần người dân yêu thương họ, mà thật ra cũng không cần người dân thương yêu ai cả. Đối với chính quyền, tốt nhất là dân chúng Việt Nam đừng yêu thương ai/cái gì hết, kể cả yêu Đảng Cộng sản, bởi vì yêu Đảng rồi lại ý kiến ý cò, đòi Đảng phải cải cách, phải đổi mới, phải làm cái nọ cái kia để xứng đáng với tình yêu ấy, phức tạp lắm, mệt lắm.

Bản thân lực lượng an ninh cũng có nhiệm vụ khiêu khích, chọc ngoáy, cốt làm sao cho các gương mặt đối lập “nổi điên” lên, phản ứng lại, mà tất nhiên là chẳng làm gì được, rồi thành ra ức chế, bí bức và rốt cục là sống trong thù hằn. Nói cách khác, chính quyền chỉ sợ các nhà đấu tranh trở thành những nhân cách lớn, tràn đầy tình yêu thương, cao thượng, thu hút quần chúng; chứ sợ gì những kẻ hằn học, bất mãn, thất bại.

Dân ghét Đảng ư? Tốt, không cần dân yêu, chỉ cần nghe lời – tức là chấp hành tốt chủ trương chính sách của Đảng – là được.

Dân ghét “phong trào dân chủ”, “lực lượng đối lập” ư? Quá tốt.

Dân ghét nhau ư? Càng tốt, để khỏi “chung tay xây dựng xã hội dân sự”, khỏi thành lập những “No-U xóa đường lưỡi bò, bảo vệ Tổ quốc”, “Cơm có thịt”, “Hội bầu bí tương thân”, v.v.

Cái khó đối với chúng ta bây giờ, là phải làm gì trong một xã hội có một chính quyền và một lực lượng an ninh chỉ chăm chăm gieo rắc những suy nghĩ xấu xa và lòng thù hận như thế? Mà chúng ta thì không phải là thánh để có thể đem yêu thương đối đãi hận thù…

Bài liên quan: Thư gửi một nhân viên an ninh
 
Đoan Trang
 
(Blog Đoan Trang) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét