Pages

Thứ Bảy, 14 tháng 6, 2014

Quốc doanh gạo Việt Nam 'lại quả' cho bộ trưởng Philippines $24 triệu

Báo Phi Luật Tân nói rằng bộ trưởng Canh Nông của nước này đã “đi đêm” với công ty xuất khẩu gạo quốc doanh của Việt Nam để hưởng “lại quả” 24 triệu đô.

Báo điện tử Oryza hôm Thứ Năm, 12 tháng 6, 2014 nói bộ trưởng Canh Nông Phi Luật Tân, Proceso J. Alcala, 59 tuổi, bị cáo buộc đã “đi đêm” với Công Ty Vinafood 2 (tức tổng công ty lương thực miền Nam) hồi tháng 4 vừa qua. Có bàn tay của ông bộ trưởng trong vấn đề mua 800,000 tấn gạo tỉ lệ 15% tấm được thỏa thuận giao hàng từ tháng 5 đến tháng 8 năm nay.




Gạo đóng bao xuống tàu xuất cảng. (Hình: BizLive)

Nguồn tin dựa vào lời tố cáo của Hiệp Hội Bán Hàng Nội Thị của thành phố Manila (MMVA), cơ quan bảo vệ giới tiêu thụ đã thẩm vấn ông bộ trưởng Alcala về sự tố cáo ông dính vào vụ thương thuyết mua gạo của Việt Nam. MMVA cáo buộc bộ trưởng Alcala và cựu cục trưởng Cục Lương Thực Quốc Gia (NFA) của Phi đã đàm phán để có “một hợp đồng mà họ được trả số tiền lại quả rất lớn.”

Bản tố cáo nói giá cước vận chuyển mỗi tấn gạo mua của Việt Nam lên tới 54 đô la một tấn trong khi thông thường chỉ có 24 đô la, tức quá giá tới 30 đô la. Như vậy, cả hai ông quan nói trên đã ẵm của nhà nước khoảng 24 triệu đô la. Cuộc đàm phán diễn ra hồi tháng 4 tức là lúc Việt Nam đang thu hoạch đại trà vụ mùa đông xuân với giá gạo và giá biểu cước vận chuyển cao hơn bình thường là “vô lý.”

Không những bị tố cáo vụ mua gạo năm nay, ông bộ trưởng Canh Nông của Phi Luật Tân còn bị tố cáo liên quan đến nhập cảng 205,700 tấn gạo hồi tháng 5 năm 2013 từ Việt Nam mà theo đó, giá gạo cao hơn bình thường đã giúp ông tham nhũng lối 10.4 triệu đô la.

Trước khi có tin nói trên xì ra, đầu tháng này, báo Ðất Việt nói rằng đại diện của tổng công ty lương thực miền Bắc (Vinafood 1) và tổng công ty lương thực miền Nam (Vinafood 2) cử người sang Manila điều đình lại hợp đồng cung cấp 800,000 tấn gạo nói trên, với lý do vừa bán gạo quá rẻ lại còn bị ràng buộc nhiều điều kiện phạt “không có tiền lệ” từ thời hạn giao hàng chặt chẽ đến phẩm chất gạo nếu không đúng tiêu chuẩn từ tấm đến cám.

Theo ràng buộc của hợp đồng, khi giao hàng cho NFA, nếu tỷ lệ tấm nhiều hơn 1% (mức quy định trong hợp đồng) Vinafood 1 và 2 sẽ bị phạt 3 đô la Mỹ/tấn, lố 2% sẽ bị phạt 6 đô la Mỹ/tấn và nhiều hơn 10% thì sẽ bị phạt 30 đô la Mỹ/tấn. Ðã vậy “bán 800,000 tấn gạo với giá quá bèo, làm mất đi khoản tiền khổng lồ, ước lên tới 23.2 triệu USD,” báo Ðất Việt tường thuật.

Một trong những khó khăn hai đại gia xuất khẩu gạo quốc doanh gặp phải là ký hợp đồng bán gạo rẻ rồi cho giá thu mua rẻ, ép thương lái. Theo dây chuyền, các công ty thu mua gạo nội địa ép lại giá nông dân. Kịch bản “trúng mùa rớt giá” diễn đi diễn lại hàng năm làm giới nông dân “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nghèo đói và ngập đầu trong nợ nần. Theo báo Ðất Việt, một số công ty trung gian thu mua gạo đã đòi hủy “hợp đồng ủy thác” đã ký với Vinafood 2 vì bị đẩy vào thế chết kẹt ở giữa.

Khi NFA của Phi ký hợp đồng mua 800,000 tấn gạo của Việt Nam, tin của TTXVN lúc đó nói rằng giá bán gạo cho Phi thời gian đó là giá bỏ thầu thấp nhất trong số những nước muốn bán gạo cho Manila. Tính đến đầu tháng 5 năm nay, Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn nói Việt Nam đã xuất cảng được 2.04 triệu tấn gạo, thu hồi 931 triệu USD. Ước lượng Việt Nam sẽ xuất cảng lối 7.3 triệu tấn gạo năm nay, nhiều hơn năm ngoái khoảng 9%.

(Người Việt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét